Từ cuộc tranh luận nảy lửa xung quanh bộ phim “Sống chung với mẹ chồng”:

Tính giáo dục trong phim Việt đang bị coi nhẹ?

Thứ Năm, 20/04/2017, 10:18
Bộ phim truyền hình "Sống chung với mẹ chồng" đang gây nên luồng dư luận trái chiều khá dữ dội về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thời hiện đại. Trong đó, những xung đột mang tính "truyền kiếp" trong cuộc sống của mẹ chồng - nàng dâu khiến hai người phụ nữ trong một gia đình không thể “đội trời chung”. 

Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là, dường như khi xây dựng bộ phim, người ta chỉ chú ý tới việc "khoét sâu" vào những mâu thuẫn của mối quan hệ này mà quên đi tính năng giáo dục cần phải có. Bởi lẽ, chỉ sau mấy tập công chiếu đầu tiên trên VTV1, bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" đã thực sự khiến những bà nội trợ được dịp bùng nổ những ấm ức xung quanh chuyện mẹ chồng - nàng dâu.

Xem "Sống chung với mẹ chồng" được gì?

Thông thường, một bộ phim tạo được hiệu ứng từ dư luận, khiến dư luận phải xôn xao bàn tán là điều đáng mừng. Tuy nhiên, điều này xem ra không đúng với phim "Sống chung với mẹ chồng" (Biên kịch: Đặng Thiếu Ngân; Đạo diễn: Đỗ Thanh Hải). Phim kể câu chuyện về những xung đột bắt đầu nảy sinh từ khi cô gái mới chỉ là người yêu đến quá trình chuẩn bị đám cưới và khi "đôi ta chung một nhà".

Người thủ vai mẹ chồng là NSND Lan Hương (Hương Bông), còn người thủ vai con  dâu là diễn viên Bảo Thanh đã có những mâu thuẫn ngày càng bị đẩy lên gay gắt. Người ta cũng nói đến những tình tiết vô lý của bộ phim, như việc hiếm có một bà mẹ chồng nào lại xấu tính xấu nết như bà Phương khi can thiệp quá sâu vào mối quan hệ của các con, thường xuyên vào phòng các con mà không gõ cửa, thậm chí xông cả vào phòng tân hôn để bắt gặp cảnh âu yếm động phòng của con; vì mong có cháu bế mà theo dõi cả ngày "thấy tháng" của con dâu...

Thế nhưng, việc bị dư luận lên án gay gắt nhất có lẽ lại là các trường đoạn kể lại cảnh bà Phương cãi cọ tay đôi với mẹ chồng của bà trước đây với giọng điệu gay gắt, xoang xoảng mà dân gian gọi là cãi như chém trả. Bà Phương cũng cậy mình là người thành phố nên coi khinh mẹ chồng và gia đình nhà chồng một cách công khai.

Chưa kể, ngay cả khi đã có con dâu rồi, về thăm mẹ chồng đã già yếu của mình sau mấy chục năm làm dâu, thái độ này cũng không hề được cải thiện. Bà Phương mặt mũi xưng xỉa, bỏ ra xe ngồi khi chồng con quyến luyến chia tay mẹ - bà nội...

Chắc hẳn nhiều cô gái sắp lên xe hoa sẽ phải "rét run" khi xem "Sống chung với mẹ chồng".

Chỉ mới ra mắt hồi đầu tháng 4 và chỉ sau tuần đầu công chiếu "Sống chung với mẹ chồng", trên nhiều trang diễn đàn xuất hiện những cuộc tranh luận nảy lửa. Lần này chị em đã lôi được cả các "đấng mày râu" vào cuộc, buộc họ phải lên tiếng với những lời lẽ cũng gay gắt chua ngoa không kém. Bởi lẽ, cũng như ở ngoài đời thực, những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu trong phim cũng phát sinh hầu như đều xung quanh nhân vật nam "nghe mẹ thì mất vợ" và ngược lại. Thậm chí trên trang youtube còn xuất hiện những clip chế hình ảnh, lời thoại của các nhân vật trong phim với những lời lẽ thô tục, thiếu tính thẩm mĩ, giáo dục nhưng lại thu hút hàng trăm ngàn lượt người xem chỉ sau 1 đêm.

