Tục đón năm mới lỳ lạ

Thứ Tư, 03/01/2018, 08:19
Dù đón Tết theo lịch âm hay lịch dương, theo phong cách Tây hay ta thì giây phút đón chào năm mới chính là giây phút linh thiêng nhất của cả một năm, được người dân trên thế giới háo hức đón nhận. Xin được dẫn ra đây những câu chuyện thú vị về những phong tục lạ đón Tết trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.


Đón giao thừa ở nghĩa trang

Giao thừa luôn là thời khắc được mọi người mong đợi nhất. Vì đó chính là thời điểm chuyển giao của một năm cũ đã vĩnh viễn qua đi, và năm mới đang được chào đón. Ở phương Đông, nhất là các nước châu Á, thường người ta dành trọn khoảnh khắc thiêng liêng này để thực hiện các lễ nghi cúng năm mới, hay còn gọi là cúng giao thừa.

Một lễ nghi tâm linh rất thiêng liêng và nhiều ý nghĩa. Sau khi cúng giao thừa, mọi người trong gia đình ngồi lại quây quần bên nhau trong những ngôi nhà ấm cúng, nói những lời chúc Tết thật trang trọng, mở phong bao lì xì, rồi cùng trò chuyện, ăn uống và chúc tụng nhau cho đến gần sang mới đi ngủ. Ở thành phố, mọi người cúng giao thừa xong thường kéo nhau ra đường phố đến những nơi đông vui, nhộn nhịp để tham gia các trò giải trí, hoặc đi dạo, hái lộc, và vui chơi cho đến sáng.

Thật kỳ lạ là ở một nơi nào đó của Chile, người ta lại dành thời khắc thiêng liêng ấy ở… nghĩa trang. Nghĩa là đón giao thừa, đón năm mới ở một nơi chỉ có các ngôi mộ và là nơi để chôn cất thi thể của những người đã chết.  Nơi mà người dân có phong tục kỳ lạ đó chính là vùng đất Talca - một thị trấn nhỏ của Chile. Người dân Talca có một phong tục rất đặc biệt đó là: Đón năm mới cùng những người đã khuất, chia sẻ niềm vui hạnh phúc với những người thân nằm dưới bia mộ.

Người Talca sẽ chọn đúng thời điểm 23h của ngày 31/12 hàng năm để làm lễ đón giao thừa ở nghĩa trang. Tất cả các nghĩa trang ở nơi đây sẽ được mở cửa để chào đón người dân. Trước đó, những ngôi mộ đã được dọn sạch sẽ và trang hoàng lộng lẫy nhất có thể. Những người đến đây mang theo bên mình những bản nhạc cổ điển mà họ yêu thích, nến hoặc đèn phát sáng nhấp nháy, hoa tươi, thậm chí là cả lều, trại, đồ ăn uống để họ có thể tụ tập đó và ngủ qua đêm cùng người thân dưới những ngôi mộ…

Họ thắp nến hoặc treo đèn trên những ngôi mộ và cắm đài để bật lên những bản nhạc hay, nhẹ nhàng. Họ tưởng nhớ người đã khuất rất ấn tượng. Những người còn sống sẽ ngồi quây quần bên những ngôi mộ, cùng uống rượu, cùng nói chuyện, trao đổi về những điều đã qua và những dự định cho một năm mới đến. Họ thậm chí còn tâm sự với cả những người đã khuất về cuộc sống trong suốt năm cả, những chuyện vui buồn.

Người Talca tin rằng, linh hồn của những người thân của họ ở thế giới bên kia có thể nhìn thấy, nghe thấy và thấu hiểu được những tâm tư của họ. Tất cả tạo nên một bầu không khí vô cùng nhộn nhịp và ấm cúng ở nghĩa trang.

Người Đan Mạch quan niệm Giao thừa nhà ai được ném vào nhiều bát đĩa vỡ là nhà đó nhiều may mắn và có nhiều người yêu quý.

Phong tục có phần kỳ lạ này bắt đầu vào khoảng năm 1995 từ một gia đình nhỏ trong thị trấn. Khi đó, vì muốn được mừng năm mới gần ngôi mộ của người cha đã khuất, những người trong gia đình này đã trèo qua hàng rào vào nghĩa trang.

Nhận thấy ý nghĩa nhân văn của hành động này, kể từ đó đến này, nhiều người Chile đã học theo và dần dần đây trở thành hoạt động thường niên. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 5.000 người ghé vào các nghĩa trang trong dịp giao thừa để đón mừng năm mới.

Việc đón mừng năm mới ở nghĩa trang cùng những linh hồn người đã khuất đã cho thấy mối quan tâm giao cảm đặc biệt giữa người sống và người thân của mình đã chết. Thể hiện tình cảm sâu nặng, không bao giờ lãng quên giữa người sống và người đã chết. Mặc dù là phong tục đón giao thừa khá kỳ quái nhưng nó lại hàm chứa tính nhân văn sâu sắc nên được nhiều người ở Chile lựa chọn. Cũng nhờ phong tục này mà nghĩa trang ở Chile không còn mang lại cảm giác cô quạnh đáng sợ mỗi khi đi qua.

