Phim hình sự Việt Nam

Thứ Hai, 11/07/2016, 08:35
Có thể nói rằng, từ đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn bởi những tình tiết giật gân, những pha rượt đuổi nguy hiểm và những màn đấu trí căng thẳng, đánh trúng vào tâm lý tò mò, ưa mạo hiểm của người xem nên phim về đề tài hình sự ngay từ khi ra đời đã lập tức xác định được vị trí của mình trong lòng khán giả. Trên thế giới, phim hình sự vẫn là một trong những thể loại phim được khán giả mong chờ cũng như có lượng người xem đông đảo và ổn định nhất...


Đất "vàng" - sao chưa có mùa "bội thu"

Khánh Thảo

Cùng với những đề tài mang tính chất kinh điển như tình yêu, tâm lý, hài hước...; đề tài hình sự, tâm lý tội phạm luôn là mảnh đất hấp dẫn của phim truyền hình cũng như điện ảnh. Tuy nhiên, trong khuôn khổ chuyên đề này, chúng tôi chỉ bàn tới lĩnh vực phim truyền hình bởi cho đến nay, phim truyền hình vẫn là loại hình thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. 

Ngoài ra, với đặc điểm dài tập, phim truyền hình có khả năng phản ánh một cách sâu rộng và đậm nét chân dung những chiến sĩ Công an, những khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm mà hàng ngày họ phải đối mặt.

“Bí mật tam giác vàng” - một bộ phim hình sự về phòng chống tội phạm ma túy được khán giả yêu thích.

Có thể nói rằng, từ đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn bởi những tình tiết giật gân, những pha rượt đuổi nguy hiểm và những màn đấu trí căng thẳng, đánh trúng vào tâm lý tò mò, ưa mạo hiểm của người xem nên phim về đề tài hình sự ngay từ khi ra đời đã lập tức xác định được vị trí của mình trong lòng khán giả. Trên thế giới, phim hình sự vẫn là một trong những thể loại phim được khán giả mong chờ cũng như có lượng người xem đông đảo và ổn định nhất. 

Tại Việt Nam, ngay từ khi có sự xuất hiện của phim truyền hình (cuối những năm 90 của thế kỷ trước), cùng với dòng phim tâm lý, mảng phim hình sự ngay lập tức được ra mắt với sêri phim mang tên "Cảnh sát hình sự". Ra mắt khán giả những tập đầu tiên vào năm 1997, "Cảnh sát hình sự" đã trở thành một sêri phim gây được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả và tạo được thương hiệu riêng cho Hãng Phim truyền hình Việt Nam (VFC). 

Khai thác nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động nghiệp vụ của ngành Công an, "Cảnh sát hình sự" đã mang đến hàng trăm tập phim lôi cuốn, hấp dẫn khán giả. Trong đó, không thể không kể đến những cái tên như "Phía sau tội ác", "Cổ cồn trắng", "Chạy án" "Kẻ giấu mặt", "Cuồng phong", "Bí mật tam giác vàng"… Sau này, nhiều hãng phim tư nhân, nhiều nhà sản xuất phim tự do, nhất là ở phía Nam cũng đã không bỏ qua mảnh đất màu mỡ này. 

Những bộ phim được khán giả yêu thích gần đây như "Những đứa con Biệt động Sài Gòn", "Bí mật tam giác vàng" đã được thực hiện bởi ê kíp sản xuất ở phía Nam. Không chỉ thuần túy là những bộ phim mô tả sự việc, vụ án, các đạo diễn Việt Nam đã có những pha chế hợp lý để có những phim "biến thể", trở thành thể loại phim tâm lý - hình sự như "Những đứa con Biệt động Sài Gòn 2", "Lời sám hối", "Kẻ bán linh hồn"…

Sự hình thành và phát triển của thể loại phim hình sự góp phần không nhỏ bởi những nhà biên kịch cho dòng phim này. Trong đó, không thể không kể tới những cây bút trong lực lượng Công an như Nguyễn Như Phong, Nguyễn Xuân Hải, Bùi Anh Tấn, Khương Hồng Minh... 

Một trong những lợi thế của các tác giả này là có thời gian công tác lâu năm trong ngành Công an, được tiếp xúc với nguồn tư liệu khá dồi dào. Là người trong ngành nên những tình tiết liên quan tới nghiệp vụ Công an trong phim cũng chính xác hơn. Ngoài ra, không thể không kể tới sự tham gia ngày càng đông đảo của những cây bút ngoài lực lượng Công an như Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Đình Tú... 

