Phim về đề tài Công an: Những đổi mới tích cực

Thứ Bảy, 22/07/2017, 08:06
Lâu nay, các đạo diễn Việt vẫn làm phim hình sự trong điều kiện "khó trăm bề". Dẫn ra vậy để thấy tâm huyết của những người làm nghề. Nhìn vào sự hấp dẫn của "Người phán xử" để thấy rằng, dù dòng phim hình sự dễ hút khán giả thì các nhà làm phim cũng không ngừng thay đổi, làm mới...


Độ nóng của phim hình sự

Trong dòng chảy phim ảnh thế giới cũng như trong nước, phim hình sự luôn khẳng định được vị thế là mảng phim hấp dẫn khán giả vào bậc nhất. Nội dung phim thường đề cập tới những vụ án với nhiều tình tiết hồi hộp, gay cấn. Ngoài ra, phía sau mỗi sự vụ ấy là những câu chuyện đánh án ẩn chứa rất nhiều bí mật mà khán giả khó có thể biết được...

Lượng rating (số đo lượng khán giả xem truyền hình) vượt trội, tiền quảng cáo mà nhà đài thu được đều tăng lên sau mỗi tập phim "Người phán xử" đang phát sóng hiện nay đã cho thấy sức nóng của những phim hình sự nếu biết đánh trúng vào thị hiếu người xem.

Trước đó, khán giả yêu phim truyền hình Việt không thể không nhớ tới những bộ phim gây xôn xao dư luận khi phát sóng như "Chạy án", "Ngôi biệt thự màu tro lạnh", "Cổ cồn trắng", "Bí mật tam giác vàng", "Bản di chúc bí ẩn"... Những thước phim hình sự ấy không chỉ dựng lên khá sinh động cuộc đấu tranh giữa cái đúng - cái sai, cái thiện - cái ác mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc cần phải bảo vệ lẽ phải, công bằng, bảo vệ những giá trị đạo đức tốt đẹp.

Thông qua hàng trăm tập phim, các đạo diễn đã phản ánh được phần nào bức tranh phức tạp của thế giới tội phạm, qua đó khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Công an mưu trí, dũng cảm, vượt qua gian khổ để đấu tranh với những thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi.

Phim hình sự là đam mê và thách thức của không ít đạo diễn.

Bắt đầu "tấn công" vào mảng phim về đề tài hình sự bằng 40 tập "Cảnh sát hình sự" (năm 1998), đến nay, sau gần 20 năm, Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam đã có hàng trăm tập phim về đề tài này.

Ngày ấy, một đội ngũ những nhà văn tên tuổi đã được huy động viết kịch bản và mỗi phần phim đều được giao cho những đạo diễn "cứng" của Trung tâm. Đến nay, đội ngũ biên kịch và đạo diễn của mảng phim này ngày càng nhiều lên về số lượng. Hàng trăm tập phim hình sự đã đụng chạm đến nhiều vấn đề nóng, những mặt nhạy cảm của xã hội: Tội phạm tin học, hiện tượng đồng tính, trí thức phạm tội, sự tha hóa của giới trẻ...

Một số phim không chỉ đậm chất hình sự, điều tra mà còn khai thác được khá sâu cuộc đấu tranh tâm lý và diễn biến của các nhân vật trong vụ án. Có thể nói, với những thành công ban đầu, dòng phim hình sự Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện mình để đạt được kỳ vọng của khán giả.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là mặc dù đời sống với rất nhiều chất liệu, nhiều vụ án ly kỳ được phá bằng tài trí của những chiến sĩ Công an, nhưng những chiến công ấy chưa được phản ánh trên màn ảnh một cách xứng tầm. Công tác chiến đấu cũng như đời sống tâm lý tình cảm của nhân vật Công an vẫn đơn giản, một chiều khiến bản thân nhiều chiến sĩ Công an không thấy mình trong đó.

Một số cây bút không hiểu nghề Công an nên xây dựng nhân vật chưa có sức thuyết phục. Ngoài ra, nếu đạo diễn không quen làm mảng phim hình sự, chưa hiểu hết những nguyên tắc, quy định của ngành Công an cũng sẽ khiến phim ngô nghê, thiếu thuyết phục.

