Phim Việt chiếu "chạy Tết"

Thứ Ba, 10/01/2017, 08:13
Nếu như mọi năm, Tết là dịp phim Việt đổ xô ra rạp, choảng nhau "sứt đầu mẻ trán" để có được lịch chiếu ngon lành thì năm nay, số lượng giảm sút đáng kể. Chưa bao giờ phim Việt "sợ" Tết như bây giờ. Thậm chí, nhiều phim ban đầu hùng hồn công bố sẽ ra rạp vào dịp Tết Nguyên Đán 2017 cũng cuống cuồng lật kèo, chiếu sớm.


Số lượng phim Việt nhất quyết ra mắt khán giả Tết 2017 chỉ khoảng 3 phim: "Nàng tiên có năm nhà", "49 ngày" phần 2, "Bạn gái tôi là sếp". Cộng thêm số phim ngấp nghé nhưng chưa chắc chắn lịch chiếu gồm: "Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu", "Rừng xanh kỳ lạ truyện", "Lời nguyền gia tộc"… thì cũng chỉ được 6 phim.

Rất nhiều phim dự kiến ra rạp dịp Tết Nguyên Đán Đinh Dậu đã thay đổi kế hoạch. Bộ phim hài hành trình "Chạy đi rồi tính" có sự góp mặt của danh hài Việt Hương dự định trình làng đúng ngày mồng 1 Tết phải chiếu sớm từ ngày 30-12. Đạo diễn Namcito buồn bã thú thật, chọn thời điểm "né" Tết là quyết định "bất dắc dĩ" vì ai cũng muốn đứa con tinh thần của mình ra mắt ngày thiêng. 

"Ngay từ đầu, từ nội dung, cách thể hiện và chiến lược truyền thông của bộ phim đều theo hướng phim Tết. Nhưng sau nhiều trao đổi với nhà phát hành, chúng tôi buộc phải thay đổi kế hoạch". Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty BHD - đơn vị phát hành bộ phim - lý giải: "Chiếu sớm là quyết định đúng đắn. 

Có lẽ tên phim nó vận vào phim quá, nên chúng tôi phải chạy trước mới tính được. Mùa phim Tết giờ không còn độc quyền của các nhà làm phim Việt Nam nữa, mà còn phải cạnh tranh với cả phim Mỹ, phim Trung Quốc. Đây là thị trường màu mỡ mà điện ảnh thế giới giờ đây rất chú ý".

Để tránh rủi ro, phim "Chạy đi rồi tính" quyết định chiếu sớm thay vì ra rạp theo đúng kế hoạch vào Mồng 1 Tết.

Không chỉ BHD chiếu "chạy Tết" mà trước đó nhiều phim khác cũng lật đật tung hàng sớm như:  "Vệ sĩ Sài Gòn", "Sứ mệnh trái tim" và "4 năm, 2 chàng trai, 1 tình yêu", "Chờ em đến ngày mai"… Thực tế, đã có nhiều phim "né" Tết gặt được quả ngọt. "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" của Ngô Thanh Vân lẽ ra được chiếu vào dịp Tết Nguyên Đán 2016.

Song hiểu được rủi ro, Ngô Thanh Vân quyết định phát hành "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" vào mùa hè 2016. Và dù vấp phải khó khăn với cụm rạp CGV, nhưng "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" vẫn đại thắng nhờ sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả. Kiên nhẫn chờ đến tháng 3-2016, "Bao giờ có yêu nhau" của Dustin Nguyễn cũng làm nên chuyện.

Nếu đúng kế hoạch, mùa Tết 2017 này phải xôm tụ trên 10 phim như trào lưu mọi năm. Hiện tượng phim Việt hạn chế ra rạp đầu năm, chỉ duy trì ở mức 5, 6 phim mới diễn ra từ mùa Tết năm ngoái. Đúng như nhận định của bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tết bây giờ không còn một mình phim Việt thống trị phòng vé mà đã có sự ganh đua khốc liệt của các đối thủ "bom tấn" ngoại quốc. Điện ảnh Hoa ngữ thường tung ra nhiều siêu phẩm đình đám vào dịp nghỉ ngơi dài nhất trong năm này, Hollywood cũng không làm ngơ.

