Phim truyền hình Việt: “Nhức mắt vì cảnh nóng”
- Lạm dụng cảnh nóng trong MV: Chơi dao có ngày đứt tay
- Bao giờ hết “sợ” cảnh nóng?
- Hé lộ cảnh “nóng” của Trương Nam Thành trong “Tik tak anh yêu em”
- Không cảnh nóng bất thành MV hot?
Cảnh nóng ngày càng táo bạo
Cảnh phim gây tranh cãi trong "Tuổi thanh xuân" 2 phát sóng hôm 9-11 vừa qua là cảnh ăn chơi của nhân vật Phong (do Mạnh Trường đóng). Để khắc họa sự giàu có, ăn chơi trác táng của thanh niên trẻ, đạo diễn đã xây dựng bối cảnh trong một quán bar trên du thuyền trên Vịnh Hạ Long. Trong không khí tiệc tùng, rất nhiều cô gái trẻ đẹp ăn mặc gợi cảm xuất hiện. Những cảnh trai gái ôm ấp, hôn nhau được đưa lên màn ảnh. "Đỉnh điểm" là phân đoạn các thanh niên dùng lưng phụ nữ làm bàn rượu. Sau khi chiến thắng trong cuộc thi uống rượu, Phong vung tiền ra khắp mọi nơi.
Trong xã hội hiện đại, báo chí đã không ít lần đề cập đến chuyện ăn chơi sa đọa của những thiếu gia "lắm tiền, nhiều của" và cảnh xuất hiện trong "Tuổi thanh xuân" 2 chưa chắc đã là "đỉnh cao" trong vô số trò "thác loạn" của giới thượng lưu. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, liệu cảnh ăn chơi đó có phù hợp với bộ phim truyền hình được phát sóng rộng rãi trên toàn quốc mà việc kiểm soát đối tượng khán giả theo dõi là việc làm "bất khả thi".
Một số khán giả cho rằng, "Tuổi thanh xuân" 2 đã xúc phạm phụ nữ, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục Việt, khiến du khách nước ngoài có cái nhìn sai lệch về con người và du lịch Việt Nam. Còn nhớ, "Tuổi thanh xuân" tập 30, phần 1 từng có cảnh quay gây tranh cãi. Đó là cảnh cô giáo Mai (Kim Tuyến đóng) và cậu học sinh Ji Yong (Shin Jae Ha đóng) đi chơi rồi rủ nhau cùng hút shisha. Nhiều khán giả cho rằng, "Tuổi thanh xuân" không nên có cảnh phim này vì nó chẳng khác gì cổ vũ giới trẻ hút shisha.
Một cảnh nóng trong phim "Hoa nắng" bị đánh giá là phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. |
Không khó để "điểm danh" những cảnh nóng trong phim Việt thời gian gần đây. Trước đó, bộ phim "Hoa nắng" (đạo diễn Đặng Minh Quang) từng bị dư luận "ném đá" vì cảnh một thanh niên trẻ dùng lưỡi liếm rượu trên ngực người yêu thay vì dùng giấy lau khi cô gái vô tình làm đổ rượu ra ngực.
Trong sự cổ vũ, phấn khích của các bạn trong nhóm, cặp đôi này hào hứng và thích thú nói rằng, "cảm giác là lạ, làm lại lần nữa nhé". Chàng trai tự đổ rượu vào ngực cô gái và lặp lại hành động như ban đầu. Trước phản ứng trái chiều của khán giả, đạo diễn của bộ phim "Hoa nắng" chia sẻ rằng, mục đích của cảnh quay là để khắc họa sự ăn chơi sa ngã của giới trẻ, cảnh báo các gia đình cần có sự quan tâm đến con em mình nhiều hơn. Tuy nhiên, cách lý giải này không nhận được sự đồng tình của nhiều người.
Ngoài ra, những bộ phim Việt khai thác đề tài về giới trẻ, ngoại tình với những mối tình tay ba, tay tư, cảnh lãng mạn trong tình yêu cũng xuất hiện nhiều trên màn ảnh nhỏ. "Mưa bóng mây" (đạo diễn Trọng Trinh), "Hôn nhân trong ngõ hẹp" (đạo diễn Vũ Trường Khoa) với câu chuyện hôn nhân phức tạp thời hiện đại lên sóng truyền hình thời gian gần đây cũng khiến khán giả "nóng mắt" vì những góc quay "đặc tả" cảnh ôm ấp, hôn hít… của các cặp tình nhân.
Phải thừa nhận rằng, phim truyền hình Việt Nam ngày càng trở nên gần gũi với khán giả Việt. Đề tài mà phim truyền hình Việt hướng tới không còn là những vấn đề "đao to, búa lớn" mà tập trung đi sâu, khai thác nhiều vấn đề trong xã hội hiện đại. Con người, đặc biệt là giới trẻ với những cung bậc cảm xúc của tình bạn, tình yêu, khát vọng cống hiến… được nhìn nhận dưới lăng kính đa chiều hơn.
