Tác dụng ngược của những “chiêu trò”

Thứ Hai, 22/10/2018, 07:00
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ, show-biz Việt bỗng trở nên xôn xao với nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười: tập thể ca sĩ ký tên lên tranh đã đấu giá, lời xin lỗi đẫm nước mắt của cặp đôi Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn, cuộc khẩu chiến liên quan đến phát ngôn ủng hộ xây dựng nhà hát nghìn tỉ ở Thủ Thiêm...


Liên tiếp những "trò lố", những xì-căng-đan, những trận "vạ miệng" của một bộ phận nghệ sĩ trong làng giải trí trong tuần qua đã khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi: "Phải chăng, trong show-biz Việt đang có những "lỗ thủng về văn hóa" khó lòng vá víu?

1.Sáng 14-10, khi những hình ảnh về một số ca sĩ hàng sao như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Quang Lê... đồng loạt ký tên lên một bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình đã được bán đấu giá thành công trong đêm nhạc từ “Tình nghệ sĩ” số 15 (diễn ra tối 30-8-2018 tại TP. Hồ Chí Minh) ủng hộ 2 nghệ sĩ bị bệnh ung thư là Lê Bình và Mai Phương được lan truyền trên mạng xã hội, đã tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội.

Việc các ngôi sao ca nhạc đưa ra lời giải thích là do chủ nhân mới của bức tranh muốn các nghệ sĩ ký tên lên bức tranh để lưu giữ làm kỷ niệm nên vẫn đang cho rằng việc làm của mình là đúng chỉ càng thể hiện rõ những “lỗ thủng văn hóa” trong giới nghệ sĩ là điều cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Dù đã xin lỗi trong nước mắt, song hình ảnh của Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn đã trở nên "méo mó" trong mắt khán giả.

Đầu tiên, phải nói ngay rằng, những việc làm của các nghệ sĩ nói chung và các ca sĩ đã được mời ký tên lên bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình đã được đấu giá thành công trong đêm nhạc Tình nghệ sĩ là rất nhân văn và đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, nếu có sai lầm, thiếu sót hay thậm chí là thiếu hiểu biết về vấn đề này, các nghệ sĩ cũng phải có những nhìn nhận nghiêm túc để "sửa sai" chứ không thể vin vào việc mình đã làm được để “đánh tráo khái niệm” về việc xâm phạm quyền tác giả văn học nghệ thuật, xâm phạm đến quyền nhân thân, quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của một tác phẩm được quy định rõ trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã đượcsửa đổi bổ sung một số điều năm 2013).

Trong số rất nhiều ý kiến phản đối hành động của các nghệ sĩ, có rất nhiều họa sĩ, nhà quản lý văn hóa đã gay gắt lên tiếng cho rằng việc ký tên lên một tác phẩm hội họa là hành động “phá hoại”, “bôi bẩn” tranh, là việc làm thiếu văn hóa, phô trương, rởm đời...

Dư luận gay gắt là đúng thôi, bởi lẽ trong hội họa, việc ký tên lên mặt trước của một tác phẩm là rất quan trọng: chỉ có tác giả hoặc đồng tác giả mới được phép làm điều này. Việc một ai đó ký tên lên mặt sau của bức tranh cũng được xem là điều cấm kỵ, chứ chưa nói đến việc rất nhiều người ký tên to chềnh ềnh lên mặt trước của bức tranh.

Thêm nữa, dù bức tranh đó đã được bán, nhưng quyền nhân thân của tác giả bao gồm các quyền cơ bản như: đặt tên cho tác phẩm, đứng tên trong tác phẩm, bảo vệ sự nguyên vẹn của tác phẩm vẫn được bảo hộ vô thời hạn.

Chính bởi lẽ đó, cho dù có với bất kỳ lý do nào, việc các ca sĩ đã ký tên lên mặt trước một tác phẩm hội họa, cụ thể ở đây là một số ca sĩ như Lệ Quyên, Quang Lê, Đàm Vĩnh Hưng đã ký tên lên bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình là một việc làm sai, không cần tranh cãi và hình như nghệ sĩ trên thế giới chưa ai làm thế.

Các nghệ sĩ thay vì "thanh minh - chối tội", hành động văn minh và đúng đắn nhất đó là nên xin lỗi họa sĩ Hứa Thanh Bình và có những lời nói thể hiện sự hiểu biết để “xoa dịu” dư luận chứ không phải cách nói rất “kẻ cả” vô trách nhiệm biết như một số ngôi sao đang làm.

Theo lẽ thường, họa sĩ Hứa Thanh Bình hoàn toàn có thể tiến hành khởi kiện đối với những người đã “phá hoại” tác phẩm của mình - ngay cả với việc tranh đã được bán (bất kể là vì mục đích thương mại hay từ thiện). Hơn nữa, Hứa Thanh Bình là một họa sĩ nổi tiếng, hoạt động nghệ thuật nghiêm túc và chuyên nghiệp, vì thế không có chuyện ông đồng tình với việc làm thiếu hiểu biết, thiếu thẩm mĩ thậm chí là quá lố bịch của các ca sĩ kể trên.

