Trước thềm Liên hoan phim Cannes 2017:

Phim Hollywood bị loại khỏi vòng tranh đấu

Thứ Hai, 24/04/2017, 08:53
Năm 2017 là năm đánh dấu mốc lần thứ 70 Liên hoan phim Cannes – một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất hành tinh – được tổ chức. Dự kiến chuỗi hoạt động trình chiếu và trao giải cho các tác phẩm sẽ diễn ra từ ngày 17 đến ngày 28/5. 


Năm nay, Ban tổ chức Liên hoan phim Cannes 2017 quyết định chọn Pedro Almodóvar, đạo diễn lừng danh người Tây Ban Nha, làm người đứng đầu Ban giám khảo và huyền thoại điện ảnh người Italia Monica Bellucci làm người chủ trì buổi lễ khai mạc cũng như bế mạc của sự kiện. Claudi Carnale, cũng là một cựu minh tinh người Italia được chọn làm biểu tượng của Liên hoan phim Cannes lần thứ 70.

Việt Nam có 3 tác phẩm tham gia Liên hoan phim Cannes 2017

Vào ngày 13/4 vừa qua, Ban tổ chức Liên hoan phim Cannes lần thứ 70 đã công bố danh sách chính thức 49 bộ phim được chọn từ tổng số 1.930 tác phẩm tham gia dự thi. Trong đó, 18 phim sẽ trở thành ứng cử viên tranh giải Cành Cọ Vàng, 15 phim thuộc mục Nhãn quang độc đáo (Un Certain Regard), 1 phim mở màn, 3 phim không tranh giải (Out of Competition), 3 phim chiếu nửa đêm (Midnight Screenings) và 11 phim thuộc buổi chiếu đặc biệt (Special Screenings).

Ở hạng mục Cinéfondation LAtelier – một trong những hạng mục chính của Liên hoan phim Cannes – có 16 tác phẩm tham gia tranh giải bao gồm cả 2 dự án điện ảnh của Việt Nam, “Vị” (Taste) và “Culi không bao giờ khóc” (Culi Never Cries).

Đạo diễn phim “Culi không bao giờ khóc” Phạm Ngọc Lân.

“Culi không bao giờ khóc” là dự án phim dài đầu tay của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân kể về một phụ nữ châu Á trung niên trong chuyến hành trình giữa hai thế giới hoàn toàn khác biệt, cô đưa tro cốt của người chồng Tây về nơi quê nhà của anh.“Vị” (Taste) - phim ngắn của đạo diễn trẻ Lê Bảo, sau đã được phát triển thành dự án phim dài để phù hợp với các tiêu chí của Liên hoan phim Cannes - đã từng đoạt giải “Dự án triển vọng nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Singapore 2016.

Nội dung câu chuyện xoay quanh một cầu thủ bóng đá người Nigeria và cuộc sống vất vả mưu sinh của anh ở TP Hồ Chí Minh với hy vọng một ngày nào đó sẽ tích cóp được một khoản tiền để trở về đoàn tụ với gia đình.

Ngoài ra, phim “Vợ ba” (The Third Wife) của nữ đạo diễn trẻ người Việt - Nguyễn Phương Anh - cũng được chiếu giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes. Ngay từ Liên hoan phim Cannes 2016, Nguyễn Phương Anh đã rơi vào tầm ngắm của giới điện ảnh ở Cannes, khi cô là cái tên nổi bật được nhắc đến trong một bài viết đăng tải trên tờ tạp chí điện ảnh Hollywood Reporter (Mỹ).

Hạng mục Cinefondation lần đầu được đưa vào khuôn khổ các sự kiện chính diễn ra tại Cannes hồi năm 1995 và được lập ra để hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo điện ảnh trên khắp thế giới. Đến với LAtelier, các nhà làm phim trẻ tiềm năng sẽ có cơ hội gặp gỡ các nhà sản xuất lớn và các nhà đầu tư uy tín.

