Tâm thức dân gian Việt Nam với Di sản Tết cổ truyền

Thứ Ba, 14/01/2020, 11:14
Di sản Tết cổ truyền là một di sản quan trọng trong đời sống văn hóa dân tộc Việt. Nhân dịp Tết Canh Tý 2020, Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với GS.TS. NGƯT Vũ Anh Tuấn - chuyên gia nghiên cứu văn hoá dân gian, GVCC Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để hiểu sâu hơn về điều này.


- Tết Nguyên đán là một trong những nét đẹp văn hóa mà dân gian đã gìn giữ và lưu truyền trong suốt hàng ngàn năm qua. Vậy, Tết bao hàm những ý nghĩa gì, thưa GS?

+ Tết của dân tộc ta mang nhiều ý nghĩa. Tết cổ truyền của người Việt có những nét đặc trưng riêng, khó có thể hòa lẫn bởi cái lẽ xưa nay, đầu tiên và duy nhất trong một năm "tứ tán làm ăn" thì đây là dịp để cha con, chồng vợ, anh em có cái lẽ duy tình để mà trở về nơi ra đi, để sum vầy đoàn tụ. Xưa  nhắc đến Tết còn là nhắc đến: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".

Thế nên chỉ có thể nói Tết ta luôn hướng tới những điều tốt lành, những điều thánh thiện, mưa thuận gió hòa, người người làm ăn thuận lợi, khoẻ mạnh, sống lâu, học hành tấn tới, sự nghiệp thành đạt, cuộc sống gặp nhiều may mắn. Tết cũng mang ý nghĩa tìm về nguồn cội, nhớ ơn các bậc tiên tổ, tỏ lòng tôn kính các vị ân nhân có công tạo nghiệp cho gia đình, đất nước. Tết cũng là sự đón nhận niềm vui, sự hưởng thụ những giá trị văn hoá thẩm mỹ, những thành quả có tính giải trí lành mạnh, trong sáng, tươi vui.

Tục gói bánh chưng đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trong nhiều gia đình người Việt dịp đón Tết cổ truyền.

Chỉ có Tết mới làm cho mọi điều không muốn có chẳng may đã gặp được rũ sạch bỏ lại vào năm cũ. Chỉ có Tết mới làm cho mọi ước muốn chưa thành có dịp được nhen lên, phập phồng hi vọng. Câu chuyện Tết cứ thầm thì mùa xuân như thế suốt xưa sau.

-  Tết có phải vốn là tiếng chỉ chung những ngày cúng lễ gắn với thời tiết (Tết Nguyên tiêu Rằm tháng Giêng, Tết Thanh Minh tháng 3, Tết Đoan Ngọ tháng 5, Tết Trung Thu tháng 8, Tết cơm mới tháng 10...); vậy tiếng "Tết Nguyên đán" bắt nguồn từ đâu thưa GS?

+  Có lẽ hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa cổ truyền ở ta trước nay đều cho rằng tiếng "Tết" do tiếng "tiết" đọc chệch ra. Mỗi tiết là một khoảnh khắc thời gian theo âm lịch trong năm gắn với thời tiết, khí hậu bám sát lịch tiết mùa vụ nông nghiệp (Tứ thời, bát tiết). Riêng tiếng Tết đi một mình là thường được dùng để chỉ Tết Nguyên đán.

"Nguyên" là khởi đầu, đầu tiên; "Đán" là sớm, buổi sớm. Tết Nguyên đán là buổi khởi đầu, buổi sớm đầu năm, đầu tháng, đầu ngày của cả một năm. Tết là khoảng thời gian bắt đầu một năm mới. Sau này, khi có lịch dương truyền vào thì còn được gọi là "Tết ta" để phân biệt với Tết Tây (đầu năm theo dương lịch) hoặc Tết Cả để phân biệt với các "Tết con" còn lại, đại thể là những cái Tết theo từng tháng như trên bạn đã nhắc đến.

-  Vậy xin GS có thể trao đổi chi tiết hơn về tâm thức dân gian với Lễ tết dân tộc cổ truyền ở nước ta xưa nay đã được quan niệm như thế nào?