Không ít đạo diễn làm phim hình sự than thở rằng: Một trong những vấn đề quan trọng khiến phim chưa được như ý muốn là thiếu kinh phí. Muốn có phim hình sự làm đúng tiêu chuẩn thì kinh phí rất lớn. Thông thường, một tập phim truyền hình được đầu tư từ 100 - 200 triệu đồng/tập. Mức tiền này có thể tàm tạm với những bộ phim về đề tài tâm lý xã hội cùng những cảnh quay đơn giản. Nhưng sẽ là "muối bỏ bể" với những tập phim hình sự quay ở rừng núi với vũ khí, súng đạn, phương tiện... Chính vì thế, các đạo diễn muốn làm cho ra tấm ra miếng phải kêu gọi các Mạnh Thường Quân. Còn nếu không có lại đành "có gì dùng nấy" khiến nhiều khi phim hình sự Việt không "đã" như phim hình sự nước ngoài.

Lâu nay, các đạo diễn Việt vẫn làm phim hình sự trong điều kiện "khó trăm bề". Dẫn ra vậy để thấy tâm huyết của những người làm nghề. Nhìn vào sự hấp dẫn của "Người phán xử" để thấy rằng, dù dòng phim hình sự dễ hút khán giả thì các nhà làm phim cũng không ngừng thay đổi, làm mới.

Có ý kiến cho rằng, một trong những lý do khiến "Người phán xử" gây sốt vì kịch bản cũng như các nhà làm phim không đi theo lối mòn của những bộ phim hình sự lâu nay là cuộc đấu tranh giữa thiện - ác, Công an - tội phạm. Đi sâu vào khai thác diễn biến tâm lý tội phạm, cắt nghĩa được đầy đủ, hợp lý những góc khuất nội tâm của những người lầm đường sa chân vào xã hội đen đang là một hướng đi mới của phim hình sự Việt Nam.

Từ một loạt những bộ phim hình sự đã cho thấy, hãy làm phim đúng thực tế cuộc sống, phản ánh cuộc chiến đấu chống tội phạm của các chiến sĩ Công an cam go, khốc liệt như chính nó có. Điều đó không chỉ khiến phim thu hút khán giả mà còn khiến người dân thêm tin yêu và ủng hộ những chiến sĩ công an.

Nhà biên kịch Khánh Bùi: Kịch bản là yếu tố quyết định phim hấp dẫn hay không

- Thưa nhà biên kịch Khánh Bùi, là một trong số những biên kịch tham gia chuyển thể bộ phim "Người phán xử", bộ phim đang thu hút sự quan tâm rất lớn của khán giả, anh có thể chia sẻ một vài câu chuyện xung quanh bộ phim này?

+ "Người phán xử" là bộ phim thứ 2 tôi viết về đề tài hình sự. Có điều thú vị, đó là đội ngũ biên kịch, biên tập phụ trách việc chuyển thể kịch bản phim "Người phán xử" cũng là những người đã tạo nên kịch bản “Câu hỏi số 5” – Bộ phim hình sự đầu tiên tôi tham gia với vai trò biên kịch. Kỉ niệm đáng nhớ nhất là tôi phải xin bác sĩ dời lịch tiểu phẫu 1 tuần để có thể hoàn thành kịch bản theo đúng kế hoạch. Và vào hôm cuối, tôi đã kịp hoàn thành vào lúc 4h sáng, rồi ngay sau đó tôi đã phải lên đường tới bệnh viện để lên bàn mổ.

Một số người cho rằng "Người phán xử" là phim chuyển thể, lấy từ kịch bản của nước ngoài nên mới có sức hút như vậy. Tôi thấy buồn vì chỉ một câu nói nhưng đã phủ nhận công sức sáng tạo của hơn 100 con người trong ekip làm phim. Nếu như chỉ vì phim có kịch bản gốc từ nước ngoài sẽ hay, vậy thì tại sao có một số bộ phim được Việt hóa trước đó không tạo được sức hút như "Người phán xử"?

- Bản thân anh khi bắt tay vào viết kịch bản có nghĩ rằng phim sẽ thu hút khán giả như vậy không?...

+ Tôi là người viết kịch bản phần 2 của "Người phán xử", bản thân tôi khi đọc kịch bản phần 1 đã có lúc tôi lặng đi vì xúc động. Đó là lần đầu tiên tôi đọc được một kịch bản hấp dẫn, cuốn hút tôi đến thế. Ngay lúc đó tôi biết rằng đây sẽ là một bộ phim hay, nhưng quả thật việc bộ phim tạo được sức hút lớn như hiện nay là điều tôi không thể ngờ tới.

