Phim hình sự "tái xuất" màn ảnh

Thứ Ba, 25/08/2015, 08:00
Không thể phủ nhận, cùng với đề tài chính luận, tâm lý hôn nhân gia đình, thì hình sự là một trong 3 đề tài chính luôn được các đạo diễn phim tập trung khai thác. Trong đó, với đặc thù riêng như  ly kỳ, kịch tính, phim hình sự luôn thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ khi khởi quay.

Cùng với sự ra mắt của bộ phim "Câu hỏi số 5" nằm trong sêri phim "Cảnh sát hình sự" bắt đầu phát sóng vào khung giờ vàng ngày 12/8, một loạt những bộ phim về đề tài hình sự như "Mạch ngầm vùng biên ải", "Ma rừng", "Cung đường trắng"... sẽ tiếp tục ra mắt khán giả trong thời gian tới. Đây không chỉ là việc làm thiết thực nhằm tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ công an trong chuỗi sự kiện, hoạt động chào mừng 70 năm ngày truyền thống Lực lượng Công an nhân dân (19/ 8/ 1945 - 19/ 8/2015) mà còn là một niềm vui bởi sự quay trở lại của một dòng phim luôn hấp dẫn đông đảo khán giả bấy nay.

Không thể phủ nhận, cùng với đề tài chính luận, tâm lý hôn nhân gia đình, thì hình sự là một trong 3 đề tài chính luôn được các đạo diễn phim tập trung khai thác. Trong đó, với đặc thù riêng như  ly kỳ, kịch tính, phim hình sự luôn thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ khi khởi quay.

Bộ phim “Câu hỏi số 5” mở màn cho sự tái xuất của sêri phim truyền hình “Cảnh sát hình sự”.

Ra mắt những tập đầu tiên vào năm 1997, "Cảnh sát hình sự" đã trở thành một sêri phim gây được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả và tạo được thương hiệu riêng của Hãng Phim truyền hình Việt Nam (VFC). Khai thác nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động nghiệp vụ của ngành Công an, "Cảnh sát hình sự" đã mang đến hàng trăm tập phim lôi cuốn, hấp dẫn cho khán giả. Trong đó, không thể không kể đến những cái tên như "Phía sau tội ác", "Cổ cồn trắng", "Kẻ giấu mặt", "Cuồng phong", "Bí mật tam giác vàng"…

Sau một thời gian vắng bóng để dành thời lượng cho những bộ phim tâm lý, tình cảm, "Cảnh sát hình sự" đã quay lại bằng "Câu hỏi số 5" (đạo diễn Bùi Quốc Việt). Được biết, bộ phim dài 30 tập này là một chùm vụ án liên kết chặt chẽ với nhau, với nhiều mối quan hệ chồng chéo phức tạp giữa các nhân vật.

Phim kể về Thượng úy Phong sau khi triệt phá được băng đảng Thiên Cơ khét tiếng, bắt được ông trùm Quý đã được đề bạt làm Đội trưởng Đội trọng án. Nhưng, chỉ ngay sau đó, liên tiếp 4 vụ án mạng xảy ra, mỗi vụ án, hung thủ đều để lại hiện trường một câu hỏi. Gấp rút phá án không chỉ là nhiệm vụ Thượng úy Phong và các đồng đội làm để bắt được những kẻ thủ ác mà còn ngăn chặn không để xảy ra câu hỏi thứ 5.

Từng là đạo diễn của một số bộ phim truyền hình đề tài hình sự như "Giọt nước rơi", "Đầm lầy bạc"… Bùi Quốc Việt được biết đến là đạo diễn có khá nhiều kinh nghiệm, lành nghề khi thực hiện thể loại phim này. Tuy nhiên chính anh cũng thừa nhận làm phim về đề tài hình sự chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Phía nhà sản xuất VFC cho biết, "Câu hỏi số 5" được đầu tư kỹ lưỡng về bối cảnh, các pha hành động, được dàn dựng sống động, chân thực.

Bên cạnh "Câu hỏi số 5", "Mạch ngầm vùng biên ải" cũng là một bộ phim về đề tài hình sự đáng chú ý trong năm 2015. Phản ánh cuộc chiến chống nạn buôn người, buôn gỗ, buôn lậu qua biên giới nên bối cảnh phim chủ yếu được quay ở các tỉnh miền núi. Phim có nhiều bối cảnh khó khiến đoàn làm phim phải di chuyển liên tục giữa các tỉnh Ninh Bình, Lào Cai tới những bản vùng sâu, vùng xa để có được những khung hình nguyên sơ nhất. Ngoài ra, một số bộ phim đã và đang thực hiện như "Cung đường trắng" (đạo diễn Phạm Minh Quang - Đỗ Phú Hải), "Săn biệt kích" (đạo diễn Lê Hồng Sơn) cùng của biên kịch Nguyễn Xuân Hải đã góp phần khiến cho dòng phim hình sự thêm phần phong phú, xôm tụ...

Không thể phủ nhận, dòng phim hình sự với những vụ án ly kỳ, những tình tiết giật gân, những pha rượt đuổi nguy hiểm luôn hấp dẫn vì đã đánh đúng vào tâm lý tò mò, ham mạo hiểm của người xem. Bên cạnh đó, những bộ phim này cũng là một kênh giúp khán giả hiểu hơn về công việc, đặc thù nghề nghiệp của những chiến sĩ công an. Lâu nay, được biết đến là đơn vị đầu tiên tấn công vào mảng đề tài này và đến nay, vẫn là đơn vị dẫn đầu về số lượng các tập phim "Cảnh sát hình sự". Với gần 20 năm dù có phim hay, có phim chưa thật sự xuất sắc nhưng VFC đã xây dựng được thương hiệu cho dòng phim này.

