Từng bước thực hiện chuẩn mực văn hóa công vụ

Thứ Bảy, 22/06/2019, 08:28
Có một số ý kiến lăn tăn cho rằng, đội ngũ những người thực thi công vụ đều đã có luật định và các quy định trực tiếp của ngành, của đơn vị nên không cần thiết phải xây dựng Đề án Văn hóa công vụ. Suy nghĩ như thế hình như là chưa thấu đáo, bởi vì những điều luật bắt buộc mọi người đều phải chấp hành...


Nét đẹp của một nền công vụ đúng nghĩa

Nguyễn Thế Hùng

Ngày 27-1-2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ nhằm mục tiêu: Nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

Có một số ý kiến lăn tăn cho rằng, đội ngũ những người thực thi công vụ đều đã có luật định và các quy định trực tiếp của ngành, của đơn vị nên không cần thiết phải xây dựng Đề án Văn hóa công vụ. Suy nghĩ như thế hình như là chưa thấu đáo, bởi vì những điều luật bắt buộc mọi người đều phải chấp hành.

Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật đã là một nét văn hóa nhưng hình như vẫn chưa đủ, chưa nâng văn hóa lên một cái tầm mới, tầm cao, đó là văn hóa phục vụ, văn hóa công vụ. Pháp luật chắc chắn sẽ không thể bao trùm hết được tất cả mọi cử chỉ, hành vi, lời nói, tác phong, trang phục… của người thực thi công vụ. Khi người ta chấp hành luật, thường là bị bắt buộc phải chấp hành, không chấp hành thì phạm luật và bị trừng trị theo luật.

Nhưng khi thực hiện công vụ theo phạm trù văn hóa, có văn hóa trong thực thi công vụ thì nó bao trùm lên trên cả luật và cả đạo đức công vụ. Có thể nói Văn hóa công vụ chính là chuẩn mực và nét đẹp của một nền công vụ đúng nghĩa. Để xây có được một nền công vụ mà trong đó mỗi thành viên, mỗi "Cán bộ phải là "công bộc" của nhân dân" như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Nét đẹp Văn hóa công vụ của Cảnh sát giao thông.

Ngay trong những ngày đầu giành được độc lập, Người đã nhắc nhở: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân... Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta…".

Đề án Văn hóa công vụ được ban hành là cơ sở quan trọng để hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Từ những tiêu chí cụ thể trong Đề án Văn hóa công vụ, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng riêng cho mình những tiêu chí sát đúng với từng lĩnh vực, từng ngành nghề công tác.

Cụ thể Đề án Văn hóa công vụ quy định cán bộ, công chức, viên chức không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân; trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân,... được kỳ vọng sẽ "chữa" triệt để được "căn bệnh" cửa quyền, hách dịch, thờ ơ, vô cảm, "hành" dân là "chính" của không ít công chức khiến dư luận xã hội bức xúc trong thời gian qua.

Từ Đề án Văn hóa công vụ, Bộ trưởng Bộ Công an đã có thông tư quy định về các quy tắc ứng xử trong Công an Nhân dân (CAND) và Quy định của Đảng ủy Công an Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó chú trọng đẩy mạnh "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh". Đặc biệt là chỉ thị số 04/ CT - BCA ngày 18/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an về đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào "Công an Nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" trong tình hình mới và Công điện số 795/ BCA - V11 ngày 6/4/2018 của Bộ Công an về nâng cao uy tín, xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng CAND và công cuộc vận động "Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ".

Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng phê chuẩn đúng vào thời điểm Bộ Công an đang tiến hành việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của các cơ quan đơn vị với phương châm "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở". Đây thực sự là một chỉ dấu, quyết tâm, động lực, một mục tiêu để xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân cách mạng, chính quy hiện đại. Người Công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Người Công an liêm chính, kiến tạo và hành động.