Trong mỗi tập phim, tôi luôn cố tạo được những cảnh gây ấn tượng với người xem. Tôi hi vọng rằng khán giả sẽ tiếp tục yêu mến và dõi theo các diễn biến tiếp theo của bộ phim.

- Khi chắp bút làm phim về đề tài hình sự, anh có thấy khó hơn khi viết về đề tài khác?

+ Tôi nghĩ rằng xét trên bình diện một bộ phim hay thì không có thể loại phim nào khó cũng không có thể loại nào dễ. Chỉ là việc phim hình sự có thể đi sâu, đi sát, và không phải là “hình như là sự” mới là việc khó. Cái khó là nếu biên kịch đã xác định sẽ viết về đề tài hình sự thì phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu các đặc thù nghề nghiệp của ngành Công an, các quy định và thể chế pháp luật, tìm hiểu các vụ án, các tệ nạn xã hội và thậm chí còn phải biết cả về tâm lý tội phạm… Vì thế, với tôi và nhiều biên kịch khác đều thấy phim hình sự không dễ viết một chút nào.

- Đánh giá chung của anh về dòng phim hình sự hiện nay?

+ Theo quan sát của tôi, không riêng dòng phim hình sự mà đời sống phim ảnh của Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình. Những năm gần đây có nhiều dự án phim mới được đưa vào sản xuất. Tôi tin rằng 1, 2 năm tới, dòng phim hình sự sẽ thu hút nhiều đối tượng khán giả hơn nữa. Bởi trong năm 2017, "Người phán xử" đã làm được thì không lẽ gì vài năm tới các bộ phim khác lại không vượt qua được. Sóng sau sẽ xô sóng trước, đó là quy luật tất yếu.

- Theo anh, làm thế nào để phim hình sự Việt hấp dẫn được khán giả như kỳ vọng?

+ Kịch bản là một trong yếu tố quyết định một bộ phim hấp dẫn hay không. Vì vậy người biên kịch cần đẩy nhanh và mạnh những tuyến chuyện phim lên cao hơn nữa. Và cái không thể thiếu được chính là yếu tố bất ngờ. Nếu tạo dựng được tình huống mà khán giả không thể nghĩ tới, điều đó sẽ khiến họ ngạc nhiên thích thú rồi tò mò mà dõi theo từng tập của bộ phim.

Ngoài ra tôi nghĩ những người làm phim phải nắm bắt được thị hiếu khán giả. Như việc "Người phán xử" quay thêm 1 tập khi đã phát sóng cũng là một cách làm để phim có thể phục vụ khán giả tốt hơn hơn.

- Để phim hình sự hấp dẫn thì một trong những yếu tố là các nhà biên kịch cần có nhiều thay đổi mới mẻ trong cách xây dựng nhân vật, trong đó có nhân vật Công an, đúng không anh?

+ Vì là một người trong nghề nên rất khó để tôi có thể có cái nhìn thuần túy dưới góc nhìn của một khán giả đơn thuần. Nhưng tôi nghĩ, nếu là một người yêu phim Việt, xem phim hình sự đủ nhiều thì sẽ thấy được rằng, nội dung câu chuyện trong các bộ phim hiện nay rất đa dạng. Tuyến nhân vật Công an trong "Người phán xử" cũng không phải là ngoại lệ. "Người phán xử" đi sâu vào thế giới tội phạm, nên so với những bộ phim hình sự lấy câu chuyện chính là về lực lượng Công an, thời lượng xuất hiện sẽ ít hơn nhưng chắc chắn vai trò sẽ không giảm đi. Tôi nghĩ, với nội dung phim đa dạng thì hình ảnh người chiến sĩ Công an cũng sẽ hiện lên ngày càng chân thực hơn.

Bản thân tôi vừa hoàn thành xong kịch bản phim "Lời nguyền Domino", đạo diễn Nhâm Minh Hiền bắt đầu bấm máy. Trong quá trình viết kịch bản, tôi đã cố gắng xây dựng một bộ đôi 2 chiến sĩ Công an phá án, hi vọng khi bộ phim lên sóng, khán giả sẽ thấy hấp dẫn bởi chính 2 nhân vật Công an này.

