Phim kinh dị: Không đơn thuần là hù dọa

Thứ Ba, 16/08/2016, 08:03
Không cần đợi tới mùa Halloween, phim kinh dị Việt đều đặn ra mắt bất kỳ thời điểm nào trong năm. Các bộ phim gần đây không chỉ thuần kinh dị mà đã pha trộn nhiều yếu tố để tìm cho mình con đường riêng.


Phim kinh dị ở nước ta dù có chặng đường phát triển khá dài nhưng thể loại này đến bây giờ vẫn bị xem là đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nó chưa hình thành nên phong cách riêng biệt, chưa hoàn toàn chinh phục khán giả trong nước chứ đừng nói bước ra thi thố với bạn bè thế giới. Số phim tạo được ấn tượng với chất kinh dị thuần túy chỉ đếm trên đầu ngón tay như "Mười", "Lời nguyền huyết ngải", "Đoạt hồn"...

Khán giả vẫn thường nói vui: "Xem phim kinh dị Việt Nam thì cười đau ruột hơn cả phim hài"! Nói thế để biết rằng đa số phim kinh dị của các nhà làm phim trong nước thường ngô nghê, khó hiểu. Chẳng hạn như "Biết chết liền" có cảnh những con ma chạy qua chạy lại trong khu nghỉ dưỡng hay một cô gái tự dưng bị xe hơi tông chết dã man, máu me bê bết trên tà áo dài trắng.

Hết phim, khán giả mới ngớ người, hóa ra những cảnh đó chỉ để "hù" khán giả chứ không dính líu gì đến nội dung phim. Hay cũng trong phim này, Trang "khàn" vào vai phóng viên điều tra về xưởng điều chế loại thuốc hại người, biến người ta thành những các xác sống gớm ghiếc. Vậy mà cô phóng viên "đột nhập" khu xưởng bí mật này tỉnh bơ: Đi nghênh ngang vào và thậm chí còn chào những người đang điều chế, trên tay lăm lăm cái máy ảnh rồi chụp hình ngon lành...

Một cảnh trong phim "Ma nữ báo thù".

Tình huống "hồi hộp" này cộng với những cảnh dọa ma như trẻ con khiến khán giả cười ngặt nghẽo. Phim "Oan hồn" của đạo diễn Troy Lê dù đã kết hợp cùng êkíp Thái Lan nhưng vẫn không tránh khỏi "bị cười". Màn bắt ma ngô nghê của các nhân vật trong phim khiến khán giả không khỏi lắc đầu. Nhưng đoạt danh hiệu phim kinh dị gây cười nhất phải kể đến "Con ma nhà họ Vương" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

Thủ pháp dọa ma của phim kinh dị Việt vẫn đi vào lối mòn, không đủ sức làm khán giả sợ. Thường thấy nhất là cảnh đèn điện, nến bỗng dưng phụt tắt, cánh cửa rung lên bần bật hay đột ngột hiện một bóng trắng lướt qua, một bàn tay vấy máu bất ngờ đặt lên vai sau lưng nhân vật, bồn tắm đầy máu... Lâu lâu tìm được một thủ pháp hay hơn thì đạo diễn lại có vẻ như lạm dụng.

Trong phim "Đoạt hồn" có cảnh mỗi lần con ma nước thoát xác ra khỏi ai đó thì miệng người ấy phun ra thứ nước dơ bẩn, đầy bùn đất, rong rêu và ốc. Nếu đạo diễn tiết chế hơn, chỉ lặp lại hai, ba lần thì hiệu ứng này tất nhiên khiến khán giả sởn gáy. Nhưng trong suốt phim, hầu như nhân vật nào cũng một lần phun nước ốc khiến khán giả bắt đầu thấy nhàm. Một lối mòn nữa là kết phim thường giải thích cho cả quá trình "thót tim" trên: hoặc đó chỉ là giấc mơ của nhân vật chính, hoặc không có ma thật mà tất cả chỉ do ảo giác của nhân vật tạo nên, hoặc đây là âm mưu sắp đặt, dàn dựng của một người để trả thù ai đó...

Theo quy định, phim không được cố súy mê tín dị đoan, khiến người ta tin rằng ma quỷ có thật, phim không được có nhiều cảnh máu me, rùng rợn...  Ekip cứ quay cho "đã" rồi tìm cách lách luật sau để phim được ra rạp. Nên mới có chuyện đoạn đầu phim rất "ép phê" nhưng tự dưng đoạn cuối bị hẫng vì cái kết gượng gạo.

Theo đạo diễn Lê Văn Kiệt, làm phim kinh dị rất khó vì nó không đơn thuần khiến người ta sợ là xong mà phải hướng tới sự ám ảnh, đọng lại thông điệp gì đó từ chuyện phim. Trước đây, các phim chăm chăm hù dọa là chính nhưng đa số chiêu trò đều gây tác dụng ngược vì đi theo lối mòn, thiếu sáng tạo. Khán giả xem nhiều phim kinh dị của Mỹ, Nhật, Thái Lan... dễ nhận ra kiểu bắt chước của phim Việt, tiếc thay lại bắt chước không tới.

