Phim Việt nửa đầu 2018: Lượng nhiều, chất ít

Thứ Sáu, 06/07/2018, 08:49
Theo con số thống kê, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, đã có khoảng 20 bộ phim của điện ảnh Việt ra mắt khán giả. Đây thực sự là một con số kỷ lục, tiếp nối không khí làm phim sôi động từ năm 2017. 


Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, mặc dù phim ra rạp khá nhiều nhưng số phim chiếm lĩnh được tình cảm của khán giả, cũng như tạo được doanh thu cao vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này cho thấy, mặc dù khán giả đã mở lòng ra với phim Việt, nhưng nếu chỉ làm phim sơ sài, hời hợt theo kiểu trào lưu thì nhà sản xuất sẽ nắm chắc thất bại.

Vẫn tiếp nối thị trường điện ảnh sôi động từ năm 2017, từ đầu năm đến nay đã có 20 phim điện ảnh Việt ra rạp. Các bộ phim khá đa dạng về đề tài và thể loại nhưng chủ yếu vẫn là dòng phim tình cảm hài. Chỉ có 5 trong số 20 phim không đi theo xu hướng này là "Xưởng 13" (kinh dị), "Cạm bẫy - hơi thở của quỷ", "Ống kính sát nhân" (hình sự), "11 niềm hy vọng" (thể thao), "Ở đây có nắng" (tâm lý). Điện ảnh Việt nửa đầu năm khá phong phú khi có sự góp mặt của 3 phim thuộc dòng phim remake, đó là "Tháng năm rực rỡ", "Ông ngoại tuổi 30" và "Yêu em bất chấp". Tuy nhiên, trong số đó chỉ có "Tháng năm rực rỡ" nhận được sự yêu mến của khán giả, còn lại 2 phim sau đều bị cho rằng kém về nhiều mặt so với bản gốc Hàn Quốc.

Trong số các phim vừa ra mắt, chỉ có 4 phim ăn khách nhất là "Siêu sao siêu ngố" (108 tỷ), "Lật mặt" (85,5 tỷ), "Tháng năm rực rỡ" (85 tỷ) và "789 Mười" (gần 60 tỷ). Như vậy, số phim ăn khách chỉ chiếm 1/5 số lượng phim phát hành trong 6 tháng vừa qua.

Phim “Tháng Năm rực rỡ” được đánh giá là ổn cả chất lượng và doanh thu.

Đáng kể nhất trong số này là "Siêu sao siêu ngố" - bộ phim hài tình cảm của đạo diễn Đức Thịnh - ra mắt trong dịp Tết Nguyên đán. Dù không thật sự nổi bật về mặt chất lượng nhưng ra rạp đúng thời điểm cộng với sự có mặt của danh hài Trường Giang đã khiến bộ phim đạt được doanh thu mơ ước. 

Tuy doanh thu phòng vé không cao bằng "Siêu sao siêu ngố", nhưng "Tháng năm rực rỡ" (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) lại là một bộ phim được dư luận và báo chí nhắc tới nhiều nhất. Với cách làm phim khéo léo, trúng tâm lý khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, phim được đánh giá là khá thành công cả về chất lượng và doanh thu.

Một số ý kiến còn ưu ái cho rằng, xét về khía cạnh phim remake, phim còn được làm kỹ lưỡng và hơn cả "Em là bà nội của anh". Một kịch bản được Việt hóa sạch sẽ cùng dàn diễn viên chất lượng đã không chỉ giúp bộ phim được khán giả yêu thích mà còn giúp vực dậy dòng phim remake đang đi vào giai đoạn thoái trào. "Lật mặt" của đạo diễn Lý Hải cũng nhận được cảm tình của khán giả khi mang đến những tiếng cười duyên dáng, hóm hỉnh mà sâu sắc về tình cảm gia đình.

Có thể nói, trong số những bộ phim ra mắt đầu năm 2018, đã có những manh nha về việc thay đổi hướng khai thác đề tài. Với nội dung gắn liền với thực tế xã hội, "Cạm bẫy - Hơi thở của quỷ" (đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến) đã bước đầu thâm nhập vào dòng phim hành động, tội phạm, kinh dị gây tò mò cho khán giả. 

Hay, "11 niềm hy vọng" (đạo diễn Robie Trường) đã khai thác sự kiện thể thao được cả nước quan tâm: sự thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải bóng đá Châu Á. Mặc dù chưa thật sự xuất sắc nhưng phim đã khắc họa tình yêu bóng đá, tinh thần nhiệt huyết và ý chí, quyết tâm vượt lên những gian nan trong hành trình theo đuổi đam mê của các cầu thủ trẻ.

Điều đáng nói là mặc dù số lượng phim ra rạp khá nhiều nhưng số lượng phim có thể trụ lại ở rạp chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn hầu hết chỉ ra mắt rồi mất hút. Thậm chí, không ít những bộ phim phải xếp vào dòng "thảm họa", mặc dù trước đó nhận được khá nhiều kỳ vọng.  

Đứng đầu trong danh sách những phim này phải kể tới "Thử yêu rồi biết" - bộ phim đầu tay của nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Hà. Phim quy tụ dàn diễn viên đều là những gương mặt hot trên mạng xã hội như Kent Phạm (soái ca của "Giọng ải giọng ai"), Trương Mỹ Nhân (thí sinh The Face)...

