Tràn lan các cuộc thi "Hoa hậu": Khi nhan sắc trở nên nhàm chán
Tuần qua, một chủ đề gây xôn xao bàn tán trên báo điện tử cũng như các trang mạng xã hội chính là những hình ảnh rò rỉ từ cuộc thi "Quý ông lịch lãm". Trong khi các cơ quan quản lý đang cố gắng siết chặt lại công tác quản lý, cấp phép các cuộc thi nhan sắc thì dường như những cuộc thi có tính chất "ao làng" và không kém phần phản cảm này lại diễn ra ngày một nhiều hơn.
Cùng với những lùm xùm của các cuộc thi khác, không ít người hoang mang đâu là chuẩn mực của các cuộc thi Hoa hậu, người đẹp?
Có thể nói, cho tới thời điểm này, những hình ảnh hài hước của cuộc thi "Quý ông lịch lãm" vẫn đang tiếp tục là đề tài châm biếm của không ít các trang báo và mạng xã hội. Việc đàn ông tham gia các cuộc thi người mẫu, tìm kiếm những danh hiệu tôn vinh vẻ đẹp hình thể đã không còn là chuyện lạ. Bởi suy cho cùng, nam nữ đều bình đẳng và họ có quyền làm những điều mà pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, khi nhìn vào hình ảnh những người đàn ông mặt hoa da phấn, tóc tai bóng mượt đội trên đầu những chiếc vương miện điệu đà không khác gì những cuộc thi sắc đẹp dành cho nữ giới thì nhiều người không khỏi lắc đầu ngán ngẩm.
Hình ảnh tại cuộc thi “Quý ông lịch lãm” bị cộng đồng mạng “ném đá”. |
Mặc dù Ban tổ chức có bố trí những người đoạt giải được cầm thanh kiếm nhưng những hình ảnh sến súa từ những chiếc vương miện đội đầu đã khiến các quý ông không còn một chút nam tính nào. Sẽ không có gì phải bàn nếu cuộc thi này có sự thẩm định và giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, thể hiện được vẻ đẹp và những giá trị văn hóa, thẩm mĩ cần tôn vinh của các doanh nhân.
Nhưng ngoài chuyện mập mờ về tiêu chí và quy trình xin phép tổ chức, cách tuyển chọn thiếu rõ ràng, hạn chế sự tiếp cận của truyền thông thì màn ứng xử nhạt nhòa, vô duyên gần giống một số cuộc thi Hoa hậu "ao làng" thời gian gần đây đã càng tăng thêm độ nhảm nhí, phản cảm của cuộc thi. Nhiều độc giả hài hước: Trước tình trạng chị em lũ lượt đi thi, các anh cũng không thể "kém miếng", phải có bằng được danh hiệu, vương miện cho bằng chị bằng em?
Được biết, cuộc thi này được giới thiệu là sân chơi sắc đẹp dành riêng cho các quý ông lần đầu được tổ chức tại Việt Nam. Cuộc thi tuyển thí sinh là các doanh nhân từ khắp nơi trên cả nước và ban giám khảo là những cái tên như NSƯT Chánh Tín, Hoa hậu Trịnh Kim Chi cùng một số người đẹp, doanh nhân. Đơn vị tổ chức cuộc thi là đơn vị từng tổ chức các chương trình như "Duyên dáng doanh nhân", "Hoa hậu doanh nhân Thế giới người Việt" lần 1 tại Bangkok - Thái Lan, lần 2 tại Seoul - Hàn Quốc. Trong đó, lần thi tại Seoul cũng là cuộc thi chui. Khi trả lời báo chí về cuộc thi "Quý ông lịch lãm 2017", phía Sở Văn hóa - Thể Thao TP Hồ Chí Minh cho rằng đơn vị không biết và Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng khẳng định không hề cấp phép.
Loạn danh xưng hoa hậu, người đẹp là điều rất dễ nhận ra hiện nay. Một số cô người mẫu kiêm diễn viên đã quá tuổi, bỗng đột nhiên mất tích vài ngày rồi trở về với chiếc vương miện của một cuộc thi nào đó bên trời Tây đã không còn là chuyện lạ nữa.
Gần đây, Dương Yến Ngọc đi thi "Hoa hậu Quý bà Hòa bình châu Á" 2017 và đăng quang, dù chưa được cấp phép. Những hình ảnh vừa gây cười vừa phản cảm từ cuộc thi "Quý ông lịch lãm" lại khiến người ta nhớ tới màn trả lời phỏng vấn có một không hai của Phi Thanh Vân tại cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt tại Mỹ" đầu tháng 12 vừa qua. Một cô diễn viên được biết tới chủ yếu qua danh xưng "người đẹp dao kéo" và những lùm xùm xung quanh chuyện đời tư bỗng chốc trở về với chiếc vương miện và màn trả lời ứng xử hài hước như một clip hài.
