Phim Việt - Bao giờ vươn đến Oscar?

Thứ Bảy, 29/02/2020, 08:17
Chiến thắng của “Ký sinh trùng" là một dấu mốc để các nhà làm phim châu Á hy vọng và hào hứng hơn với giải Oscar. Giống như trước đây mình đi thi mà biết chắc cuộc thi đó không có cửa cho mình thì chẳng có gì để trông đợi. Nhưng giờ cuộc thi sẵn sàng trao giải cao quý nhất cho mọi thí sinh, miễn sao anh hay nhất, nặng ký nhất.  


Từ kỳ tích của “Parasite”, ngẫm về phim Việt

Mai Quỳnh Nga

Trở thành phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành bốn hạng mục quan trọng nhất tại Oscar 2020, “Parasite” (tựa tiếng Việt: “Ký sinh trùng”) không chỉ là kỳ tích với người Hàn Quốc mà còn là bước ngoặt lịch sử của điện ảnh châu Á. Sau 92 năm, cánh cửa một trong những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh đã rộng mở, tiếp thêm hy vọng cho giấc mơ Oscar của phim Việt. Nhưng bao giờ, giấc mơ ấy thành hiện thực?

“Parasite” khiến điện ảnh thế giới nghiêng mình khi “càn quét” loạt hạng mục gồm: Phim hay nhất, Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Biên kịch gốc xuất sắc nhất. Trước khi gây bão tại Oscar 2020, “Parasite” đã khiến giới phê bình hết lời tụng ca khi giành Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2019.

Hiếm có bộ phim nào giành được cú đúp như vậy bởi nếu Cannes đề cao cá tính nghệ thuật thì Oscar có phần nghiêng về những bộ phim chinh phục số đông công chúng. “Quái kiệt” của điện ảnh Hàn - đạo diễn Boong Joon Ho, đã làm nên thước phim vừa đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân, vừa cực kỳ ăn khách. Khi ra mắt tại Việt Nam, “Parasite” tạo nên hiệu ứng rộng khắp trên các diễn đàn, mạng xã hội. Bởi đã lâu lắm rồi, khán giả mới được thưởng thức một bộ phim đậm chất Hàn, hấp dẫn đến phút cuối và phá vỡ mọi thể loại như vậy.

Bằng nghệ thuật kể chuyện tài tình, “Parasite” là tấn bi hài kịch của hai gia đình đại diện cho tầng lớp giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc. Không dừng lại ở đó, rất nhiều tầng nghĩa về vấn đề xã hội, triết học, chính trị được giễu nhại sâu cay bằng hàng loạt biểu tượng ẩn dụ trong tác phẩm.

Phim “Hai Phượng” trắng tay tại giải Oscar 2020.

Có ý kiến cho rằng trao giải “Phim hay nhất” cho “Parasite”, ban tổ chức Oscar đã tự cứu lấy mình khi chính thức phá vỡ những tiêu chí vốn bị cho là bảo thủ. Lâu nay, Oscar bị mặc định là sân chơi của phim Âu Mỹ bởi chỉ phim nói tiếng Anh mới được vinh danh ở hạng mục “Phim hay nhất”. Phim nói tiếng nước ngoài, đặc biệt là phim châu Á, gần như không có cửa.

Điện ảnh châu Á trong nhiều năm qua đã trỗi dậy mạnh mẽ. Phim của Iran, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc ... liên tục chinh phục các LHP phim đình đám. Đặc biệt, người bạn láng giềng của chúng ta là Campuchia từng lập thành tích ấn tượng khi bộ phim “Bức tranh thất lạc” (đạo diễn Rithy Panh) đoạt giải “Một góc nhìn” – giải quan trọng thứ hai của LHP Cannes 2013, lọt vào bảng đề cử “Phim nước ngoài hay nhất” của Oscar 2014...

Sự thành công của các nhà làm phim trong khu vực khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nhìn về phim Việt. Phải thừa nhận rằng thị trường điện ảnh trong nước đang phát triển rất mạnh. Mỗi năm chúng ta có khoảng 50 phim ra rạp và danh sách phim có doanh thu trăm tỷ không ngừng nối dài.

Tuy nhiên, xét về mặt bằng chung, chúng ta chỉ nổi trội ở mảng phim giải trí, nội dung dễ dãi, xem xong rồi quên ngay mà quá hiếm những sản phẩm bứt phá về mặt nghệ thuật, nội dung lẫn bản sắc dân tộc.

Trong lịch sử Oscar, chúng ta đem rất nhiều phim tham dự nhưng luôn rớt “từ vòng gửi xe”.

