Khi phim Việt xin khán giả “rủ long thương”

Thứ Năm, 12/12/2019, 17:33
Ế khách thì phải làm sao? Đoàn phim chọn ngay cách lên mạng kêu van, năn nỉ khán giả đến rạp ủng hộ. Cách này ban đầu có vẻ hiệu quả. Tuy nhiên càng về sau, chiêu trò này càng bị lạm dụng khi không ít bộ phim chất lượng kém thi nhau "kêu cứu".


Mở đầu cho chiến dịch giải cứu phim Việt là bộ phim “Yolo - Bạn chỉ sống một lần” ra mắt hồi đầu năm. Nhưng chiến dịch chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi bộ phim độc lập “Thưa mẹ con đi” lâm nguy. Cũng như “Yolo – Bạn chỉ sống một lần”, ekip “Thưa mẹ con đi” tố nhà phát hành xếp lịch chiếu vào những khung giờ xấu, ít suất chiếu, lại bố trí ở những rạp xa trung tâm thành phố khiến khán giả muốn xem cũng khó mua vé. Trong khi đó, sau buổi chiếu ra mắt báo giới, bộ phim của đạo diễn Trịnh Ðình Lê Minh được đánh giá rất cao về nội dung lẫn chuyên môn.

Thước phim đẹp và giản dị kể về mối tình đồng tính của hai chàng trai trong bối cảnh quê nhà còn nặng định kiến. Ở đó, dẫu nhiều xót xa, đắng đót nhưng tấm lòng người mẹ luôn bao dung, che chở cho đứa con, chỉ mong con hạnh phúc. Phim không quy tụ nhiều ngôi sao nhưng câu chuyện nhân văn, nhẹ nhàng và gần gũi đã lấy được cảm tình của công chúng. Dù được đánh giá tốt nhưng “Thưa mẹ con đi” vẫn chật vật ở rạp chiếu.

Bị xếp vào khung giờ xấu, ekip phim “Thưa mẹ con đi” phải kêu gọi khán giả giải cứu.

Không cam tâm để đứa con tinh thần chết yểu, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh tức tốc lên tiếng trên mạng xã hội và các diễn đàn, kêu gọi khán giả chung tay giải cứu. Lời kêu cứu thống thiết của vị đạo diễn ngay lập tức phát huy tác dụng.  Công chúng ùn ùn kéo đến lấp kín khán phòng. Các suất chiếu dày lên, giờ chiếu được bố trí thuận lợi hơn.

“Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” của đạo diễn Chung Chí Công cũng chung số phận với “Thưa mẹ con đi”. Đây cũng là phim độc lập có những ý tưởng mới mẻ, cách thể hiện lạ lẫm, độc đáo. Phim chỉ xoay quanh hai nhân vật: một nam, một nữ. Họ gặp nhau tình cờ trong một đêm Sài Gòn ồn ã, xô bồ để rồi hai tâm hồn đồng điệu cùng lang thang khắp thành phố cho đến sáng, kể cho nhau nghe về cuộc sống, ước mơ, khát vọng và cả những nỗi buồn. 

Bộ phim như một bài ca bất tận, đầy ngẫu hững và năng lượng tuổi trẻ. Ai xem qua đều thấy đó là một tác phẩm dễ thương và đáng suy ngẫm. Nhưng do thu gần một tỷ đồng sau ba ngày công chiếu, tác phẩm độc lập này có nguy cơ rời rạp sớm. Học tập tiền lệ từ “Thưa mẹ con đi”, đạo diễn Chung Chí Công đăng đàn van xin khán giả: “Trời ơi phim chưa muốn chết! Chưa bao giờ chúng mình cần những bạn khán giả trẻ như lúc này. Chúng mình cần 150.000 bạn trẻ tiếp sức”.

Tuy nhiên, lời kêu cứu của Chung Chí Công ít nhiều gây tranh cãi. Bởi so với “Thưa mẹ con đi”, suất chiếu của “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" khá cao (620 suất) và được nhà phát hành bố trí ở những khung giờ đẹp (18 giờ 30, 20 giờ...) nhưng vẫn trống rất nhiều suất. Nội dung thể nghiệm kén khán giả được xem là nguyên nhân chính khiến phim bị thờ ơ.

Những tưởng chỉ những phim chất lượng tốt nhưng không may bị suất chiếu xấu hoặc nội dung hơi kén khán giả phải kêu cứu thì bây giờ, ngay cả phim dở tệ cũng vô tư sử dụng chiêu bài này. Mới đây nhất, nhà sản xuất “Ngốc ơi tuổi 17” kêu gào khán giả rủ lòng thương vì phim có nguy cơ thua lỗ nặng. Điều đáng nói, đây là bộ phim khá nhạt, vấp nhiều sạn và không để lại ấn tượng gì. Bộ phim có kịch bản rời rạc. Diễn xuất của hai diễn viên chính là Trúc Anh và Minh Khải chưa thuyết phục, còn non và gượng gạo. Chất lượng kém nên phim lâm cảnh “chợ chiều” là điều tất yếu.

Đương nhiên, lời năn nỉ của ekip chỉ đủ sức lay động vài khán giả. Nhưng họ cũng nhanh chóng thất vọng khi đồng tiền mình bỏ ra không xứng đáng, lòng từ tâm đặt không đúng chỗ. Chẳng ai hơi đâu đi giúp “cha đẻ” của một tác phẩm yếu kém hốt bạc.

