Phim Việt - Nhìn từ góc thị trường

Thứ Bảy, 06/01/2018, 09:06
Nền điện ảnh nước nhà đang đứng trước nguy cơ không có chỗ đứng ngay trên đất nước mình và phim Việt Nam sản xuất ra có thể không được công chiếu ngay tại đất Việt Nam. Đó là một thực tế mà những người tâm huyết với điện ảnh Việt Nam đang lo lắng.


Nguy cơ mất chỗ đứng ngay trên đất của mình

Hiện nay, hệ thống rạp gần như bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Liên hoan phim 2017 không có bộ phim nhà nước nào tham gia. Các đạo diễn cho rằng, nhà nước đang “buông” lĩnh vực điện ảnh, trong khi nó cần một sự kích hoạt mạnh mẽ hơn  từ nhiều chiều để phát triển. Bởi điện ảnh không chỉ góp phần mang lại những lợi nhuận kinh tế, mà quan trọng hơn còn phản ánh văn hoá lịch sử dân tộc và góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước trong lòng bạn bè quốc tế.

Nhưng ngay tại Việt Nam, phim Việt đang chiếm một thị phần quá khiêm tốn, từ khâu sản xuất đến phát hành. Nếu các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, họ đều có những quy định chặt chẽ về tỷ lệ phần trăm của phim nước ngoài được chiếu, thì ở Việt Nam, ngược lại, phim nước ngoài được cập nhật một cách liên tục và phổ biến, chiếm tỷ lệ đến 70% trị trường phát hành.

Và vấn đề đặt ra ở đây là, nếu giới trẻ chỉ thích xem phim Hàn Quốc, Mỹ, hay Trung Quốc thì sao có thể hiểu được lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam? Điện ảnh Việt Nam đang đứng ở đâu trong nền công nghiệp điện ảnh thế giới đang phát triển như vũ bão hiện nay? 

Phim Việt chiếm thị phần khiêm tốn trong hệ thống phát hành.

Nền công nghiệp điện ảnh được cấu thành bởi ba công đoạn từ sản xuất, phát hành tới rạp chiếu. Rạp chiếu chính là đầu ra của khâu sản xuất phim. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ thị phần rạp chiếu tương đối lớn, điều này có thể dẫn đến hạn chế sự cạnh tranh, đẩy doanh nghiệp điện ảnh nhỏ bé của Việt Nam đến chỗ phá sản và có thể ngay cả phim Việt Nam sẽ không được công chiếu ở Việt Nam. Vậy trong thời gian tới, ngành điện ảnh cần phải có những “chiến dịch” và giải pháp cụ thể như thế nào để thu hút được sự quan tâm, yêu mến của khán giả?

Các cơ quan chức năng cần phải làm gì để những bộ phim Việt được công chiếu rộng rãi, và những người sản xuất phim được hưởng phần lợi nhuận phù hợp so với công sức và nguồn kinh tế mà họ đã bỏ ra. Việc Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh sửa đổi cần phải có sự điều chỉnh như thế nào để ngành điện ảnh Việt Nam phát triển đúng hướng?

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam: Cần một môi trường cạnh tranh lành mạnh

- Thưa bà Ngô Thị Bích Hạnh, hoạt động điện ảnh có vai trò, vị trí như thế nào trong đời sống xã hội?

+ Văn hóa và Điện ảnh có một vai trò quan trọng. Điện ảnh không phải là một ngành công nghiệp bình thường. Cái khó khăn của ngành điện ảnh là làm sao cân đối được giữa văn hóa và công nghiệp. Làm sao để vừa phát triển nó thành một nền công nghiệp vững mạnh, mang lại lợi ích cho kinh tế, vừa lại phản ánh được tâm tư tình cảm, hình ảnh của những người Việt Nam, và có định hướng tinh thần, thẩm mỹ cho giới trẻ. Đó là một bài toán khó, bởi nó không hẳn bên này cũng không hẳn bên kia mà bắt buộc ở giữa hai thái cực đó.