Kịch bản của những tác giả này, về phần nghiệp vụ có thể đôi chỗ chưa thật sự chuẩn xác, nhưng chi tiết đời sống lại khá phong phú, sinh động. Từ nguồn kịch bản này sẽ được giao cho những đạo diễn nhiều kinh nghiệm thực hiện. Hàng trăm tập phim về đề tài hình sự đã khai thác những vấn đề nóng nhất, nhạy cảm nhất của xã hội: Tội phạm ma túy có "Đầm lầy bạc", "Bí mật tam giác vàng", tội phạm tham nhũng có "Cổ cồn trắng", hiện tượng đồng tính có "Thế giới không có đàn bà"… Mỗi đạo diễn một phong cách làm phim khác nhau nhưng họ đều cố gắng phản ánh những góc khuất phức tạp, những số phận con người phía sau mỗi vụ án.

Tuy nhiên, có một sự thực là đời sống thực tế phong phú, nhiều vụ phá án ly kỳ hấp dẫn, công an Việt Nam mưu trí, dũng cảm, say nghề được ví như mảnh đất vàng để các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có phim ảnh khai thác nhưng chúng ta chưa có được nhiều bộ phim hay. Trong đó phải kể tới nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa có những nhà biên kịch chuyên nghiệp cho riêng dòng phim này. Các tác giả trong ngành ít, lại viết theo kiểu "tay trái" nên thật khó có thể bao sân hết.

Về phần sản xuất phim, với đặc thù riêng, kịch bản phim hình sự luôn đòi hỏi logic cao về mặt nghiệp vụ, tình huống. Nếu ê kíp làm phim không có nghề rất dễ bị khán giả nhăn mặt, tẩy chay vì những chi tiết vô lý. Để khắc phục nhược điểm này, lâu nay, những bộ phim hình sự luôn có sự cố vấn bởi các chuyên gia trong lực lượng Công an từ hình ảnh, lời thoại đến tác phong, nghiệp vụ. 

Thậm chí, ở những cảnh bắt bớ, khám nghiệm tử thi đều có các chuyên gia trong lực lượng Công an tham gia để đảm bảo tính chân thực. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào những thành phần chủ chốt của đoàn làm phim như biên kịch, đạo diễn và diễn viên. Ở một số bộ phim, người xem còn thấy trinh sát đánh án vụng về, chậm chạp. 

Chưa kể, một điểm yếu chung của các phim chống tiêu cực của Việt Nam đều rơi vào tình trạng không triệt để, còn né tránh, chưa dám thẳng thắn đi trực diện vào vấn đề. Những thành tích chiến công được phản ánh chung chung mà không đi sâu vào ngợi ca chiến tích cá nhân như những phim nước ngoài. Vì thế chưa có được những hình mẫu Công an điển hình, có sức đại diện và lan tỏa. 

Rõ ràng, nếu biết cách thực hiện, những bộ phim hình sự không chỉ là sự phản ảnh cuộc đấu tranh giữa cái thiện - cái ác thông qua vụ án thông thường mà còn mang tới những thông điệp nhân văn, về niềm tin vào lực lượng Công an và xã hội tương lai.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Vẫn "ăn đong" kịch bản

Thảo Duyên (thực hiện)

- Thưa nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, gần đây có khá nhiều phim truyền hình về đề tài hình sự được phát sóng, tuy nhiên, không nhiều trong số đó ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Là người công tác lâu năm trong lĩnh vực điện ảnh, suy nghĩ của chị về vấn đề này?

+ Tôi cho rằng, có một giai đoạn dài, không chỉ những người công tác trong lực lượng Công an mà đa số khán giả đều cho rằng phim hình sự làm về Công an không đúng, không chính xác với hiện thực của hoạt động điều tra và phá án. Sau này, với sự tham gia của một số cây bút trong lực lượng Công an thì tình trạng này đã được cải thiện. Công chúng có cảm giác câu chuyện phim đúng với thực tế hơn. 

Tuy nhiên, ở mảng phim này có một số điều khiến tôi khi xem cảm giác chưa "đã" lắm, ở chỗ nhân vật tội phạm thì sắc sảo, "nét" thế nhưng chân dung các chiến sĩ Công an lại khá mờ nhạt. Người ta có cảm giác, Công an "lành" quá, như thế thì sao có thể chiến thắng được tội phạm? 