Đại tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh: văn hóa công vụ - một đề án thiết thực

Ðề án Văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể, góp phần siết lại cung cách, thái độ làm việc, thái độ phục vụ nhân dân cũng như ứng xử với đồng nghiệp, với tập thể của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với lực lượng Công an Hà Tĩnh, việc thực hiện Đề án Văn hóa công vụ gắn với các quy định của ngành về văn hóa, quy tắc ứng xử CAND, thực hiện 6 Điều Bác Hồ dạy là cẩm nang để mỗi cán bộ, chiến sĩ gương mẫu, tiên phong xây dựng hình ảnh đẹp về người cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh "trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ", kính trọng, lễ phép với nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Để thực hiện tốt Đề án Văn hóa công vụ, Công an Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch với nhiều nội dung biện pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức lối sống của cán bộ, chiến sĩ gắn với việc thực hiện nghiêm túc điều lệnh CAND.

Trên cơ sở nội dung văn hóa công vụ và quy tắc ứng xử CAND quy định tại Thông tư 27/2017/TT-BCA của Bộ Công an, Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chuẩn mực, đạo đức, lối sống, văn hóa, xây dựng tiêu chí văn hóa ứng xử của từng lực lượng và quy định trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trong thực hiện văn hóa công vụ và giao tiếp, ứng xử của CAND.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc quyết định của Bộ Công an về "Quy định tổ chức lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với CAND", diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân, thực hiện cuộc vận động "Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ". Nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục những hành vi lệch lạc, những hành động thiếu chuẩn mực của CBCS, Công an tỉnh sẽ tổ chức phát phiếu điều tra xã hội học đến các sở, ban, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ hưu trí và Nhân dân trên địa bàn tỉnh để tiếp thu ý kiến đóng góp về lễ tiết tác phong, đạo đức lối sống, năng lực làm việc và thái độ phục vụ của CBCS.

Với thái độ cầu thị, khách quan và tùy theo đối tượng lấy phiếu mà CBCS Công an tỉnh trực tiếp gửi và nhận phiếu điều tra hoặc thông qua chính quyền địa phương ở cơ sở để chuyển phiếu đến tận tay người dân và hẹn thời gian nhận lại phiếu phù hợp.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính là một trong những biện pháp mà lực lượng Công an Hà Tĩnh chú trọng trong thực hiện Đề án Văn hóa công vụ, trọng tâm là cải cách hành chính đảm bảo mục tiêu giảm ba tiêu chí (thời gian, thủ tục và chi phí); thực hiện cơ chế một cửa, môt cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về an ninh, trật tự.

Thực hiện việc cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến; niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính tại trụ sở, nơi tiếp công dân để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và nhân dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính.

Đối với các lực lượng đặc thù như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, lực lượng Đoàn viên Thanh niên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đề ra nhiều biện pháp, cách làm riêng để giúp CBCS nâng lên tinh thần trách nhiệm, thái độ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, giúp số CBCS trẻ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác, để mỗi cá nhân luôn thấy tự hào khi được đứng vào hàng ngũ của ngành Công an, tự thấy mình có trách nhiệm giữ gìn truyền thống tốt đẹp, phẩm chất cao quý, lòng tự trọng của người Công an cách mạng trong công tác và sinh hoạt đời thường.

Cùng với đó, Công an Hà Tĩnh chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho CBCS về văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử và Điều lệnh CAND. Kịp thời biểu dương, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, "người tốt, việc tốt", hình ảnh CBCS Công an gương mẫu, tận tụy trong công việc, ứng xử có văn hóa, vì nhân dân phục vụ.

Thời gian tới, Công an Hà Tĩnh sẽ thường xuyên đưa nội dung văn hóa ứng xử vào các hoạt động sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể quần chúng, nhất là các đơn vị thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc với cơ quan, tổ chức, Nhân dân. Thực hiện nghiêm túc cơ chế kiểm tra, giám sát, kỷ luật nghiêm minh và dựa vào dân, lắng nghe ý kiến, phản ánh của Nhân dân để điều chỉnh thái độ, cung cách phục vụ, ứng xử của CBCS khi thi hành công vụ.

