"Thảm họa MC" không chỉ là vạ miệng!

Thứ Tư, 06/11/2013, 08:31

Sau những "thảm họa" điện ảnh, âm nhạc, thời trang... gần đây dư luận lại nổi sóng với "thảm họa MC". Sự việc lên đến đỉnh điểm bởi sự cố MC Yumi trong liveshow Giọng hát Việt tối 13-10 và cuộc cãi vã kịch liệt giữa MC Trấn Thành và Thanh Thảo xung quanh cách dẫn của Trấn Thành trong chương trình "Người dẫn chương trình 2013". Qua sự cố ở hai chương trình truyền hình trực tiếp này, người ta mới giật mình trước những "lỗ hổng chết người" đang tồn tại trong đội ngũ người dẫn chương trình truyền hình lâu nay.

1. Đã đến lúc cần phải thay đổi quan niệm về nghề. Thanh - sắc không còn là "vũ khí" độc tôn của những người làm cầu nối giữa sự kiện với khán giả. Bản lĩnh, nhãn quan chính trị, phông văn hóa, đạo đức, vốn kiến thức chuyên ngành, kỹ năng ứng xử… hàng loạt vấn đề đã và đang đặt ra đối với cái nghề đầy hấp lực và cũng đầy nghiệt ngã này.

Ai cũng biết, người dẫn chương trình đóng vai trò quan trọng thế nào đối với sự thành bại của một chương trình. Tuy nhiên, trên thực tế, để tạo sức hút cho chương trình, những người tổ chức bao giờ cũng nhắm đến những tên tuổi đang "hot" trong giới giải trí. Đại diện một công ty tổ chức sự kiện cho biết, bất cứ chương trình nào họ cũng phải cố mời cho được những ngôi sao ca nhạc hoặc người mẫu, diễn viên dẫn chương trình. Đó còn là yếu tố quan trọng để thu hút quảng cáo vì mục đích thương mại. Họ mời những MC "tay ngang" này, không đoái hoài đến việc những ngôi sao đó có khả năng làm MC và phù hợp với chương trình hay không. Là gương mặt dẫn chương trình quen thuộc của HTV, MC Phương Thảo cho rằng bên cạnh những nghệ sĩ có khả năng thực sự, nhiều nghệ sĩ đã bị đưa cho "cái áo" quá rộng nên mới dẫn đến sự cố vạ miệng hoặc cách dẫn phản cảm.

Mỗi MC lại chỉ phù hợp với một vài thể loại chương trình nhất định, dù đó là MC "tay ngang" hay MC chuyên nghiệp. Họ không thể là "con dao pha" để có thể phát đâu cũng được. MC Trấn Thành là một ví dụ. Vốn xuất thân là một diễn viên hài, Trấn Thành rất có duyên trong khi dẫn các chương trình giải trí, và thường là các chương trình được ghi hình rồi phát lại nên "sạn" đã được nhặt hết. Nhưng khi trao cho anh vị trí người dẫn chương trình trực tiếp đêm chung kết cuộc thi "Người dẫn chương trình 2013", MC được cho là đắt show nhất của Việt Nam đã làm tầm thường hóa (nếu không muốn nói là tầm phào) một chương trình có uy tín, nghiêm túc của HTV. Trấn Thành đã bốc đồng thái quá, sử dụng những câu bông đùa vốn chỉ phù hợp để nói trên… bàn nhậu. Sau nhận xét của giám khảo Quyền Linh về phần thi của hai thí sinh Đức Bảo và Hoàng Oanh: "Rút kinh nghiệm nếu thi lần hai", Trấn Thành "đốp" luôn: "Nếu nói lần hai là rớt rồi, anh chúc hay quá". Những câu bông đùa không đúng lúc, đúng chỗ của Trấn Thành đã làm các giám khảo lắc đầu ngán ngẩm.

