Phim kinh dị hay phim... tắc tị?

Thứ Sáu, 16/03/2012, 09:00
Chỉ trong vòng hơn một tháng qua, khán giả Việt chứng kiến sự ra mắt liên tiếp của hai bộ phim truyện nhựa với đề tài kinh dị đó là "Lời nguyền huyết ngải" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và "Ngôi nhà trong hẻm" của đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt. Trong bối cảnh mỗi năm trong nước chỉ sản xuất được trên dưới 10 phim điện ảnh thì đây đúng là một tỉ lệ đáng nể...

Phim kinh dị ở Việt Nam vốn được xem là cách để các nhà làm phim "đổi món", song sự lạm dụng này trong mấy năm qua lại khiến khán giả cảm thấy... ngán ngẩm với những trò dọa ma cũ rích...

"Ngôi nhà trong hẻm" là bộ phim thứ 2 của đạo diễn Lê Văn Kiệt tại thị trường điện ảnh Việt Nam sau "Bẫy cấp 3". Chọn thời điểm ra mắt đúng vào ngày Lễ tình nhân 14-2, phim "Ngôi  nhà trong hẻm" với sự tham gia của ngôi sao Ngô Thanh Vân "nhắm" vào sự hiếu kỳ của các bạn trẻ và được kỳ vọng sẽ tạo nên "cơn sốt". Tuy vậy, việc chọn thời điểm này chưa hẳn đã "trúng" mà còn bị xem là "lợi bất cập hại", bởi nó đi ngay sau "Lời nguyền huyết ngải" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (cách nhau chỉ hơn một tháng), khi khán giả vừa ăn xong một món tương tự. Bởi vậy, trong khi nhà làm phim "Lời nguyền huyết ngải" đang tưng bừng bởi phim đoạt doanh thu "khủng" và liên tục cháy vé trong tuần công chiếu thì "Ngôi nhà trong hẻm" lại không có được hiệu ứng tốt như vậy, dù phim có diễn viên ngôi sao và được làm khá tốt khâu truyền thông. Có lẽ, ngoài yếu tố tên tuổi đạo diễn được cho là còn "mới mẻ" với khán giả Việt và kịch bản đơn giản, không có những tình tiết ma mị, ám ảnh thật sự, còn có một lý do nữa: Đó là khán giả Việt cũng bắt đầu... chán "món ăn kinh dị" này.

Không phải đến thập niên gần đây Việt Nam mới có phim kinh dị mà nó đã manh nha từ thập niên 70 của thế kỷ trước với "Lệ đá" của đạo diễn Võ Doãn Châu, "Con ma nhà họ Hứa" của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, sau đó là "Ngôi nhà oan khốc" và "Chiếc mặt nạ da người" của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín ra đời những năm 1990. Bẵng đi một thời gian im hơi lặng tiếng, những năm gần đây, dòng phim kinh dị bỗng nhiên trỗi dậy một cách mạnh mẽ đến bất thường. Có thể thấy, chỉ trong vòng dăm năm qua đã có tới hàng chục phim kinh dị ra mắt công chúng. Số "phim ma" của Điện ảnh Việt Nam bỗng nhiên tăng vọt khiến nhiều người kỳ vọng về một "dòng phim kinh dị made in Việt Nam" - vốn là dòng phim đã hình thành từ lâu trên thế giới. "Nổ phát súng" đầu tiên phải kể đến hãng phim Chánh Phương với dự án sêri phim ma khổng lồ mang tên "Chuyện kể lúc nửa đêm" khi công bố dự tính lên tới hàng trăm tập.

Sau thành công của "loạt đạn đầu" là "Ngôi nhà bí ẩn" và "Suối oan hồn" ra mắt năm 2007, năm 2008 đạo diễn Nguyễn Chánh Phương kiêm ông chủ hãng phim Chánh Phương lại tiếp tục tấn công vào đề tài này với hai phim ngắn là "Chết lúc nửa đêm" và "Bốn thí nghiệm đêm tân hôn". Tuy nhiên, kể từ đó chưa thấy đạo diễn tiếp tục với "phim ma" nào khác. Các phim ra đời ngay sau phim của Chánh Phương là: "Mười" (hãng phim Phước Sang hợp tác với Hãng Bily Pictures của Hàn Quốc), "Khi yêu đừng quay đầu lại" và "Bóng ma học đường" (hãng Thiên Ngân), tiếp đó là "Giao lộ định mệnh", "Giữa hai thế giới" (đạo diễn Vũ Thái Hòa) và dịp Lễ Giáng sinh 2011 vừa qua là  "Bẫy cấp 3" của đạo diễn Lê Văn Kiệt. Nhiều ý kiến cho rằng, trong số những phim kinh dị đã chiếu ở rạp trong mấy năm lại đây, xem ra "Giao lộ định mệnh" là... kinh dị hơn cả. Nhưng khi bị báo chí phanh phui về việc nó giống phim "Shattered" của điện ảnh Mỹ đến... bất ngờ, thì cái tên đạo diễn Việt kiều Victor Vũ vốn được nhiều kỳ vọng lại gây ra một nỗi thất vọng tràn trề đối với khán giả Việt. Gần đây, tham gia với vai trò đạo diễn trong bộ phim mới nhất là "Thiên mệnh anh hùng" vừa công chiếu dịp Tết Nhâm Thìn (bộ phim được đánh giá là khá tốt về cả kịch bản lẫn khâu đạo diễn), chàng đạo diễn Việt kiều này mới vớt vát ít nhiều tên tuổi tại thị trường điện ảnh Việt Nam.