 + Ở Việt Nam, chỉ tính trong khoảng thời gian từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, ít nhất đã có ba thế hệ các nhà khoa học gia công lội ngược dòng tìm về cội nguồn. Chúng ta đã làm sáng lên được từ trong sâu thẳm quá khứ một nền văn hoá - văn minh cơ tầng Việt cổ bền vững, mà đỉnh cao của nó là sự thành tạo nhà nước Âu - Lạc, một quốc gia cổ đại được cho là xuất hiện sớm nhất và cũng hùng mạnh nhất thời ấy ở Đông Nam Á. Các lễ hội như thế bao đời nay đã diễn ra theo nhịp mùa đi như một lẽ tự nhiên trong dòng chảy của sự sống, của trời đất, của con người.

Có ai nghĩ rằng để có được một hội Xuân như Tết Cả (Nguyên Đán), một hội Thu như Tết trông trăng, ngưòi Việt cổ xưa đã phải thường nghiệm và lựa chọn từng thiên kỉ trên mảnh đất nóng ẩm, mưa nhiều và có hai mùa gió đặc trưng, nơi cây trái cỏ hoa cũng nhiều như giông bão. Làng định cư trồng lúa nước cùng cây có củ và bầu bí ra đời.

Con người một nắng hai sương xay giã dần sàng từ đấy, buồn vui cùng hạt lúa. Khi đầu, người ta thuần dưỡng cây lúa nếp (Nhớ gia tiên cúng cơm nếp, xôi nếp), khi sau là cây lúa tẻ (cơm tẻ mẹ ruột). Nhưng ai biết từ giọt nắng đầu tiên vừa toả chiếu, từ hạt lúa đầu tiên vừa căng sữa nhú mầm, các món thức bánh nếp, bánh tẻ, chè kho, bánh gio, bánh giò, bánh dợm, cơm lam, kẹo lạc, kẹo vừng, bánh đa vừng ngào mật ngày 23 tháng chạp đến những chiếc bánh chưng xanh buộc lạt hồng điều là cả một gia sản ngữ nghĩa biểu tượng có thể viết lại thành biên niên sử.

   Câu chuyện tưởng chừng bị vùi lấp vĩnh hằng trong sương mù tiền sử đã được chúng ta dựng lại:  Mỗi lễ Tết là một nét son tô điểm vào cuộc sống cổ truyền của ông cha chúng ta từ khi nông nghiệp đã trở thành sinh nghiệp theo chu kì "Xuân sinh, hạ trưởng, thu thụ, đông tàn" cùng thời gian khép mở.

-  Theo GS, thủ tục nghi lễ cho Tết cần phải thực hiện theo trình tự như thế nào để không "mất thiêng"?

+ Trước Tết Nguyên Đán mấy ngày, nhà nào cũng dọn dẹp bàn thờ, lau rửa, quét dọn nhà cửa, trang hoàng tu sửa từ trong nhà ra đến ngoài ngõ. Ngày 23 tháng Chạp là lễ tiễn Ông Táo lên Trời (cúng cá chép, mũ áo, hia, vàng hương, rượu). Lễ cúng tất niên (lễ hết năm) thường được tiến hành vào ngày 30, bây giờ thường làm sớm hơn giao thừa một đến hai ngày. Cúng tất niên rồi thì là bắt đầu thắp đèn hương suốt ba ngày Tết với mong muốn đón rước níu giữ tổ tiên cùng các vị anh linh về phù trợ. Và cùng với những lời đẹp đẽ trao nhau, xưa nay còn có tục mừng tuổi đầu năm mới, tục Tế Tổ tại Từ đường sáng mùng 3, tục hóa vàng tại nhà huynh trưởng chiều mùng 3 Tết như thể đã có lễ mừng gặp gỡ rồi nên lại phải có lễ để chia tay, tiễn biệt, sau đó còn có tục chúc thọ ngày 4 Tết, tiếp đó là các lễ khao cây, động thổ, xuống đồng....

Tết là dịp người Việt phục dựng và tham gia các lễ hội truyền thống.