 - Xin cảm ơn anh!

Diễn viên Mạnh Trường: Nhân vật công an luôn là thử thách với mỗi diễn viên

Vai Thượng úy Hoàn trong phim "Bí mật tam giác vàng" là vai chiến sĩ Công an đầu tiên của tôi và đó cũng là bộ phim hình sự đầu tiên tôi tham gia. Ngay từ khi đọc kịch bản, tôi đã rất hào hứng muốn thử sức với vai diễn này. Những nhân vật trước đây của tôi đều làm những công việc khác, vì vậy, lần đầu tiên vào vai chiến sĩ công an, tôi không tránh khỏi lo lắng.

Để chuẩn bị cho vai diễn, tôi chịu khó quan sát tác phong, hành động của những chiến sĩ Công an tôi gặp trong đời thường để có thể diễn xuất tự nhiên nhất. Một điều đặc biệt ở vai Thượng úy Hoàn mang đến cả thuận lợi lẫn khó khăn cho tôi là Hoàn là chiến sĩ Công an, nhưng thâm nhập vào đường dây buôn bán ma túy, chính vì thế phải diễn như một người bình thường. Nhưng, ngay trong chính bóng dáng thanh niên bình thường ấy, vẫn phải lấp lánh tố chất của một chiến sĩ Công an. Lần đầu tiên vào vai một chiến sĩ Công an thực sự là một vai diễn khó.

Những ngày đầu tiên tôi chưa vào vai thực sự tốt. Nhưng càng về sau, dưới sự hướng dẫn của đạo diễn, các cô chú, anh chị đi trước cùng kinh nghiệm thực tế, tôi vào vai tốt hơn. Sự thành công của phim khiến tôi và mọi người trong đoàn làm phim rất vui. Đặc biệt, với tôi, mặc dù phim đã phát sóng hơn 3 - 4 năm nay nhưng thỉnh thoảng khán giả gặp tôi vẫn gọi tôi bằng cái tên Thượng úy Hoàn.

Tôi cho rằng, những nhân vật Công an trong các bộ phim hình sự luôn có một sức hấp dẫn riêng. Tuy nhiên, vì đặc thù của khán giả xem truyền hình là nhiều lứa tuổi khác nhau, có cả em nhỏ, chính vì vậy, các nhà làm phim khó có thể xây dựng nhân vật công an quá gai góc như ở các phim hình sự nước ngoài. Nhưng với các bộ phim truyền hình phát sóng gần đây đã cho thấy, các nhà làm phim cũng đã và đang tìm tòi để hình ảnh người chiến sĩ Công an chân thực và sinh động hơn.

Đạo diễn Vũ Hồng Sơn: Phải không ngừng thay đổi để đáp ứng thị hiếu khán giả

- Thưa đạo diễn Vũ Hồng Sơn, được biết tới với vai trò là đạo diễn của sêri phim "Cảnh sát hình sự" nổi tiếng như "Chạy án 1, 2", "Chạm tay vào nỗi nhớ"... ông chú trọng xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an như thế nào trong những bộ phim của mình?

+ Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện bộ phim đầu tiên về lực lượng Công an cách đây hơn 20 năm, tôi đã luôn trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để phản ánh được bề sâu của ngành Công an - điều mà không phải ai cũng biết, cũng hiểu được. Lâu nay, khi làm phim về nhân vật Công an, ngoài việc đánh án, các đạo diễn luôn chú ý đề cập tới hoàn cảnh gia đình, những éo le mà người chiến sĩ công an hay gặp phải...

Trong phim của mình, tôi luôn cố gắng khai thác kỹ các mối quan hệ, sự đấu tranh trong tâm lý của những chiến sĩ Công an. Ví dụ như với một cán bộ có chức vụ thì anh ấy sẽ ứng xử như thế nào với bạn bè, liệu có rành rọt được giữa công việc và tình thân không?

Sau khi đạo diễn một số bộ phim về công tác đánh án của các chiến sĩ Công an, trong tôi lại nảy sinh suy nghĩ, vì sao những chiến sĩ Công an lại có được tác phong, bản lĩnh đáng ngưỡng mộ như thế? Họ đã được đào tạo và huấn luyện như thế nào? Đó là lý do khiến tôi bắt tay vào làm phim "Chạm tay vào nỗi nhớ" nói về những sinh viên trường Cảnh sát.