Những tranh luận không thể đi đến hồi kết về chủ đề này, trong đó phim "Sống chung với mẹ chồng" thực sự là một cái cớ khiến người ta đặt câu hỏi, nếu phim cứ khoét sâu mối quan hệ có đến 90% là không hoàn toàn tốt đẹp giữa mẹ chồng với nàng dâu trong thực tế, thì xã hội sẽ được gì? Hay chỉ là chị em sẽ có thêm nhiều ấn tượng xấu, nhiều chiêu trò và những biện pháp phòng ngừa tiêu cực dành cho hai người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời một người đàn ông.

Thực ra, đề cập đến những vấn đề liên quan đến mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đã có nhiều bộ phim tái hiện. Song việc cường điệu hóa, đẩy mâu thuẫn lên cao trào dường như đã thành ra phản cảm, khiến phim mất đi tính giáo dục thiết yếu của một bộ phim truyền hình về đề tài tâm lý gia đình. Đề tài mẹ chồng - nàng dâu là một đề tài được chị em quan tâm từ xưa đến nay.

Song, đề cập nó trong phim, liều lượng như thế nào và luận giải nguyên nhân, xây dựng diễn biến tâm lý, hành động của nhân vật sao cho thật đời, thật thấu tình đạt lý... mới là điều khó khăn cho các nhà làm phim. Ở phương Đông, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu nhiều khi trở thành trung tâm câu chuyện của một gia đình và từng có rất nhiều bi kịch xảy ra xung quanh hai người phụ nữ này. Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ... đều có những bộ phim tái hiện những xung đột, mâu thuẫn này nhưng cách làm của họ thuyết phục hơn phim Việt.

Đơn cử như bộ phim truyền hình dài tập "Tình hồng" đang chiếu vào khung giờ muộn của VTV3, thì mọi mâu thuẫn, xung đột giữa mẹ chồng - nàng dâu đều được đưa đẩy một cách hợp lý, hợp tình và rất đời thường chứ không phản cảm và "vô lý đùng đùng" như "Sống chung với mẹ chồng". Làm sao để một bộ phim được chiếu trên truyền hình quốc gia, mọi người đều thấy phảng phất hình bóng bà mẹ chồng hay người con dâu ấy ở đâu đó là một trong những người quanh chúng ta; chứ không phải xem phim xong người ta oang oang bức xúc: "Con dâu tôi như thế thì tôi đuổi cổ ra khỏi nhà", hoặc "Mẹ chồng mà như thế thì có mà án mạng ngay chứ sống làm sao?"...

Việc cường điệu hóa những mẹ chồng - nàng dâu thành những ác nhân "thần nanh đỏ mỏ" như "Sống chung với mẹ chồng" thực sự cần được các nhà làm phim rút kinh nghiệm. Bởi lẽ, phim ảnh hay nghệ thuật gì, xét đến cùng phải đưa con người ta đến một mĩ cảm nào đó. Thay bằng việc làm cho một mâu thuẫn nào đó vốn có thêm tồi tệ, các nhà làm phim phải nghĩ ra cách để luận giải và cải thiện mối quan hệ này thì hơn.

Tăng tính giáo dục trong phim truyền hình là việc làm cấp bách

Hơn chục năm, khi các công ty tư nhân tham gia sâu vào quá trình sản xuất phim truyền hình, phải khẳng định rằng khán giả Việt được ăn nhiều món ăn tinh thần hơn. Thực đơn phong phú, nhằm vào từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng cũng rõ ràng hơn khiến cho khán giả màn ảnh nhỏ có thể dễ dàng chọn được một món ăn phù hợp với mình.