Đổ vỡ trong ngày đầu năm là may mắn

 Phần lớn mọi người đều lo sợ vào phút giây đón mừng năm mới nếu lỡ tay đánh vỡ cốc chén, bát đĩa thì đó sẽ là điềm xui báo hiệu sự không may mắn của cả năm. Người ta tin rằng, nếu ngày đầu tiên của năm mới mà đánh đổ vỡ đồ đạc là cảnh báo cho sự chia ly, tan vỡ. Kiêng làm vỡ đồ trong ngày đầu tiên năm mới là việc làm cần thiết giữ cho cả năm an lành vui vẻ. Tuy nhiên, ở Đan Mạch, người dân dường như chẳng hề quan tâm đến vấn đề này. Với họ đổ vỡ mang lại niềm vui và may mắn. Càng đập vỡ nhiều bát đĩa, hạnh phúc càng tràn đầy.

Thông thường, vào đêm giao thừa, người Đan Mạch sẽ ném những chiếc bát, đĩa cũ vào nhà của người khác, thường là những người thân quen như bạn bè, hàng xóm, người thân... Người dân Đan Mạch tin rằng, nhà nào càng có nhiều bát, đĩa, cốc, chén… vỡ trước cửa nhà vào buổi sáng đầu tiên của năm mới thì nhà đó càng gặp nhiều điều may mắn và hạnh phúc. Điều này cũng cho thấy, nhà này có rất nhiều bạn bè thân thiết và yêu quý họ.

Để thực hiện được điều này, ngay từ trong năm, người dân đã cố gắng tích trữ những chiếc bát, đĩa, chén, cốc,… cũ. Đến lúc giao thừa, người ta chỉ cần mang số bát, đĩa, chén, cốc… này ra và ném vào cửa nhà những người thân thiết như một hình thức để… chào đón năm mới. Phong tục này hiện nay còn khá ít người thực hiện nhưng nó vẫn là một trong những phong tục thú vị ở Đan Mạch.

Vỗ mông 9 lần để tỏ tình

Ở Việt Nam, có tục "vỗ mông tỏ tình" của người Mông vào ngày thứ hai của năm mới. Trước đây, người Mông có Tết riêng, Tết thường tổ chức sớm hơn so với Tết của người Kinh đúng 1 tháng. Chỉ những năm gần đây, đồng bào người Mông mới bắt đầu đón Tết chung theo lịch của người Kinh. Dù đón Tết chung nhưng người Mông vẫn giữ những phong tục độc đáo mang bản sắc riêng của mình. Một trong những phong tục độc đáo ấy là tỏ tình đầu năm mới bằng cách trai gái vỗ vào mông nhau để lấy may.

Chàng trai người Mông đang vỗ vào mông cô gái mình yêu để tỏ tình.

Tục "Vỗ mông tỏ tình" của người Mông diễn ra vào ngày mùng 2 Tết trong lễ hội cầu phúc Sải Sán. Trai gái nam nữ, trẻ em người già đến lễ hội Sải Sán để tham gia các trò chơi ném peo, thổi khèn, hát giao duyên và "vỗ mông" nhau để tỏ tình. Người Mông coi việc "vỗ mông" năm mới là nét văn hóa tiêu biểu của họ. Vào ngày này, trai gái khắp thôn bản tìm đến nhau hay chọn bạn đời cũng đều bằng phong tục kỳ lạ này. Trai gái khi đi du xuân tại chợ hay dưới chân núi, nếu chàng trai nào ưng ý một cô gái, anh ta sẽ tiến tới vỗ vào mông cô gái đó. Cô gái được chọn nếu cũng vừa lòng thì sẽ vỗ lại vào mông "đối tác" lần nữa. Cứ thế cả hai sẽ vỗ qua vỗ lại cho đủ 9 lần tức là cả hai bên đã chấp thuận và chỉ còn đợi ngày kết duyên thành vợ chồng.

Người Dao và phong tục "ăn trộm cầu may"

Vào ngày đầu tiên của năm mới, tất cả người Dao tại các bản sẽ tập trung ở một nơi được chọn trước để thực hiện những nghi lễ cổ truyền. Ngay sau đó, tất cả từ già trẻ gái trai đều cùng nhau diễu hành qua các nhà cùng tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn ồn ã. Đi đến đâu, họ đều cố gắng lấy trộm vật gì đó từ các gia đình 2 bên. Người Dao quan niệm, càng ăn trộm được nhiều thì năm đó càng may mắn thuận lợi, tiền của dư dả. Tất nhiên việc ăn trộm diễn ra trong tiếng kèn tiếng trống tiếng chiêng inh ỏi, nhưng kẻ trộm phải hết sức khéo léo, đừng để gia chủ phát hiện ra việc họ bị mất cắp. 

Nếu chẳng may trong lúc "hành sự" mà bị gia chủ bắt gặp thì "kẻ trộm" sẽ bị phạt uống rượu và cả năm đó coi như xúi quẩy. Vì tục này không mang nặng tính vật chất nên người Dao thường chỉ ăn trộm những thứ như rau cỏ, thịt, trứng,... trong gian bếp để tượng trưng. Kết thúc hôm đó, những "tên trộm" sẽ đem chiến lợi phẩm của mình đi trả lại cho các gia đình để xin thưởng. Thế là kẻ trộm và người bị trộm đều vui vẻ uống rượu cùng nhau chúc cho nhau năm mới may mắn an lành.

Nguyễn Vũ Anh Thư (Tổng hợp)
.
.