Vạ miệng

Thứ Năm, 03/09/2020, 14:51
Vài tuần trước, một làn sóng phản ứng rất mạnh mẽ trên mạng xã hội đã nổ ra sau khi đoạn trích video clip một biên tập viên của một kênh truyền hình lớn đã dùng ngôn ngữ rất thiếu chuẩn xác khi gọi những người bán hàng rong là "ký sinh trùng".


Lãnh đạo kênh và chính bản thân biên tập viên này đã phải đăng đàn chính thức xin lỗi khán giả. Cơn giận cũng nguôi ngoai dần, đặc biệt là khi nhiều thông tin nóng hổi khác đã cuốn cộng đồng vào những quan tâm khác.

Nhưng chưa được bao lâu, vào hôm 28-8, cũng trên kênh truyền hình kể trên, một biên tập viên thể thao quốc tế của họ có tên Q.V lại tiếp tục mắc lỗi tương tự. Khi đưa bản tin và bình luận về sự kiện siêu sao Messi có thể rời CLB Barcelona, biên tập viên này hồn nhiên nói về 1 trong những điểm đến khả thi của Messi là CLB Juventus bằng ngôn ngữ "CLB có màu áo thi đấu của tù nhân".

Cái câu nói vui "khoác áo đội Juventus" vốn dĩ đã được sử dụng thông tục như một cách nói lóng về việc ai đó phải chịu án tù. Cách nói này có thể được chấp nhận ở hè phố, trên mạng xã hội nhưng trong các phát ngôn chính thống trên truyền thông, các tác phẩm báo chí nghiêm túc, nó không thể được chấp nhận. Và chính các CĐV của Juventus ở Việt Nam cũng đã có phản ứng mạnh mẽ với BTV Q.V. Khán giả không thuộc diện hâm mộ thể thao cũng bắt đầu lên tiếng.

Có nhiều người cho rằng đây là một dạng vạ miệng trên sóng truyền hình và chúng ta hoàn toàn có thể đồng ý với đánh giá ấy. Nhưng nguyên nhân từ đâu dẫn tới cái vạ miệng này mới là thứ cần mổ xẻ. 

Vạ miệng mà ở rất nhiều kênh truyền hình khác, nhiều chương trình TV Show khác, tràn lan. Ở một TV show đang "hot" hiện nay và được phát sóng trên một kênh truyền hình phía Nam, tập đầu người dẫn chương trình chĩa xuống khán giả tại sân khấu cao giọng hỏi "đứa nào, đứa nào mới nói" bất chấp trong khán giả có cả phụ huynh của thí sinh dự thi. 

Ở tập kế tiếp, anh ta lần nữa đay lại cái tên của… người yêu cũ vợ mình, vốn cũng là một nhân vật nổi tiếng showbiz, để làm trò. Đó là còn chưa kể đến cách dùng từ một cách bừa bãi khi khen một cậu bé về chuyện "đập heo đất lấy tiền đi chơi game" là "nhân văn". Chẳng hiểu, cái "nhân văn" trong đầu anh ta là gì nhưng cách nói và hành vi của anh ta khi cố ý xoáy vào người yêu cũ của vợ mình dù người đó đã yên bề gia thất thì rõ ràng là thiếu nhân văn rồi.

Vạ miệng kể trên, phát xuất từ cái tự mãn đến chủ quan, cái ỷ lại vị thế đến mức xem thường tất cả, bất chấp tất cả của những người "có đặc quyền lên sóng truyền hình", không coi khán giả ra gì. Cái cách trả lời chất vấn của khán giả của biên tập viên Q.V trên mạng xã hội đủ cho thấy điều đó. "Các bạn có quyền không thích thì không xem" là câu nói lý sự cùn bậc nhất của những người lẽ ra phải tỏ thái độ cầu thị khi bị phê phán vì vạ miệng.

Làm nghề "nói" không ai không mắc lỗi, mắc tai nạn ít nhất một lần. Nhưng đối diện cái lỗi và cái tai nạn kia bằng thái độ thế nào mới có thể tạo ra một người làm nghề chân chính.

Và họ cần nhớ rằng, nhiều kênh truyền hình là miễn phí thật nhưng để được xem với độ nét HD, khán giả phải bỏ tiền ra để mua. Khi khán giả phải mua để được xem thứ đẹp hơn, tất nhiên, họ có quyền đòi hỏi chất lượng nội dung tốt hơn.

Văn Đoàn
.
.