- Quá trình làm phim cũng là quá trình ông tiếp xúc với lực lượng Công an ngày một nhiều hơn, chắc hẳn những suy nghĩ, quan điểm của ông về người chiến sĩ Công an cũng có những thay đổi?

+ Tôi vẫn nhớ khi làm phim "Chạy án", lần đầu tiên tiếp xúc, làm việc với lực lượng Công an, rất nhiều điều khiến chúng tôi bỡ ngỡ. Ví dụ như đến gửi kịch bản, xin phép được quay nhờ ở các đơn vị... Thực sự, ban đầu chưa quen những quy định của ngành khiến chúng tôi khá... mệt mỏi. Nhưng, sau khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi hiểu rằng với một lực lượng có đặc thù như lực lượng Công an thì những thủ tục đó là điều cần thiết.

Rồi chúng tôi hiểu thêm rằng, trong lực lượng Công an còn có biết bao bộ phận khó khăn, bận rộn với hàng núi công việc. Và cho đến thời điểm này, sau khi hàng trăm tập phim ra đời, tôi có thể khẳng định, nếu không có sự giúp đỡ của các đơn vị Công an thì những bộ phim của tôi đã không thể hoàn thành.

Những cố vấn nghiệp vụ của phim là những người giỏi về chuyên môn nhưng các anh không can thiệp thô bạo vào phim mà chỉ nhắc nhở chúng tôi về vấn đề nghiệp vụ. Trong quá trình làm phim, được tiếp xúc với anh em chiến sĩ trực tiếp đánh án, họ rất khác so với những gì chúng tôi hình dung trước đó. Càng tiếp xúc, chúng tôi càng hiểu rất nhiều chiến công của lực lượng Công an khó có thể phản ánh hết được qua một bộ phim. Chỉ có thể bằng sự chân thành của mình, qua mỗi bộ phim, làm thế nào để gửi lời cảm ơn tới các anh.

- Phim hình sự cũng nằm trong cái khó chung của phim truyền hình hiện nay là thiếu những kịch bản hay, phải không ạ?

+ Hiện tại, ở mảng phim hình sự có cả tác giả trong và ngoài lực lượng Công an. Tôi thấy các tác giả trong ngành khá vững về chuyên môn, nghiệp vụ nên khi làm phim rất thuận lợi. Tuy nhiên, ở một vài người lại hạn chế khi phát triển tâm lý nhân vật, cách kể chưa hấp dẫn. Trong khi với các tác giả ngoài ngành, vững về kỹ thuật xây dựng tình tiết, cốt truyện nhưng lại yếu về nghiệp vụ.

Bản thân tôi rất ấn tượng với kịch bản của anh Nguyễn Như Phong. Lời thoại trong phim của anh rất "đời" khiến diễn viên khá thoải mái. Gần đây, có tác giả Chu Thanh Hương cũng khiến tôi rất ngạc nhiên. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên khi Chu Thanh Hương gửi tôi 10 tập kịch bản "Chạm tay vào nỗi nhớ". Xem xong tôi đã bảo: "Nếu cháu viết thế này, chú xin lỗi là không thể dùng được".

Chúng tôi ngồi bàn bạc lại và lần sau bạn ấy mang kịch bản đến, tôi rất bất ngờ vì người viết có nghề. Sau khi bộ phim phát sóng, một lần Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân đã đùa với tôi rằng, không biết có phải vì hiệu ứng của phim không mà số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào trường cao gấp đôi năm ngoái.

- Có ý kiến cho rằng, phim hình sự Việt Nam sở dĩ chưa thật sự hấp dẫn vì chưa đi sâu vào khai thác tâm lý nhân vật, đặc biệt là tâm lý người chiến sĩ Công an?

+ Có thể nói rằng lâu nay chúng ta đang làm phim trong tâm lý quá an toàn. Chúng ta phải mạo hiểm. Nếu chỉ nhăm nhăm sợ đụng chạm thì sẽ khó có phim hay. Đừng né tránh và phải đi sâu vào nhiều vấn đề mới tránh phim khỏi sự khô cứng, nhàm chán. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, mảng phim hình sự đang nằm trong một sự thay đổi.