Thời gian gần đây, hàng loạt phim kinh dị hay phim có yếu tố ma mị, liêu trai nối nhau ra rạp như  "49 ngày", "Ma dai", "Bệnh viện ma", "Bao giờ có yêu nhau", "Ma nữ báo thù"... Các phim này đều ít nhiều tạo được ấn tượng cho khán giả. Sắp tới, ekip làm phim "49 ngày" dự tính sẽ làm tiếp phần 2. Trên truyền hình có phim "Biệt thự trắng" (Đài Truyền hình Vĩnh Long) gây chú ý. Đặc điểm chung của những bộ phim này là nó không thuần kinh dị như trước đây mà pha trộn nhiều thể loại vào với nhau. Cụ thể gồm yếu tố tâm lý, ngôn tình hay yếu tố trinh thám pha kinh dị, ma mị. Có phim gia giảm thêm chút hài hước.

"Bao giờ có yêu nhau" dù có chút gây rối cho khán giả vì hai nhân vật người sống và linh hồn người chết đều do Minh Hằng thủ vai nhưng câu chuyện vẫn chiếm được cảm tình của khán giả. Phim để lại nhiều day dứt, chiêm nghiệm về tình yêu. "Bệnh viện ma" là câu chuyện tình của chàng bác sĩ và cô y tá trong một bệnh viện ma quái. Dù đoạn đầu hơi khó chịu với mảng miếng hài đã quá quen thuộc của Trấn Thành và Thu Trang, nhưng càng về sau phim càng tạo được chất kinh dị đầy ám ảnh lẫn chất ngôn tình lãng mạn vốn luôn thu hút mọi đối tượng khán giả. Chất ngôn tình, hài hước nhẹ nhàng cũng là yếu tố khiến "49 ngày" ghi điểm bên cạnh nền kinh dị nhấn nhá cho tình tiết phim.

Một cảnh trong phim "Bao giờ có yêu nhau".

Theo các nhà làm phim, sự kết hợp nhiều thể loại trong một phim là cách thử nghiệm mới mẻ và khả thi để tìm ra con đường riêng của phim kinh dị Việt. Các yếu tố này cũng khiến phim kinh dị bớt đi sự căng thẳng, giúp khán giả yếu tim dễ xem hơn. Đồng thời, nó đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả, thay vì xem thuần túy hài hay tình cảm, kinh dị, sự tích hợp giúp khán giả đa dạng lựa chọn.

Làm theo hướng này giúp phim kinh dị Việt không phải vất vả tìm cách lách luật vì phim vốn bớt đi cảnh máu me, rùng rợn, không chăm chăm chạy theo chuyện ma quái. Thay vào đó, trên nền kinh dị, cốt truyện, số phận nhân vật được đào sâu, làm bật nên nội dung tư tưởng như chuyện ác giả ác báo, tình yêu vượt qua ranh giới giữa người sống và người chết... Nhà làm phim thêm đất để sáng tạo, làm mới dòng phim này.

Bởi nói như đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương, đạo diễn phim "Biệt thự trắng": "Không thể phủ nhận yếu tố kinh dị, ma quái trong phim thường gây tò mò cho khán giả. Nhưng nội dung phim không phải lấy trọng tâm là yếu tố kinh dị ma quái mà cái chính là câu chuyện cảm động về tình bạn, tình yêu và thông điệp sâu sắc về tình người. Tôi kể câu chuyện đó cho khán giả xem bằng lối kể kinh dị mới lạ, chứ không phải truyện phim mang tính tâm linh, truyền bá mê tín".

Để đi theo hướng pha trộn này, đòi hỏi người làm phim phải vững tay nghề vì liều lượng ngôn tình, hài hước nhiều hay ít cũng ảnh hưởng đến bộ phim lấy kinh dị làm cái nền chủ đạo. Chẳng hạn như phim "Cột mốc 23" dù được khán giả kỳ vọng sẽ được xem một bộ phim kinh dị có chiều sâu nhưng cuối cùng cái đọng lại cho khán giả là "Bài ca thịt chó" trời ơi đất hỡi của diễn viên Huy Khánh và cảnh sex nóng rẫy. Sức ám ảnh, thông điệp của tình người, tình đời nhanh chóng bị phá hủy vì kiểu lạm dụng cảnh nóng, màn hài hước vô bổ. "Mặt nạ máu" dù có nhiều cố gắng song kịch bản rời rạc, phi lý khiến phim nhạt.

Sử dụng hình thức tích hợp không có nghĩa là các đạo diễn giậm chân tại chỗ, xem thường yếu tố kinh dị. Bởi để tạo được hiệu ứng ly kỳ, hấp dẫn khán giả, họ vẫn phải tìm tòi, sáng tạo những thủ pháp mới mẻ. Ngoài ra, yếu tố kinh dị cần kết hợp với câu chuyện xã hội mang tính đương đại như sống ảo, vô cảm, sống phụ thuộc công nghệ, vô trách nhiệm... xen lẫn với những cung bậc cảm xúc. Đây là điều mà phim kinh dị của Mỹ, Nhật... đã và đang khai thác, khiến người xem không khỏi bàng hoàng, tự vấn chính mình khi rời rạp. Để ám ảnh mà người ta tìm thấy điều hay, biết sửa mình mà sống tốt, có tình có nghĩa. Chứ không thể đơn thuần là chuyện chết chóc, báo oán do hận thù vì tình, ma quỷ hù dọa người trần...

Phan Thi Uyên
.
.