Nâng cao hiệu quả đề án "Văn hóa công vụ"

Thứ Năm, 17/01/2019, 08:58
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt đề án “Văn hóa công vụ” theo đề nghị của Bộ Nội vụ. Trong xu hướng hội nhập và phát triển toàn cầu, đưa ra một chuẩn mực cho đội ngũ làm việc ở lĩnh vực hành chính công là một yếu tố cần thiết.


Đề án “Văn hóa công vụ” ra đời vào bối cảnh này ít nhiều thể hiện khát vọng văn minh của cộng đồng. Không thể phủ nhận, đề án “Văn hóa công vụ” sẽ góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Phạm vi, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Đề án “Văn hóa công vụ” chủ yếu xoay quanh bốn nội dung quan trọng. Thứ nhất, về tinh thần, thái độ làm việc. Thứ hai, về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử. Thứ ba, chuẩn mực vềđạo đức, lối sống. Thứ tư, về trang phục. Nếu như trang phục là cái bề ngoài, có thể đánh giá ngay về sự gọn gàng, lịch sự hoặc sự phù hợp với tính chất công việc và thuần phong mỹ tục thì chuyện giao tiếp rất muôn hình vạn trạng.

Trong môi trường công vụ, chê bai mỉa mai đã không hay mà a dua ton hót thì càng tệ hại. Vì vậy, đề án “Văn hóa công vụ” mới yêu cầu: "Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên. Không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng".

Trong giới hạn khống chế ấy, sự “phục tùng chỉ đạo” hoặc sự “thoái thác nhiệm vụ” hoàn toàn khắc phục đơn giản hơn sự “nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”. Để nhận diện “nịnh bợ lấy lòng” đã khó mà xác định “động cơ không trong sáng” còn khó hơn!

“Văn hóa công vụ” là cơ sở để xây dựng môi trường hành chính lành mạnh!

Nói không ngoa, từ khi con người có phân định cao thấp thì đã có khái niệm nịnh bợ. Đối tượng được nhắm tới trong hành trình nịnh bợ ở chốn công vụ, dĩ nhiên là lãnh đạo. Chả ai đi nịnh bợ chị lao công hay anh bảo vệ. Lãnh đạo càng ngồi ở chức cao, càng phải đối mặt với nhiều màu sắc nịnh bợ hơn.

Nịnh bợ bủa vây, nịnh bợ tứ phía, nịnh bợ muôn trùng là một trong những vấn đề nan giải nhất để xây dựng môi trường công vụ lành mạnh hiện nay. Nhân viên không ghi chữ “nịnh bợ” trên trán để trưởng phòng nhìn thấy.

Trưởng phòng cũng không ghi chữ “nịnh bợ” trên trán để giám đốc nhìn thấy. Vậy mà phong trào nịnh bợ cứ lan tràn, cứ thăng hoa, cứ dềnh dứ như sóng trào biển khơi. Tất cả đều ngất ngây khi cơn bão nịnh bợ tràn qua, nghĩa là lòng tự trọng ở mỗi cá nhân đã hao hụt nhất định.

Nịnh bợ có thể được xúc tiến bằng cử chỉ, ngôn từ hoặc hiện vật. Sếp chỉ cần húng hắng ho thì bao nhiêu tùy tùng dưới trướng chạy nháo chạy nhào, kẻ mua thuốc kháng sinh, kẻ xoa bóp tay chân, kẻ hỏi han an ủi, kẻ nhòa lệ lo lắng…

Cứ ngỡ như sếp có mệnh hệ gì thì cả vũ trụ sẽ sụp đổ. Thế nhưng, chỉ cần sếp có quyết định nghỉ hưu hoặc sếp luân chuyển đi nơi khác, thì những kẻ nịnh bợ kia sẽ quay lưng 180 độ. Cái xuýt xoa vì sợi tóc bạc của sếp, cái xun xoe vì nụ cười độ lượng của sếp, cái tấm tắc vì phát biểu dông dài của sếp… sẽ lập tức biến mất khi sếp không còn quyết định nồi canh niêu cơm cho họ nữa. Sự trớ trêu của nịnh bợ chính là sự sấp ngửa ân tình.

Sự lật lọng của nịnh bợ chính là sự trật khớp đạo đức. Vì vậy, tiêu diệt được kỹ nghệ nịnh bợ trong môi trường công vụ sẽ thúc đẩy tốc độ thịnh vượng và liêm khiết ở lĩnh vực hành chính chuyên nghiệp!

Đành rằng, cấp dưới quan tâm đến cấp trên là bình thường. Thế nhưng, sinh nhật vợ của sếp thì anh chuẩn bị tiệc lớn tiệc nhỏ, còn sinh nhật bố của mình thì anh không nhớ. Nghĩa là sao? Nghĩa là nịnh bợ trắng trợn đấy. Nghĩa là suy đồi nhân cách đấy! Đừng lấy sự lăng xăng đi tới đi lui để cung phụng cấp trên làm con đường duy nhất tiến thân. Bẽ bàng lắm, ê chề lắm, nhục nhã lắm!

Muốn tiêu diệt đại dịch nịnh bợ trong môi trường công vụ, phải bắt đầu từ đâu? Chính phủ đưa yêu cầu “không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng” vào đề án “Văn hóa công vụ” cũng đã có nhiều đắn đo về mức độ nguy hiểm của sự nịnh bợ. Bởi lẽ, nịnh bợ ngay công sở sẽ kéo theo nịnh bợ ngoài công sở.

Thật chướng mắt, khi đám hiếu đám hỉ nào ở nhà riêng của sếp cũng có hàng chục, hàng trăm cán bộ, nhân viên chầu rìa gọi dạ bảo vâng xông xáo giành hết phần của công ty dịch vụ! Kẻ nịnh bợ được đắc chí, vì có sếp thích nịnh bợ!

Cần minh định như vậy mới mong ngăn chặn nịnh bợ không trong sáng. Nếu sếp không thích nịnh bợ, thì nhân viên biết trổ tài khua môi múa mép, uốn lưng uốn cổ, dâng trà dâng rượu với… ai?

Tuy Hòa
.
.