Thị trường nhạc trẻ: Lằn ranh mong manh giữa hai bờ thực-ảo

Thứ Bảy, 20/08/2016, 08:26
Nhạc trẻ Việt đang ở đâu và sẽ đi về đâu là câu hỏi được nhiều người làm nghề quan tâm. Những ca khúc triệu view, những ca sĩ thị trường có lượng fan hâm mộ hùng hậu có phải là diện mạo chân thực của nhạc trẻ Việt? Trong thị trường nhạc trẻ hiện nay đang tồn tại song hành cả giá trị thực và giá trị ảo. Đôi khi, giá trị ảo đã "chiếm thế thượng phong", lấn át giá trị thực.


Tín hiệu vui từ những thử nghiệm mới

Nói như vậy không có nghĩa rằng, nhạc trẻ Việt chỉ có giá trị ảo, không thể "kiếm" nổi những điều tử tế chân chính. Trong vô vàn thị phi, hỗn độn, vẫn có những nghệ sỹ trẻ đang nỗ lực đi bằng đôi chân của chính mình. Những giá trị âm nhạc mà họ mang đến công chúng, dù mới chỉ là thử nghiệm cũng rất đáng được trân trọng.

Bước ra từ cuộc thi "Thần tượng âm nhạc" 2010, Văn Mai Hương là ca sĩ có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh và mang đến công chúng những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Trong album với chủ đề "Nữ quyền" sắp ra mắt, Văn Mai Hương thử nghiệm một phong cách âm nhạc hoàn toàn mới: disco funky.

Nếu như trước đây, khán giả biết đến Văn Mai Hương thông qua những ca khúc pop ballad nhẹ nhàng, R&B, dance sôi động hay nhạc điện tử (EDM) thời thượng thì "Nữ quyền" sẽ mang đến một góc nhìn mới về cô ca sĩ trẻ này.

Hình ảnh ca sĩ Văn Mai Hương trong MV Beautiful sắp ra mắt khán giả.

Văn Mai Hương chia sẻ rằng, cô muốn "phá vỡ" vỏ bọc an toàn của chính mình nhưng cũng lo ngại về sự đón nhận của khán giả. MV "Beautiful" (ca khúc do Khắc Hưng sáng tác, MV do Đinh Hà Uyên Thư làm đạo diễn) là sản phẩm đầu tiên trong "Nữ quyền" ra mắt gần đây được công chúng đón nhận, chứng tỏ sự nỗ lực đổi mới đáng ghi nhận của Văn Mai Hương.

Ca sĩ Hoàng Thùy Linh cũng vừa có một thử nghiệm cực kỳ táo bạo khi giới thiệu đến công chúng MV ca nhạc "Bánh trôi nước" (ca khúc do nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sáng tác, thơ của Hồ Xuân Hương, đạo diễn MV Phù Nam). Mặc dù còn có nhiều ý trái chiều nhưng phần lớn khán giả đánh giá "Bánh trôi nước" có sự đột phá và mạo hiểm, mang đến một hình tượng âm nhạc hoàn toàn khác so với những gì Hoàng Thùy Linh thể hiện thông qua sản phẩm âm nhạc trước đó.

Những cảnh quay huyền ảo kết hợp với ca khúc đậm chất Á Đông hy vọng sẽ mang đến một câu chuyện ấn tượng về thân phận người phụ nữ. Thông qua "Bánh trôi nước", khán giả có thể thấy rõ định hướng âm nhạc sắp tới của Hoàng Thùy Linh là sự ma mị, chất chứa cảm xúc nhưng cũng rất phù hợp với xu hướng thời thượng của nhạc trẻ thế giới.

Với "Đinh Mạnh Ninh Live", Đinh Mạnh Ninh là ca sĩ mở màn xu hướng sử dụng công nghệ livestream để tường thuật toàn bộ đêm diễn của mình. Chương trình được đánh giá là thành công ngoài mong đợi với số lượng người xem livestream trên Facebook là 285 nghìn và trên ứng dụng FPT Play trong cùng thời điểm là 46 nghìn.

Sau khi đêm diễn kết thúc, số lượt người xem vẫn tiếp tục tăng lên. Sự thành công của "Đinh Mạnh Ninh Live" là kết quả từ sự cố gắng của Đinh Mạnh Ninh và ekip sáng tạo, trước tiên là sự mạnh dạn đổi mới, tiên phong sử dụng công nghệ để tiếp cận, tương tác nhiều hơn với khán giả.

Không chỉ có Văn Mai Hương, Hoàng Thùy Linh, Đinh Mạnh Ninh, một số ca sĩ trẻ khác cũng đang nỗ lực để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc phù hợp với giới trẻ và bắt nhịp với xu hướng âm nhạc thế giới. Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh chia sẻ rằng, "muốn thị trường âm nhạc phát triển đúng nghĩa, chính những người trẻ phải dám tiên phong".

Đây có lẽ là một "tuyên ngôn nghệ thuật" mà thị trường âm nhạc đang rất cần ở những ca sĩ trẻ. Tất nhiên, sự đổi mới, tiên phong phải hướng tới xây dựng giá trị âm nhạc tích cực.

Giá trị ảo vẫn đang lấn át?