Nếu theo dõi những bộ phim hình sự của nước ngoài sẽ thấy cuộc đấu trí giữa lực lượng Cảnh sát và tội phạm vô cùng căng thẳng, gay cấn. Đôi khi, khi lực lượng Cảnh sát tưởng như nắm chắc phần thắng trong tay thì bên đối diện làm một cú lật kèo, đổi ngược tình thế... Trong khi, ở các bộ phim hình sự Việt Nam, có cảm giác lực lượng Công an hay đứng ngoài đoán định. Sự thiếu cân bằng về mặt khắc họa chân dung này khiến người xem thấy không thỏa mãn. Và sự chiến thắng của cái thiện chưa đủ thuyết phục với người xem. Đấy là nhược điểm của phim hình sự Việt Nam.

- Gần đây, phim hình sự Việt Nam cũng đã không còn "ca ngợi một chiều" mà đã xây dựng những nhân vật phản diện ở ngay trong hàng ngũ những người bảo vệ pháp luật, thưa chị?

 + Đúng là gần đây có một số phim, không chỉ về riêng CSHS mà về lực lượng chấp pháp nói chung đã thẳng thắn phản ánh những "con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng ở một vài bộ phim thì các nhà sản xuất lại xây dựng những nhân vật phản diện này đậm quá. 

Quá chú trọng vào chân dung xấu mà không cho thấy chân dung đẹp, đủ sức chế áp cái xấu, và những gian nan mà họ phải trải qua để chiến thắng dường như chưa đủ "đô" nên cũng khiến người xem hoài nghi chiến thắng cuối cùng. Vì khi cái xấu trong nội bộ ấy lại được câu kết với sự gian manh ở bên ngoài thì các chiến sĩ Công an phải phải vô cùng thông minh và phải có bản lĩnh vững vàng mới chiến thắng được.

Ngoài ra, phim hình sự của chúng ta thường hay chú trọng tới những hình ảnh tạo hiệu ứng mạnh bên ngoài như những chiến sĩ xuất trận với súng ống, nai nịt gọn gàng chạy rầm rầm lên xe chuyên dụng. Trong khi đấy chỉ là hình ảnh "cơ bắp" mà trong đấu tranh với tội phạm thì sự đấu trí phải đặt lên hàng đầu.

Cho đến thời điểm này, số lượng các tác giả kịch bản trong ngành Công an không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đáng nói là trong kịch bản của họ, các chi tiết của nghề khá chuẩn xác. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn không lý giải được là vì sao họ viết về chân dung của đồng đội mình nhưng vẫn không "đủ đô". Tôi có một người bạn là trinh sát hình sự, chỉ sau 3 năm tôi thấy anh ấy già hẳn đi... Rõ ràng sự gian nan của công việc thực sự khủng khiếp. Và thực tế lực lượng Công an có những chân dung đẹp thật chứ không phải vật vờ như trên phim.

- Là người có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà biên kịch trẻ, chị có nhận thấy tâm lý ngại viết phim hình sự ở họ không?

+ Tôi cho rằng họ không ngại, thậm chí còn hứng thú với đề tài này. Nhưng thực tế biên kịch là người ngoại đạo thì tiếp xúc với tài liệu khá khó khăn. Hơn thế, khi viết về đề tài này bắt buộc anh phải có kiến thức căn bản về lập pháp, hành pháp, chấp pháp… để biết xử lý tình huống, nhân vật phù hợp. Tôi dạy trong trường Sân khấu Điện ảnh nên tôi biết có nhiều bạn trẻ rất thích đề tài này. Nhiều kịch bản đầy ắp tính hành động. Nhưng câu chuyện ngắn thôi thì được chứ dài dài, động chạm đến kiến thức chiều sâu thì không được.

Viết kịch bản theo nhóm hiện nay đang là một xu hướng khá phổ biến. Tuy nhiên, điều này khó áp dụng với viết kịch bản phim hình sự vì đòi hỏi những yêu cầu bắt buộc như sự hiểu biết pháp luật, nguồn tư liệu phải tương đồng giữa các thành viên trong nhóm. Chính vì thế, các tác giả viết đề tài này thường viết một mình. Điều này rất vất vả và không thường xuyên được.

- Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng, mảng phim hình sự thực sự là một mỏ vàng, tuy nhiên, chúng ta lại không có nhiều phim hay như kỳ vọng. Theo chị, nguyên nhân do đâu?

+ Tôi cho rằng khâu diễn viên thì không có vấn đề gì. Những người làm phim hình sự cũng luôn nhận được sự giúp đỡ rất tốt của ngành Công an. Nếu phim chưa hay thì do năng lực của êkip sản xuất thôi. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là khâu tiếp cận tài liệu để xây dựng kịch bản.