Có như vậy, mỗi đảng viên, CBCS nhận thức rõ từng hành vi, cử chỉ, lời nói hay thái độ ứng xử của mình là thước đo để nhân dân đánh giá về trình độ văn hóa, năng lực công tác, tư cách đạo đức cách mạng; ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện văn hóa ứng xử theo các giá trị chuẩn mực "Chân - Thiện - Mỹ", góp phần làm cho hình ảnh của lực lượng Công an Hà Tĩnh ngày càng đẹp hơn, gần gũi hơn trong lòng nhân dân.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong: văn hóa công vụ, tại sao không?

Ông cha xưa có câu "Y phục xứng kỳ đức", phải chăng đã nói lên phần nào khái niệm "Văn hóa công vụ" mà chúng ta đang bàn hiện nay.

Đọc lại sử sách và xem những bộ phim cổ trang về thời xưa, chúng ta đều thấy các vị quan viên khi lên công đường, hay đi tuần thú từ ăn mặc, đi đứng, nói, cười đều có khuôn phép, lễ nghĩa, không hề tùy tiện hay cẩu thả. Khi đã bước vào con đường công vụ, dù chức to hay nhỏ, gần như tất cả quan viên ai cũng phải học lễ, nghĩa, học đi, học đứng, học nói, học cười sao cho thật chuẩn mực.

Có một thời, ta gọi là "ấu trĩ", hay "quá tả", hễ ai ra đường mà để tóc dài, mặc quần bó, quần ống loe, liền bị lôi vào đồn, đè ra cắt tóc, cắt ống quần ...

Tôi nhớ, dạo đó tôi là Bí thư Chi đoàn của một tờ báo, đã phải họp gần thâu đêm để kiểm điểm, phê bình hai phóng viên của báo mặc quần bó, để tóc dài. Người phóng viên này tường trình là do đầu bị nhiều sẹo từ nhỏ nên để tóc dài che bớt sẹo, còn người phóng viên kia mặc quần bó là do học ở Ba Lan mới về, chỉ có quần áo này thôi. Mặc dầu có lý do chính đáng nhưng họ đều bị phê bình, kỷ luật rất nặng nề.

Từ quá "tả" sau đó hình như chúng ta lại quá "hữu" để nhiều cán bộ trong khi thực hành công vụ, ăn mặc, hành xử rất tùy hứng, tùy tiện, chính bản thân tôi cũng vậy!

Tôi nhớ có lần cô bạn người Hàn Quốc có tên là Choi Ha Na hẹn đưa tôi đến gặp một lãnh đạo Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Do vội vàng nên khi ra xe ôtô, tôi chưa kịp mặc comple, đi dày. Choi Ha Na liền nghiêm nét mặt, bảo: "Anh về nhà thay quần áo đi, thà chậm mấy phút chứ không thể ăn mặc như thế này được, văn hóa công vụ của anh để đâu!".

Đó là lần đầu tiên khái niệm "Văn hóa công vụ" xuất hiện trong đầu tôi.

Từ đó, trong những chuyến đi công tác nhiều nước trên thế giới, tôi luôn chú ý đến vấn đề này. Có lần, tôi được tiếp kiến Tổng thống Hàn Quốc, người Thư ký của Tổng thống gặp tôi từ hôm trước để kiểm tra tư trang, quần áo, dặn dò tôi nhiều điều về "Văn hóa công vụ" làm tôi thực sự thấy ngượng vì họ biết với người Việt Nam khái niệm "Văn hóa công vụ" này còn xa lạ!

Thực ra, ở nhiều nước văn minh, phát triển trên thế giới vấn đề này đã có từ lâu. Ngay trên phim ảnh Hàn Quốc, Nhật Bản...mà ta xem đều thấy những người khi thực thi công vụ đều mặc com lê, đeo cà vạt đi dày và khi gặp cấp trên, hay khi làm nhiệm vụ đều có những ứng xử trong từng cử chỉ hành động rất chuẩn mực.