Theo Variety, một dự án được lựa chọn vào LAtelier đồng nghĩa với việc dự án đó có cơ hội cao được tài trợ và được tham dự vào các Liên hoan phim quốc tế sau này. Kể từ năm 2005 đến nay, 145 trên tổng số 186 dự án tham gia chương trình này đã được hoàn thành và 14 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị. Có thể thấy, việc “Vị” và “Culi không bao giờ khóc” được lựa chọn tranh giải ở hạng mục Cinéfondation LAtelier hứa hẹn tương lai rộng mở cho dòng phim Việt Nam.

Liên hoan phim Cannes và màu sắc chính trị

Năm nay, không có tác phẩm nào của Hollywood xuất hiện trên trường đua giành giải Cành Cọ Vàng, thay vào đó là sự góp mặt của các phim châu Âu và châu Á. Chính trị Pháp, chính sách đón nhận người tị nạn của châu Âu, vấn nạn nhập cư cùng chống biến đổi khí hậu là những chủ đề nổi bật được các nhà làm phim tập trung khai thác trong các tác phẩm tham dự Liên hoan phim Cannes lần thứ 70.

Phát biểu trong cuộc họp báo công bố danh sách 18 ứng cử viên chính thức cho giải Cành Cọ Vàng, ông Pierre Lescure, Chủ tịch Festival tuyên bố hy vọng “liên hoan lần này là dịp để mọi người chỉ chú ý đến điện ảnh, nhưng điện ảnh luôn phản ánh thời cuộc (…) mà ở thời điểm này thì người ta nói nhiều về chính trị và những đề tài lớn”.

“Happy End” của đạo diễn đã hai lần đoạt giải Cành Cọ Vàng Michael Haneke và “Jupiters Moon” của đạo diễn người Hungary Kornel Mandrucszo là hai tác phẩm tranh giải nói về đề tài người tị nạn. Với sự có mặt của nữ minh tinh gạo cội Isabelle Hupert và diễn viên Jean-Louis Trintignant cùng với tài năng của Michael Haneke, “Happy End” được giới chuyên môn đánh giá sẽ là một đối thủ nặng ký trên trường đua Cành Cọ Vàng năm nay.

Ngoài ra còn có tác phẩm “Out” của đạo diễn Slovakia Gyorgy Kristof được chọn vào hạng Un Certain Regard (Nhãn quang độc đáo) và dự án không tranh giải của nữ đạo diễn người Anh Vanessa Redgrave “Sea Sorrow” cũng khai thác về hoàn cảnh khốn khó của những người bỏ xứ ra đi.

Một trong bốn bộ phim Pháp tham gia tranh giải Cành Cọ Vàng năm nay, “120 Battements par Minutes” nói về chế độ điều trị của những người nhiễm HIV cũng là một đề tài gây chú ý trong liên hoan năm nay. Đặc biệt hơn, để chào mừng Liên hoan phim Cannes tròn 70 tuổi, Ban tổ chức đã mời nhà làm phim người Mexico Alejandro Gonzalez thực hiện bộ phim ngắn 6 phút 30 “Carne y arena” (Cát và xác thịt) sử dụng hoàn toàn kỹ thuật thực tế ảo “Virtual Reality” để thực hiện. Khán giả sẽ được xem phim bằng một cặp kính đặc biệt mà không cần tới các rạp chiếu phim truyền thống như trước đây.

Poster Liên hoan phim Cannes 2017 với hình ảnh của cựu minh tinh Italia Claudia Carnale (Nguồn: Refinery 29).

Đường đua của các đạo diễn gạo cội

Điểm qua danh sách các tác phẩm tham dự Liên hoan phim năm nay, hiếm diễn viên nào có được vinh dự như nàng thơ Nicole Kidman khi sở hữu tới bốn bộ phim góp mặt tại sự kiện lớn này. Trong đó, có hai phim tham gia vào đường đua chính thức, một phim thuộc hạng mục không tranh giải và một phim nằm trong danh sách các suất chiếu đặc biệt.

Hai ứng cử viên tranh giải là “The Killing of a Sacred Deer” của đạo diễn người Hi Lạp Yorgos Lanthimos và “The Beguiled” của nữ đạo diễn Sofia Coppola. “The Killing of a Sacred Deer” là bộ phim đánh dấu sự trở lại của Yorgos Lanthimos sau thành công của “The Lobster” (2015), tác phẩm được khen ngợi hết lời tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 68. Với tác phẩm lần này, Yorgos lấy cảm hứng từ vở bi kịch Hi Lạp cổ đại, xoay quanh cuộc đời của một bác sĩ phẫu thuật tài năng, Nicole Kidman sẽ vào vai người vợ của vị bác sĩ này.