Lỗi ở Trấn Thành một phần, nhưng lỗi căn bản là ban tổ chức đã sai khi "chọn mặt gửi vàng". Bản thân cũng là một diễn viên hài như Trấn Thành, nhưng Minh Béo chỉ chọn những chương trình mang tính chất hài hước, bình dân chứ không phải "đụng" đâu cũng nhận. Sở dĩ Minh Béo được mời dẫn dắt chương trình "Lục lạc vàng" - một chương trình từ thiện xã hội với bà con nông dân nghèo - vì anh được biết đến là một nghệ sĩ rất năng nổ với công tác từ thiện, thường xuyên có những chuyến đi mang lại nụ cười cho người dân bất hạnh. Từ vốn kiến thức thực tế, kinh nghiệm sống của mình, cách dẫn của Minh Béo trong chương trình này được khán giả yêu thích bởi sự chân thành, xúc động. "Với những chương trình chính trị xã hội, nghiêm trang, tôi không làm, vì nó không hợp với khả năng và phong cách của tôi" - Anh nói.

Trung tá, nhà báo Phan Tùng Sơn (Báo Quân đội nhân dân) là một gương mặt MC quen thuộc của các chương trình truyền hình trực tiếp liên quan đến mảng đề tài quốc phòng, biển đảo… trên VTV, HTV. Dù không thuộc biên chế của "nhà đài", song Phan Tùng Sơn luôn xuất hiện đều đặn trên sóng truyền hình, nhất là những năm gần đây, đề tài về biển đảo được quan tâm đặc biệt. Có kiến thức sâu rộng về chính trị, quân sự, cộng với phong thái đĩnh đạc, tự tin và chất giọng truyền cảm, nhà báo Phan Tùng Sơn đã khẳng định vị trí xứng đáng của mình trong các chương trình truyền hình trực tiếp đòi hỏi cao ở sự chỉn chu về chính trị. "Tôi được nhiều nhà tổ chức mời dẫn cho các chương trình về sinh viên nhưng tôi không nhận lời, vì xét thấy mình không thể làm tốt ở mảng này được" - Anh tâm sự.  Như vậy, để tránh những "thảm họa MC", bên cạnh đòi hỏi nhà tổ chức chương trình phải biết sử dụng MC phù hợp, bản thân mỗi MC cần phải có lòng tự trọng nghề nghiệp, cần biết mình và phải có văn hóa từ chối khi chương trình không hợp với trình độ hiểu biết và phong cách của mình.

2. Là gương mặt kỳ cựu của Đài Truyền hình Việt Nam, MC Mộng Hoài thẳng thắn cho rằng: "Nhiều MC hiện nay thích thể hiện mình, tự tin thái quá, nhất là các bạn trẻ. Họ nghĩ rằng khi cầm micro đứng trên sân khấu là phải nói. Họ nói nhiều, nói thao thao bất tuyệt, cái miệng nhanh hơn cái đầu nên nhiều khi lời dẫn không có thông tin, nội dung trùng lặp, hời hợt, vô bổ và cả… vô nghĩa. MC non kiến thức về nội dung chương trình cũng là yếu tố dẫn đến "thảm họa". Đã thế nhiều người lại chủ quan, nghiên cứu kịch bản hời hợt dẫn đến những cái sai sơ đẳng khi sử dụng thuật ngữ chuyên môn".

Còn nhớ trong một chương trình truyền hình trực tiếp do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức, MC nam đã "thản nhiên" biến Viện Kiểm sát thành… "Viện Kiểm soát" liên tục hết lần này đến lần khác. Sự cố của nữ MC Yumi trong liveshow 3 "Giọng hát Việt" tối 13-10 vừa rồi là điều dễ hiểu do khâu đầu tư kịch bản vô cùng sơ sài. Sự có mặt của cô chủ yếu để trò chuyện tiếng Anh với quán quân The Voice Anh và phỏng vấn hậu trường. Yumi đã khiến công chúng bức xúc khi hồn nhiên hỏi các thí sinh đã vào nhóm an toàn cảm giác thế nào khi… rơi vào vòng đấu loại. Khi thí sinh Diễm Hương cho biết sẽ hát thật tốt để tặng mẹ thì cô nhanh nhảu: "Chúc chị biểu diễn thành công và chắc mẹ chị cũng đang ngồi trước tivi để theo dõi con gái" mà không biết mẹ thí sinh này đã mất.