2. Cũng trong ngày 14-10, khi các clip ghi lại buổi gặp mặt báo chí của cặp đôi Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn được đăng tràng giang đại hải trên các trang thông tin giải trí và mạng xã hội, dường như người ta không thấy xúc động vì những giọt nước mắt đầy hối tiếc của cặp đôi này, mà chỉ cảm thấy sao thật là... nực cười.

Cách đây chừng 1 tháng, thời điểm bộ phim "Chú ơi, đừng lấy mẹ con" chuẩn bị ra rạp, việc cặp diễn viên chính của phim là An Nguy - Kiều Minh Tuấn bị rò rỉ hình ảnh tình tứ, sau đó là thừa nhận đang yêu nhau trên một trang thông tin giải trí (và được nhiều tờ báo dẫn lại) đã bị coi như một chiêu PR rẻ tiền.

Không biết ai thực sự là người đứng đằng sau chiêu PR kém sang này, song trái ngược với những tính toán của những người trong cuộc, "màn kịch" này lại chính là "mồi lửa" châm ngòi cho trào lưu tẩy chay bộ phim. Bởi lẽ, diễn viên Kiều Minh Tuấn trong mắt khán giả đang là một "soái ca" khi có mối tình nhiều năm cùng nhiều tuyên bố đậm chất ngôn tình, thề non hẹn biển về tình yêu đến đầu bạc răng long với "đàn chị" Cát Phượng.

Với những thất bại nặng nề về doanh thu, bà Dung Bình  Dương, nhà sản xuất phim "Chú ơi, đừng lấy mẹ con" tuyên bố vẫn sẽ kiện cặp đôi An Nguy - Kiều Minh Tuấn ngay cả khi Kiều Minh Tuấn đã lên tiếng xin lỗi.

Điều buồn cười ở đây là, trong xì-căng-đan này, nếu như có chuyện Kiều Minh Tuấn "say nắng" An Nguy như thú nhận, thì Kiều Minh Tuấn mới là người có lỗi và phải xin lỗi, chứ Cát Phượng là người bị tổn thương, lại tiến hành gặp gỡ báo chí để khóc lóc hay xin lỗi làm gì?

Phải chăng, vì màn kịch vụng về bị đổ bể, Cát Phượng với tư cách là người quản lý của Kiều Minh Tuấn đã thấy được những hậu quả nặng nề từ việc dùng tình cảm lãng xẹt để PR là điều quá lố bịch, "tác dụng ngược" nên đã phải "ra mặt" làm cái việc cực chẳng đã này?.

Hình ảnh ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên ký tên bằng bút dạ lên bức tranh đã được đấu giá của họa sĩ Hứa Thanh Bình khiến nhiều người phản ứng.

Bản chất của sự việc như thế nào, thì chỉ những người trong cuộc mới biết rõ, song, làm nghệ thuật mà lại trông đợi vào chiêu trò thì không bao giờ được bền lâu. Và thực sự mà nói, người ta phải có những "lỗ hổng" về văn hóa lớn đến mức nào đó, mới có thể nghĩ rằng, dùng chuyện yêu đương, ngoại tình sẽ trở thành một chiêu hút khách cho một bộ phim sắp ra mắt. Phim dở lại thêm màn PR vụng và những toan tính không trong sáng đã khiến sự thất bại của "Chú ơi, đừng lấy mẹ con" trở thành cái chết được báo trước. Và diễn viên An Nguy vốn là một gương mặt được kỳ vọng khi quyết định "rẽ ngang" sang điện ảnh có thể rất khó để lấy được cảm tình của khán giả một khi đã lỡ biến mình thành... con rối.

Lời kết: Nghệ sĩ hay bất kỳ một người bình thường nào cũng đều sẽ có lúc mắc phải sai lầm, sẽ có những vấn đề mà mình chưa hiểu biết trọn vẹn như việc dù một bức tranh đã được bán nhưng nó vẫn cần được bảo vệ nguyên vẹn “bất khả xâm phạm”.

Bài học cho các nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật ở đây là, không có ai hoàn thiện mọi bề, hiểu biết mọi thứ trên đời đừng quá tự kiêu, tự mãn bởi có rất nhiều điều bản thân cho là đúng, là hợp lệ nhưng thực tế lại là sai. Bởi thế, không may đã có những hành động “vô tư” nhưng lại vi phạm những quy chuẩn trong một lĩnh vực nào đấy, thì hãy bình tĩnh lắng nghe, để hiểu thêm cũng là để có thêm những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích và để bản thân không mắc lại những sai lầm ấy nữa.

Xét đến cùng, người làm nghệ thuật nghiêm túc và muốn đi đường trường là phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và phải biết cách nói không với xì-căng-đan - kể cả những xì-căng-đan tự tạo hay "dàn dựng" chỉ nhằm mục đích gây sự chú ý.

Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung một số điều năm 2013) quy định về “Quyền nhân thân” của tác giả:

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

1. Đặt tên cho tác phẩm.

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Nguyệt Hà
.
.