Những trở ngại với việc kiểm soát mạng xã hội

Thứ Bảy, 25/11/2017, 08:57
Khi internet bắt đầu manh nha trở nên phổ cập ở Việt Nam, những diễn đàn cũng đã được hình thành và tạo nên những cộng đồng nhỏ nhưng vô cùng sôi động mà tính đến nay, sau khoảng 20 năm, nhiều thành viên của các diễn đàn ấy vẫn còn giữ liên lạc, tương tác, quan hệ với nhau cả trên mạng lẫn ngoài đời. 


Các diễn đàn đáng kể của thuở sơ khai ấy là ABC, Netnam, Tathy, Trí Tuệ Việt Nam… và nếu nói không ngoa, chính những diễn đàn kể trên là các yếu tố quan trọng tác động đến công cuộc phát triển internet ở Việt Nam. Sự hình thành các diễn đàn cũng chỉ ra rất rõ, và rất sớm, rằng nhu cầu tương tác kiểu mạng xã hội là một tất yếu trong kỷ nguyên internet.

Nói đến các thành viên cựu trào của các diễn đàn xôm tụ được liệt kê ở trên, hôm nay họ không còn dành nhiều thời gian cho những diễn đàn đó như ngày sơ khai nữa mà thay vào đó, họ cũng đã bị cuốn vào xu hướng chung để tham gia vào đời sống facebook nhiều hơn. Thậm chí, các trao đổi truyền thống của họ (vốn dĩ phát xuất từ một đề tài được đưa ra trên diễn đàn) đã được thay đổi bằng cách thức trao đổi hiện đại của facebook, với các tính năng nhắc nhở, thông báo đến người dùng vô cùng cập nhật.

Sự chuyển đổi này đến một cách tự nhiên, và tất nhiên, cũng theo làn sóng của số đông bởi đơn giản, dùng mạng xã hội thể hiện một nhu cầu mong tương tác, kết nối với nhiều người ở nhiều vùng địa lý khác nhau và do đó, nền tảng nào càng đông người dùng, nền tảng đó càng “hút khách”.

Mạng xã hội chiếm vị trí quan trọng trong đời sống hôm nay.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc Việt Nam muốn thắt chặt quản lý mạng xã hội, và có khá nhiều ý kiến tiêu cực, vội vã, thậm chí là thiển cận khi cho rằng “facebook và google sẽ rút khỏi Việt Nam thì sao?”. Nực cười là những ý kiến đó đều được phát xuất trên facebook, một facebook khiến người ta đang cặm cụi hơn vào điều người ta muốn tin, thay vì mở rộng tầm nhìn trước cả một mạng lưới thông tin mạnh mẽ hôm nay.

Nên nhớ, khoảng hơn nửa năm trước, chính các chính phủ châu Âu, điển hình là Chính phủ Anh đã tỏ ra rất cứng rắn đối với google, youtube, facebook và có nhiều nhãn hàng lớn đã tạm dừng các quảng cáo trên google theo kêu gọi của các chính phủ khi có nhiều nội dung gắn quảng cáo là các nội dung cực đoan, nặng tính thù địch.

Và việc các quảng cáo của google gắn vào các nội dung xấu ở Việt Nam cũng không phải chuyện lạ. Điều đó cho thấy, kiểm soát lại hoạt động của mạng xã hội là một tất yếu. Hơn thế nữa, các nền tảng mạng xã hội đều tham gia vào hoạt động thu thập, khai phá dữ liệu người dùng (data mining) và từ đó, dẫn dụ (manipulate) người dùng theo các xu hướng.

Việc này đặc biệt ảnh hưởng tới an ninh của các quốc gia, thậm chí có thể chi phối cả các kết quả quan trọng như bầu cử. Câu chuyện của Brexit ở Anh và Catalonia đòi ly khai ở Tây Ban Nha gần đây là một ví dụ điển hình nhất. Nếu không có mạng xã hội, chắc chắn hai phong trào kể trên không bùng nổ mạnh mẽ đến thế và trở thành một rạn nứt xã hội mạnh mẽ không ngờ.

Do đó, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội của Chính phủ Việt Nam là một yêu cầu đúng đắn và cấp thiết. Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói đại ý rằng, việc kiểm soát vẫn phải tuân theo pháp luật và các điều ước quốc tế, việc kiểm soát sẽ vô cùng khó khăn, nếu không nói là với vô vàn thách thức phía trước.

Nhiều người trong chúng ta vẫn nói về ví dụ Trung Quốc, với các mạng xã hội nội địa được phát triển riêng và nghĩ đến viễn cảnh Việt Nam cũng phát triển các mạng xã hội nội địa để kiềm chế lại hoạt động gần như độc quyền của facebook, youtube, google ở Việt Nam. Đây là một việc dễ về lý thuyết nhưng khó về thực tế.

Không phải từ trước tới nay ở Việt Nam chưa từng có các mạng xã hội nội địa. Điển hình như zingme, một ứng dụng của Vinagames chẳng hạn. Nó đã không thể sống sót nổi trước sức mạnh cạnh tranh của facebook cơ bản vì hai lý do. Thứ nhất, nó không có tính khác biệt rõ rệt và độc đáo đủ thu hút một cộng đồng người dùng trung thành. Thứ nhì, nguyên nhân khách quan hơn, người dùng Việt Nam vốn dĩ không cởi mở, hay bị phụ thuộc vào một sản phẩm trào lưu duy nhất và đây mới chính là nguyên nhân cơ bản tạo nên các thách thức lớn đối với việc phát triển mạng xã hội nội địa.

Rõ ràng, nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là “ý thức người dùng mạng xã hội ở Việt Nam thuộc nhóm yếu nhất thế giới”, chúng ta dễ dàng nhận diện thấy người dùng mạng xã hội trong nước có những nhược điểm lớn như sau: Thứ nhất, dễ đánh mất khả năng độc lập tư duy và sự tỉnh táo cần thiết trước các thông tin chưa được xác minh. Thứ hai, tính lệ thuộc quá cao chỉ vào một sản phẩm ứng dụng. Nếu ở nước ngoài, người dùng có thể lựa chọn facebook, twitter, instagram… tùy theo sở thích, sự phù hợp thì ở Việt Nam, người dùng chỉ lựa chọn theo tập quán chung của cả cộng đồng.

Đây là một thói quen được hình thành thành văn hoá tiêu dùng của người Việt, kéo dài nhiều năm, với các điển hình ví dụ như quan niệm về xe gắn máy thì phải là Honda chẳng hạn. Chính sự lệ thuộc ấy đã khiến cơ hội cho các nền tảng mạng xã hội mới mẻ không còn đất sống mà nên nhớ, đầu tư cho nền tảng mạng xã hội vô cùng tốn kém cả về nhân lực lẫn tài lực.

Như vậy, chúng ta nhận thấy việc quản lý mạng xã hội cần thiết đến mức độ nào nhưng trở ngại cũng lớn ra sao. Thái độ người dùng trước thông tin ấy cũng đóng góp một phần vô cùng quan trọng. Chỉ trích một cách phiến diện thay vì ủng hộ một cách tỉnh táo chính là một cách tạo thêm trở ngại cho Chính phủ, bởi chính điều đó sẽ là chỗ dựa để các nền tảng mạng xã hội nước ngoài có vị thế tạo sức ép trong khi thực chất, chính họ đã phải thỏa hiệp với các chính phủ khác để đạt được mục tiêu tối thượng của họ lúc này: mở rộng thêm thị trường và tăng doanh thu.

Hà Quang Minh
.
.