Thị trường sách Mỹ có gì mới?

Thứ Sáu, 22/01/2021, 12:34
Một thương vụ lớn trong lĩnh vực kinh doanh xuất bản là gã khổng lồ "Penguin Random House" - thuộc quyền sở hữu của tập đoàn truyền thông Đức "Bertelsmann" - đã nuốt chửng địch thủ cạnh tranh của mình là nhà xuất bản "Simon & Schuster". Mới đây, tờ "The New York Times" có thông báo rằng Hiệp hội Nhà văn Mỹ đã lên tiếng phản đối và kêu gọi Bộ Tư pháp không công nhận thương vụ này. Sự việc sẽ ngã ngũ trong năm 2021.


Sáp nhập nhà xuất bản và chính sách chống độc quyền

Nhà xuất bản "Simon & Schuster" được thành lập tại thành phố New York vào năm 1924 bởi Richard L. Simon và M. Lincoln Schuster, hiện là công ty con của tập đoàn truyền thông lớn thứ tư thế giới "ViacomCBS" thuộc quyền sở hữu của Mỹ. 

Là nhà xuất bản lớn thứ ba tại Mỹ, có 35 chi nhánh khác nhau, xuất bản 2.000 đầu sách hàng năm, "Simon & Schuster" cùng với "Penguin Random House", "Macmillan Publishers", "Hachette Book Group" và "HarperCollins" lọt vào TOP 5 nhà xuất bản tiếng Anh lớn nhất thế giới. Năm 2020 là khoảng thời gian đầy biến động với Simon & Schuster. 

Ngay khi đợt dịch COVID - 19 bùng nổ ở nước Mỹ, hàng loạt cửa hiệu buộc phải đóng cửa, gây thiệt hại nặng nề tới doanh số, bởi đây là kênh bán hàng chính của gã khổng lồ này. Rồi Giám đốc điều hành Carolyn Reidy đột ngột qua đời, ông Jonathan Karp thay thế vị trí này. Thời điểm đó, Simon & Schuster cũng phải đối mặt vụ kiện tụng từ gia đình và chính quyền ông Trump: Tổng thống Mỹ tìm mọi cách ngăn cản việc xuất bản các cuốn sách trái chiều, bất lợi về mình…

Ở Mỹ, nhà xuất bản "Simon & Schuster" lớn thứ 3 (ảnh) sẽ bị "Penguin Random House" nuốt chửng.

Từ hôm thứ 5, ngày 25 tháng 11 năm 2020 đã xuất hiện thông báo về thương vụ sắp được phê duyệt. Tập đoàn truyền thông "Bertelsmann" (thuộc quyền sở hữu của Đức) đã thắng trong cuộc đấu sau khi đề nghị hãng "ViacomCBS" (thuộc quyền sở hữu của Mỹ) một mức giá rất cao để mua lại nhà xuất bản "Simon & Schuster" và chủ mới của nó sẽ là "Penguin Random House". Tổng cộng thương vụ này có giá 2,175 tỷ USD trong trường hợp được chính quyền Mỹ đồng ý. 

Theo dự kiến, thương vụ này sẽ khép lại vào năm 2021. Như vậy, trên tổng số sách in được bán ở Mỹ, ấn phẩm của "Penguin Random House" chiếm vào khoảng 25%, của "Simon & Schuster" sẽ là hơn 9% (chiếm 1/3 thị phần, trong khi nhà xuất bản đứng thứ nhì là "HarperCollins Publishers" bán được gần 11%). 

Nếu như những cơ quan chống độc quyền của Mỹ không cho phép hai gã khổng lồ trên thị trường xuất bản được nhập làm một thì "Bertelsmann" sẽ phải trả cho "Viacom CBS" một khoản tiền phạt nhất định vì hợp đồng bị phá vỡ trước thời hạn. Nhưng ông Markus Dohle - Quyền Giám đốc "Penguin Random House" - vẫn tự tin rằng thương vụ nhất định thành công.

"ViacomCBS" nêu ra vấn đề bán nhà xuất bản "Simon & Schuster" từ tháng 3 năm 2020 và có một số ứng viên chạy đua vào cuộc giành quyền sở hữu, trong đó có 3 đơn vị hùng mạnh là "Bertelsmann", "News Corp" - tập đoàn truyền thông giải trí lớn thứ 3 thế giới của tỷ phú Rupert Murdoch và "Vivendi SA" - tập đoàn truyền thông của Pháp có trụ sở chính tại Paris, chủ sở hữu của Universal Music Group, Groupe Canal + và Dailymotion, hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, truyền hình, phim, trò chơi điện tử, xuất bản sách, vé và dịch vụ lưu trữ video. 

Theo lời người đại diện của "ViacomCBS", thì hãng có dự định không coi ngạch kinh doanh sách là chìa khóa cho mình, mà phát triển theo hướng Streaming - công nghệ được sử dụng để truyền dữ liệu tới máy tính và các thiết bị di động thông qua Internet hoặc dưới dạng một "dòng chảy" liên tục, cho phép người nhận xem/nghe gần như ngay lập tức. Bán đi "Simon & Schuster", tiền thu được sẽ trả các món nợ của hãng (tổng cộng 21 tỷ USD) và trả cổ tức cho các cổ đông.

