Thế giới đón năm mới 2018:

Tiệc pháo hoa và siết chặt an ninh chưa từng thấy

Thứ Ba, 09/01/2018, 08:47
Thế giới đón chào năm mới 2018 với những cơn mưa pháo hoa rợp trời, mãn nhãn người xem và một nền an ninh được siết chặt ở mức chưa từng thấy. 


Theo các hãng thông tấn nước ngoài thì năm 2018 là năm an ninh trong đón giao thừa được đặt lên hàng đầu. Hàng triệu nhân viên an ninh "chìm - nổi" đã được triển khai tại mọi ngõ ngách đường phố, các thành phố lớn, đặc biệt là ở các thủ đô trên khắp thế giới, để bảo đảm an toàn cho người dân được hưởng trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc thiêng liêng trong giờ khắc giao thừa.

An ninh siết chặt

Trong những ngày cuối năm 2017, nhiều nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã cảnh báo sẽ tấn công nhằm vào các mục tiêu phương Tây trong dịp Giáng sinh và năm mới. Chúng kêu gọi những người trung thành tấn công kiểu "sói cô đơn" ở bất cứ nơi nào có thể.

Từ các thành phố lớn ở Mỹ đến các thủ đô và điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu, cảnh sát xuất hiện dày đặc để ngăn ngừa khủng bố, đảm bảo an toàn cho người dân. Trong khi đó, cảnh sát TP New York (Mỹ) siết chặt an ninh ở mức chưa từng thấy cho đêm giao thừa ở Quảng trường Thời Đại, nơi có khoảng 2 triệu người đến chào đón năm mới, theo AP. Ngoài lực lượng bắn tỉa và máy dò kim loại, cảnh sát New York còn sử dụng chó nghiệp vụ để săn tìm chất nổ ở những đối tượng khả nghi.

Tương tự, giới chức TP Las Vegas thắt chặt an ninh với hy vọng ngăn chặn tái diễn vụ thảm sát khiến 58 người chết và 546 người bị thương hồi tháng 10. Thậm chí nơi đây các nhà chức trách còn bổ sung một đội giải cứu con tin, bên cạnh việc tăng cường lính bắn tỉa và lực lượng bảo vệ quốc gia.

Nhiều nước châu Âu cũng tăng cường an ninh dịp năm mới sau khi hứng hàng loạt vụ tấn công trong năm 2017. Ở thủ đô London của Anh, cảnh sát vũ trang cùng cảnh sát chìm và chó nghiệp vụ tuần tra mọi ngõ ngách trong đêm giao thừa.

Thành phố Sydney đón chào năm 2018 với màn trình diễn pháo hoa theo chủ đề cầu vồng, đánh dấu việc Australia vừa hợp thức hóa hôn nhân đồng tính.

Tại thủ đô Berlin của Đức, chính quyền lần đầu tiên dành riêng một khu vực cho phụ nữ tham gia lễ hội đón năm mới nhằm giúp họ tránh nguy cơ bị tấn công tình dục. Còn ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), giới chức triển khai 40.000 nhân viên an ninh tuần tra trong đêm giao thừa. Thành phố này đã hứng chịu vụ tấn công đẫm máu vào rạng sáng 1-1-2017, khi một tay súng bắn chết 39 người tại một hộp đêm.

Tại Australia, các quan chức cho biết cảnh sát đã rầm rộ ra quân cả trên bộ, trên không và trên biển trong một đợt triển khai lực lượng an ninh lớn nhất nước này. Cảnh sát ở Melbourne tháng trước bắt một người đàn ông âm mưu bắn vào những người ra đường chào đón năm mới.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết 100.000 cảnh sát, binh lính và 40.000 nhân viên cứu hộ đã được triển khai trên khắp đất nước này để siết chặt an ninh.

Bữa tiệc ánh sáng mãn nhãn

Chào năm 2018 với những màn trình diễn pháo hoa lộng lẫy là đặc trưng của người dân trên thế giới đặc biệt là các nước châu Âu. Ở các nước trên thế giới, người dân có thói quen đổ ra đường tụ tập ở các tụ điểm dành cho lễ hội đón chào năm mới ở ngoài trời. Vì thế ngắm pháo hoa là thú vui mà người dân luôn háo hức mong đợi.

Có khoảng một triệu người đến xem màn trình diễn pháo hoa mừng năm mới nổi tiếng thế giới ở Sydney và hơn 500.000 người dự các lễ hội ở Melbourne. Thị trưởng Moore khẳng định màn bắn pháo hoa mừng năm mới 2018 trị giá 7 triệu AUD (hơn 124 tỉ đồng) là "không có nơi nào trên thế giới sánh được". Trong số hơn 1 triệu người đến Sydney xem bắn pháo hoa có 45% là du khách quốc tế. Ngoài ra, có khoảng 1 tỉ người trên thế giới theo dõi sự kiện này qua truyền hình và Internet.

New Zealand là một trong những quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tiên trên thế giới bắt đầu chào đón năm mới 2018. Theo Daily Mail, tại Auckland, New Zealand, hơn 3.000 pháo hoa đã thắp sáng bầu trời đêm giao thừa.