Thêm nữa, nếu như chục năm trước, phim nội địa còn ít ỏi, lượng phim công chiếu trong năm nhỏ giọt thì phim Việt trở thành của hiếm, là món đặc sản ngon lành cho công chúng ngày đầu năm. Nhận thấy đây là thời điểm khán giả đến rạp nhiều nhất, các nhà sản xuất cũng nương theo đó mà ráo riết làm ăn. 

Thế mới có chuyện vô số phim hài nhảm, nội dung tào lao xịt bộp, quay ẩu tả kiểu "mỳ ăn liền", nhét đủ ngôi sao thập cẩm từ ca sĩ, hotboy, người mẫu đến lực sĩ, MC… dễ dàng hạ gục hầu bao của khán giả, trở thành ông vua phòng vé. 

Từ món hời này, cứ hễ Tết đến là nhà nhà đua nhau làm phim hài, có bị chê nhạt, nhảm cũng mặc kệ, làm sao để chi phí đầu tư ít tốn kém và thu hồi vốn, kiếm lời nhanh. Do đó, có đoàn làm phim đạt đến trình độ thượng thừa về độ quay siêu nhanh, siêu ẩu: Chỉ khoảng 10 ngày. Chất lượng trời ơi đất hỡi này thì làm sao đọ nổi với "bom tấn" được đầu tư "khủng" của Trung Quốc và Hollywood đang ngày càng rộng cửa vào thị trường điện ảnh nước ta.

Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây phim Việt không ngừng nở nồi. Số lượng phim tăng theo từng năm (trung bình hơn 40 phim/năm), đi theo đó là chất lượng ngày càng được nâng cao, khâu phát hành, PR mạnh mẽ. Có tuần, hai phim ra rạp cùng lúc. Mới đây nhất là sự đụng độ của nhà phát hành Galaxy với "Cho em gần anh thêm chút nữa" (đạo diễn Văn Công Viễn) và CGV với "Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ" (đạo diễn Việt Anh). Hai phim đều ra mắt báo giới ngày 30-11. Số lượng phim nhiều nên việc các nhà sản xuất không dại gì dồn vào một thời điểm mà rải đều trong năm để dễ bề cạnh tranh. Và nghịch lý thay, thời điểm dễ "chết" nhất bây giờ lại là dịp Tết - khoảng thời gian phim Việt từng hốt bạc.

Một cảnh trong phim "Nàng tiên có năm nhà" của đạo diễn Trần Ngọc Giàu là phim Việt hiếm hoi góp mặt trong mâm cỗ Tết.

Lượng phim Việt ra mắt trong năm nhiều, chăm chút khá "ngon", phong phú thể loại từ hài, hành động đến tâm lý xã hội, kinh dị… thì phim Tết sẽ được công chúng trông chờ là món "đặc sản" hảo hạng. Vậy mà công thức: hài + ngôi sao + nội dung bình dân, dễ dãi vẫn được coi là công thức câu khách hàng đầu. Phim Tết năm nào cũng có nội dung na ná nhau. Những gương mặt như Hoài Linh, Trường Giang, Việt Hương, Trấn Thành… được "xài" đi "xài" lại hoài trong các phim hài, đặc biệt sự xuất hiện dày đặc của họ trên các chương trình truyền hình khiến khán giả ngán ngẩm.