Chỉ duy nhất “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng chính thức lọt vào bảng đề cử. Tuy nhiên, theo nhà biên kịch Đoàn Tuấn, “Mùi đu đủ xanh” do Pháp sản xuất nên bộ phim không hoàn toàn đại diện cho điện ảnh Việt Nam.

Năm nay, “Hai Phượng” được chọn để đi dự Oscar trước sự ngỡ ngàng của khán giả. Bộ phim hành động này tuy đạt doanh thu 200 tỷ nhưng nó chỉ đơn giản là tác phẩm giải trí và mắc khá nhiều sạn. Ai cũng sớm biết “Hai Phượng” ra về trắng tay như “Cô Ba Sài Gòn”, “Trúng số” trước đây. Ngoài các phim thuần giải trí trên, nhiều phim được cho là có tính nghệ thuật như “Cha cõng con”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Chuyện của Pao”... cũng không thể làm nên chuyện.

Tương tự, chúng ta đi Cannes cũng với tâm thế vui là chính chứ chưa bao giờ nghiêm túc với ý định “mang chuông đi đánh xứ người”. Nếu nghiêm túc, ngay từ khi bấm máy, chúng ta đã có tiêu chí để bộ phim phù hợp với cuộc chơi của điện ảnh thế giới. Đáng buồn là lâu nay giới làm phim trong nước vẫn hồ hởi cho rằng phim Việt được góp mặt cho bạn bè thế giới biết đến đã là điều đáng mừng rồi. Nếu chúng ta cứ mãi hài lòng như thế thì bao giờ phim Việt mới lớn để tự tin “so găng” với anh tài năm châu?

Chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước: Truyền thông mạnh cũng không thể “phù phép” được phim tồi

Phan Thi Uyên (thực hiện)

- Điện ảnh Hàn Quốc và một số nước châu Á lần lượt ghi danh ở các giải thưởng uy tín bởi họ có sách lược đầu tư lâu dài từ chính phủ, đặc biệt là đẩy mạnh khâu truyền thông, phát hành phim ảnh ở trong nước và ra thế giới để tạo dựng thương hiệu. Với Việt Nam, anh đánh giá khâu truyền thông, phát hành điện ảnh đang ở mức nào?

+ Với tình hình phát triển số lượng phim một cách chóng mặt, trong khoảng vài năm gần đây, có thể thấy rõ điện ảnh Việt đang gây ấn tượng mạnh với khán giả ở góc độ nhận diện phim Việt ngoài rạp chiếu. Kết quả doanh thu của nhiều phim Việt thuộc “câu lạc bộ trăm tỷ” là minh chứng rõ nét. Để có kết quả khả quan như vậy, bên cạnh chất lượng tự thân của phim Việt, hiển nhiên vai trò của truyền thông phim (bao gồm marketing và PR) là không nhỏ.

Nhiều năm theo dõi và phụ trách việc truyền thông phim chiếu rạp, tôi cho rằng khả năng và mức độ cập nhật truyền thông từ các đơn vị sản xuất - phát hành phim có thể xem là “tiên phong” và rất mạnh so với hầu hết lĩnh vực nghệ thuật khác.

Bởi lẽ, một bộ phim luôn có mức đầu tư khá đắt đỏ nên chuyện lấy lại vốn là điều bắt buộc, từ đó tạo nên sự vận động và phát triển vượt bậc của mọi thứ liên quan đến ngành công nghiệp hái ra tiền này. Phim Việt hiện nay vẫn đều đặn được gửi tham dự các LHP quốc tế, hoặc phát hành thương mại ở nhiều nước.

Như thế, hẳn nhiên độ mở rộng của truyền thông phim sẽ phổ quát, rộng khắp so với giai đoạn trước. Nếu có gì chưa như ý thì chỉ có thể nói là chất lượng phim Việt hiện tại chưa đồng đều, cấp độ phát triển chưa tương đồng với số lượng. Điều này sẽ hơi hạn chế khi đẩy mạnh truyền thông cho nền điện ảnh Việt trong mắt giới phê bình và đầu tư quốc tế. Thỉnh thoảng chỉ có một vài phim nổi trội và đáng ghi nhận về ngôn ngữ nghề sẽ là không đủ cho cục diện chung đối với một quốc gia.

- Như anh nhận định, những năm gần đây phim đạt doanh thu trăm tỷ rất nhiều. Cũng có phim được chào bán ở nước ngoài như “Hai Phượng”, “Lật mặt 4”... Vậy những điều đó có đáng kỳ vọng và giúp chúng ta tạo dựng được thương hiệu phim Việt hay chưa?