- Vậy thực trạng phát triển ngành điện ảnh của Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa bà?

+ Nền Văn hóa điện ảnh của chúng ta từ trước đây đến nay chỉ tuyên truyền là chính, không có marketing. Hiện tại, văn hóa điện ảnh Việt Nam chưa được đặt đúng chỗ. Nhà nước cũng chưa có định hướng bởi vì kinh tế vừa mới mở cho lĩnh vực điện ảnh. Điện ảnh Nhà nước hiện cũng đang khó thích nghi với cơ chế thị trường.

Điện ảnh tư nhân được Nhà nước cho mở cửa từ năm 2000. Tôi nghĩ nó cũng có mang lại sự phát triển nhất định. Trước năm 2000, 2005, Việt Nam sản xuất được 5 đến 10 bộ phim do Nhà nước đặt hàng. Năm 2015 khoảng 40 bộ phim. Năm 2016 khoảng 60 bộ phim. Đến năm nay cũng khoảng hơn 40 bộ phim… trong đó hầu như đều là phim tư nhân sản xuất. Thị phần điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 20-30% tổng doanh thu phòng vé, một con số khiêm tốn nhưng cũng đáng ghi nhận, bởi từ con số không mà xây dựng nên.

- Nhưng rõ ràng, nhìn ở góc độ của nhà phát hành, theo bà, chúng ta cần làm gì để phát triển nền điện ảnh trong nước, bởi hiện nay, điện ảnh Việt vẫn bị phim ngoại lấn át?

+ Tám doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã viết thư kêu cứu lên cơ quan chức năng rằng, hiện nay, tỷ lệ ăn chia lợi nhuận phim Việt của CGV giảm từ 55% của năm 2009 cho đến những năm gần đây còn 45%. Tức là 10% trên doanh thu phòng vé và là 20% của bất cứ một hãng sản xuất phim nào. 20% doanh thu của một doanh nghiệp cao lắm, bởi vì lợi nhuận của các lĩnh vực văn hóa chỉ 10% đã là mừng rồi. 20% có nghĩa là đang từ lãi thành lỗ.

Không chỉ có lãi thành lỗ mà quan trọng nữa là việc giảm tỉ lệ ăn chia dẫn đến doanh thu thấp. Doanh thu thấp các nhà sản xuất sẽ chỉ dám đầu tư những bộ phim dễ kiếm lợi nhuận thôi, đó là phim hài. Họ không dám đầu tư để có những bộ phim có nội dung phức tạp hơn, không dám mạo hiểm vì mạo hiểm thì sẽ lỗ.

- Vậy, để ngành Điện ảnh phát triển đúng hướng, bà có kiến nghị như thế nào đối với các cơ quan nhà nước nói chung về chính sách đối với ngành Điện ảnh?

+ Tôi cũng rất mừng khi vừa qua, Quốc hội có những cân nhắc thay đổi Luật Cạnh tranh, Luật Điện ảnh cho phù hợp. Ngoài sửa luật ra thì chúng tôi cũng có kiến nghị cần kiểm soát, kiểm tra các việc cạnh tranh của các doanh nghiệp như thế nào cũng rất quan trọng. Bởi vì, vừa rồi, từ vụ việc ăn chia tỉ lệ giữa CGV với doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi phát hiện ra CGV, giấy phép gốc của họ là có 80% đầu tư nước ngoài cho nên họ không được phép phát hành phim Việt Nam. Thế nhưng trong những năm vừa rồi, họ vẫn tiếp tục phát hành phim Việt và ép các doanh nghiệp Việt Nam khác.

Tôi nghĩ việc mình kiểm soát được các hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam rất quan trọng, cũng như các hoạt động khuyến mại vượt quá giá thành 50%. Ngoài việc làm luật thì việc thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài lớn rất quan trọng.

- Sắp tới, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam sẽ có những hoạt động như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của ngành Điện ảnh Việt Nam?