Trong giao lưu ngày Tết, người ta cũng không quên lời thiêng bái vọng ơn nghĩa trời đất tổ tiên. Trong khói hương ấm áp, lòng người mở rộng. Tất nhiên, thời gian vô thường, rồi cái gì cũng có thể có thay đổi chứ, nhưng có lẽ không có gì thay đổi mà lại hết sức từ từ chậm chạp chứ không thể có đột biến như phong tục ngày Tết - mặc cho tôi hay các bạn đã có lúc vì một lý do nào đó đã muốn như thế.

- Guồng quay của cuộc sống hiện đại khiến việc gói bánh chưng ngày Tết không còn như trước. Nhiều gia đình không có điều kiện chẻ lạt, vo đỗ, rửa lá dong để hưởng không khí Xuân trọn vẹn. Việc gói bánh chưng xanh ngày Tết có ý nghĩa gì đặc biệt?

+ Phong tục gói bánh chưng, thờ bánh chưng vào dịp Tết như người đời lưu giữ trong truyền thuyết được cho là đã có từ thời vua Hùng Vương thứ sáu. Tục gói bánh chưng có nghĩa đây là thói quen từ lâu đời thể hiện nét đẹp văn hóa của Tết truyền thống, đã nhuần thấm vào trong tiềm thức của mỗi người trong chúng ta.

Bánh chưng là biểu tượng ngày Tết mà không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được. Mỗi dịp Tết Cả, mỗi gia đình đều thường tự gói và nấu nồi bánh chưng. Ý nghĩa thì như bạn biết đều đã có trong câu chuyện sự tích bánh chưng bánh dầy, vừa là sự trầm kết và thăng hoa các giá trị tinh túy của văn hóa vật thể của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, vừa thể hiện tinh thần cộng cảm, thể hiện triết lý sống của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Tết Cả thì vẫn nên giữ tục thờ bánh chưng, trên ban thờ vẫn nên có cặp bánh chưng, trên mâm cỗ Tết vẫn nên có món bánh chưng.

- Trong công tác chuẩn bị Tết, không ít gia đình chú trọng đến tính cổ truyền. Ba lễ trọng ngày Tết: "Mồng một tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy" hiện nay còn đúng không thưa GS?

+  Đây là phong tục Tết. Trước đây thì đúng là phải thực hiện theo như vậy, không ai nghĩ rồi sẽ phải "sáng tạo lại". Là người Việt, chắc không mấy ai trưởng thành mà không nhớ đến câu cửa miệng "Phúc đức tại Mẫu". Ngày mồng ba là ngày dành cho thầy học - người dạy dỗ mình nên người. Ngày nay, đương nhiên cái tinh thần ấy vẫn nên tôn trọng gìn giữ, song cách thức thì đã có thể thay đổi do thực tiễn của đời sống xã hội đương đại.

-  Không ít người cho rằng Tết ngày nay là những ngày nghỉ kéo dài. Tết như dịp để nghỉ ngơi "an dưỡng", là dịp để cùng nhau đi "phượt". Vậy, chúng ta cần phải "ứng xử" với Tết cổ truyền ra sao để luôn giữ được giá trị văn hoá của dân tộc, thưa GS?

+ Tập quán Tết cổ truyền hiện nay theo tôi vẫn được xem là một dạng "tài nguyên văn hóa" cần được gìn giữ và phát huy những mặt tích cực, những biểu hiện mang ý nghĩa hài hòa giữa các giá trị mang tính nhân loại muôn thuở với các giá trị bản sắc dân tộc tinh hoa vào cuộc sống đương đại.

Năm mới là niềm vui mới, là niềm hy vọng mới với những sáng tạo mới, thành tựu mới. Thế nên tôi vẫn nghĩ những nét phong tục Tết cổ truyền của dân tộc là biểu hiện của một tập quán mang tính giáo dục đạo đức và tràn đầy tinh thần nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Tết là bản sắc dân tộc, là gương mặt văn hoá cổ truyền Việt, các thế hệ cần phải tôn quý và đồng thời còn phải biết làm đầy, làm mới.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Xuân Phương
.
.