Công chúng thông minh để hiểu rằng, khi sự rộng lượng đặt sai chỗ thì chẳng khác nào họ nối giáo cho giặc, dung dưỡng cái xấu. Nếu liên tiếp những bộ phim dở gặt hái được doanh thu đậm bằng cách nhờ khán giả giải cứu thì tất yếu sẽ có hàng loạt những tác phẩm yếu kém tương tự ra đời. Họ ỷ y rằng nếu chiêu trò giật gân, cảnh nóng, hay ngôi sao không đủ hút khách thì đã có “khổ nhục kế”.

Nhìn nhận một cách khách quan, phải thừa nhận rằng khâu quảng bá của “Thưa mẹ con đi”, “Yolo – Bạn chỉ sống một lần”, “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” quá mờ nhạt. Thậm chí, khi đạo diễn, nhà sản xuất đăng đàn kêu cứu, khán giả mới biết đến những bộ phim này. Khó khăn trong quảng bá lẫn phát hành là khó khăn chung của nhà làm phim độc lập.

Với số vốn đầu tư ít ỏi, để quay được bộ phim đã là quá trình gian nan. Số tiền chi cho khâu truyền thông, PR càng eo hẹp. Dù giành được nhiều giải thưởng danh giá tại giải Cánh Diều Vàng 2019, Liên hoan phim ASEAN và Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 nhưng “Song lang” là bộ phim thất bại về mặt doanh thu. Bộ phim độc lập này từng được một nhóm khán giả mở chiến dịch "Yêu Song Lang thêm một lần nữa" để có thêm một tuần trụ rạp.

Bộ phim “Ngốc ơi tuổi 17” có nội dung mờ nhạt.

Theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc - người từng đỡ đầu cho nhiều bộ phim độc lập, Việt Nam cần rạp chiếu dành riêng cho dòng phim art –house (phim nghệ thuật, phim độc lập). Dù lượng khán giả có thể khiêm tốn, nhưng phim được hỗ trợ khâu PR, hỗ trợ suất chiếu đều đặn vào những giờ thuận lợi thì chắc chắn sẽ thu hút một lượng khán giả ổn định.

Phim độc lập, nghệ thuật sẽ không phải chật vật cạnh tranh với loạt “bom tấn” đậm tính giải trí khi đứng chung rạp. Như thế sẽ khích lệ các nhà làm phim tích cực thể nghiệm, tìm tòi để cho ra đời những tác phẩm đột phá. Bởi dòng phim art – house luôn được coi là dòng phim tiên phong, là tiếng nói sáng tạo mang đậm bản sắc, cá tính điện ảnh một nước.

Nhiều người cho rằng riêng với dòng phim thương mại – giải trí, việc kêu gọi khán giả giải cứu là điều không cần thiết. Lúc này tác phẩm điện ảnh không khác gì một món hàng kinh doanh, lời ăn, lỗ chịu. May ra, khán giả chỉ giải cứu nếu tác phẩm đó có chất lượng tốt nhưng lại gặp hoàn cảnh khách quan bất lợi. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho hay sự phủ sóng của những ông lớn nước ngoài trong “miếng bánh” phát hành tất yếu dẫn đến hệ lụy phim Việt bị chèn ép.

Tuy nhiên, nhìn lại trường hợp “Tấm Cám – Chuyện chưa kể”, dù bị hệ thống rạp CGV từ chối thẳng thừng, mất đi thị phần khá lớn nhưng cuối cùng bộ phim của Ngô Thanh Vân vẫn đại thắng phòng vé với 70 tỷ đồng. Hay khi đụng độ với “bom tấn” đình đám như “Avengers: Endgame” của Hollywood, “Lật mặt 4” của Lý Hải vẫn ung dung làm nên chuyện với 114 tỷ đồng – đưa tác phẩm này vào top 4 bộ phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời. Rõ ràng, khi phim đầy đủ yếu tố thu hút đại chúng thì việc khán giả bỏ tiền mua vé là điều hiển nhiên.

Với tình hình hiện tại, dù sao chăng nữa việc kêu gọi khán giả ra tay giải cứu phim Việt vẫn là bước đường cùng, là tình huống bất đắc dĩ. Bởi một nền điện ảnh sẽ như thế nào nếu suốt ngày khán giả phải đi “xem phim từ thiện”? Vì thương hại mà công chúng giúp nhà sản xuất chứ họ không bị sức hút nội tại của tác phẩm đó lôi kéo.

 Về lâu về dài, những chiến dịch giải cứu như trên chỉ khiến phim Việt càng ngày càng mất điểm, mang nặng định kiến và tội nghiệp trong mắt khán giả. Tham gia thị trường điện ảnh đầy khốc liệt, người làm phim có tự trọng không nên trông đợi vào lòng hảo tâm của công chúng. Bởi dù ưu ái phim Việt đến mấy, khán giả cũng chỉ ra tay cứu giúp một vài lần. Suy cho cùng chẳng ai muốn phung phí tiền bạc và thời giờ để xem bộ phim mà mình không hề thích.

Mai Quỳnh Nga
.
.