Thành thật mà nói, chuyện doanh thu đạt trăm tỷ này kia, nói cho cùng vẫn chẳng phải là yếu tố then chốt để có thể định hình vững chắc cái gọi là thương hiệu điện ảnh Việt. Có chăng, doanh thu phim Việt khả quan sẽ là nền tảng bước đầu giúp toàn ngành điện ảnh Việt tồn tại và phát triển ở giai đoạn “cửa ngõ” trong cái thế chập chững hòa nhập với nền công nghiệp điện ảnh ở trong nước, xa hơn là khu vực châu Á.

- Hiện tại, với thị trường nội địa, không ít khán giả Việt vẫn còn chê, thậm chí kỳ thị phim Việt thì nói gì đến việc chinh phục công chúng quốc tế. Bởi số phim có chất lượng tốt vẫn quá lép vế so với phim thảm họa.

Để người Việt yêu phim Việt hơn nữa, cách duy nhất là phải làm… phim Việt hay hơn! Dẫu công nghệ truyền thông có “đỉnh” cách mấy mà phim kém chất lượng thì nên quên đi ước muốn tưởng chừng hiển nhiên này! Có bột mới gột nên hồ. Truyền thông phim không phải là “cây đũa thần” để có thể thay đen đổi trắng, “lột xác” bất kỳ bộ phim nào dưới mắt khán giả - vốn dĩ họ ngày càng có trình độ thưởng ngoạn cao, đòi hỏi khắt khe hơn. Một khi đã có tác phẩm điện ảnh Việt xứng tầm, tự khắc ngành truyền thông phim cũng sẽ có những hành động và hình thái tương ứng để cùng định hướng phát triển, theo nhu cầu và tiến trình mới.

- Dường như khi bắt đầu một dự án, đa số nhà sản xuất chỉ quan tâm đến việc làm sao thu lời đậm mà không chú trọng đến việc làm phim để mang ra thế giới nên rất hiếm phim được chào bán, giới thiệu?

Thật ra phim Việt đã được mang đi trình chiếu giới thiệu, dự thi và chào bán ở các LHP quốc tế và hội chợ phim từ hơn 20 năm nay rồi. Trong đó, phim nghệ thuật hay thương mại đều có. Dĩ nhiên, kết quả tùy thuộc chất lượng từng phim, trước khi nói đến thương hiệu tổng quan của nền điện ảnh Việt.

Với lại, mỗi dự án phim sẽ tùy thuộc vào tính chất cùng mục đích ban đầu của việc làm phim. Cho nên nếu phần nhiều nhà đầu tư ưu tiên yếu tố lợi nhuận của từng dự án phim cũng là lẽ đương nhiên. Đó chính là hệ thống cốt lõi của một nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững ở bất kỳ nước nào trên thế giới. Phim nghệ thuật, nếu có, vẫn luôn là một cuộc chơi “ngoại hạng” của ngành phim, kể cả ở các nước đã có nền điện ảnh lâu đời và hùng mạnh.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Tôi kỳ vọng vào thế hệ làm phim trẻ

Nguyễn Trang (ghi)

Hàng năm ban tổ chức giải Oscar đều gửi thư mời đến hàng trăm nền điện ảnh trên thế giới. Nhiều nước nhận thư mời nhưng không gửi phim tham dự vì lượng sức mình và thấy cánh cửa quá hẹp. Điện ảnh Trung Quốc đã lâu không tham dự. Bởi Oscar lâu nay được mặc định là dành cho điện ảnh Âu Mỹ. Phim châu Á chỉ có cửa ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”.

Ở Việt Nam, Cục Điện ảnh nắm quyền quyết định gửi phim đi thi. Năm 2010, tôi đề nghị đừng gửi phim “Đừng đốt” của tôi đi dự vì thấy không hợp với Oscar nhưng Cục cứ gửi. Năm nay, Oscar đã làm một cuộc cách mạng ngoạn mục trong lịch sử khi trao bốn giải quan trọng nhất cho một bộ phim châu Á. Định kiến trên hoàn toàn bị phá vỡ, từ đây Oscar hoàn toàn rộng cửa với các nền điện ảnh “phi Hollywood”.

Ngay từ khi ra đời, điện ảnh Việt Nam đã có một bản sắc riêng, không lẫn với các nền điện ảnh châu Á khác. Những bộ phim đen trắng thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng như "Con chim vành khuyên", "Chị Tư Hậu", “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” và sau này là "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng 10”... mang bản sắc hồn hậu, chất phác và rất ngoan cường, anh dũng của con người Việt Nam.