Các thủ đô khắp châu Âu đổ chuông điểm 0 giờ chào đón năm mới năm 2018, bên cạnh đó là màn trình diễn pháo hoa hoành tráng tại Athens, Berlin, Paris và Rome. Hy Lạp là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu chào đón năm mới, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và các quốc gia khác trên khắp Tây Âu đón năm mới một giờ sau đó.

Ở Paris, hàng triệu người đã xuống đường tham dự buổi trình diễn ánh sáng và pháo hoa tại khu vực gần điện Elysees. Một loạt hoạt động tổ chức năm mới cũng diễn ra tương tự ở Đức. Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trên truyền hình trong thông điệp chào đón năm mới với lời kêu gọi người dân Đức cần "chú ý lắng nghe, quan tâm lẫn nhau hơn" trong năm 2018.

Còn ở Nga, trong khi người dân Nga đếm ngược tới khoảnh khắc đầu tiên của năm 2018 trên khắp 11 múi giờ của đất nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi họ biết quan tâm và hòa hợp với nhau trong năm mới. Ông đã chuyển đi thông điệp ý nghĩa trong giờ khắc thiêng liêng: "Hãy nói những lời vui vẻ nhất với nhau, hãy thứ tha lỗi lầm và oán hận, hãy chấp nhận tình yêu, sưởi ấm bằng sự quan tâm, cũng như chú ý".

 Thời tiết đêm giao thừa ở thủ đô Moscow không được thuận lợi với mưa rải rác và bầu trời thường xuyên âm u. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản người dân Nga đổ ra đường để chiêm ngưỡng màn pháo hoa đặc sắc ở Quảng trường Đỏ.

Các Tiểu vương quốc A rab Thống nhất trình diễn ánh sáng đón 2018. Dubai (UAE) là thành phố mới nhất trên thế giới không chọn pháo hoa thông thường vì lý do an ninh. Thay vào đó, Dubai đón năm mới với màn trình diễn ánh sáng mãn nhãn tại tòa nhà cao nhất thế giới. Trải dài từ phía Đông của tháp là những hàng chữ tiếng A rab, các khối thiết kế hình học và chân dung Tổng thống đầu tiên của UAE Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan. Tất cả những màn trình diễn đều khiến người xem mãn nhãn. Tuy nhiên, trong phần trưng bày cờ các quốc gia láng giềng, cờ của Qatar không xuất hiện do mâu thuẫn hiện có giữa hai bên.

Các nước châu Á cũng hào hứng chào đón Tết Dương lịch

Mặc dù truyền thống đón Tết của người dân châu Á là theo lịch âm, và Tết Nguyên đán mới là Tết chính thức của người châu Á, song hòa vào niềm vui đón chào năm mới theo lịch dương của các nước trên thế giới, châu Á cũng đã dành những thời khắc vui vẻ để đón chào giây phút trọng đại này. Đúng 0h ngày 1-1, Việt Nam cùng với Thái Lan, Indonesia... cùng các địa điểm trên múi giờ GMT+7 đã chính thức bước sang năm 2018.

Ở Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chỉ đạo các quan chức tạm dỡ điều luật cấm sử dụng pháo hoa, chất nổ, để tổ chức bắn pháo hoa phục vụ người dân đêm giao thừa. Tokyo và Seoul đã cùng đón năm 2018 vào lúc 22h ngày 31-12 theo giờ Việt Nam.

Chuông lớn tại các chùa, miếu của Nhật vang lên 108 tiếng lớn, tượng trưng cho 108 tâm nguyện của mỗi người trong năm mới. Năm nay, một chương trình pháo hoa ấn tượng cũng diễn ra tại Yokohama. Trong khi đó, Thủ đô Seoul của Hàn Quốc đón năm mới với nghi thức truyền thống đánh 33 tiếng chuông ở tháp chuông Bosingak. Đây là nghi lễ đã được quốc gia này duy trì kể từ năm 1953.

Ở Đài Loan, sự kiện đáng quan tâm nhất là chương trình đếm ngược đón năm mới tại Tháp 101 ở Đài Bắc - tòa nhà biểu tượng của thành phố này.

Còn ở Hồng Kông, chương trình pháo hoa kéo dài 8 phút trên Vịnh Victoria cũng là một "đặc sản" truyền thống để chào năm mới.

Tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, sự kiện đếm ngược được tổ chức ở Vĩnh Định Môn - một di tích từ triều Minh. Còn CHDCND Triều Tiên đã đón những thời khắc đầu tiên của năm 2018 vào khoảng 22h30 giờ Việt Nam. Đây mới là năm thứ ba nước này đón giao thừa theo múi giờ mới, do Bình Nhưỡng thay đổi từ tháng 8-2015. Trước đây, Triều Tiên đón Tết Dương lịch cùng thời điểm với Nhật và Hàn Quốc.

Còn tại Việt Nam, theo báo chí trong nước, hàng vạn người dân ở các thành phố lớn như Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã đổ ra đường xem pháo hoa và chào đón năm 2018. Theo Zing News, việc chen lấn, xô đẩy đã khiến nhiều trẻ em, người già và cả thanh niên bị ngất, khiến Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã phải vào cuộc "giải cứu" đưa lên nóc xe cứu hỏa.

Dương Thục Anh (tổng hợp)
.
.