Nếu như "Đại ca U70" hướng tới đối tượng người già, "Những thiên thần áo trắng", "Bộ tứ 10A8"... hướng tới đối tượng tuổi teen, seri phim "Tuổi thanh xuân" hướng tới đối tượng thanh niên, thì những bộ phim "Hôn nhân trong ngõ hẹp", "Mưa bóng mây" với chủ đề tâm lý gia đình hướng tới đối tượng khán giả đông đảo, phổ biến hơn.

Có lẽ nhiều năm qua, đội ngũ biên kịch của phim truyền hình đang trở nên quá tải, làm không hết việc vì nhu cầu sản xuất phim truyền hình trong nước ngày một lớn nên người ta không có thời gian đầu tư kỹ lưỡng vào một kịch bản tâm huyết nào đó.

Thay bằng việc mỗi người hoặc 2 đến 3 người phụ trách việc xây dựng một kịch bản, nhiều kịch bản phim truyền hình đã và đang được làm theo kiểu "sáng tạo tập thể". Có nghĩa là mỗi người viết 1 đến vài tập rồi lắp ráp, ghép nối lại với nhau, thế là thành phim truyền hình dài tập. Chính vì thế mới xảy ra câu chuyện là tính cách, số phận nhân vật không thống nhất, những mâu thuẫn, xung đột hay tình huống trong phim chứa đựng những sự vô lý nhiều khi đến mức ngạc nhiên. Thêm nữa, với tốc độ quay mỗi ngày 1 tập phim truyền hình 45 phút, rất khó để một bộ phim có sự sạch sẽ, chỉn chu cần thiết.

Điều đặc biệt là, đối với những phim được tư nhân sản xuất hay liên kết sản xuất, một trong những yếu tố quan trọng để khán giả có phim xem ấy là dự án phim ấy phải thu hút được thật nhiều nhãn hàng quảng cáo trong thời lượng phát sóng phim. Chính vì "quyền lực lô gô" ấy mà nhiều khi nội dung phim phải thay đổi cho phù hợp với yêu cầu, mục đích của đối tác thực hiện việc quảng cáo. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều bộ phim nhạt nhòa về tính giáo dục mà chỉ nhắm đến tính giải trí.

Ví dụ, phim về tuổi teen nhưng lại sử dụng rất nhiều ngôn ngữ "đường phố", cổ súy cho lối sống xa lạ, suy nghĩ vị kỷ như "Bộ tứ 10A8" (dài tới 260 tập) và không có các hạt nhân cổ vũ thiếu niên có những ước mơ, khát vọng trong sáng, phù hợp với lứa tuổi.

Cũng có một dạo, hễ cứ bật phim trên VTV là bắt gặp các bộ phim về đề tài đồng tính hay có quá nhiều phim mà các nhân vật trong phim đang có các bi kịch liên quan đến... ngoại tình. Việc này đã khiến một số khán giả lên tiếng rằng, hình như ngoại tình đang là mốt mới nơi công sở, là việc làm sai nhưng lại đang được “cổ súy ngầm” quá mức.

 Đành rằng, đời sống tình cảm cá nhân phức tạp của con người là đề tài cần được quan tâm. Song cách đặt vấn đề về việc ngoại tình, tình già, tình trẻ của phim truyền hình Việt cũng giống như cách đặt vấn đề về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong phim "Sống chung với mẹ chồng" đang thực sự là điều cần phải cân nhắc, chấn chỉnh.

Bởi xét đến cùng, việc ngoại tình hay con dâu hỗn hào với mẹ chồng vẫn là việc làm trái với lương tâm, với đạo đức và cần phải có cách nhìn nhận, luận giải thấu đáo để những vấn đề ấy không trở thành "ngòi nổ" cho các cuộc tranh luận vô tiền khoáng hậu không đem lại kết quả gì tốt đẹp. Ngược lại vô hình trung còn làm cho tình hình thêm xấu đi, trở thành nỗi mặc cảm sâu cay, vết xước trong tâm hồn mỗi người.

Hà Anh
.
.