Với bản sắc riêng ấy, một thời gian dài điện ảnh Việt Nam đã gây chú ý với bạn bè thế giới. Phim Việt xuất hiện ở nhiều LHP quốc tế, giành được nhiều giải thưởng. Đặc điểm của dòng phim này là thực hiện nhiệm vụ chính trị, phản ánh hiện thực sản xuất chiến đấu của quân và dân. Nó vừa có hàm lượng nghệ thuật cao, vừa gần gũi với đại chúng chứ không khô khan, hô khẩu hiệu.

Đến thời kỳ kinh tế thị trường, điện ảnh không đơn thuần là làm nghệ thuật, phục vụ chính trị mà nó còn là một lĩnh vực kinh doanh. Do đó dù đã tạm chinh phục thị trường trong nước nhưng phim Việt vẫn dễ dãi chiều theo thị hiếu, thuần về giải trí.

Gần đây, một vài nhà làm phim trẻ có những tác phẩm gây chú ý ở các LHP lớn như phim “Ròm”, “Vợ ba”, “Culi không bao giờ khóc”… Họ chủ yếu là những nhà làm phim độc lập. Các đạo diễn trẻ bây giờ rất năng động, ham học hỏi. Họ có tài năng, đam mê, tự tin, thông thạo tiếng Anh để giao tiếp, kết nối với các nhà làm phim trên thế giới. Cá tính nghệ thuật của họ cũng rất quyết liệt. Tôi rất ấn tượng về họ. Tương lai của điện ảnh Việt Nam nằm trong tay họ.

Nhưng để thế hệ làm phim trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất, Nhà nước phải quan tâm đến điện ảnh như một phương tiện tạo nên sức mạnh mềm của quốc gia. Nhà nước nên có chủ trương và tiếp tục đầu tư cho những bộ phim nghệ thuật khai thác về con người, về xã hội và có bản sắc Việt. Vì những bộ phim như thế rất dễ tiếp cận với điện ảnh thế giới.

Điện ảnh Hàn Quốc được vực lên như ngày hôm nay là nhờ công của cố Tổng thống Kim Dae-jung. Ông ra nhiều chính sách hỗ trợ điện ảnh như quy định số lượng phim Hàn Quốc chiếu rạp, miễn thuế cho phim nội địa... Giải thưởng Điện ảnh Nobel Hòa bình Kim Dae-jung bắt đầu được thành lập từ năm 2011 và đã trở thành giải thưởng thường niên được trao tại LHP quốc tế Gwangju nhằm khích lệ các nhà làm phim quan tâm tới những vấn đề nóng hổi của xã hội như nhân quyền, tự do, hòa bình và môi trường tự nhiên.

Tiến sĩ lý luận điện ảnh Đào Lê Na: Còn nhiều rào cản khiến phim Việt khó bứt phá

Quỳnh Nga (ghi)

Chiến thắng của “Ký sinh trùng" là một dấu mốc để các nhà làm phim châu Á hy vọng và hào hứng hơn với giải Oscar. Giống như trước đây mình đi thi mà biết chắc cuộc thi đó không có cửa cho mình thì chẳng có gì để trông đợi. Nhưng giờ cuộc thi sẵn sàng trao giải cao quý nhất cho mọi thí sinh, miễn sao anh hay nhất, nặng ký nhất. 

Vậy phim Việt có nên hy vọng hay không? Mơ thì mình vẫn cứ mơ thôi. Nhưng khác với nền điện ảnh Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc..., điện ảnh Việt Nam vẫn tồn tại quá nhiều vấn đề. Chúng ta chưa có bước chân thực sự ở các liên hoan phim thế giới. Thực tế, ở các sân chơi khu vực như LHP quốc tế Busan, phim Việt còn chật vật để bước lên bục vinh quang.

Năm ngoái, Việt Nam mới có “Ròm” của Trần Dũng Thanh Huy chạm tay vào giải danh giá nhất của LHP Busan. Còn Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã đi LHP Cannes, Berlin, giải Oscar... mấy chục năm nay và gặt hái nhiều giải thưởng lớn trên thế giới. Nền điện ảnh của họ đã được nhiều người biết đến. Hàn Quốc gặt hái quả ngọt như ngày hôm nay bởi họ có nền móng rất vững chắc. Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng chiến lược bài bản, dài hơi để đưa công nghiệp văn hóa của họ vươn ra toàn cầu.

