Phim ngoại truyện: Quà tri ân hay mồi câu view?

Chủ Nhật, 31/05/2020, 08:37
Thời gian gần đây, phim ngoại truyện trở thành trào lưu của phim truyền hình Việt. Gần như bộ phim nào đang nóng sốt cũng có ngoại truyện. Đây được coi là bước tiến mới mẻ giúp phim truyền hình Việt ngày càng xích lại gần khán giả.


Ngoại truyện có thể hiểu nôm na là phần nối tiếp của mạch phim gốc nhằm giải thích, làm sáng tỏ một tình huống, một nhân vật nào đó ở thời gian trước, sau hoặc song song với thời gian của bộ phim chính. Ngoại truyện cũng có thể là sự giao thoa (cross over) nhân vật, cốt chuyện của các phim lại với nhau để tạo nên hiệu ứng thú vị.

“Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”, “Cả một đời ân oán”, “Quỳnh búp bê” và mới đây nhất là “Về nhà đi con” đều tung ra bản ngoại truyện của mình theo nhiều hướng khai thác khác nhau. Đây đều là những bộ phim gây sốt màn ảnh nhỏ của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC).

Cảnh trong phim “Về nhà đi con ngoại truyện”.

Năm 2017 có thể xem là năm đầu tiên dòng phim ngoại truyện bắt đầu manh nha tại Việt Nam với tác phẩm “Sống chung với người phán xử”. Đây là bộ phim có thời lượng ngắn được nhào trộn (cross over) giữa “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử”. Những mâu thuẫn của mẹ chồng, nàng dâu trong bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” được ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng đóng) phân xử công minh theo phong cách giang hồ, chỉ ra lỗi sai của từng người để họ sửa sai mà sống tốt hơn.

Tiếp đó, series “Người phán xử tiền truyện” ra đời. Series khai thác thời gian đầu các nhân vật trong phim gia nhập giới giang hồ. Dù cái kết có hậu thỏa mãn nhiều người nhưng không ít khán giả vẫn tỏ ra tiếc nuối khi “Về nhà đi con” – bộ phim mình yêu thích kết thúc. Để chiều lòng công chúng, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã quyết định làm thêm 5 tập ngoại truyện.

Ngoài các nhân vật quen thuộc trong bản gốc như NSND Trung Anh, Bảo Thanh, Thu Quỳnh, Bảo Hân, Quốc Trường..., bản ngoại truyện còn có sự góp mặt của nhiều gương mặt mới như Mạnh Quân, Lê Na, Maya ...

Không chỉ các phim đình đám đang công chiếu được làm ngoại truyện, mà ngay cả những bộ phim cũ cũng nhanh chóng gia nhập trào lưu nếu bỗng dưng một ngày nó nóng sốt trở lại. “Phía trước là bầu trời” là một ví dụ. Ra đời cách đây gần 20 năm, bỗng nhiên bộ phim về xóm trọ sinh viên được cư dân mạng khai quật, chia sẻ và bình luận rôm rả.

Đặc biệt, những phân cảnh thảo mai của nhân vật Nguyệt (Hà Hương đóng) được mọi người tấm tắc khen hay, nhiều câu thoại nhanh chóng biến thành xu hướng. Đơn cử như câu “thả thính”: “Em làm gì có người yêu, em còn đang sợ ế đây này”. Chớp lấy thời cơ, đạo diễn Đỗ Thanh Hải mau mắn tuyên bố: “Phía trước là bầu trời” sẽ có ngoại truyện.

Chuyện phim sẽ kể về ngã rẽ của nhân vật Nguyệt, Nhung, Thương sau gần 20 năm. Khỏi nói fan hâm mộ háo hức mong chờ như thế nào. Họ cứ ngỡ “Phía trước là bầu trời” sẽ có bản ngoại truyện độc lập. Vậy nhưng nó lại được kết hợp với phim “Quỳnh búp bê” dưới tên gọi “Quỳnh búp bê ngoại truyện”. Lần khác, “Phía trước là bầu trời” lại kết hợp với “Người phán xử”, “Cả một đời ân oán” để thành phim “Phía trước là cả một đời phán xử”.

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng tâm sự, mình làm ngoại truyện như một món quà tri ân mà đoàn làm phim đáp lại tình cảm nồng nhiệt của khán giả dành cho bản gốc. Phần nữa nó cũng là một cách để ekip đến gần với người hâm mộ, có sự tương tác giữa mong muốn của khán giả với câu chuyện phim. Do đó, chỉ những phim được khán giả hết lòng ủng hộ, bàn luận tích cực thì mới có phần ngoại truyện. Ekip sẽ căn cứ vào những bình luận, tranh cãi lẫn giả thuyết của người xem để có thể hình thành nên kịch bản ngoại truyện.

“Sống chung với người phán xử” đã làm theo cách này. Từ những giả thuyết vui nhộn của fan hâm mộ trên diễn đàn yêu phim, đại loại như: “Nếu người phán xử Phan Quân mà phán xử hai mẹ con bà Phương và Vân thì sẽ vui lắm nhỉ”, ekip đã dựng nên “Sống chung với người phán xử” với màn phán xử công, tội hài hước. Những câu thoại quen thuộc của các nhân vật trong hai bộ phim được đặt để, tung hứng đúng chỗ khiến khán giả vô cùng thích thú.

