Phim Việt 2017: Đa dạng chủ đề và tư duy phim “không mùa”

Thứ Sáu, 17/02/2017, 08:00
Mùa phim Tết Đinh Dậu đã qua nhưng không vì thế mà phim Việt kém phần sôi động. Một loạt bộ phim đã và đang tiếp tục ra mắt khán giả, tham gia tích cực vào thị trường điện ảnh trong nước đầy tiềm năng. Tư duy làm phim "không mùa" đã bắt đầu xuất hiện ở không ít các nhà làm phim góp phần mang tới một diện mạo mới đầy khởi sắc cho điện ảnh nước nhà.


Một trong những hiện tượng phim "trái mùa" mà vẫn đang làm mưa làm gió tại các rạp chiếu đó chính là "Bạn gái tôi là sếp". Dù tránh xa mùa phim Tết, chính thức công chiếu bắt đầu từ ngày 3 - 2 nhưng ngay lập tức bộ phim này đã được khán giả đón nhận rộng rãi. Chỉ sau 4 ngày ra rạp, doanh thu phim đã cán mốc 16 tỷ cùng với gần 230.000 lượt xem.

Giống như trường hợp của "Em là bà nội của anh", bộ phim được Việt hóa từ một bộ phim Hàn Quốc thì đây cũng là một bộ phim được Việt hóa từ từ phiên bản gốc "ATM" của điện ảnh Thái Lan. Không biết có phải vì dư âm thành công ở "Em là bà nội của anh" mà đạo diễn Hàm Trần lại tiếp tục chọn Miu Lê vào vai nhân vật chính trong bộ phim của mình. Vì biết đâu, tâm lý yêu quý và tò mò sẽ dẫn khán giả tiếp tục tới rạp.

Với nội dung xoay quanh câu chuyện của Oanh và Cường buộc phải giấu đi cảm xúc yêu đương của mình trong môi trường làm việc cấm nhân viên yêu đương, hẹn hò, bộ phim không chỉ mang tới tiếng cười sảng khoái mà còn chứa đựng nhiều tình tiết lãng mạn rất phù hợp với không khí vui vẻ, nhẹ nhõm của những ngày đầu năm.

Phim “Cha cõng con” hứa hẹn là một bộ phim nghệ thuật xúc động.

Dù còn khá nhiều ý kiến khác nhau về diễn xuất của Miu Lê, về sự lôgic trong nội dung cốt truyện nhưng rõ ràng, doanh thu "khủng" của "Bạn gái tôi là sếp" đã minh chứng cho việc dù ra rạp trái mùa những phim Việt vẫn thu hút được đông đảo khán giả. Và thực sự, chỉ là trái mùa theo quan niệm thông thường, còn "Bạn gái tôi là sếp" chọn ra mắt sau mùa phim Tết là hoàn toàn hợp lý. Nó không chỉ tránh được sự cạnh tranh khốc liệt với nhiều bộ phim trong và ngoài nước khác. Ngoài ra, phim còn có lợi thế là đáp ứng được tâm lý muốn thư giãn nhẹ nhàng của không ít khán giả sau một kỳ nghỉ lễ dài.

Sự mở màn thành công của "Bạn gái tôi là sếp" có thể coi như một tín hiệu vui cho điện ảnh Việt Nam năm 2017. Chúng ta có quyền hy vọng khi mà theo ước tính, đã có gần 50 dự án phim chuẩn bị ra rạp từ đầu năm cho tới cuối năm 2017. Trong khi con số phim ra mắt khán giả năm 2016 là 40. Sự gia tăng về số lượng đã cho thấy không khí làm phim hồ hởi và cuộc cạnh tranh giành khán giả khá sôi động giữa các nhà làm phim.

Nếu như trước đây, sau mùa phim tết, khán giả sẽ phải đợi một quãng thời gian không ngắn là tới mùa phim hè mới được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh mới ra rạp. Tuy nhiên, giờ đây, tâm lý làm phim đã có nhiều thay đổi. Sau mùa phim Tết, được ví như giai đoạn chạy đà của năm mới, với những bộ phim tiêu biểu như: "Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu", "Rừng xanh kỳ lạ truyện", "Nàng tiên có năm nhà"... thì ngay lập tức có những phim mới ra mắt kế tiếp.

Nếu như mùa phim tết được các nhà làm phim thực hiện với tâm lý vui là chính, doanh thu cao thì càng tốt. Nhưng với những bộ phim ra mắt sau đó thì yêu cầu doanh thu là một tiêu chí bắt buộc. Không ít những bộ phim đang hoàn thiện, chuẩn bị ra mắt khán giả được dự đoán là có thể tạo ra được những cơn sốt phòng vé.

Có thể kể tới như "Em chưa 18" (đạo diễn Charlie Nguyễn và Lê Thanh Sơn), "Cô gái đến từ hôm qua"- phim chuyển thể từ một tác phẩm văn học ăn khách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, người từng thành công vang dội với "Em là bà nội của anh"), "Hotboy nổi loạn: Yêu một người hơn cả sinh mệnh" (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng)", "Đảo của dân ngụ cư", chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của Đỗ Phước Tiến (đạo diễn Hồng Ánh)...