Trước đây, tôi nhớ bên Điện ảnh Công an có tổ chức hội thảo cho các nhà biên kịch viết về đề tài này. Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng đây là một mỏ vàng mà muốn viết được về nó cần rất nhiều sức lực và thời gian. Sau này, không thấy tổ chức nữa nên ai có sẵn thì dùng thôi. Chúng ta không có những cây bút chuyên viết về đề tài này. Nhiều người thắc mắc với tôi rằng, tại sao trên báo chí có nhiều vụ án nhưng phim hình sự Việt Nam vẫn không hay. Đây đúng là lực bất tòng tâm..

Chúng ta thiếu một cuộc vận động lâu dài và toàn diện. Lực lượng Công an có nhiều chiến tích lớn nhưng khi lên phim thì lại không phản ánh hết được những chiến công này. Rõ ràng, có một rào cản vô hình nào đó giữa những người sáng tác và nguồn tài liệu chuyên ngành. Điều này khiến cho kịch bản phim hình sự rơi vào tình trạng "ăn đong". Trong khi với lượng phim phát sóng như hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể có một dòng phim chuyên về đề tài này. Nếu có được dòng phim này, không chỉ khiến sự tiếp nhận của khán giả cũng cân bằng hơn mà thông qua đó, hình ảnh người chiến sĩ Công an cũng gần gũi với người dân hơn.

- Xin cảm ơn chị!

Đạo diễn, Thượng tá - NSƯT Khương Đức Thuận: Phim hình sự đừng chỉ minh họa vụ án

Tuấn Phong (thực hiện)

- Thưa đạo diễn Khương Đức Thuận, không chỉ là một nghệ sĩ có thâm niên vào vai Công an, giờ đây anh là một trong số ít những đạo diễn mặc sắc phục của ngành đắm đuối với thể loại phim hình sự, hẳn là anh có nhiều trăn trở về dòng phim này?

+ Tôi cho rằng, phim hình sự có một lợi thế khá lớn so với các dòng phim khác vì nó thường bắt đầu từ một vụ án có thật, được nhiều người biết đến. Ngay từ khi chưa ra mắt, nó đã có thể khiến người ta tò mò, háo hức muốn xem vụ án ấy được đưa lên phim sẽ như thế nào? Đó là thuận lợi nhưng cũng là áp lực đòi hỏi tác giả kịch bản phải viết hay, chính xác, ê kíp làm phim phải thực hiện chân thực. 

NSƯT Khương Đức Thuận (người ngồi) trong một cảnh quay.

Chân thực không từ đâu xa xôi mà từ những điều nhỏ nhất như đầu tóc, trang phục, tác phong, điều lệnh của chiến sĩ Công an. Nhiều người quan niệm cứ Công an là phải lên gân lên cốt, chào nhau rầm rập, câu nào cũng phải kính thưa, báo cáo khiến nhân vật lên phim bị lố hoặc cứng nhắc như rô bốt... Trong khi thực tế, giao tiếp của các cán bộ chiến sĩ nhiều lúc cũng thoải mái, đời thường. Rồi đơn giản, nếu không hiểu thì việc hóa trang, trang phục cũng không đúng với quy định của ngành... 

Vì vậy, mỗi khi làm phim tôi luôn xác định làm thế nào để người trong ngành thấy đúng là mình còn khán giả sẽ thấy hiểu và yêu thương Công an hơn.

- Từ thực tế làm phim, anh có thấy thiếu kịch bản phim hình sự không?

+ Thiếu chứ, đặc biệt là những kịch bản hay. Lâu nay đài truyền hình dường như cứ phân cho mỗi đạo diễn mỗi năm làm một, hai phim hình sự nên đôi khi kịch bản chưa được chọn lọc kỹ lưỡng. Có thực tế là những cây bút hiểu, nắm rõ về ngành, có sự sắc sảo trong phân tích tình huống, nhân vật rất ít. Có một số tác giả là ngành ngoài, viết kịch bản thông qua đọc báo, xem tài liệu nhưng vì chưa thực sự có kiến thức căn bản về ngành nên kịch bản thường loanh quanh, vòng vo và không đi thẳng vào bản chất sự kiện. Kịch bản phim hình sự phải ngắn gọn, súc tích, nhiều tình tiết bất ngờ, nhân vật phải được xây dựng sắc nét, đa dạng trong tính cách.

- Yêu thích phim hình sự như vậy nhưng khi bắt tay vào làm, anh có gặp khó khăn gì không?

+ Khó khăn nhiều chứ, vì phim hình sự thường hay có những đại cảnh đông người. Để đảm bảo mọi khâu đều ổn ở đại cảnh là việc không đơn giản, từ việc đúng điều lệnh, đúng tác phong của những chiến sĩ Công an. Chỉ vô tình một vài nhân vật diễn xuất không đúng điều lệnh lọt vào ống kính là có thể khiến khán giả chê rồi.

