Thời của truyện tranh “mì ăn liền”?
Thay máu để lột xác
Sau “Dũng sĩ Hesman” của thập niên 90 thế kỷ trước đến “Thần đồng đất Việt” của giai đoạn hoàng kim 2004- 2007, truyện tranh Việt bước vào thời kỳ “đóng băng”. Từ năm 2007 đến 2013, mặc dù có nhiều tác phẩm ra đời như “Đất rồng”, “N.E.X.T” hay series truyện tranh từ các tác phẩm văn học của nhóm B.R.O nhưng tất cả đều rơi vào quên lãng. Nét vẽ của họa sĩ thời kỳ này vẫn chịu ảnh hưởng từ phong cách manga Nhật hoặc rơi vào cái bóng của “Thần đồng đất Việt” chứ chưa tìm được phong cách riêng để cạnh tranh với truyện ngoại.
Đến cuối năm 2013, từ chiến dịch gây quỹ cộng đồng ủng hộ bộ truyện “Long Thần Tướng” của hai họa sĩ Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Khánh Dương ra đời, phong trào truyện tranh Việt được thổi bùng trở lại. Không nương nhờ ở các tạp chí như hồi năm 2004, truyện tranh Việt được cộng đồng chung tay tạo bệ đỡ mà đơn vị tiêu biểu của hình thức này chính là Công ty truyện tranh Comicola.
Từ trái sang: Tác giả Phan Kim Thanh và Nguyễn Huỳnh Bảo Châu trong một buổi giao lưu về truyện tranh. |
Họa sĩ Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập Comicola hồ hởi: “Với hình thức kêu gọi cộng đồng gây quỹ, thật đáng mừng khi chỉ trong vài năm từ 2013 đến 2015 đã có 30 đầu truyện được ra mắt, gấp 3 lần so với giai đoạn 2005 đến 2013. Độc giả đón nhận rất nồng nhiệt chứng tỏ thị trường truyện tranh Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng mà chúng ta cần khai phá”.
Chất lượng họa sĩ hiện nay cũng tăng lên đáng kể. Họ giàu sức sáng tạo, có nét vẽ riêng, thoát hẳn vòng ảnh hưởng của truyện tranh ngoại. Hàng loạt tác phẩm trên trang web của Comicola hay trên Facebook thu hút đông đảo độc giả ngay từ trang đầu tiên như: “Bad luck” (tác giả Nguyễn Huỳnh Bảo Châu), “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” (Phan Kim Thanh), “Chó mặt đơ và chị bicth quàng khăn đỏ” (tác giả Tạ Quốc Kỳ Nam, bộ truyện này còn được cư dân mạng biết đến với cái tên quen thuộc “Hoy đi nha”), “Mèo Mốc”, “Địa ngục môn”...
Hệ sinh thái quanh một bộ truyện tranh cũng được chăm chút và đầu tư bài bản. Chẳng hạn các nhân vật như “Vàng Vàng”, “Hoy đi nha”, “Mèo Mốc”... được dựng thành phim hoạt hình, in trên móc chìa khóa, áo thun, làm thú nhồi bông...
Bên cạnh hình thức, nội dung truyện tranh Việt bây giờ rất hóm hỉnh, hài hước với nhiều đề tài phong phú, gần gũi tâm lý giới trẻ. Chẳng hạn, “Bad luck” kể về nữ sinh trung học tên An có năng lực... nguyền rủa người khác. Từ đây sinh ra bao chuyện dở khóc dở cười. “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” khai thác tình hình thời sự, xã hội, biến động quốc tế dưới lăng kính dí dỏm, dễ thương trong khi “Mèo Mốc” lại khai thác chuyện đời thường dưới góc nhìn của một con mèo.
Khác với truyện tranh trước đây thường xây dựng nhân vật ác – thiện rõ ràng, xu hướng truyện tranh ngày nay xây dựng nhân vật đa chiều, phức tạp với đủ tính tốt –xấu. Truyện cũng phải đời thường hơn, giải trí hơn chứ không quá chính thống, nặng nề bài học giáo dục.
Họa sĩ Phan Kim Thanh thừa nhận từ năm 2013 đến nay, truyện tranh phát triển như nấm sau mưa. Mọi người đều chú ý đến truyện tranh Việt. Từ đó xuất hiện một lực lượng đi “săn đầu người”. Họa sĩ nào đang hot đều được các nhà xuất bản, đơn vị làm sách ráo riết săn đón và sẵn sàng xuất bản đứa con tinh thần của họ thành sách hẳn hoi. Việc xuất bản khá mạo hiểm nhưng có thể hiểu được khi rất nhiều bộ truyện tranh trên mạng thu hút hàng triệu lượt theo dõi, kéo theo đó là sự nhanh nhạy của các nhãn hàng quảng cáo. Mối lợi khó có thể khiến các nhà xuất bản làm ngơ.
Không chỉ gây sốt trong nước, truyện tranh Việt còn đại thắng ở sân chơi khu vực. Liên tiếp hai năm 2016 và 2017, truyện tranh Việt Nam giành giải Bạc “Cuộc thi truyện tranh quốc tế” do Nhật Bản tổ chức. Đó là “Long Thần Tướng” (2016) và “Địa ngục môn” (2017). Can Tiểu Hy - tác giả “Địa ngục môn”, tin rằng thành tích này sẽ là cú hích mạnh mẽ cho giới sáng tác, giúp truyện tranh Việt Nam vạch được lối đi riêng.