Được biết Phi Thanh Vân chưa xin giấy phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đồng thời cũng chưa từng có danh hiệu sắc đẹp nào ở Việt Nam trước khi thi "Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt tại Mỹ". Phía cơ quan chức năng khẳng định, những người đẹp này sẽ bị xử lý khi có xác minh rõ ràng.
Vấn nạn thi chui, thi theo kiểu "tiền trảm hậu tấu" dù được các cơ quan quản lý cảnh báo, xử phạt nhưng dường như vẫn không nhằm nhò gì với những cô gái, chàng trai khát thèm danh hiệu. Họ sẵn sàng đi thi, thậm chí sẵn sàng trở thành đề tài châm biếm của cộng đồng mạng, sẵn sàng chịu phạt, chỉ cần sau đó có danh xưng của bất kỳ cuộc thi nào.
Mặc dù gần đây, quy định mỗi năm Việt Nam chỉ có 2 cuộc thi hoa hậu với quy mô quốc gia được cơ quan chức năng cấp phép tổ chức, tuy nhiên, theo thống kê, chỉ 3 tháng cuối năm đã có hơn 20 cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ diễn ra. Nhiều cuộc thi có những cái tên na ná nhau như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu xuyên quốc gia, liên lục địa, hoàn cầu, quốc tế.
“Hoa hậu Đại dương” Ngân Anh (giữa) chịu nhiều búa rìu dư luận sau khi đăng quang. |
Năm 2017 có 2 cuộc thi được công chúng chờ đón là "Hoa hậu Đại dương" và "Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam". Nếu như cuộc thi "Hoa hậu Đại dương" được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm đại sứ của các dự án bảo vệ môi trường biển thì "Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam" lại nhằm tôn vinh những nhan sắc thế hệ mới, tự tin, quyến rũ và năng động. Thế nhưng cả hai cuộc thi này đều không tránh khỏi những lùm xùm.
Cuộc thi cấp quốc gia còn lại được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp phép trong năm nay là "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam". Là một cuộc thi có uy tín và chuyên nghiệp, tuy nhiên đêm bán kết đã vấp phải sự phản đối của dư luận khi tổ chức trong hoàn cảnh người dân Khánh Hòa phải chống chọi với cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay. Dù có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đêm bán kết này, nhưng rõ ràng việc vướng phải những rắc rối ấy đã khiến cuộc thi mang điểm trừ trong mắt khán giả.
Những cuộc thi nhan sắc được tổ chức ở Việt Nam đã vậy, những người đẹp Việt Nam dự thi các đấu trường sắc đẹp quốc tế năm qua cũng nhạt nhòa. Người đẹp Mỹ Linh không gây được ấn tượng gì tại "Hoa hậu Thế giới 2017" nên cô chỉ có mặt ở top 40. Mặc dù nhận được nhiều kỳ vọng khi tham gia cuộc thi "Hoa hậu Hòa bình thế giới" - tổ chức tại sân nhà, cô cũng là gương mặt đại diện của nhà tài trợ - nhưng cuối cùng Huyền My chỉ lọt được vào Top 10.
Thành tích ấy không phải là quá thấp nhưng Huyền My lại không tạo được thiện cảm khi cô bị khán giả và ban giám khảo cho rằng còn thiếu hoạt bát, hòa đồng trong quá trình thi. Ngoài ra, những người đẹp như Thùy Dung ở "Hoa hậu quốc tế" hay Khánh Phương tại "Hoa hậu Siêu quốc gia" đều mờ nhạt... Chính vì thế, vị thế của Việt Nam trên bản đồ sắc đẹp quốc tế năm nay đã không được cải thiện nhiều.
Cuộc thi "Quý ông lịch lãm" thực sự là một giọt nước tràn ly cho thấy sự nhiễu loạn của các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam. Với mật độ dày đặc như vậy, người ta nghĩ ra đủ tên gọi và danh hiệu trao tặng cho những người tham gia nhưng lại hạ thấp tiêu chí, ý nghĩa và chất lượng mỗi cuộc thi.
Việc ngày càng tràn lan các cuộc thi hoa hậu, người đẹp mặc dù chúng ta đã có những quy định cứng cho thấy hình thức xử phạt của các cơ quan chức năng còn nhẹ, chưa xác đáng. Những nam thanh nữ tú sẵn sàng nộp phạt vài chục triệu để sau đó họ thu về tiền tỷ từ các danh xưng trên. Ngay cả những cuộc thi tầm quốc gia cũng đã có những lùm xùm không đáng có, mập mờ trong tiêu chí cho thấy việc quản lý, kiểm soát bị buông lỏng. Những danh hiệu tràn lan không chỉ khiến các giá trị văn hóa, thẩm mĩ bị sai lệch mà còn cổ xúy cho thế hệ trẻ lối sống thực dụng, chuộng hư danh...