Tỉnh táo để bảo vệ uy tín thương hiệu

Thứ Năm, 07/12/2017, 09:12
Một vấn đề vô cùng nổi cộm hiện nay là sự cả tin "hồn nhiên" của cộng đồng mạng đã góp phần thúc đẩy sự trỗi dậy của các hỗn loạn xã hội. Và trong các hỗn loạn nảy sinh ấy, vai trò của những kẻ tung tin kích động là rất lớn và có thể coi họ chính là các phần tử gây nguy hại đến an ninh quốc gia...


Cuối tuần trước, khá nhiều nhân vật "có uy tín" trên facebook cùng chia sẻ lại các đường dẫn đến một bài báo trên các trang báo "nghe có vẻ nghiêm túc". Bài báo ấy có tiêu đề "Phó Giám đốc Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Thanh bất ngờ đề nghị triển khai cải tiến "Tiếng Việt" vào chương trình đại học".

Nguy hiểm ở chỗ, đây là một bài báo ngụy tạo thông tin và đặc biệt nghiêm trọng hơn, các trang báo kia còn mạo nhận cả các tờ báo uy tín bằng các cái tên "Báo Công An", "Báo Pháp Luật" hay "Báo Tin tức"…

Lập tức, phản ứng của cộng đồng khi đọc cái tiêu đề được chia sẻ lại là thoá mạ ông Phạm Ngọc Thanh. Không một ai tỉnh táo kiểm chứng xem các bài báo kia có truyền tải sự thật hay không? Càng không có ai tỉnh táo thẩm định xem đó có phải là các tớ báo chính thức đã được cấp phép hay không? Tất cả, như tập quán của người dùng bị chi phối bởi mạng xã hội, đều tin vào thông tin giả. Đơn giản, họ tin vào điều họ muốn tin chứ không phải vì nó là sự thật.

Cuộc sống càng hiện đại, chúng ta càng phải thận trọng hơn với Fake News (tin tức giả).

Ví dụ điển hình từ câu chuyện trên cho chúng ta nhận thấy một vấn đề vô cùng nổi cộm hiện nay là sự cả tin "hồn nhiên" của cộng đồng mạng đã góp phần thúc đẩy sự trỗi dậy của các hỗn loạn xã hội. Và trong các hỗn loạn nảy sinh ấy, vai trò của những kẻ tung tin kích động là rất lớn và có thể coi họ chính là các phần tử gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Kể từ khi Facebook phát triển chức năng Facebook Instant Articles (FIA), việc chia sẻ các bài báo thuộc diện nguỵ tạo thông tin càng trở nên mạnh mẽ hơn. Nguồn gốc của các bài báo giả kiểu này tất nhiên vẫn nằm ở các website (mà nhiều trong số đó là các website chống phá nhà nước) và FIA chỉ giúp chia sẻ và lan tỏa nhanh các bài báo ấy mà thôi. Nhưng cơ bản là facebook kiếm tìm doanh thu từ chính các nguồn tin nhiều người đọc, nhiều người xem dựa trên cơ sở bán quảng cáo. Mà các nhà quảng cáo thì luôn hướng đến nơi nào tập trung nhiều người dùng để từ đó, quảng cáo của họ phát huy tối đa nhất hiệu quả của nó. Như vậy, sẽ tồn tại một thực tế đầy phi lý là chính các thông tin bẩn cuối cùng lại là cái thớt nhiều mật mỡ để quảng cáo trở thành những con ruồi bu vào đó kiếm lời.

Đứng trước thực trạng ấy, việc ngăn chặn các thông tin độc hại sẽ phải đi từ cái gốc của vấn đề. Đó là chính những "con bò sữa" cung cấp doanh thu cho các nội dung độc hại kia tồn tại phải tự mình cắt bỏ nguồn trợ cấp thông qua quảng cáo. Việc này không khó để thực hiện. Chính các công ty quảng cáo, truyền thông lớn sẽ phải cam kết không quảng cáo trên các trang thông tin độc hại để từ đó, facebook sẽ phải kiểm soát lại hoạt động kinh doanh quảng cáo trên nội dung của mình.

Việc này, thực tế ở châu Âu đã có nhiều nước thực hiện được suốt 1 năm qua. Hồi đầu năm, gần 400 nhãn hàng đã cam kết ngưng quảng cáo trên youtube ở lãnh thổ Anh nếu như google không kiểm soát lại nội dung. Lý do các nhãn hàng đưa ra rất đơn giản: Họ không đánh đổi uy tín thương hiệu của mình vào các quảng cáo trên những nội dung không lành mạnh.

Ở Việt Nam, việc yêu cầu cam kết không quảng cáo trên các nội dung độc hại có lẽ cũng sẽ sớm được thực hiện bởi đó là mối quan tâm rất lớn của cơ quan chủ quản nhà nước. Sự ổn định trong đời sống xã hội là nền tảng để phát triển và việc các nhãn hàng tiếp tay cho các hỗn loạn (thông qua tài trợ quảng cáo trên các nội dung tung tin kích động) chính là một cản trở cho chính hoạt động kinh doanh của nhãn hàng đó. Hơn nữa, uy tín của nhãn hàng không thể nào bị đem ra đặt cược vào các nội dung thiếu lành mạnh một cách quá dễ dàng bởi lẽ, đến một lúc nào đó (chắc chắn là vậy) sự thật được phơi bày, sẽ có những phản ứng từ chính cộng đồng với nhãn hàng.

Còn riêng với các cá nhân sử dụng mạng xã hội, bản thân họ cũng không thể đánh cược uy tín cá nhân của mình vào các nội dung nhảm nhí. Việc chia sẻ các nguồn tin cần phải được thực hiện một cách tỉnh táo hơn, có kiểm chứng kỹ càng hơn. Để phân biệt nguồn tin có lẽ cũng chẳng khó khăn là mấy. Nếu chỉ cần thấy các trang báo không có tên miền kết thúc bằng ".vn" thì rõ ràng khả năng đó là báo giả tạo là rất cao. Thực tế, trừ tờ vnexpress.net là không có tên miền ".vn", còn lại, các tờ báo chính thống đều có chung một kết thúc tên miền như nhau.

Tỉnh táo trước thông tin ở thời đại bão thông tin này là rất cần thiết. Nó không những bảo vệ chính uy tín của chúng ta (vì chẳng ai muốn mình bị coi là kẻ ngồi lê đôi mách chuyên đi rao tin vịt cả) mà còn giữ cho chúng ta được sống trong một xã hội ổn định, tập trung mọi nguồn lực vào lao động, sáng tạo và phát triển.

Hà Quang Minh
.
.