+ Một trong những hoạt động quan trọng của Hiệp hội bây giờ là làm sao để làm việc với các cơ quan chức năng, cung cấp đầy đủ các thông tin để tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia được chuỗi phát triển điện ảnh ở Việt Nam. Ngoài ra, một vấn đề chúng tôi cũng rất quan tâm đó là vấn đề bản quyền. Bởi nếu không bảo vệ bản quyền thì công nghiệp sáng tạo rất khó để phát triển.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của bà.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Đừng để thế hệ trẻ không hiểu về văn hóa và lịch sử Việt

Các doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài nắm giữ thị phần chi phối có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, đẩy doanh nghiệp điện ảnh nhỏ bé của Việt Nam tới chỗ phá sản. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam để mất hệ thống rạp thì sẽ khó đưa các bộ phim do Việt Nam sản xuất đến với khán giả, có nghĩa là nếu như không có hệ thống rạp của Việt Nam thì ngay phim Việt sẽ không được công chiếu ở Việt Nam. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, các hãng phim lớn của Việt Nam phải chuyển sang xây dựng rạp chiếu để không bị chèn ép trong quá trình đưa phim Việt ra công chiếu.

Tôi kêu gọi Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, có giải pháp cấp bách để cứu ngành Điện ảnh Việt Nam đang bị điện ảnh nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh. Thật đau lòng khi con em chúng ta thuộc nhạc ngoại, mê phim ngoại, thần tượng ca sĩ, diễn viên ngoại, để tóc, ăn mặc, ăn uống theo cung cách ngoại, trong khi đó không biết những kiến thức cơ bản về văn hóa và lịch sử Việt Nam, khởi đầu từ kinh tế, tiếp đến là văn hóa, y tế, giáo dục, chủ quyền của chúng ta bị xâm hại từng bước và ngày càng nghiêm trọng ngay trong chính nước mình. Tôi biết tình hình trên không chỉ được giải quyết bằng Luật Cạnh tranh mà còn bằng nhiều chính sách luật pháp, biện pháp đồng bộ khác.

Ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia: Thị phần phim Việt đang bị co hẹp ở hệ thống rạp chiếu

Một trong những khó khăn bất cập của chúng ta là: Anh phải có rạp thì anh mới được làm phát hành. Hai yếu tố đó đã mâu thuẫn với nhau. Nó bao hàm tất cả những lợi ích đan xen.

Người ta vừa phát hành, vừa có rạp thì hiển nhiên trong cạnh tranh thị trường đã không minh bạch. Nhà nước có thể đưa ra một giá sàn về giá vé xem phim, min, max như thế nào để chúng ta sòng phẳng trong định lượng giá vé. Tôi cũng mong muốn đặc biệt là việc điều chỉnh tỉ lệ xây rạp giữa rạp Việt Nam và rạp nước ngoài. Bởi vì rạp quyết định đến sự phát triển. Ai nắm được nhiều rạp, người đó sẽ phát triển.

Hiện nay,  ai cũng biết, rạp của chúng ta vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, nếu doanh nghiệp nước ngoài nắm hết rạp, chắc chắn thị phần của chúng ta sẽ co hẹp lại và nguy cơ phim Việt không còn chỗ đứng ở Việt Nam sẽ trở thành sự thực.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Cần có nhận thức mới về tác động đối với kinh tế và văn hóa của điện ảnh

- Thưa ông, hoạt động của điện ảnh nói riêng và của văn hoá nói chung có tác động không nhỏ đến kinh tế. Ông có thể phân tích tác động của hoạt động điện ảnh đến sự phát triển đó?

 + Trước công cuộc đổi mới, trước quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta nhìn nhận điện ảnh như một lĩnh vực văn hóa và phi vật chất, nó không chịu tác động trực tiếp của quy luật thị trường cho nên chúng ta để điện ảnh ở một góc hẹp so với kinh tế. Nhưng càng ngày càng hội nhập kinh tế, chúng ta nhận ra điện ảnh vô cùng quan trọng, nó là công cụ chuyển tải cho một nền sản xuất.