Một cảnh trong phim “Ngôi nhà trong ngõ hẻm”.

Hiếu kỳ nhưng luôn sợ hãi mơ hồ cũng chính là bản chất của con người, bởi vậy các nhà làm phim Việt gần đây cũng liên tục "đánh" vào yếu tố tâm lý đó. Trong khi khán giả đã chán ngán cảnh váy ngắn chân dài, cảnh nóng, cảnh hở cũng như các chuyện tình đại gia - mỹ nhân, lọ lem - hoàng tử... vốn tràn ngập màn ảnh từ sau tiếng nổ từ bộ phim "Gái nhảy" của đạo diễn Lê Hoàng, thì phim kinh dị hoặc chỉ đơn giản là có yếu tố truyền kỳ, bí ẩn thực sự là một... cứu cánh của điện ảnh Việt. Những bộ phim đầu tiên của "làn gió kinh dị Việt Nam" ra đời thu hút sự quan tâm của một bộ phận không nhỏ công chúng, đem lại doanh thu cao cho nhà sản xuất cho dù chất lượng của nó thì vẫn được xem là khá yếu so với mặt bằng chung của phim kinh dị thế giới. Những bộ phim này về cơ bản đã đáp ứng thị hiếu tò mò của khán giả Việt, song có lẽ đó cũng chỉ là cách các nhà làm phim "đổi món" có gắn mác "kinh dị" do Việt Nam sản xuất. Bởi nhiều phim được quảng cáo là "kinh dị, rùng rợn đầy trải nghiệm về nỗi sợ hãi..." nhưng xem xong, khán giả chẳng thấy kinh dị, sợ hãi tẹo nào.

Với điện ảnh, hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, "bình" có thể cũ nhưng "rượu" nhất định phải mới thì mới có công chúng. Đằng này, sự quanh quẩn của đề tài người - ma cùng với sự lỏng lẻo của kịch bản dẫn đến sự vô lý thậm chí là vô duyên của những cảnh diễn đã không thuyết phục được người xem. Những cốt truyện quá đơn giản như "Ngôi nhà trong hẻm" hay "Mười" đều khó thuyết phục khán giả trong khi họ đã xem nhiều những phim kinh dị đến khủng khiếp từ các nền điện ảnh trên thế giới.

Sự non yếu của các đạo diễn phim kinh dị Việt Nam còn thể hiện ở chỗ, hầu hết các bối cảnh trong phim được làm theo một mô típ giống nhau. "Ngôi nhà trong hẻm" và "Mười" hay "Ngôi nhà bí ẩn" đều lấy bối cảnh trong những ngôi nhà cũ leo lét ánh đèn, ánh trăng, không gian âm u, thảng hoặc có tiếng khóc trẻ nhỏ, tiếng hét của người bị ma ám, tiếng côn trùng... hay những cô gái trẻ bị ma ám rơi vào câm lặng... Trong khi đó, yếu tố hài hước vốn được xem là một trong các điều kiện hút khách hàng đầu của phim hiện đại ngày nay được các nhà làm phim kinh dị đưa vào phim một cách khá tùy tiện như trường hợp của "Bóng ma học đường" với những cảnh lột đồ, hở hang, nhân vật bị đánh rất... vô duyên, chẳng ăn nhập gì với nội dung phim. Những tình tiết hài trong "Chết lúc nửa đêm" và "Bốn thí nghiệm đêm tân hôn" được cho là khá sống sượng, vô lý chỉ nhằm một mục đích duy nhất là để tiện đưa vào thành những chiêu PR, câu khách mà thôi. Chính bởi thế, "Lời nguyền huyết ngải" của Bùi Thạc Chuyên với việc phần nào vượt qua được những yếu kém thường gặp của phim kinh dị Việt đã tạo được ấn tượng mạnh hơn với khán giả, tạo được thiện cảm với người xem khi nó có một kịch bản chặt chẽ hơn. Yếu tố "bí hiểm" về loài cây huyết ngải hút máu người được nhìn nhận dưới cách nhìn trẻ trung của những nam sinh có học vấn nên không bị sa đà vào những cảnh huyền bí mang màu sắc... mê tín dị đoan, dẫn đến dễ bị kiểm duyệt cắt bỏ như lời trần tình của các đạo diễn phim kinh dị khác.

Trong thế giới vẫn còn nhiều điều huyền bí chưa thể giải thích được, điện ảnh hay cụ thể là phim kinh dị chính là một "kênh" để con người lý giải những điều huyền bí đó. Bởi thế, nó vẫn là một đề tài hấp dẫn khán giả và là một thể loại phim hấp dẫn các nhà làm phim trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nhưng xem ra, với những gì mà dòng phim kinh dị Việt đã thể hiện thì quả là vui ít, buồn nhiều. Và nếu cứ giữ mãi cách làm đó họ sẽ thất bại, sẽ bị chính khán giả từng kỳ vọng ở mình... tẩy chay. Phim kinh dị "made in Việt Nam" vẫn đang loay hoay tìm cho mình lối thoát trong lúc đang bắt đầu bị khán giả khó tính gọi là dòng phim... tắc tị

.
.