Phải chăng, cũng chính vì thế mà cảnh nóng, bạo lực, mặt trái xã hội được đề cập "mạnh bạo" hơn trong phim Việt? Khán giả cho rằng, cảnh nóng trong phim Việt hiện nay "đẳng cấp" hơn nhiều so với trước kia. Nếu như trước đây, cảnh diễn viên ôm, hôn nhau chỉ diễn ra trong vài giây và thường được quay lồng ghép với hình ảnh khác thì giờ đây, những cảnh quay này được quay ở góc độ gần và thời gian khá dài. Vì thành công của phim, nhiều diễn viên trẻ cũng không ngần ngại đóng các cảnh quay "nhạy cảm".
Nóng chuyện dán nhãn cảnh báo và phân loại phim
Một thực tế rất đáng lo ngại là phần lớn phim truyền hình được trình chiếu trên các kênh truyền hình quảng bá thu hút rất đông lượng người xem ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, với chủ trương khuyến khích phim Việt phát triển, nhiều kênh truyền hình ưu tiên phát sóng phim Việt trên khung giờ vàng. Ở Việt Nam, việc các gia đình cùng xem một kênh truyền hình, cùng theo dõi một bộ phim là điều hết sức phổ biến và dù muốn hay không, những cảnh nóng, bạo lực trong phim sẽ tác động, ảnh hưởng đến các em nhỏ.
Cảnh nóng gây tranh cãi trong phim "Tuổi thanh xuân" phần 2. |
Nhiều khán giả cho rằng, việc "dán nhãn" cảnh báo phim có cảnh quay nhạy cảm, bạo lực là giải pháp tối ưu để khán giả, nhất là các bậc phụ huynh biết để kiểm soát con em mình, đồng thời không gò bó các nhà làm phim trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, giờ chiếu những bộ phim có cảnh quay nhạy cảm cũng cần được tính toán khung giờ chiếu để hạn chế các em nhỏ tiếp cận bộ phim. Phim chiếu trên giờ vàng cần được kiểm soát chặt chẽ về nội dung, phù hợp với mọi đối tượng khán giả xem truyền hình, trong đó có trẻ em.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Thông tư ban hành quy chế thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim. Theo đó, tất cả các thể loại phim, trong đó có phim truyền hình đều được phân loại theo từng độ tuổi để phù hợp với đối tượng người xem cụ thể.
Dựa trên các tiêu chí về chủ đề nội dung; bạo lực; khỏa thân tình dục; ma túy, các chất kích thích gây nghiện; kinh dị; hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục, phim sẽ được phân thành 4 loại: Phim được phổ biến rộng rãi đến mọi lứa tuổi (P); phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13 (C13); phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16 (C16); phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18 (C18). Đây là việc làm hết sức cần thiết để siết chặt công tác quản lý phim ảnh hiện nay.
Nếu Thông tư ban hành quy chế thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim được thông qua thì việc thực thi trong lĩnh vực phim truyền hình chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Khác với điện ảnh, truyền hình có đặc thù riêng và việc khu biệt khán giả xem truyền hình không hề đơn giản. Nếu như ở nước ngoài, có các kênh truyền hình chuyên biệt cho từng đối tượng thì ở Việt Nam lại chưa làm được điều này. Chính vì vậy, ngay cả việc "dán nhãn" và phân loại phim thì cũng không có gì để đảm bảo rằng, các em nhỏ sẽ không xem những cảnh quay nhạy cảm đó.
Một vấn đề nữa đặt ra là, để ban hành được Thông tư thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim cũng phải cần một thời gian dài để lấy ý kiến tham gia của các nhà chuyên môn. Trong thời gian đó, khán giả ở tất cả các lứa tuổi vẫn phải xem những cảnh quay "nhạy cảm" trên các kênh truyền hình.
Thiết nghĩ, các đài truyền hình phải kiểm soát chặt chẽ nội dung phim cũng như các cảnh quay trong phim để tính toán việc phát sóng sao cho phù hợp, thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, định hướng giáo dục của truyền hình. Với các nhà làm phim truyền hình, cần cân nhắc việc đưa cảnh nóng vào trong phim. Cảnh nóng, bản thân nó là con dao hai lưỡi.
Nếu được sử dụng một cách tế nhị, có ý đồ nghệ thuật, "liều lượng" vừa đủ sẽ giúp bộ phim trở nên chân thật, gần gũi hơn và ngược lại, nếu sử dụng tràn lan sẽ gây phản cảm. Sẽ rất đáng tiếc nếu cảnh nóng được sử dụng chỉ đơn thuần để gây chú ý hay PR cho phim mà không chứa đựng trong đó ý đồ nghệ thuật của đạo diễn.