Khán giả hiện nay có điều kiện xem nhiều bộ phim nước ngoài, chính vì vậy, những người làm phim cũng phải không ngừng thay đổi để đáp ứng thị hiếu khán giả. Nghệ thuật rất khắc nghiệt. Nếu thấy phim ăn khách mà làm theo thì chỉ đến phim thứ 3 là không ai xem nữa.

- Biết là phim hình sự dễ hấp dẫn khán giả, nhưng làm phim hình sự không hề đơn giản, đúng không ông?

+ Có thể nói, làm phim hình sự vất vả nhất trong các thể loại phim. Phim nói về mặt trái trong xã hội nên ngay từ chuyện đi liên hệ nhờ địa điểm quay phim đã rất khó. Chưa kể phim thường liên quan đến miền núi, hang sâu núi hiểm, đánh án, võ thuật... Trong khi kinh phí dành cho các bộ phim là như nhau. Vì vậy đạo diễn phải “liệu cơm gắp mắm”. Vai diễn vất vả nhưng cát sê cũng không hơn nên diễn viên cũng có tâm lý ngần ngại... Dù đã làm khá nhiều phim về lực lượng Công an nhưng tôi vẫn đang ấp ủ làm phim về lực lượng Cảnh sát môi trường và lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao. Công việc các anh có rất nhiều chuyên án hay nhưng không dễ để đưa lên màn ảnh.

- Xin cảm ơn đạo diễn!

Đạo diễn Vũ Hồng Sơn: Phải không ngừng thay đổi để đáp ứng thị hiếu khán giả

- Thưa đạo diễn Vũ Hồng Sơn, được biết tới với vai trò là đạo diễn của sêri phim "Cảnh sát hình sự" nổi tiếng như "Chạy án 1, 2", "Chạm tay vào nỗi nhớ"... ông chú trọng xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an như thế nào trong những bộ phim của mình?

+ Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện bộ phim đầu tiên về lực lượng Công an cách đây hơn 20 năm, tôi đã luôn trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để phản ánh được bề sâu của ngành Công an - điều mà không phải ai cũng biết, cũng hiểu được.

Lâu nay, khi làm phim về nhân vật Công an, ngoài việc đánh án, các đạo diễn luôn chú ý đề cập tới hoàn cảnh gia đình, những éo le mà người chiến sĩ công an hay gặp phải... Trong phim của mình, tôi luôn cố gắng khai thác kỹ các mối quan hệ, sự đấu tranh trong tâm lý của những chiến sĩ Công an. Ví dụ như với một cán bộ có chức vụ thì anh ấy sẽ ứng xử như thế nào với bạn bè, liệu có rành rọt được giữa công việc và tình thân không?

Sau khi đạo diễn một số bộ phim về công tác đánh án của các chiến sĩ Công an, trong tôi lại nảy sinh suy nghĩ, vì sao những chiến sĩ Công an lại có được tác phong, bản lĩnh đáng ngưỡng mộ như thế? Họ đã được đào tạo và huấn luyện như thế nào? Đó là lý do khiến tôi bắt tay vào làm phim "Chạm tay vào nỗi nhớ" nói về những sinh viên trường Cảnh sát.

- Quá trình làm phim cũng là quá trình ông tiếp xúc với lực lượng Công an ngày một nhiều hơn, chắc hẳn những suy nghĩ, quan điểm của ông về người chiến sĩ Công an cũng có những thay đổi?

+ Tôi vẫn nhớ khi làm phim "Chạy án", lần đầu tiên tiếp xúc, làm việc với lực lượng Công an, rất nhiều điều khiến chúng tôi bỡ ngỡ. Ví dụ như đến gửi kịch bản, xin phép được quay nhờ ở các đơn vị... Thực sự, ban đầu chưa quen những quy định của ngành khiến chúng tôi khá... mệt mỏi. Nhưng, sau khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi hiểu rằng với một lực lượng có đặc thù như lực lượng Công an thì những thủ tục đó là điều cần thiết.

Rồi chúng tôi hiểu thêm rằng, trong lực lượng Công an còn có biết bao bộ phận khó khăn, bận rộn với hàng núi công việc. Và cho đến thời điểm này, sau khi hàng trăm tập phim ra đời, tôi có thể khẳng định, nếu không có sự giúp đỡ của các đơn vị Công an thì những bộ phim của tôi đã không thể hoàn thành.