Ăn mặc xoàng xĩnh, nói năng bỗ bã, hành xử tủy tiện... không phải là để hòa đồng với quần chúng, gần gũi với mọi người của người cán bộ khi đang thực thi công vụ như một số người vẫn nghĩ; mà là sự thiếu tôn trọng người khác, thiếu lịch sự, thiếu văn hóa.

Khái niệm "Văn hóa công vụ" tuy nghe còn lạ tai, nhưng thực sự cần thiết trong thời đại hiện nay, khi mà đất nước chúng ta đang hòa nhập với cộng đồng, khu vực, với thế giới hiện đại.

Thực tế thời gian qua, nhất là mấy ngày gần đây trên mạng xã hội, nhất là trên Facebook, youtube... nhiều hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa của một số cán bộ ở xứ ta đã được cộng đồng mạng đưa lên, thậm chí có những lời bình phẩm chẳng hay ho gì!

Vậy nên thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những nghiên cứu, đề xuất nhằm đưa ra các quy định hợp tình, hợp lý, để lấy ý kiến rộng rãi mọi người trên các phương tiện truyền thông, từ đó có một bộ quy tắc ứng xử là "Đề án Văn hóa công vụ" cho chính chúng ta, phù hợp với chúng ta, với văn hóa Việt Nam và những tiêu chí của văn hóa, văn minh thế giới, quả là một việc làm rất thiết thực.

Nhà thơ Văn Công Hùng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai: Muốn có Chính phủ kiến tạo, phải có Văn hóa công vụ

Hôm nay mới đọc "Đề án Văn hóa công vụ", vừa hay lại đang xảy ra vụ Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng đi thanh tra công vụ bị cơ quan công vụ tỉnh Vĩnh Phúc bắt về tội... đòi chi tiền để... thực thi công vụ.

Hôm nọ ngồi với một ông anh, từng là quan chức một tỉnh, nhân việc tôi khen một cậu công chức rất giỏi, cả chuyên môn lẫn tư cách đạo đức, ông này chép miệng, rồi nói: "Cũng đến thế thôi". Hỏi lý do, ổng bảo: "Làm chuyên viên, lãnh đạo truyền công văn xuống cho ý kiến. Vẫn biết là anh giỏi, anh có ý kiến của anh, nhưng nếu thế thì nói làm gì, anh phải biết ý lãnh đạo họ muốn anh tham mưu gì, rồi anh tham mưu kiểu ấy. Chứ nếu tham mưu khác ý thì lại phải tham mưu lại, bao giờ đúng ý thì thôi".

Tôi ca ngợi kiểu "làm một" cửa hiện nay hay, hết bèo nhèo được. Ông lại cười, bảo: "Nhìn thế nhưng không phải thế, bởi nếu "thông đồng bén giọt" thì đúng hẹn, không thì việc cỏn con cũng bị chuyển đi xin ý kiến các cơ quan chức năng, cứ xoay qua xoay lại khiến anh... chóng mặt thì thôi". Quả là tôi cũng từng nghe kể và đọc về những chuyện này rồi, đơn giản nhất là đúng ngày hẹn, đến lấy hồ sơ thì được trả lời thiếu cái gì đấy, mời anh về bổ sung, trong khi, nhẽ ra, "thiếu cái gì đấy" thì người nhận hồ sơ đã phát hiện ngay khi nhận rồi.

Trở lại chuyện đoàn thanh tra bị bắt khi đi thanh tra, quả là khó có thể hình dung được là lại có thể có chuyện như thế xảy ra. Nhưng, nó lại không tạo được dư chấn trong xã hội. Tại sao lại thế, nhiều người tặc lưỡi, chuyện thường ấy mà. Thế tức là, nó là chuyện... thường xuyên.