Ví dụ chiếc mũ nồi + quần bò gắn với văn hóa cao bồi Texas được du nhập vào tâm trí chúng ta qua điện ảnh. Son môi Hàn Quốc, mĩ phẩm, thời trang Hàn Quốc, xe Hàn Quốc gắn liền với phim ảnh Hàn Quốc. Đó là một hình thức quảng cáo sản phẩm từ nghệ thuật. Từ quảng cáo thông thường nâng lên thành quảng cáo nghệ thuật. Nó góp phần làm rộng hơn giá trị kinh tế và giá trị văn hóa trên trường quốc tế. Cho nên chúng ta cần có nhận thức mới về tác động đối với kinh tế và văn hóa của điện ảnh.

-Vậy theo ông, việc hội nhập quốc tế trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng như thế nào đối với điện ảnh Việt Nam?

+ Tôi cho rằng, việc chúng ta nghĩ phải có một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước để đi nhận đơn đặt hàng của Nhà nước, đó là thời kì trước hội nhập kinh tế quốc tế. Trong hội nhập kinh tế quốc tế này, chúng ta phải đổi mới cách nhìn, đây là doanh nghiệp Việt Nam, sản xuất một bộ phim Việt Nam, theo yêu cầu phát triển của đất nước Việt Nam. Phải nhìn như thế đã thì chúng ta sẽ thấy ngay trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm gì để cho điện ảnh Việt Nam phát triển. Đây không phải là lúc phân biệt tư nhân hay nhà nước, coi tư nhân chỉ phát triển nhỏ thế này thôi, còn vốn của Nhà nước thì ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước.

Thứ nhất, muốn phát triển điện ảnh trong cơ chế thị trường, chúng ta phải thay đổi từ trong tư duy, nhận thức. Thứ 2, trong lĩnh vực kinh tế văn hóa, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng có lúng túng. Chúng tôi chỉ đơn cử ví dụ như khi những văn bản cam kết của Nhà nước Việt Nam trong việc gia nhập hội nhập kinh tế quốc tế thì Việt Nam chỉ cam kết là do chúng ta nhận thức khâu chiếu là khâu cuối cùng, khâu phân phối là khâu quan trọng nhất cho nên chúng ta chỉ khống chế ở mức giảm 51%, còn những khâu khác chúng ta chưa hình dung ra sản xuất phim cũng là một ngành công nghiệp. Chúng ta chưa hiểu ngành công nghiệp của Hollywood hoạt động như thế nào cho nên vẫn có những quy định chưa kịp thời.

- Thực tế hiện nay, thị trường phim Việt ở khâu phát hành đều bị các nhà đầu tư nước ngoài chi phối, phim Việt năm 2016 mới nhích lên 26% trong tỷ lệ chiếu so với phim nước ngoài. Ông nghĩ gì về con số đó?

+ Thực tế, thị trường phim Việt Nam bao gồm từ sản xuất, phân phối và phát hành đã bị các nhà đầu tư nước ngoài chi phối. Mà ở đây ta có thể nói luôn là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Bên cạnh thế mạnh của các nhà đầu tư này, chúng ta thấy nó cũng tạo ra những khó khăn rất lớn cho các nhà sản xuất và phân phối Việt Nam. Với cách nhìn và tư duy của chúng ta từ một nền kinh tế bao cấp thì chúng ta chưa đánh giá/ lường hết được sự tác động của văn hóa đến kinh tế. Và như vậy, chúng ta thấy rằng, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần học tập trong quá trình vươn lên.

Tất nhiên chúng ta không có những rào cản về mặt pháp lí lớn để ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam. Mà chúng ta dùng những yêu cầu về chất lượng, phạm vi, tính hiện đại, tính văn hóa, tính dân tộc làm rào cản những sản phẩm văn hóa nước ngoài. Đây là những rào cản kĩ thuật để chúng ta bảo hộ điện ảnh trong nước. Nhưng mục tiêu quan trọng hơn là chúng ta cũng mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài khi họ vào tham gia đầu tư lĩnh vực công nghiệp điện ảnh Việt Nam thì họ cũng dần trở thành một bộ phận cấu thành lĩnh vực điện ảnh Việt Nam. Điều đó vừa đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt nhỏ và vừa tham dự thị trường, nhưng cũng là một yêu cầu tất yếu vai trò bà đỡ của Nhà nước ở một giới hạn nhất định.