Cuộc cạnh tranh giành khán giả còn là cuộc đua của những cái tên như "49 ngày" - phần 2 (đạo diễn Nguyễn Nhất Trung), "Cha cõng con" (đạo diễn Lương Đình Dũng), "Người tình" (đạo diễn Lưu Huỳnh), "Lời nguyền gia tộc" (đạo diễn Đặng Thái Huyền), "Hình nhân" (đạo diễn Võ Ngọc), Papa (Đạo diễn Bá Vũ), "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa" (đạo diễn Mai Thế Hiệp và Bình Nguyên), "Sắc đẹp ngàn cân" (James Ngô), "Gái xinh nổi loạn" (Trương Quang Thịnh), "Ma nữ si tình" (Ngọc Hùng)...

Ngoài ra, không thể không kể tới dự án phim "Dạ cổ hoài lang" của Nguyễn Quang Dũng, hay "Hợp đồng mãnh thú" của Lê Hoàng. Đây đều là những dự án phim có kịch bản được chuyển thể từ những vở kịch ăn khách của sân khấu phía Nam nhiều năm qua. Hay một số dự án đang trong quá trình thực hiện như của Victor Vũ, Ngô Thanh Vân, Trương Ngọc Ánh...

Với doanh thu “khủng”, ngay sau khi ra mắt, phim “Bạn gái tôi là sếp” đã mang đến hy vọng cho phim Việt 2017.

Có thể nói rằng, những bộ phim liên tục được thực hiện, liên tục ra mắt trong năm 2017 đã hứa hẹn không khí điện ảnh sẽ sôi động. Với mục tiêu chinh phục khán giả, mang lại doanh thu "khủng" nên các nhà làm phim dồn nhiều tâm huyết, cũng như sự đầu tư thích đáng cho đứa con tinh thần. Phim được chú ý đầu tư ngay từ khâu kịch bản, một số được chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng hay tác phẩm sân khấu đã từng ăn khách đó.

Một số là phần nối dài của những bộ phim đã từng gây tiếng vang. Đặc biệt một trào lưu đang được manh nha là xu hướng phim thuyển thể từ kịch bản nước ngoài. Sau thành công của "Em là bà nội của anh", đã kéo theo sự có mặt "Bạn gái tôi là sếp" và tiếp tục là "Sắc đẹp ngàn cân".

Được biết, Nguyễn Quang Dũng cũng đã nhận lời làm đạo diễn cho một bộ phim chuyển thể từ phim Hàn Quốc. Phim Việt năm 2017 cũng không nằm ngoài những chủ đề quen thuộc như: Hài, ngôn tình, kinh dị, hành động, tâm lý xã hội...

Có những phim tập trung khai thác một hai chủ đề nhưng cũng có những bộ phim là sự tập hợp của tất cả những yếu tố trên. Với những nhà làm phim không khéo thì những dạng phim kiểu này rất dễ rơi vào tình trạng của một nồi lẩu thập cẩm, không chủ đề gì được khai thác đến đầu đến đũa.

Nhìn vào danh sách những bộ phim sắp ra mắt trong năm 2017 là sự góp mặt của những đạo diễn nhiều kinh nghiệm và từng có phim ăn khách như Hàm Trần, Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Lưu Huỳnh...

Có những người được ví như "ông vua phòng vé" như Victor Vũ. Một số người là đạo diễn tên tuổi như Lê Hoàng hay tạo từng tạo nên "hiện tượng" như Vũ Ngọc Đãng... Bên cạnh đó, không thể không kể tới những đạo diễn trẻ tài năng, ít nhiều đã tạo được dấu ấn trong nghề như Phan Gia Nhật Linh, Đặng Thái Huyền, Đinh Tuấn Vũ, Ngô Thanh Vân, Trương Quang Thịnh...

Thay vì tình trạng phim nhiều nhưng nhạt, nhảm như một vài năm gần đây, sự ra tay tái xuất giang hồ của những đạo diễn tên tuổi cùng với những chăm chút ngay từ khâu kịch bản, diễn viên, bối cảnh khiến chúng ta có quyền hy vọng về những bộ phim xứng đáng để kéo khán giả tới rạp. Không chỉ có vậy, sự hợp tác với các hãng phim nước ngoài của Hàn Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông, Thái Lan... trong làm phim cũng sẽ mang đến cho phim Việt những sắc màu mới, tăng khả năng thu hút khán giả.

Sự đa dạng của nhiều loại phim cho thấy, các đạo diễn đang hào hứng tìm đủ mọi phương cách để đem tới sự độc đáo, mới lạ trong mỗi tác phẩm. Rõ ràng, làm phim là cuộc đua tiền tỉ và trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành tấm vé của khán giả sẽ không có chỗ cho những sản phẩm hời hợt, nhạt nhẽo. Sự thất bại của phim không chỉ kéo tên tuổi, danh tiếng đạo diễn xuống mà còn là sự hao tổn lớn về tiền bạc. Nhất là hiện nay, phim được nhà nước đầu tư đặt hàng giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hầu hết các bộ phim đều của các hãng phim, các nhà sản xuất tư nhân thì không thể mang tâm lý làm chơi chơi được. Doanh thu phòng vé lớn vừa là đích đến nhưng cũng vừa là động lực để có được những sản phẩm điện ảnh kế tiếp.

Khánh Thảo
.
.