Tết cổ truyền – “hàng rào” của văn hóa Việt

Thứ Bảy, 18/01/2020, 08:19
Tết cổ truyền, gọi như thế, để đúng với bản chất cái Tết của người Việt. Bởi Tết cổ truyền (hay còn gọi là Tết ta) khác với Tết Trung Quốc và Tết Tây.


Bản sắc của người Việt cổ

Thủy tổ của các vua Hùng, tổ tiên của người Việt ngày nay, là Thần Nông. Trong “Đại Việt Sử ký Toàn thư”, sử thần Ngô Sĩ Liên chép: “Nước Đại Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam–Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc Triều mỗi bên làm đế một phương”.

Thần Nông là người dạy dân trồng trọt. Sách “Thương Quân” thời Xuân Thu Chiến quốc của Trung Quốc đã khen thời Thần Nông rằng: “Đời Thần Nông, con trai cày mà ăn, con gái dệt mà mặc, không dùng hành chính mà dân được trị, không dấy binh đao mà làm vua thiên hạ”.

Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong và bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt, cũng như ngày giỗ tổ Hùng Vương.

Do nhu cầu canh tác nông nghiệp, người Việt cổ đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thời”). Trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán. Sau này nó được biết đến là Tết Nguyên đán, tức là Tết cổ truyền của người Việt.

Khổng Tử (511 – 479 TCN) là nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa. Trong sách “Kinh Lễ”, ông viết: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”. Sách “Giao Chỉ Chí” cũng có đoạn viết về Tết ta.

Sách viết: “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này”. Như vậy, Tết là ngày lễ hội lớn của người Việt cổ nhằm mừng một vụ mùa nông nghiệp mới. Về bản chất, Tết là khoảng thời gian người nông dân được nghỉ ngơi vui chơi trước khi bắt đầu một chu kỳ canh tác, gieo trồng mới.

Phương Tây không có điều tương tự. Trong dương lịch, ngày 1-1, Ngày Năm mới (New Year's Day) ở phương Tây chỉ đơn giản là ngày đầu tiên của tháng Tháng Một (January). Đó là vị thần Janus, người được phác họa có hai đầu, một trông về phía trước, một trông về phía sau, biểu tượng cho sự chuyển giao giữa cái cũ và cái mới.

Tết của Trung Quốc bắt đầu bằng việc xua đuổi con “Niên” (năm). Theo truyền thuyết, ngày xửa ngày xưa ở Trung Quốc có con thú dữ gọi là “Niên”, trên đầu mọc sừng, hết sức hung dữ. Con “Niên” quanh năm suốt tháng sống dưới đáy biển, cứ vào đầu năm mới thì nó mới lên bờ để giết súc vật và hại người. Tuy nhiên, con vật này sợ tiếng ồn nên người Trung Quốc đã dùng pháo đốt để xua đuổi. Con niên sau bị Hồng Quân Lão Tổ của Đạo giáo Trung Hoa thu phục và trở thành vật cưỡi của vị thần tiên này. Bởi vậy, những ngày đầu năm trong tâm thức của người Trung Quốc xưa là một nỗi sợ chứ không phải là mừng vụ mùa như người Việt cổ.

Hiểu hơn về thời đại các vua Hùng

Năm Canh Tý 40, vào mùa Xuân, hai chị em Trưng Trắc – Trưng Nhị (con gái Lạc tướng Mê Linh) hội quân ở cửa sông Hát, lập đàn thề, phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Hán. Lời thề xuất quân của Hai Bà Trưng vang lên: “Một xin rửa sạch quốc thù. Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kẻo oan ức lòng chồng. Bốn xin vẻn vẹn thửa công lênh này”.

Vì sao Hai Bà Trưng phải xây dựng lại “nghiệp xưa họ Hùng”? Bởi Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng là nhà nước đầu tiên của người Việt. Ngoài ra, xây dựng lại “nghiệp xưa họ Hùng” cũng là để bảo tồn nền văn minh nông nghiệp của người Việt và các dạng thức biểu hiện của nó.

