Sân khấu co cụm lại có phải lỗi do gameshow

Thứ Bảy, 05/08/2017, 08:05
Vụ kiện của diễn viên Ngọc Trinh với Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh xem ra vẫn chưa đến hồi kết thúc. Sau khi diễn viên Ngọc Trinh được tuyên thắng kiện tại phiên xử đầu tháng 7-2017 thì Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh không hài lòng với phán quyết ấy và kháng cao. Vụ kiện không biết sẽ có màu sắc lâm ly thế nào, nhưng câu chuyện để lại cho công chúng chứng kiến là... sự co cụm của sân khấu tư nhân. 


Để có một chỗ diễn cho đồng nghiệp, diễn viên Ngọc Trinh đã đánh cược thương lượng thuê lại địa điểm của Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh, mà kết quả vẫn cơm không lành canh không ngọt! Ngoài trường hợp diễn viên Ngọc Trinh chấm dứt giấc mộng bà bầu sân khấu, nhiều tụ điểm kịch nghệ khác tại đô thị lớn nhất phương Nam cũng co cụm lại, mà ai cũng dễ dàng đổ lỗi cho sự... bùng phát game show. Thực tế có phải như vậy không?

Hiện tại, không có đại gia nào đầu tư cho sân khấu. Các tụ điểm sáng đèn hàng đêm tại Sài Gòn đều do các nghệ sĩ tâm huyết tự bỏ vốn ít ỏi để nuôi dưỡng đam mê. Sau khi ông bầu Phước Sang phá sản, sân khấu tư nhân ở Sài Gòn chỉ còn lại vài tên tuổi đang cầm cự khó khăn như IDECAF, Phú Nhuận và Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, Sân khấu kịch Minh Nhí…

Câu hỏi đầy thao thức phía những ai tâm huyết với sân khấu: Vì sao trước cánh cửa rộng lại ít người đi? Nhiều năm qua, bên cạnh những tràng pháo tay và những lời khen ngợi động viên lẫn nhau, chúng ta vẫn chưa có những tác phẩm đỉnh cao.

Tác phẩm trên sân khấu IDECAF.

Một công thức được áp dụng triệt để của những tư nhân bỏ tiền dựng kịch là "thực tế sống, thẩm mỹ cao, giải trí tốt". Ngậm ngùi thay, chính nghệ sĩ hết lòng với nghệ thuật cũng thừa biết rằng ba tiêu chí trên không phải lúc nào cũng đồng hành trong một vở diễn. Vì vậy, cả ông bầu và đạo diễn từng vở đều ao ước "thân này ví xẻ làm đôi", một nửa dựng kịch nghệ thuật để nâng cao nghề nghiệp, còn một nửa dựng kịch thị trường để bán vé kiếm tiền!   

Mặt khác, quá trình đi lên của sân khấu tư nhân luôn đòi hỏi một nguồn lực mới, mà công việc phát hiện và bồi dưỡng những gương mặt trẻ nhiều năm qua chưa thu được kết quả như ý. Lớp diễn viên kế cận như Thanh Thúy, Thanh Vân, Hòa Hiệp, Hương Giang… vẫn còn một khoảng cách tương đối để đủ sức thay thế Thành Lộc, Thanh Thủy, Hữu Châu, Việt Anh…

Không còn cách nào khác, muốn lôi kéo khán giả buộc lòng sân khấu tư nhân phải sử dụng "hạ sách" mời tài tử điện ảnh hoặc ca sĩ ngôi sao lên sàn diễn. Không nói ra thì ai cũng đoán được tính thuyết phục của những vai-diễn-tạm-thời kia dừng ở mức độ nào.

Có phải game show trên truyền hình đang đẩy sân khấu vào ngõ cụt không? Game show thì miễn phí và ngồi nhà thưởng thức, còn sân khấu phải mua vé và vượt qua trở ngại đô thị kẹt xe để đến rạp. Những diễn viên trẻ vừa có chút tên tuổi trên sàn diễn lập tức chuyển sang làm MC cho các game show trên truyền hình như Đại Nghĩa, Thanh Vân, Đình Toàn…

Sự chọn lựa ấy, thật khó trách họ, vì thù lao từ game show gấp năm, gấp mười mỗi vở diễn. Đến thời game show thì hết thời sân khấu chăng? Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc bày tỏ: "Vở diễn sân khấu muốn có giấy phép công diễn phải tiến hành phúc khảo trình duyệt, mỗi đêm diễn hiệu ứng chỉ cho một khán phòng vài trăm người xem.

Một gameshow hài hước lên sóng cho mấy chục triệu người xem. Tôi cảm giác dường như quản lý ngành văn hóa đã bất lực với chất lượng thẩm mỹ của những "đại gia" này. Tôi không đòi dẹp bỏ vì đó là nồi cơm của nhiều người. Tôi chỉ kêu gọi là nghệ sĩ thì phải biết trọng nghề và trọng chính mình!".

Xã hội hóa sân khấu là một tiêu chí đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, chưa thể hy vọng về một tương lai rực rỡ cho sân khấu Việt Nam, nếu chỉ trông chờ vào một dăm cá nhân bỏ tiền dựng kịch. Thực trạng đời sống biểu diễn đang giằng co giữa hai mô hình: sân khấu tư nhân không dám mạo hiểm đầu tư những vở tầm cỡ, còn sân khấu quốc doanh chủ động sống cầm chừng. Hai thắc mắc đặt ra: Thứ nhất, kinh phí nhà nước nếu chia đều cho mấy chục sân khấu quốc doanh có thể xuất hiện những vở diễn chinh phục được khán giả không?