Những cố vấn nghiệp vụ của phim là những người giỏi về chuyên môn nhưng các anh không can thiệp thô bạo vào phim mà chỉ nhắc nhở chúng tôi về vấn đề nghiệp vụ.

Trong quá trình làm phim, được tiếp xúc với anh em chiến sĩ trực tiếp đánh án, họ rất khác so với những gì chúng tôi hình dung trước đó. Càng tiếp xúc, chúng tôi càng hiểu rất nhiều chiến công của lực lượng Công an khó có thể phản ánh hết được qua một bộ phim. Chỉ có thể bằng sự chân thành của mình, qua mỗi bộ phim, làm thế nào để gửi lời cảm ơn tới các anh.

- Phim hình sự cũng nằm trong cái khó chung của phim truyền hình hiện nay là thiếu những kịch bản hay, phải không ạ?

+ Hiện tại, ở mảng phim hình sự có cả tác giả trong và ngoài lực lượng Công an. Tôi thấy các tác giả trong ngành khá vững về chuyên môn, nghiệp vụ nên khi làm phim rất thuận lợi. Tuy nhiên, ở một vài người lại hạn chế khi phát triển tâm lý nhân vật, cách kể chưa hấp dẫn. Trong khi với các tác giả ngoài ngành, vững về kỹ thuật xây dựng tình tiết, cốt truyện nhưng lại yếu về nghiệp vụ.

Bản thân tôi rất ấn tượng với kịch bản của anh Nguyễn Như Phong. Lời thoại trong phim của anh rất "đời" khiến diễn viên khá thoải mái. Gần đây, có tác giả Chu Thanh Hương cũng khiến tôi rất ngạc nhiên. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên khi Chu Thanh Hương gửi tôi 10 tập kịch bản "Chạm tay vào nỗi nhớ". Xem xong tôi đã bảo: "Nếu cháu viết thế này, chú xin lỗi là không thể dùng được".

Chúng tôi ngồi bàn bạc lại và lần sau bạn ấy mang kịch bản đến, tôi rất bất ngờ vì người viết có nghề. Sau khi bộ phim phát sóng, một lần Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân đã đùa với tôi rằng, không biết có phải vì hiệu ứng của phim không mà số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào trường cao gấp đôi năm ngoái.

- Có ý kiến cho rằng, phim hình sự Việt Nam sở dĩ chưa thật sự hấp dẫn vì chưa đi sâu vào khai thác tâm lý nhân vật, đặc biệt là tâm lý người chiến sĩ Công an?

+ Có thể nói rằng lâu nay chúng ta đang làm phim trong tâm lý quá an toàn. Chúng ta phải mạo hiểm. Nếu chỉ nhăm nhăm sợ đụng chạm thì sẽ khó có phim hay. Đừng né tránh và phải đi sâu vào nhiều vấn đề mới tránh phim khỏi sự khô cứng, nhàm chán.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, mảng phim hình sự đang nằm trong một sự thay đổi. Khán giả hiện nay có điều kiện xem nhiều bộ phim nước ngoài, chính vì vậy, những người làm phim cũng phải không ngừng thay đổi để đáp ứng thị hiếu khán giả. Nghệ thuật rất khắc nghiệt. Nếu thấy phim ăn khách mà làm theo thì chỉ đến phim thứ 3 là không ai xem nữa.

- Biết là phim hình sự dễ hấp dẫn khán giả, nhưng làm phim hình sự không hề đơn giản, đúng không ông?

+ Có thể nói, làm phim hình sự vất vả nhất trong các thể loại phim. Phim nói về mặt trái trong xã hội nên ngay từ chuyện đi liên hệ nhờ địa điểm quay phim đã rất khó. Chưa kể phim thường liên quan đến miền núi, hang sâu núi hiểm, đánh án, võ thuật... Trong khi kinh phí dành cho các bộ phim là như nhau. Vì vậy đạo diễn phải “liệu cơm gắp mắm”. Vai diễn vất vả nhưng cát sê cũng không hơn nên diễn viên cũng có tâm lý ngần ngại... Dù đã làm khá nhiều phim về lực lượng Công an nhưng tôi vẫn đang ấp ủ làm phim về lực lượng Cảnh sát môi trường và lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao. Công việc các anh có rất nhiều chuyên án hay nhưng không dễ để đưa lên màn ảnh.

- Xin cảm ơn đạo diễn! 
Thảo Duyên - Tuấn Phong
.
.