Thiếu truyện dài, thừa siêu ngắn
Điểm lại những tác phẩm nổi bật, điều đáng buồn là số tác phẩm dài hơi như “Long Thần Tướng”, “Địa ngục môn”... quá ít ỏi. Nổi trội và tràn ngập bây giờ vẫn là truyện “mì ăn liền”. Gọi vậy bởi những truyện này đều siêu ngắn, tình huống và kết thúc diễn ra trong một vài trang, thậm chí chỉ một trang là hết truyện. Độc giả chỉ cần lướt một, hai phút là hết một chương. “Mèo Mốc”, “Chuyện tào lao của Vàng Vàng”, “Tôi ổn”, “Truyện cực ngắn”... là ví dụ tiêu biểu.
Một số tác phẩm tiêu biểu trên trang web Comicola - bà đỡ của truyện tranh Việt. |
Họa sĩ thiết kế Tạ Quốc Kỳ Nam tâm sự: “Nếu ngày trước cách duy nhất để độc giả tiếp cận truyện tranh là sách giấy thì bây giờ đã có mạng xã hội và các trang web để đọc online. Chỉ cần click chuột là công chúng đọc chương mới nhất mà không cần phải ngóng chờ cả tuần để ra hiệu sách. Có lẽ do nguyên nhân này mà họa sĩ phải đăng nhanh, liên tục, gây ảnh hưởng đến dung lượng truyện và làm thiếu hụt các truyện dài có chiều sâu”.
Tác giả Phan Kim Thanh lại cho rằng, có cầu thì mới có cung. Giữa nhịp sống gấp gáp của thời kỳ hội nhập, truyện tranh siêu ngắn đáp ứng cho nhu cầu giải trí nhanh gọn của phần đông mọi người. Rất khó để buộc người ta dành thời gian đọc truyện tranh từ tháng này qua tháng nọ.
Về phần tác giả, trung bình ai cũng mất 3, 4 tháng để sáng tác một tác phẩm dài hơi. Trong thời gian đó, họ chưa được nhận tiền. Để không chết đói trong 3, 4 tháng “đóng cửa” sáng tác, tác giả buộc phải “ăn xổi” bằng cách đăng những mẩu truyện ngắn lên mạng để thu hút fan, từ đó mong nhận quảng cáo. Mà nhận tiền quảng cáo được rồi thì theo hợp đồng, trang mạng của họa sĩ phải có nhiều lượt tương tác, lượt người xem. Do đó, họ buộc phải sáng tác truyện ngắn liên tục và đăng đều đặn mỗi ngày.
Chính áp lực và sự can thiệp từ các nhãn hàng khiến truyện càng về sau càng mất chất. Để câu khách, nội dung của nó thiên hẳn về giải trí. Lắm họa sĩ không ngại khai thác nội dung nhảm, bựa, dễ dãi, thậm chí dùng câu từ tục tĩu, phản cảm. Như trong một bộ truyện, tác giả vô tư để học trò nói tục, chửi thề với thầy cô, gọi bạn bè là con chó, đồ não lợn... Bí đề tài khiến các đầu truyện nhan nhác nhau. Sức sáng tạo của họa sĩ trẻ dường như dồn hết cho sự tào lao, siêu hài của mình bằng đủ trò dơ nhất.
Nhược điểm của truyện tranh Việt Nam là sự chuyên nghiệp và đồng nhất trong cách làm việc của các bên vẫn rất yếu và lỏng lẻo. Nhà xuất bản, đơn vị làm sách hợp tác với họa sĩ phần nhiều dựa trên yếu tố cảm tính. Dù đã quan tâm hơn đến thị trường truyện tranh Việt nhưng không hiếm đơn vị xuất bản chỉ chạy theo sức hút nhất thời của bộ truyện mà không quan tâm đến thời gian và sức đầu tư tác giả bỏ ra. Họ chỉ cố hối thúc để tác giả mau nộp bản thảo cho kịp tung sách ra đúng thời điểm nó đang nóng. Khi xuất hiện truyện khác hot hơn, họ sẵn sàng bỏ rơi tác giả cũ vì lợi nhuận. Sự quan tâm chưa đúng mức của giới xuất bản cộng với vấn đề kiểm duyệt truyện tranh ở nước ta còn nhiều gắt gao vì quan niệm truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi nên các họa sĩ vẫn ưu ái sáng tác truyện “mì ăn liền” phổ biến trên mạng hơn là xuất bản truyện dài.
Dẫu vậy, họa sĩ Phan Kim Thanh vẫn khẳng định chắc nịch: “Tôi tin rằng sau đợt sóng truyện ngắn này sẽ là một đợt sóng truyện dài. Các tác giả vẫn âm thầm vẽ truyện dài mà nhiều người không để ý đó thôi. Họ vẽ truyện ngắn như một kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Bởi truyện dài có cốt truyện, có tuyến nhân vật tiêu biểu và có chiều sâu nên thường được người ta nhớ lâu hơn truyện ngắn. Nếu tác giả nào muốn theo nghề dài lâu thì nên ra sách giấy. Tên tuổi của giới họa sĩ truyện tranh chúng tôi không phải là lượt like trên mạng mà là một cuốn sách thú vị, tạo được tiếng vang”.