Ngoài ra, một sự thật mà anh em làm phim chúng tôi thường xuyên gặp phải là các chủ nhà hàng, khách sạn thường không mặn mà cho việc mượn làm bối cảnh. Cũng đúng thôi vì mấy ai thích cảnh bắt bớ ồn ào, đập phá tại cơ sở kinh doanh của mình, dù là đóng phim đi chăng nữa. Trong khi vì kinh phí hạn hẹp, chúng tôi khó có thể sử dụng trường quay. Mỗi lần như vậy, tôi lại phải huy động mọi mối quan hệ để thuyết phục các ông bà chủ cho đoàn làm phim mượn bối cảnh.

Việc hướng dẫn, chỉ đạo diễn viên vào vai Công an cũng thường xuyên được chú trọng. Nhắc nhở diễn viên phải cắt tóc gọn gàng, ăn mặc giản dị cho đúng với công việc mới chỉ là khâu ban đầu. Quan trọng nhất khi diễn, vai Công an là phải ra cái thần thái, cái chất của người Công an.

- Vâng, dường như lâu nay, có một cách làm hơi cứng nhắc là phim hình sự thì cứ phải súng ống rầm rập như sự miêu tả ở bên ngoài?

+ Đúng là hiện này một số phim hình sự Việt Nam còn mang tính chất minh họa vụ án, thậm chí còn minh họa một cách qua loa, cẩu thả. Ít có phim đi vào giải phẫu một cách sâu sắc tâm lý tội phạm, tâm lý người chiến sĩ Công an khi đánh án. Những mâu thuẫn, giằng xé của họ khi làm nhiệm vụ. Cách làm phim ẩu là có.

Tôi cố gắng làm phim phải chân thực, mộc mạc đời thường nhất có thể. Chính vì thế khi bắt tay thực hiện "Những đứa con biệt động Sài Gòn" về vụ án Năm Cam, chúng tôi đã làm mọi cách để thật tới từng chi tiết: Cảnh lúc khám nghiệm Phượng "Đê" do chính tổ khám nghiệm gồm 5 đồng chí Công an trước đây từng khám nghiệm Dung Hà ở 17 Bùi Thị Xuân đảm nhận nên trình tự và các bước tiến hành đều chuyên nghiệp 100%; Cảnh quay bắt Bảy Xoài cũng do các chiến sĩ đặc nhiệm từng bắt Năm Cam cách đây 10 năm thực hiện. 

Thậm chí cả phòng chỉ huy của Trung tướng Nguyễn Việt Thành, chiếc ôtô đặc chủng, trại giam T17, phòng hỏi cung, bàn ghế đều là những vật dụng từng có mặt trong vụ án Năm Cam. Sự thành công của "Những đứa con biệt động Sài Gòn" là kết quả sự cộng hưởng của cả ê kíp từ kịch bản, diễn viên, tới quá trình quay đều kỹ lưỡng.

Tôi cho rằng làm phim không được làm ẩu, làm cho có. Bởi sau này nhìn lại sẽ rất xấu hổ. Đạo diễn phải cẩn trọng ngay từ khâu chọn diễn viên. Có một chuyện vui là khi đoàn làm phim "Chiến hạm nổ tung" gặp lại chiến sĩ điệp báo Kim Sơn năm xưa, khi tôi giới thiệu diễn viên vào vai những đồng đội của ông, ông đã ồ lên thích thú vì thấy rất giống. Phim hình sự phải làm đúng chất hình sự. Không làm méo mó phim cũng như hình ảnh người chiến sĩ Công an. Ngày còn làm diễn viên tôi thường nhủ mình phải diễn tử tế còn giờ đây, với vai trò đạo diễn tôi thường động viên ê kíp phải làm tử tế.

- Sau "Những đứa con biệt động Sài Gòn", anh làm "Chiến hạm nổ tung", dường như với anh cứ làm là chỉ làm phim hình sự thôi nhỉ?

+ Tôi cho rằng mọi người nên phát huy lợi thế của mình. Tôi có 30 năm gắn bó với ngành Công an, hiểu rõ công việc, những khó khăn, vất vả của đồng chí của mình thì tại sao lại không làm. Tôi đang có ý tưởng làm phần tiếp theo của "Những đứa con biệt động Sài Gòn". Hy vọng là mọi việc đều thuận lợi!

- Xin cảm ơn anh!

PV
.
.