Các bộ phim Việt Nam gửi đi Oscar rồi ra về trắng tay là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thứ nhất, những bộ phim dự Oscar, nhất là ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”, thường có tính phản biện xã hội rất cao. Thứ hai, nó khá đậm đặc văn hóa bản địa, giúp khán giả khám phá ra chiều sâu văn hóa của quốc gia đó. Phim “Ký sinh trùng” là câu chuyện mang đậm chất Hàn Quốc. Vì vậy, trước hết phim nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của khán giả nước nhà. Tuy nhiên văn hóa bản địa cũng chưa đủ mà phim phải có những thông điệp mang tính toàn cầu.

Đạo diễn Boong Joon Ho chia sẻ rằng nếu đơn giản chỉ là cách kể chuyện kiểu văn hóa Hàn Quốc thì “Ký sinh trùng” khiến cho một số khán giả nước ngoài cảm thấy khó hiểu. Sau tất cả, “Ký sinh trùng” chinh phục công chúng vì nó xoáy sâu vào tận cùng bản chất con người, vào sự phân hóa giàu - nghèo, thiện – ác (vấn đề muôn thuở của xã hội) bằng một cái nhìn khác biệt, đầy thú vị và đậm chất Hàn.

Phim Việt vẫn cố gắng kể những câu chuyện đậm bản sắc văn hóa nhưng chúng ta bị ảnh hưởng từ nước ngoài quá nhiều. Chú tâm chọn những đề tài rất truyền thống, nhân văn nhưng cách kể thì có một chút bóng dáng của đạo diễn nước này, một chút phong cách của đạo diễn nước kia. Những nhà làm phim kỳ cựu trên thế giới chỉ cần xem vài ba thước phim sẽ nhận ra phong cách đó của đạo diễn nào.

Ngoài ra, các bộ phim Việt Nam thường mang nặng tính chất minh họa. Muốn tác phẩm có tư tưởng nhân văn này kia là ngay từ đầu, họ bắt các nhân vật trong phim phải làm vậy chứ không để cho nhân vật phơi bày ra một cách chân thật nhất. Thành ra nhân vật như hô khẩu hiệu. Để làm nên tác phẩm điện ảnh có chiều sâu, tôi nghĩ đội ngũ biên kịch, đạo diễn phải làm việc rất lâu và kỹ lưỡng với câu chuyện của họ.

Hiện nay chúng ta cũng chưa có Quỹ hỗ trợ điện ảnh. Bởi điện ảnh là sân chơi nghệ thuật rất tốn kém. Không có Quỹ thì các đạo diễn phải chạy đôn chạy đáo xin tiền làm phim rồi chiều theo ý nhà sản xuất, nhà tài trợ. Các bạn làm phim trẻ bây giờ đã biết cách kết nối, nhẫn nại tìm kiếm nguồn tài trợ từ các hội chợ phim, quỹ hỗ trợ của nước ngoài. Dù kinh phí còn eo hẹp nhưng các bạn đã mạnh dạn cất lên tiếng nói, bày tỏ cá tính trong tác phẩm. “Ròm” là một ví dụ điển hình.

Một rào cản nữa là lưỡi kéo kiểm duyệt. Đương nhiên, kiểm duyệt sẽ có hai mặt. Chẳng hạn như điện ảnh Iran, họ không cho phép khai thác hình ảnh tình dục và bạo lực. Nhưng phim Iran vẫn ghi dấu ấn ở các giải thưởng điện ảnh danh giá. Vì sao vậy? Với họ, cơ quan quản lý càng kiểm duyệt thì càng thách thức sự sáng tạo. Họ phải nghiên cứu sâu cách kể ẩn dụ về vấn đề bị cấm để đảm bảo truyền tải nguyên vẹn điều muốn nói. Làm được như thế, tự thân người làm phim phải bứt phá sẵn rồi.

Thêm nữa, tuy điện ảnh Iran không nói về chuyện tình dục, bạo lực nhưng tính phản biện xã hội trong phim luôn có. Còn ở phim Việt, các vấn đề xã hội thường bị hạn chế khai thác. Dù sao nhà quản lý nên cho điện ảnh sự cởi mở. Vì cứ siết chặt kiểm duyệt, giới làm phim chỉ thêm lo ngại, không thể tự do sáng tạo và kể câu chuyện của mình. Để an toàn, họ chỉ mãi quanh quẩn với phim hài, kinh dị. Nếu vậy thì điện ảnh Việt Nam không thể bứt phá lên được.

PV
.
.