Để có được bộ phim hay, điều đầu tiên là phải có được kịch bản hấp dẫn. Đã có thời điểm, một đội ngũ những nhà văn tên tuổi, có am hiểu về ngành Công an, về lĩnh vực hình sự đã được huy động viết kịch bản. Trong đó không thể không kể tới những tác giả có kịch bản ghi dấu ấn trong lòng khán giả như Nguyễn Như Phong, Nguyễn Xuân Hải, Bùi Anh Tấn, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thu Phương…Mỗi kịch bản phim sau đó sẽ được giao cho những đạo diễn nhiều kinh nghiệm thực hiện. Hàng trăm tập phim về đề tài hình sự đã khai thác những vấn đề nóng nhất, nhạy cảm nhất của xã hội: Tội phạm ma túy có "Đầm lầy bạc", "Bí mật tam giác vàng", tội phạm tham nhũng có "Cổ cồn trắng", hiện tượng đồng tính có "Thế giới không có đàn bà"… Bằng những phong cách làm phim của riêng mình, các đạo diễn đã đưa đến cho khán giả những góc khuất phong phú và cũng không kém phần phức tạp của đời sống.

Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng thực sự hấp dẫn, thu hút được khán giả nếu không muốn nói có những phim khá nhạt. Nhiều khán giả thắc mắc, đời sống xã hội có khá nhiều vụ án ly kỳ, công an Việt Nam rất mưu trí, dũng cảm, nghiệp vụ cao tại sao trên màn ảnh lại không thấy điều đó.

“Cung đường trắng” phản ánh cuộc chiến đấu của các chiến sĩ Công an với tội phạm ma túy.

Ở một số bộ phim còn thấy trinh sát đánh án vụng về, ngô nghê. Chưa kể, một điểm yếu chung của các phim chống tiêu cực của Việt Nam đều rơi vào tình trạng không triệt để, còn né tránh, chưa dám thẳng thắn đi trực diện vào vấn đề. Bản thân nhiều chiến sĩ công an xem xong phim lắc đầu vì không thấy mình trong đó. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nếu kịch bản được chắp bút bởi cây viết có nghề, đặc biệt là sự am hiểu về ngành Công an thì kịch bản khá chặt chẽ, thuyết phục. Kịch bản ấy nếu được thực hiện bởi đạo diễn có kinh nghiệm ở đề tài hình sự thì gần như không còn điều gì phải lo. Nhưng ngược lại, nếu kịch bản được viết bởi những tác giả ít kiến thức về ngành Công an, ê kíp làm phim non tay thì khó có được bộ phim hình sự hấp dẫn, lôi cuốn.

Kịch bản phim hình sự luôn đòi hỏi logic rất cao về mặt nghiệp vụ, tình huống, nếu không có nghề rất dễ bị khán giả nhăn mặt, tẩy chay vì những chi tiết vô lý. Để khắc phục nhược điểm này, lâu nay, những bộ phim hình sự luôn có sự cố vấn bởi lực lượng Công an từ hình ảnh, lời thoại đến tác phong, nghiệp vụ. Thậm chí, ở những cảnh bắt bớ, khám nghiệm tử thi đều có lực lượng Công an tham gia để đảm bảo tính chân thực. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào những thành phần chủ chốt của đoàn làm phim như biên kịch, đạo diễn và diễn viên.

Nếu như trước đây, lĩnh vực phim hình sự được coi như "đặc quyền", thế mạnh của các hãng phim phía Bắc thì gần đây đã có một sự thay đổi khá rõ nét. Nhiều hãng phim tư nhân phía Nam bắt đầu chú ý khai thác dòng phim này. Những bộ phim được khán giả yêu thích gần đây như "Những đứa con biệt động Sài Gòn", "Bí mật tam giác vàng" đã được thực hiện bởi ê kíp sản xuất ở phía Nam. Không chỉ thuần túy là những bộ phim mô tả sự việc, vụ án, các đạo diễn Việt Nam đã có những pha chế hợp lý để có những phim "biến thể", trở thành thể loại phim tâm lý - hình sự như "Những đứa con Biệt động Sài gòn 2", "Lời sám hối", "Kẻ bán linh hồn"…

Không thể phủ nhận, dòng phim hình sự quay trở lại là một điều đáng mừng. Nó không chỉ giúp cho khán giả có cơ hội thay đổi món ăn tinh thần mà còn giúp cho chúng ta có thêm hy vọng vào lĩnh vực phim hình sự - vốn bị coi là "hạn chế" của phim Việt Nam.

Trò chuyện với một số đạo diễn từng làm phim về đề tài hình sự mới hiểu muôn vàn cái khó khi thực hiện những phim này. Điều khán giả tò mò nhất là các chiến sĩ Công an đã phá án bằng cách nào, tuy nhiên, vì bí mật nghiệp vụ của ngành, nhiều điều không được phép tiết lộ trên màn ảnh. Hay, có ý kiến cho rằng, phim hình sự Việt Nam khó hấp dẫn vì chiến công hay thành tích thường được coi là của tập thể. Tôn vinh hay đề cao quá một cá nhân như các phim hình sự nước ngoài thường làm là đều không phù hợp. Để phim hình sự hấp dẫn mà vẫn uyển chuyển được những yếu tố trên vẫn là vấn đề không đơn giản với các nhà làm phim.

Khánh Thảo
.
.