Thứ hai, không có chính sách tài trợ thì đến bao giờ sân khấu tư nhân có thể thoát khỏi mặc cảm "sân khấu nhỏ" hay "sân khấu thể nghiệm"? NSƯT Chí Trung vốn được tiếng là một ông bầu tinh nhanh và nhạy cảm, bây giờ đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cũng đầy ưu tư: "Bức tranh sân khấu Việt Nam chỉ có vài đốm sáng lẻ loi, tưởng rất tưng bừng mà cũng rất tù mù. Muốn đầu tư sân khấu quốc doanh thì thay bóng đèn và tăng thêm điện. Còn không, rút hết nguồn điện bao cấp ra để mạnh ai nấy sáng!".

Quá trình xã hội hóa sân khấu đã từng tạo ra nhiều bước "đại nhảy vọt" cho sàn diễn kịch nghệ, nhưng đến bây giờ đã… gần như thoái trào. Vì sao? Vì sân khấu đang né tránh những vấn đề nóng bỏng nhất của đời sống. Sau trào lưu làm kịch kinh dị, thì qui tắc "hài - chính - bi" lại được mang ra để lên kế hoạch ưu tiên cho mỗi vở diễn!

Một nền sân khấu, mà mỗi năm có khoảng 20 vở kịch được dàn dựng, thì đáng buồn lắm thay. Con số khá khiêm tốn này không đủ sức khuyến khích những nhà viết kịch gửi gắm tâm tư của mình cho sàn diễn. Có ý tưởng gì hay thì cũng biến thành… kịch bản phim cho "ngon ăn".

Diễn viên Trịnh Kim Chi tự bỏ tiền làm sân khấu mang tên mình.

Đạo diễn Trần Minh Ngọc ở tuổi 80 vẫn tràn trề ưu tư: "Khi có một đời sống sân khấu thực sự năng động và khỏe mạnh thì mới có được những người tài năng thực sự tham gia vào hoạt động sáng tạo, tạo nên những vở diễn có tính nghệ thuật cao. Sân khấu cần có những đội ngũ sáng tác mạnh và phải thừa nhận hiện tại, đội ngũ sáng tác ở mảng kịch nói hiện nay vẫn chưa mạnh, còn né tránh nhiều vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

Do đó, tôi nghĩ rằng khởi nguồn của một sân khấu mạnh phải là đội ngũ sáng tác mạnh, họ chứ không ai khác sẽ cung cấp những chất liệu tốt cho sân khấu. Tôi đau lòng khi nhìn những rạp hát hoành tráng nhưng im lìm, đèn đóm tắt hết vào ban đêm, thỉnh thoảng mới sáng một hôm thì loe hoe khách. Sân khấu tư nhân, điều tôi lo lắng là đang đến thời kỳ bão hòa sau một thời gian chạy theo các đề tài xã hội: đồng tính, ma cỏ, tiền bạc…

Ngoài ra, sân khấu chúng ta hiện tại dường như chỉ có một cách kể chuyện, trong khi lẽ ra phải có nhiều cách thì các vở diễn mới hấp dẫn. Sân khấu không phải chỉ để tả thực. Tôi thấy nước ngoài nghĩ khác mình lắm, họ có nhiều cách, nhiều hình thức kể chuyện và rất thu hút khán giả. Đó là cả một vấn đề!".

Muốn vực dậy sân khấu, phải trông cậy vào sự mạnh dạn của những nghệ sĩ nhạy bén với thị trường. Tuy nhiên, có hai điều phải được chung tay giải quyết. Thứ nhất, phải ưu tiên cho thuê sân khấu với giá phải chăng. Thứ hai, phải có những cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu chứ không thể chấp nhận những tác phẩm èo uột theo tâm lý "méo mó có còn hơn không"!

NSND Hồng Vân từng xây dựng cả hai tụ điểm sân khấu tư nhân, bây giờ đã muốn buông tay: "Nhiều lúc tôi mệt mỏi, sức khỏe cũng không còn được như thời xưa năng động. Giờ tôi duy trì hoạt động được đến bao lâu thì sẽ cố gắng. Điều làm tôi vui là vẫn có nghệ sĩ trụ lại với nghề. Họ có thể là nghệ sĩ thành danh nhưng thủy chung với sàn diễn, hoặc đó là các học sinh ngành sân khấu do tôi và đồng nghiệp mình đào tạo.

Một lần trong tuần, họ tự nguyện giảm phần lương để chia sẻ với tôi. Họ đều muốn cố gắng để làm sao để sân khấu của tôi sáng đèn, vì nếu tôi cứ phải bù lỗ hoài tôi sẽ "chết". Nếu xem thị phần nhu cầu giải trí của người dân TP Hồ Chí Minh là một "miếng bánh" thì "miếng bánh" đó đang ngày càng nhỏ đi so với sự phát triển của quá nhiều loại hình.

Bây giờ người người làm phim, làm sân khấu, băng đĩa, giải trí trên mạng Internet "bùng nổ", chưa kể rất nhiều loại hình giải trí tự phát khiến giá trị thực ảo lẫn lộn... Sân khấu phải gồng mình trước rất nhiều cạnh tranh. Ngoài sự nỗ lực, tự thân vận động vươn lên của mỗi đơn vị, để giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay, loại hình này rất cần một sự hỗ trợ mang tính thiết thực, tổng thể và có trọng điểm hơn từ cơ quan chức năng ngành văn hóa…".

Tuy Hòa
.
.