Một thực tế đáng buồn là những ca sĩ trẻ nỗ lực để đổi mới, nghiêm túc trong sáng tạo không nhiều trong showbiz Việt hiện nay. Trong bối cảnh "vàng thau lẫn lộn", các giá trị âm nhạc, không phải bao giờ cái mới chân chính, sự lao động nghiêm cẩn cũng được ghi nhận và đánh giá đúng mức, phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm "triệt tiêu" sự sáng tạo?

Chuyện đạo, nhái của ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP vẫn chưa hết "sốt" trên các diễn đàn những ngày gần đây. Ca khúc "Chúng ta không thuộc về nhau" có đạo ca khúc "We don't talk anymore" của Charlie Puth và Selena Gomez hay không vẫn chưa ngã ngũ. Theo nhiều chuyên gia thì việc phân tích, đưa ra bằng chứng khẳng định Sơn Tùng - MTP đạo nhạc không phải là chuyện đơn giản vì đó là phương thức "đạo nhạc tinh vi", một mũi tên trúng hai đích, nghĩa là vừa có thể gây tranh cãi nhưng lại có thể chứng minh mình "vô tội".

Một cảnh trong MV "Bánh trôi nước" của ca sĩ Hoàng Thùy Linh.

Tôi cho rằng, có một giả thuyết khác xung quanh những lùm xùm của Sơn Tùng M-TP là có thể, chàng ca sĩ trẻ này không cố ý đạo, nhái của người khác mà là do "bị nhiễm" phong cách, "gu" âm nhạc của nước ngoài. "Chúng ta không thuộc về nhau" chỉ là ca khúc tiếp theo trong "bộ sưu tập" ca khúc của Sơn Tùng M-TP bị tố "na ná" ca khúc của một ca sĩ hay nhóm nhạc nước ngoài nào đó.

Rất có thể, do Sơn Tùng M-TP đã nghe, xem quá nhiều nhạc nước ngoài đến mức "đánh mất mình" trong dòng chảy âm nhạc đó. Điều này, dẫn đến những sáng tác của anh luôn bị trộn lẫn với nhạc nước ngoài.

Tất nhiên, đây chỉ là suy nghĩ của cá nhân tôi nhưng nếu giả thuyết này là sự thật thì âm nhạc Sơn Tùng M-TP sẽ là một thứ âm nhạc "vay, mượn", thiếu cá tính sáng tạo - yếu tố cốt lõi và vô cùng cần thiết trong nghệ thuật. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, những ca khúc của Sơn Tùng M-TP vẫn liên tục dẫn đầu các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước. Bất chấp những ồn ào từ dư luận,

"Chúng ta không thuộc về nhau" vẫn "phăm phăm" tiến về phía trước, xô đổ mọi kỷ lục về lượt người xem, nghe, tải trong thị trường âm nhạc Việt trước đó. "Chúng ta không thuộc về nhau" là một giá trị ảo được tạo ra từ hiệu ứng truyền thông và "tâm lý thần tượng" của giới trẻ.

Một giá trị ảo nữa trong thị trường âm nhạc Việt hiện nay là sự lên ngôi của những "ca khúc thời trang", tức là những ca khúc ra đời "bất chấp" mọi quy luật về giai điệu, tiết tấu, đề tài, ngôn từ thường thấy. Trường hợp của ca khúc "Vợ người ta" là một ví dụ.

Mặc dù không có gì đặc biệt về giai điệu, ca từ, thậm chí bị báo chí gắn mác "nhảm, nhạt" nhưng "Vợ người ta" vẫn có lượng người nghe "khủng" trên mạng internet. "Vợ người ta" "càn quét" các hạng mục của giải thưởng âm nhạc trực tuyến Zing Music Award 2015: top 3 hạng mục "Ca khúc của năm", đạt giải thưởng "Ca khúc nhạc Soul/R&B được yêu thích nhất", giải thưởng "Ca khúc được chia sẻ nhiều nhất cộng đồng mạng".

Ngoài ra, còn có rất nhiều ca khúc "triệu view" về lượng người nghe nhưng "zero" về chất lượng như: "Đọc kỹ hướng dẫn trước khi yêu" (Châu Việt Cường), "Nô lệ tình yêu" (Hồ Việt Trung), "Nàng Kiều lỡ bước" (HKT)... loạt ca khúc "ăn theo trào lưu" như "Đắng lòng thanh niên" (Only C và Avatar Boys), "Anh không đòi quà" (Only C và Karik), "Ế" (Karik và Windy Quyên), "Forever Alone - FA" (Justa Tee)... 

Nhân tố không thể không nhắc đến đã góp phần tạo ra những giá trị ảo trong âm nhạc chính là một bộ phận không nhỏ khán giả trẻ - những người đã yêu quý, cổ vũ thần tượng của mình một cách cuồng nhiệt, thiếu lý trí.

Đáng lẽ ra, với quan điểm "nghe nhạc có ý thức", các bạn trẻ phải là người lên tiếng, "tẩy chay" những sản phẩm âm nhạc đạo, nhái, có ngôn từ phản cảm... thì họ lại lên tiếng, bênh vực thần tượng của mình. Khi những cung bậc cảm xúc, niềm tin không gắn với sự hiểu biết, tình yêu chân thành thì sẽ là "bàn tay vô hình" làm đảo lộn những giá trị nghệ thuật đích thực. Lằn ranh giữa giá trị thực - ảo rất mong manh và khi giá trị ảo lấn át giá trị thực thì nhạc trẻ Việt sẽ chỉ mãi quẩn quanh, không thể tiến lên phía trước...

Tường Phạm
.
.