“Về nhà đi con ngoại truyện” cũng mang đến nhiều tình huống dí dỏm, dễ thương. Các nhân vật vốn chịu nhiều thiệt thòi, tổn thương trong bản chính như ông Sơn, Huệ, Thư được hưởng hạnh phúc vui vẻ. Nhân dịp họp lớp tại khu du lịch, Thư được dịp “hành” lại Vũ – anh chồng đã làm cô khốn đốn trong bản chính vì tính trăng hoa. Nhưng hài hước nhất phải là chuyện của nhân vật Dương. Cô nàng tomboy Dương bị một cô bạn theo đuổi quyết liệt vì cứ ngỡ Dương là người đồng tính. Đó coi như phần nối thêm hoàn hảo cho bản gốc vốn có quá nhiều bi kịch, mất mát. Khán giả cảm thấy nhẹ nhõm, vui lây với bản ngoại truyện như thế.

Tuy nhiên, không phải phần ngoại truyện nào cũng trở thành món quà tri ân đúng nghĩa. “Phía trước là cả một đời phán xử”, “Quỳnh búp bê ngoại truyện”, “Cả một đời ân oán ngoại truyện”, “Người phán xử tiền truyện”... đều vấp phải tranh cãi trái chiều. Trong đó, ý kiến tiêu cực, chê bai chiếm số lượng áp đảo.

“Phía trước là cả một đời phán xử” biến các nhân vật hiền lành trong phim “Phía trước là bầu trời” trở thành vợ của các đại ca trong “Cả một đời ân oán” lẫn “Người phán xử”. Chính vì nội dung bản gốc “Phía trước là bầu trời” không mấy liên quan đến hai phim kia nên khi kết hợp dễ gây nên sự gượng gạo.

Phim ngoại truyện “Phía trước là cả một đời phán xử”.

Tương tự, cuộc sống của những cô gái bán phấn buôn hương bất cần đời, đầy thủ đoạn trong phim “Quỳnh búp bê” không ăn nhập mấy với dàn nhân vật trong sáng của “Phía trước là bầu trời”. Do đó, việc chị Nguyệt “thảo mai” xuất hiện ở xóm trọ những cô gái điếm rồi tặng sách, bày cách cho họ thả thính có gì đó khiên cưỡng. Nội dung kịch bản cũng khá lỏng lẻo, rời rạc, thậm chí làm rối cốt chuyện của bản chính. Fan của “Phía trước là bầu trời” háo hức mong chờ phần ngoại truyện bao nhiêu thì họ lại thất vọng khi nó trình làng bấy nhiêu.

“Người phán xử tiền truyện” thì lại có quá nhiều cảnh bạo lực, câu thoại tục tĩu, cảnh nóng phô... khi khai thác về thế giới ngầm. Đây là điều dễ hiểu bởi phim ngoại truyện đa phần là phim ngắn chiếu online chứ không lên sóng chính thống. Môi trường mạng bỏ ngỏ kiểm duyệt khiến các nhà làm phim tha hồ sáng tạo, tung tẩy theo ý đồ của mình. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi biến tác phẩm trở thành thảm họa khi các yếu tố vô văn hóa, mất thẩm mỹ được tự do phô diễn.

Ngoài hạt sạn về nội dung, một số bản ngoại truyện lợi dụng sức nóng của bản gốc để tranh thủ quảng cáo, PR cho một thương hiệu. Trong “Cả một đời ân oán ngoại truyện”, nhân vật Dung lo lắng lên đỉnh Phan-xi-păng tìm mẹ. Vậy mà trong tình huống cấp bách ấy, nhân vật đi cùng cô là Khôi lại thao thao bất tuyệt về ưu điểm của hệ thống cáp treo do một tập đoàn nọ xây dựng.

Chưa hết, kiểu quảng cáo lộ liễu này còn tiếp diễn khi một nhân vật khác tiếp tục thuyết trình về những tính năng, đặc điểm tuyệt vời của hệ thống công trình này. Nó khiến mạch phim bỗng chốc bị vô lý và bộ phim chẳng khác gì một TVC quảng cáo trá hình.

Nhà biên kịch Thanh Hương đánh giá trào lưu phim ngoại truyện là một điểm sáng của nền phim ảnh Việt Nam. Bởi ở các nước trên thế giới, thể loại này đã được khai thác từ lâu và làm nên nhiều siêu phẩm đình đám ở lĩnh vực phim truyền hình lẫn điện ảnh. Còn ở nước ta, phim ngoại truyện vẫn chỉ dừng lại dưới dạng phim ngắn chiếu mạng và làm theo kiểu vui là chính.

Chính vì vậy, nhiều phim chạy theo sự dễ dãi, câu view hoặc quảng cáo đơn thuần chứ không bám vào linh hồn của bản gốc. Chúng ta phải coi đó như một tác phẩm thực sự để đầu tư chất xám, nâng cao chất lượng, thậm chí biến nó thành một tác phẩm sánh ngang với bản gốc. Để từ đó từng bước đưa phim ngoại truyện lên các kênh phát sóng chính thống.

Từ sức nóng của bản gốc, bản ngoại truyện hội tụ rất nhiều lợi thế khi đo lường được thị hiếu khán giả, có được nguồn nhân vật, tuyến câu chuyện... hấp dẫn.

Phan Thi Uyên
.
.