Nữ đạo diễn Sofia Coppola cũng trở lại với Cannes sau nhiều năm vắng bóng với tác phẩm “The Beguiled”, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của Thomas Cullinan. Cô là gương mặt không còn xa lạ gì với Liên hoan phim Cannes qua “Marie Antoinette” (2006), “The Bling Ring” (2013) gây tranh cãi trước đó.

Quay trở lại với liên hoan lần này, Sofia khai thác những xung đột tình ái xảy ra trong một ngôi trường nội trú nữ trong bối cảnh nội chiến Mỹ. Ngoài Nicole Kidman thủ vai hiệu trưởng của ngôi trường, bộ phim còn có sự góp mặt của các người đẹp trẻ tuổi như Elle Fanning, Kristen Dunst.

Các tác phẩm đến từ châu Á cũng chiếm số lượng đáng kể trên đường đua giành giải Cành Cọ Vàng năm nay. Đại diện cho Nhật Bản là “Radiance” của đạo diễn Naomi Kawase. Naomi Kawase là nữ chủ nhân của giải Máy Quay Vàng (Caméra D'or) năm 1997.

Đồng thời, sản phẩm điện ảnh thứ tư của cô, “The Mourning Forest”, đã thắng Giải Thưởng Lớn (Grand Prix) năm 2007 và đây cũng là đại diện nước Nhật khá quen mặt tại Cannes khi ba tác phẩm khác của cô đều từng được giới thiệu tới giới chuyên môn thông qua liên hoan này.

Trong khi đó, phim “Before We Vanish” do Kiyoshi Kurosawa sản xuất sẽ tham gia tranh giải bên nhánh Un Certain Regard. Đây là lần thứ hai tác phẩm của Kurosawa xuất hiện tại đề mục này, bộ phim trước đó của ông là “Journey To The Shore” đã đem về Giải Đạo diễn xuất sắc nhất (Best Director) năm 2015.

Về phía Hàn Quốc, tác phẩm được chọn vào danh sách tranh giải chính thức là bộ phim khoa học viễn tưởng của đạo diễn nổi tiếng Bong Joon Ho - “Okja”. Dự án điện ảnh được đầu tư 50 triệu USD bởi dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix (Mỹ) là sản phẩm hợp tác giữa ba hãng phim Hollywood là Plan B, Lewis Pictures và Kate Street Picture. Do chính tay đạo diễn Bong Joon Ho và Jon Ronson chắp bút, “Okja” xoay quanh tình bạn của sinh vật viễn tưởng cùng tên, Okja, với cô bé Mi Ja (Ahn Seo Hyun).

Một công ty đa quốc gia đã phát hiện ra Okja và muốn bắt sinh vật to lớn nhưng lương thiện này về làm thí nghiệm, cô gái nhỏ Mi Ja đã bất chấp tất cả để ngăn chặn chuyện này. “Okja”quy tụ các ngôi sao từ Âu, Mỹ đến Á như Tilda Swinton (“Doctor stranger”), Jake Gyllenhaal (“Life”), Paul Dano (“12 years a slave”), Ahn Seo Hyun (“The Housemaid”), Steven Yeun (“The walking dead”), Choi Woo Shik (“Train to Busan”)…

Màn ảnh nhỏ Hàn Quốc năm qua đã chào đón sự ra đời của nhiều bộ phim bom tấn nhưng đều chưa chạm tay tới giải thưởng danh giá của Liên hoan phim Cannes. Vậy nên một tác phẩm tranh giải và ba tác phẩm được trình chiếu được kỳ vọng sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn.

Giải Cành Cọ Vàng năm nay hứa hẹn sẽ thực sự là cuộc đua cực kỳ gay cấn với sự góp mặt của nhiều tên tuổi đạo diễn lừng danh đến từ khắp nơi trên thế giới như Tood Haynes, Michael Haneke, Fatih Akin, Naomi Kawase, Bong Joon Ho, Hong Sang Soo...

Dương Thục Anh (tổng hợp)
.
.