Theo các tài liệu thì “Văn” là người, nhóm người, tộc người, cộng đồng người,… Còn “Lang” là sông. Ghép lại, Văn Lang có nghĩa là cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông. Bởi vậy, chữ Việt bộ Mễ nghĩa là thời bình người Việt làm nghề nông sinh sống, lúa gạo trữ trong kho. Chữ Việt bộ Tẩu nghĩa là thời chiến người Việt cầm vũ khí đi chống xâm lăng để giữ nứớc.

Sách “Giao Châu ngoại vực ký” của người Hán viết hồi thế kỷ III viết rằng: “Ở thời xưa Giao Chỉ chưa có quận huyện thì đất đai có ruộng Lạc, ruộng ấy theo nước triều lên xuống mà làm. Dân khẩn ruộng ấy mà làm ăn nên gọi là dân Lạc. Đặt Lạc Vương Lạc hầu làm chủ các quận huyện. Các quận huyện phần nhiều là Lạc tướng”.

Tài liệu này cho thấy dân ta thời các vua Hùng làm ruộng Lạc. Từ ruộng Lạc mà cư dân gọi là Lạc dân, vua quan cũng mang danh hiệu đó: Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc vương. Lạc vương chính là Hùng Vương. Ngoài ra, nghề nông của người Việt dưới thời các vua Hùng cũng được phản ánh trong truyện bánh chưng bánh giầy, truyện dưa hấu, truyện trầu cau.

Dân chúng thời Hùng Vương cũng thạo nghề bắt cá, chài lưới (điển hình bằng tục vẽ mình), nghề luyện kim (truyện Phù Đổng Thiên Vương), và nghề buôn bán (truyện Chử Đồng Tử, truyện Mai An Tiêm).

Năm Canh Tý 40, vào mùa Xuân, Hai Bà Trưng lập đàn thề, xin “đem lại nghiệp xưa họ Hùng” và phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Hán của Trung Quốc.

Sách “Việt giám thông khảo tổng luận” cũng chép về việc quản lí đất nước thời Văn Lang chủ yếu theo tục lệ cổ truyền: “Dân không có thói gian dối”, “buộc nút dây mà làm chính sự”.

Bên cạnh đó, chữ Khoa Đẩu là thứ chữ đầu tiên của người Việt cổ đang được nghiên cứu. Đó là một thứ chữ cổ, có hình dáng như những con nòng nọc nên còn gọi là chữ nòng nọc. Đây là thứ chữ đầu tiên của người Việt cổ, được phát hiện trên một số trống đồng và các hiện vật thời Đông Sơn. Tương truyền, chữ Khoa Đẩu bị mất từ sau khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại.

Đặc biệt nhất là trống đồng Đông Sơn. Trống đồng Việt Nam phân bố ở nhiều nơi trên đất nước ta, từ Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn đến Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Sông Bé, Khánh Hòa, Vũng Tàu... và cả hải đảo xa xôi Phú Quốc. Ngoài ra, bằng con đường giao lưu văn hóa, trao đổi, trống đồng còn có mặt ở các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia... Trống đồng ngoài chức năng là một nhạc khí, còn tượng trưng cho quyền lực của các vị thủ lĩnh người Việt ngày xưa.

Việt Nam cũng có 2 di sản về thời đại Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đó là hát Xoan, những điệu hát có từ thời Hùng Vương, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo tồn khẩn cấp năm 2011. Và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của việc thờ cúng tổ tiên của người Việt, được công nhận là di sản văn hóa tâm linh tiêu biểu của nhân loại vào năm 2012.

Cuối cùng, Tết cổ truyền là “hàng rào” của văn hóa Việt cổ. Nấu bánh chưng bánh giầy, ăn trầu cau… là những nét độc đáo vào ngày Tết của người Việt cổ còn lưu lại đến tận bây giờ. Bởi vậy gần đây có quan điểm cho rằng phải bỏ Tết Nguyên đán, chỉ ăn Tết Tây cũng khiến cho dư luận phản ứng. Bởi vì về bản chất, Tết cổ truyền là bản sắc văn hóa của người Việt có từ cách đây hàng nghìn năm vào thời dựng nước và giữ nước.

Huế, ngày 9-1-2019

Nguyễn Văn Toàn
.
.