Dịp Tết 2016 vừa rồi là minh chứng sinh động nhất. "Tía tui là cao thủ" có motip na ná "Quý tử bất đắc dĩ", "Năm sau con lại về"… trong khi chất lượng lại không bằng dù phim nào cũng nắm con "át chủ bài" Hoài Linh. "Yêu là phải xài chiêu" là phim hài và hướng tới đối tượng bình dân nhưng kịch bản non tay không được mấy khán giả mặn mà. "Lộc Phát" do Galaxy phát hành thất bại thảm hại bởi cái tên của đạo diễn Lê Bảo Trung từng bảo chứng cho vô số thảm họa điện ảnh như "Biết chết liền", "Bảo mẫu siêu quậy"…

Những bộ phim dở tệ này làm vạ lây cả phim nội được đầu tư bài bản, chất lượng tốt nhưng chọn phải dịp Tết để phát hành. Chẳng hạn như năm ngoái, "Siêu trộm" được đánh giá là phim có ý tưởng mới mẻ, khai thác thể loại trộm cắp công nghệ cao nhưng cuối cùng phim thảm bại với doanh thu 15 tỷ đồng cả mùa Tết. 

Một nguyên nhân khác khiến "Siêu trộm" thất thu còn do sự chèn ép, làm khó của các cụm rạp đối thủ. Đứa con cưng của đạo diễn Hàm Trần chỉ có thể chiếu ở cụm rạp "mẹ đẻ" BHD. Riêng ở các cụm rạp khác, phim chỉ được chiếu rải rác và nhanh chóng ra rìa. Rõ ràng, phim chen chân chiếu Tết gặp vô vàn khó khăn khi thương thảo với cụm rạp bởi có quá nhiều đối thủ chờ xếp lịch.

Tất nhiên, Tết là dịp sum vầy, vui chơi giải trí sau một năm làm việc vất vả nên dòng phim hài đầy ắp tiếng cười luôn là sự lựa chọn hàng đầu của khán giả. Nhà sản xuất ưu ái dòng phim này cũng là điều dễ hiểu. Nhưng phim hài Việt lại thường gắn thêm chữ "nhảm" phía sau khiến cho khán giả phát bực, tiếng cười trở nên nhạt thếch. Điện ảnh Trung Quốc cũng chuộng phim hài dịp Tết, phim Mỹ không ngoại lệ. 

Nhưng họ có nguồn kịch bản, đội ngũ diễn viên, đạo diễn và kỹ xảo vô cùng chắc tay, tạo nên những thước phim mãn nhãn, tiếng cười sâu sắc, sảng khoái đáng đồng tiền bát gạo. Năm ngoái, phim nội lu mờ trước bom tấn "Mỹ nhân ngư" của Châu Tinh Trì. Phim thu về 44 tỷ đồng chỉ sau năm ngày công chiếu. "Deadpool" cũng rất đáng nể khi thu 40 tỷ sau ba ngày. "Tây du ký 2: Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh" có được 24 tỷ đồng sau đúng một tuần. Mùa Tết Nguyên Đán 2017, 6 phim Việt phải "so găng" với các đối thủ đình đám như: Siêu phẩm hành động "xXx: Return of Xander Cage" của Vin Diesel cùng Chân Tử Đan, "Resident Evil", phim hài hành động "Kungfu Yoga" của Thành Long; "Tây Du hàng ma" của Châu Tinh Trì và Từ Khắc.

Hiện tượng phim Việt không còn ùn ùn đổ xô vào dịp Tết phần nào là một tín hiệu tích cực. Điều đó chứng tỏ rằng điện ảnh trong nước đã bớt dần kiểu ăn xổi ở thì, no dồn đói góp. Nhưng trước thực trạng phim Việt chiếu Tết không cạnh tranh nổi, đành quay lưng và dâng thị phần "vàng" cho đối thủ ngoại cũng là mối lo. Bởi gì thì gì, "né" Tết chỉ là giải pháp tạm thời. Trong cuộc cạnh tranh công bằng ở thời điểm hút khách như Tết, rõ ràng phim Việt đang thể hiện thực lực yếu kém bởi cách làm phim hời hợt, thiếu đột phá, sáng tạo …

Phan Thi Uyên
.
.