Phim cũng xoay quanh một đề tài khá dễ đồng cảm, đó là những người trẻ trên con đường xây dựng ước mơ, hoài bão. Tuy nhiên, kịch bản rời rạc, phi logic và rối tung cộng với diễn xuất nhạt nhẽo, khiên cưỡng của cặp diễn viên chính đã  khiến khán giả thật sự thất vọng.

Tiếp theo phải kể tới "Lala: Hãy để em yêu anh" - bộ phim do Hàn Quốc sản xuất - với sự góp mặt của hotgirl Chi Pu. Trước đó, bộ phim đã khiến khán giả tò mò khi úp mở về nội dung xoay quanh đời sống những người hoạt động âm nhạc tại hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc. Nhưng khi xem phim thì điều mà khán giả duy nhất ấn tượng chỉ là dàn diễn viên xinh đẹp. Cả Chi Pu và hai bạn diễn Hàn Quốc đều nhập vai một cách nhạt đều.

Chuyện phim đơn giản tới mức sơ sài nhưng bị làm cho phức tạp và rối rắm, thừa thãi và lê thê. Dù được quảng cáo là phim quay ở hai quốc gia nhưng cảnh quay nghèo nàn khiến bối cảnh luôn bị lặp đi lặp lại vô cùng nhàm chán. Nhiều khán giả cho rằng "Lala; hãy để em yêu anh" chỉ xứng đáng là một MV ca nhạc dài hơn 90 phút.

Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng phim “Em gái mưa” không được như khán giả kỳ vọng.

Không chỉ sử dụng ê kíp làm phim trong nước, giờ đây nhiều nhà sản xuất không ngừng tìm kiếm những nhân tố nước ngoài tham gia vào quá trình làm phim với hy vọng phim có được thành công như mong muốn. Tuy nhiên cũng giống như "Lala: Hãy để em yêu anh", phim "Yêu em từ khi nào" - một dự án phim hợp tác Việt Nam - Hồng Kông cũng không đạt được như kỳ vọng. Đạo diễn người Hồng Kông đã thực sự không mang lại điều gì mới mẻ cho bộ phim, trái lại là sự cài cắm của một loạt những chi tiết cũ rích như đã từng nhan nhản trong những bộ phim của TVB trước đó.

Sự kết hợp lỏng lẻo giữa kịch bản kiểu Hồng Kông và bối cảnh Việt Nam đã khiến khán giả ngán ngẩm trước một bộ phim với nội dung rối như tơ vò, không hề có điểm nhấn. Thậm chí, một điều khiến khán giả vô cùng khó chịu khi xem phim là nhân vật nam chính nói tiếng Hoa, còn nữ chính nói tiếng Việt trong suốt bộ phim.

Dù cũng ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán và cùng dòng phim hài giải trí, nhưng "Đích tôn độc đắc" - đã đóng mác Hoài Linh - vẫn cũng chung số phận ế ẩm khi ra rạp. Nguyên nhân vì phim tập trung quá nhiều vào việc gây cười khiến cho mạch truyện cũng như việc xử lý các tình tiết đắt giá bị bỏ quên. Mạch phim rời rạc, dàn trải khiến người xem có cảm giác đang xem một chương trình tấu hài của Hoài Linh hơn là một bộ phim điện ảnh.

"Yêu nữ siêu quậy" cũng khiến khán giả vô cùng thất vọng và bị cho là thua xa những sản phẩm chiếu miễn phí trên Youtube hiện nay. Những chi tiết vụng về, những sự gây cười chắp vá, kịch bản sơ sài kéo dài bằng việc thêm chi tiết khiến "Yêu nữ siêu quậy" xứng đáng đứng đầu trong dòng thảm họa. Chưa kể, phim còn bộc lộ quá trình làm hậu kỳ qua loa, ẩu tả  khiến có chỗ phần lời và phần hình ảnh hoàn toàn tách biệt, phụ đề tiếng Anh bị sai... Dàn diễn viên không đồng đều về diễn xuất cũng đã mang đến một điểm trừ cho bộ phim này.

Không thể phủ nhận, sự ra mắt ồ ạt của một loạt những bộ phim điện ảnh cho thấy một đời sống điện ảnh sôi động, một đội ngũ làm phim hùng hậu, hào hứng, sẵn sàng lăn xả và thử nghiệm. Nhưng, thực tế cho thấy, chỉ những bộ phim có chất lượng, được dàn dựng kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, diễn xuất đến hậu kỳ mới chinh phục được khán giả.

Dù có rất nhiều lợi thế nhưng nếu không phải là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa thì thật khó thu hút khán giả đến rạp. Sự thất bại của "Em gái mưa" (đạo diễn Kawii Tuấn Anh) - bộ phim lấy cảm hứng từ MV ca nhạc triệu view của ca sĩ Hương Tràm - diễn viên nam chính của MV cũng là diễn viên chính của phim, ra mắt đúng dịp học sinh cả nước chia tay trường lớp thầy cô... là một ví dụ.

Ủng hộ phim Việt nhưng khán giả Việt cũng ngày càng có ý thức với số tiền mà họ bỏ ra để thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật. Những bộ phim vô thưởng vô phạt, làm theo trào lưu chắc chắn sẽ bị khán giả quay lưng.

Khánh Thảo
.
.