Trong TOP 5 đại gia trên thị trường sách Mỹ: "Penguin Random House" đứng đầu và "Simon & Schuster" đứng thứ ba (theo National Public Radio), những vị trí còn lại là "Hachette", "HarperCollins" và "Macmillan". Ông Robert Thompson - quyền Giám đốc "New Corp." nhận định rằng việc sáp nhập hai vị khổng lồ từ TOP-5 có nguy cơ xuất hiện trên thị trường một "hà mã sách" (behemoth of books) và việc cạnh tranh với nó sẽ trở thành bất khả. Cùng mối lo như thế, những thành viên khác của thị trường cũng nói lên ý kiến của mình.

Các nhà văn, tác giả sẽ được gì trong vụ sáp nhập?

Vụ "Penguin Random House" thôn tính "Simon & Schuster" là mối nguy cho tất cả các nhà văn và tác giả còn ít nổi tiếng hoặc mới vào nghề cũng như cho toàn bộ nền công nghiệp xuất bản nói chung. Trong tuyên bố của Hiệp hội Nhà văn Mỹ phản đối thương vụ này có đoạn: "...

Việc sáp nhập hai nhà xuất bản nắm trong tay đến 50% tổng số sách in khiến cho ngành xuất bản sách ở Mỹ bị mất cân đối nghiêm trọng. Số nhà xuất bản hàng đầu giảm từ 5 xuống còn có 4, làm cho sức cạnh tranh càng suy giảm hơn trên thị trường vốn đã lắm sự độc quyền. Còn đối với giới nhà văn, điều đó có nghĩa rằng bản thảo của họ sẽ có ít người tìm mua hơn và dẫn đến việc không tránh khỏi là nhuận bút sẽ giảm".

Ở Mỹ, nhà xuất bản "Simon & Schuster" lớn thứ 3 (ảnh) sẽ bị "Penguin Random House" nuốt chửng.

"Những dự án xuất bản mà vài năm về trước có thể bán được với giá 150 nghìn USD thì bây giờ nói chung là chẳng ai thèm  mua", ông David Coon, một người làm đại lý xuất bản tâm sự. Còn những dự án xuất bản trước kia đáng giá 500 nghìn USD, thì giờ sẽ là một triệu USD. Đối với những nhà văn đã được xã hội công nhận, các nhà xuất bản sẽ theo đuổi ráo riết hơn.

"Hệ sinh thái" của ngành xuất bản

Các nhà phân tích đều đồng ý với quan điểm cho rằng thương vụ này chỉ củng cố thêm một khuynh hướng đã có từ lâu trên thị trường sách Mỹ: ngành kinh doanh xuất bản phẩm ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào những "bom tấn" mới xuất hiện và những  tác phẩm cũ đã được thẩm định, trong khi đó những nhà văn và tác giả mới cầm bút có sách được bán không tích cực cho lắm thì lại càng ít có cơ hội đến với độc giả hơn.

Đại diện của Bertelsmann cố thuyết phục rằng  thương hiệu của "Simon & Schuster" sẽ tiếp tục cạnh tranh với các chi nhánh của "Penguin Random House", cũng như tại chính "Penguin Random House" vẫn có sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản từng có thời độc lập đứng riêng là "Penguin" và "Random House" với các chi nhánh khác. 

Việc sáp nhập hai tiềm lực "Penguin Random House" và "Simon & Schuster" không đủ để chiếm được 20% thị phần, bởi vì trong những năm gần đây, "Penguin Random House" phải gánh chịu thua lỗ và nhường một phần của mình trên thị trường sách quốc tế cho công ty thương mại điện tử Amazon. 

Trong khi đó, những nhà quan sát tin rằng: thương vụ sắp tới sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến "hệ sinh thái" của ngành xuất bản sách, bởi vì các thủ lĩnh xuất bản bắt tay với các nhà bán lẻ hàng đầu như Amazon và Barnes & Noble với những điều kiện tốt nhất, đồng thời họ cũng tìm ra những phương pháp liên hệ trực tiếp với người mua thông qua những hiệu sách độc lập mà không cần qua môi giới.

Nhà xuất bản "Simon & Schuster" hiện có 1.500 nhân viên, nắm giữ bản quyền của khoảng 35 nghìn xuất bản phẩm, bao gồm những sách bán chạy của thời hiện đại của Stephen King, Don DeLillo, Bob Woodward và nhiều tác giả khác cũng như những tác phẩm kinh điển của F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway, Henry James, v.v... 

Trong năm 2019, doanh thu của "Simon & Schuster" là 814 triệu USD và có lãi. 10 tháng đầu năm 2020, doanh thu đạt 649 triệu USD, lãi trước thuế là 115 triệu USD. Theo thống kê của tờ "The Guardian" thì "Simon & Schuster" cho ra đời khoảng 2.000 sách mới mỗi năm (con số này ở "Penguin Random House" là 15.000).

Trên thị trường sách Mỹ 10 năm gần đây đã diễn ra vài thương vụ sáp nhập lớn. Ở giai đoạn này là vụ sáp nhập "Penguin" và "Random House", "News Corp" thôn tính nhà xuất bản "Harlequin", "Hachette" mua lại "Perseus Books". Mùa Thu năm 2020, hãng "Houghton Mifflin Harcourt" có thông báo sẽ bán đứt cơ nghiệp của mình và những nhà xuất bản lớn đang nhằm đến, trong đó có "Macmillan" và "Hachette".

Đăng Bẩy (theo Gorky.media)
.
.