- Theo ông, cần phải có những giải pháp nào để ngành Điện ảnh Việt Nam phát triển đúng hướng?

+ Trước hết, đứng ở góc độ kinh tế, chúng ta phải dựa trên những qui định của Luật Đầu tư, chúng ta phải dựa trên những qui định của Luật Doanh nghiệp, Luật Điện ảnh, Luật Cạnh tranh, vừa mở để thu hút đầu tư nhưng phải tăng cường công tác kiểm tra và giám sát việc thực hiện văn bản qui phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này phải tự vươn lên và chúng ta phải phát triển hơn nữa vai trò của Hiệp hội.

Ở những nước có nền kinh tế thị trường hoàn hảo thì vai trò của Hiệp hội vô cùng quan trọng. Ví dụ Hiệp hội Điện ảnh Mỹ, qua những vụ lùm xùm của các đạo diễn, hiệp hội có quyền khai trừ đạo diễn hay nhà sản xuất lớn khi có những hoạt động không đúng với tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội. Khi khai trừ thì ông vĩnh viễn mất quyền được tham gia vào hoạt động đấy. Các hiệp hội của chúng ta cũng phải xây dựng theo hướng đấy để tăng cường hơn nữa giám sát của cộng đồng nghề nghiệp với nhau thì nó sát hơn là giám sát của toàn cộng đồng xã hội.

- Về phía Ủy ban Kinh tế, sẽ triển khai những hoạt động gì để góp phần cùng với ngành Điện ảnh và các cơ quan liên quan phát triển ngành Điện ảnh nói riêng và các sản phẩm văn hoá nói chung. Làm thế nào để việc phát triển kinh tế phải dựa trên những giá trị văn hoá của dân tộc Việt Nam?

+ Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan của Chính phủ tiến hành lắng nghe ý kiến của các Hiệp hội, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sửa đổi Luật Cạnh tranh để trong tháng 1 và tháng 2 năm 2018, sẽ một lần nữa rà soát lại Dự thảo Luật Cạnh tranh để làm sao trong tháng 3- 2018 sẽ chỉnh sửa những vấn đề liên quan đến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa đặc thù. Chúng tôi hy vọng Luật Cạnh tranh sẽ được thông qua Kì họp Quốc hội thứ 5 vào tháng 5 – 2018. Nó là một trong những động lực quan trọng để chúng ta có thể có một nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nền điện ảnh nước nhà đang đứng trước nguy cơ không có chỗ đứng ngay trên đất nước mình và phim Việt Nam sản xuất ra có thể không được công chiếu ngay tại đất Việt Nam. Thực trạng trên không chỉ được giải quyết bằng Luật Cạnh tranh mà bằng nhiều chính sách pháp luật, bằng nhiều giải pháp đồng bộ khác, không thể giải quyết được chỉ bởi riêng ngành Điện ảnh mà cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban, ngành. Đây cũng không phải là vấn đề có thể giải quyết được trong 1 đến 2 năm mà là một quá trình lâu dài, có thể phải 10 năm, 20 năm.

Tuy nhiên, nếu không có cách nhìn đúng, không có cách đi đúng thì nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc được gìn giữ 4 nghìn năm qua có thể bị lu mờ trước nền văn hoá nước ngoài. Quá trình hội nhập đã góp phần đưa nền kinh tế xã hội của Việt Nam phát triển, tuy nhiên mỗi một người con đất Việt luôn phải ý thức được những giá trị văn hoá, lịch sử của dân tộc đã vun đắp hàng nghìn năm lịch sử, bởi chính những giá trị này đã và sẽ tiếp tục duy trì sức sống mãnh liệt để dân tộc Việt Nam trường tồn và phát triển.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Hạnh Thủy (thực hiện)
.
.