MC Mộng Hoài nêu quan điểm: "MC cần 4 yếu tố: Chính xác, truyền cảm, linh hoạt, nhiệt tình. Chính xác để không nói sai, nói nhầm. Truyền cảm để hóa thân vào vai diễn của mình tốt nhất. Linh hoạt để xử lý những tình huống có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và nhiệt tình để đủ đam mê, yêu nghề và trụ vững với nghề. Tố chất nghệ sĩ của MC là hóa thân tốt vai diễn theo cách riêng, đầy sáng tạo của mình". Theo nhiều MC, khi hóa thân vào vai diễn trong chương trình, người làm MC phải đồng cảm với những gì mình nói nếu không họ sẽ như cái máy nói vô hồn, nói những câu theo quán tính như: "Chúc quý vị có một ngày vui vẻ"…

Nghề MC đang là nghề hấp dẫn không kém gì nghề ca sĩ, diễn viên, người mẫu. Làm MC nghĩa là bạn cũng có cơ hội thể hiện mình, tỏa sáng như một ngôi sao. Do vậy hằng năm các chương trình thi tuyển MC như "Người dẫn chương trình" của HTV, "Cầu vồng" của VTV6 ngày càng thu hút đông đảo thí sinh tham gia. Các lớp đào tạo MC ở các nhà văn hóa cũng khá rầm rộ. Tuy nhiên, theo MC Phương Thảo: "Đa số bạn trẻ ngày nay nghĩ chỉ cần có ngoại hình, có duyên ăn nói một chút là trở thành MC. Họ không biết rằng để trở thành một MC chuyên nghiệp cần có sự đam mê, liên tục khổ luyện và đầu tư kiến thức như thế nào". Nhà báo Phan Tùng Sơn thì cho rằng, muốn nói hay, thực sự thổi hồn vào chương trình, muốn tránh tối đa những lỗi có thể dẫn đến "thảm họa", đòi hỏi MC phải có tính kỷ luật. "Tính kỷ luật không phải là sự lệ thuộc cứng nhắc vào kịch bản, mà anh phải biết tiết chế cảm xúc trong những tình huống ngẫu phát, bình luận những vấn đề trong phạm vi hiểu biết của mình, tuyệt đối không được ngẫu hứng tùy tiện, trượt khỏi chủ đề chương trình".

Làm MC ví như "làm dâu trăm họ", buộc người cầm micro phải rèn luyện những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp, nhạy cảm chính trị... MC Mộng Hoài cho rằng khi dẫn các chương trình trực tiếp, MC khó lòng tránh khỏi những sự cố. Điều quan trọng là MC phải biết xin lỗi. Trường hợp Đại diện HTV và MC Lê Ngọc Minh gửi lời xin lỗi đến công chúng vì sự cố nhạy cảm là cách ứng xử văn minh nhưng quá hiếm hoi trong tình trạng "thảm họa MC" tràn lan hiện nay. Bởi khi bị dư luận chỉ trích, đa số MC lại quay sang cãi cố, số khác biết sai mười mươi nên chọn phương án "im lặng là vàng". Nhà tổ chức chương trình sau "thảm họa" cũng im hơi lặng tiếng. Đối với công chúng, một lời xin lỗi là cách xoa dịu, lấy lại thiện cảm của họ, phần nào cảm thông cho những sự cố đáng tiếc. Bởi như MC Mộng Hoài nói: "MC có thể mắc lỗi nhưng phải biết sửa lỗi kịp thời, phải nhận ra ngay tức khắc để điều chỉnh. Vì nhiều khi họ không có cơ hội cho lần sau để đính chính, để sửa sai"

P.T.U.
.
.