Nhưng lại cũng phải lật vấn đề một tí, ấy là rõ ràng đã có những sai phạm về xây dựng ở Vĩnh Phúc, và là những sai phạm không nhỏ, để thanh tra xây dựng từ Bộ về có cớ để... vặt. Vậy thì ở đây, ngoài cái sự cố tình vi phạm của các doanh nghiệp, rõ ràng các công chức tại chỗ có tránh nhiệm quản lý, giám sát việc xây dựng cũng đã hết sức có vấn đề. Trước mắt là buông lỏng cho các sai phạm, để các sai phạm có điều kiện sinh sôi nảy nở, còn bên trong những sai phạm ấy có gì không thì... có trời biết, nhưng có vẻ như, ai cũng biết. Nước ta có nhiều chuyện ai cũng biết nhưng lại rồi như chả ai biết gì?

Thì ngay trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng phải kêu trời về "dịch vụ" bôi trơn là gì? Phong bì trở thành một thứ bôi trơn hơn mọi loại dầu nhớt tốt nhất trên đời này. Một nền công vụ rất lạ, hết sức lạ. Và nó cứ ngang nhiên tồn tại, từ bạc lẻ, bạc cắc tới tiền tỉ...

Chưa hết, nhiều tỉnh, thành, ngoài việc Chủ tịch ra quy định công chức không được la cà cà phê ăn sáng trong giờ hành chính, nhất là đầu giờ sáng (ăn sáng, cà phê) và cuối giờ chiều (nhậu), và phải lập những đoàn công tác đi... bắt công chức vi phạm. Đi lần nào là tóm được lần ấy, nhưng rồi cũng như bắt cóc bỏ đĩa thôi. Bí thư Huyện ủy Ia Grai của tỉnh Gia Lai xuống xã đầu giờ chiều, gặp ông công chức xã đang say rượu ngáy khò khò trên bàn, đánh thức ông ấy dậy còn bị ông ấy nạt: "Có việc gì mà vào đây?" (Bí thư mới về nên cán bộ xã chưa biết mặt). Rồi cũng hòa, vì anh em cơ sở nhiều việc, buổi trưa dân có giỗ, mời mà không dự thì không được, mà dự thì... say.

Các cuộc họp bình bầu cuối năm cũng là nơi thể hiện rõ nhất... văn hóa công vụ. Có cơ quan ông thủ trưởng ôm hết các danh hiệu, từ cơ quan tới chi bộ tới công đoàn... món nào ông cũng xơi quả xuất sắc nhất đã, còn lại thì anh em chia nhau. Mà thực ra, các cuộc họp bình bầu cuối năm ấy, nó buồn cười lắm. Thường là có hai trường hợp, một là buông xuôi, thủ trưởng độc diễn, rồi giơ tay như rô bốt bầu cho... thủ trưởng. Hai là oánh nhau nảy lửa. Trường hợp một nhiều hơn, chiếm đa phần, trường hợp 2, thì dù đúng sai thế nào, sẽ bị quy kết là mất đoàn kết nội bộ cái đã.

Sự mất dân chủ ở các cơ quan nhà nước khiến cho có những lỗ hổng không được vá ngay từ đầu, cứ thế nó lan to, đến lúc thành ung nhọt phải vỡ. Các vụ án lớn của chúng ta vừa rồi là thế. Rất nhiều cơ quan mất đoàn kết nhưng cứ âm ỉ. Rất nhiều thủ trưởng làm sai nhưng cấp dưới bàng quan mặc kệ. Nó có nhiều lý do để mặc kệ. Thứ nhất là bị thủ trưởng đì, chắc chắn. Thứ hai có khi cơ quan cũng không thích, mọi người lo giữ thân đã, và không muốn căng thẳng. Và ngay cấp trên, nếu xử lý, thì như đã nói, cứ quy "mất đoàn kết nội bộ" cái đã.

Nhưng cũng phải nói là, đã có khá nhiều đổi mới trong văn hóa công vụ của chúng ta, nhất là khi yêu cầu minh bạch nó vừa là ý thức lại được giám sát bởi những phương tiện hiện đại bây giờ... và Đề án Văn hóa công cụ đã được ban hành rất đúng lúc,chúng ta đang ở trong thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xiết chặt nề nếp kỷ cương và nâng cao Văn hóa công vụ là một việc làm thiết thực của một Chính phủ kiến tạo.
PV
.
.