Những hạt bụi không vỡ

Thứ Hai, 31/08/2020, 15:22
Tôi từng viết tặng nhà thơ Hoàng Vũ Thuật bài “Bông phượng đỏ của anh”, trong đó có những câu như vậy: “sống trong nhân hình tưởng như niêm yết mọi khổ đau trần tục/ anh phá vỡ lớp vỏ sần sùi của thời gian/ cựa mình ma sát với lớp nhựa cây hấp hối những giọt cuối cùng/ vẫn xao xuyến và rung động/ vũ trụ chứa bao nhiêu ngôi sao bí mật/ anh muốn chinh phục hết bằng những đêm khuya”.


Đọc những bài thơ gần đây của anh, tôi nghiệm ra tác giả đã “cựa” mình hơn những gì tôi có thể phản ánh. “Giọt máu”, “Bụi quý”, “Ngọn nến sắp tắt” là ba bài thơ mới, đó chính là những “hạt bụi không vỡ”, ẩn chứa nhiều trăn trở nhưng cũng đầy sức sống, minh chứng cho lời tự thú “nở đến kiệt cùng dòng máu thiên di” của tác giả.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (thứ 2, trái sang) và bạn văn tại Tọa đàm về tập thơ “Một mai gió chở tôi về” tại TP Hồ Chí Minh, năm 2019.

Thực ra, hình ảnh về cái chết hay sự xa lìa không còn xa lạ trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Với những tập thơ đã in của ông, bóng dáng của cát, tóc hoàng hôn, bụi thời gian đã được tác giả viết nhiều và hình ảnh nào cũng gợi được sự mới lạ. Nhìn chung ở những bài thơ đó luôn thấp thoáng sự thâm trầm, mang dáng buồn, tuyệt vọng: “có thể em vốc lên/ nhưng đó chỉ là cát/ nước mắt rơi từng dòng/ trong lòng tay em những tinh cầu đang bay/ những tinh cầu cát” (Cát). Nhưng đến với ba bài thơ mới nhất của ông, sự hồi sinh chợt đến, vừng ánh sáng tỏa ra những khát vọng vừa cháy bỏng, mãnh liệt vừa tươi mới, tinh khôi, “trinh khiết”.

“Bụi quý”, “Giọt máu”, “Ngọn nến sắp tắt” là những bài thơ tiếp tục phản ánh những niềm trăn trở riêng tư đối với sự sống, lấp lánh sự kết thúc nhưng trong tâm thế chủ động trước những mong manh đời người.

Trong bài thơ “Bụi quý”, tác giả đã mở lời trực tiếp để đối diện với nỗi đau, đồng thời nhanh chóng an ủi, cân bằng, cảm hóa nỗi đau đó trước sự ra đi của một “bé thơ láng giềng”:

Ta có mặt
để hỏi những câu về cội nguồn của bé thơ láng giềng
nhưng hãy quên đi
ít nhất lúc này
biết đâu hạt bụi lớn hơn điều ta nghĩ
”.

Đại từ “Ta” giúp mở rộng tiếng nói của chủ thể trữ tình. Ta không chỉ là “ tôi”, “ta” là “tôi” cộng thêm mọi người, những người đang sống và đau đớn, “để hỏi những câu về cội nguồn của bé thơ láng giềng”. Có những sự kiếm tìm đâu đó, xót xa và nhức nhối trong sự ra đi của một đứa trẻ, khiến câu thơ trở nên chân thực, gần với đời sống. Những câu thơ mở đầu đã gửi một bức thông điệp nhân văn, nhiều hi vọng, niềm tin tới người ở lại, để cuộc sống nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn.

Khi khép lại bài thơ “Bụi quý”, tác giả viết:

có thể hiểu vệt phù vân nghìn năm trên núi
chưa bằng loài phù vân trong cõi người ta
”.

Sau những dòng cảm xúc, suy tư chảy suốt dọc bài thơ, ở phần kết Hoàng Vũ Thuật đã gửi gắm một ý niệm về kiếp sống của hai cõi đang tồn tại trong nhân gian. Với hai dòng tách đôi nhưng là một câu thơ, tái hiện trong ta những suy nghĩ sâu sắc về kiếp người trần tục và kiếp thiền tu cõi Thánh thần Phật tử, “vệt phù vân nghìn năm trên núi” và “phù vân trong cõi người ta”. Tuy nhiên, để đến được “vệt phù vân trên núi” kiếp người đã phải đi qua “nghìn năm” đau khổ. Giới hạn đó là “niết bàn” mà “cõi người” luôn mong cầu để chạm tới sự An Nhiên đúng nghĩa.

Ở bài thơ “Giọt máu” cũng vậy, hiện thực của chiến tranh lần nữa xuất hiện trở lại trên trang thơ đương đại đầy ám ảnh:

Trong cuốn từ điển đã rách
có một dòng chữ miêu tả những cuộc tàn phá chiến tranh
lâu rồi anh vẫn nhớ
giọt máu cuối cùng được nhặt lên
dù chỉ là mong ước.

Hay là:

cuộc đời kết nối sau khói súng ngổn ngang những bãi tha ma
người ta đem xuống hố chôn như chôn bao xác chết.

Ở trong chiến tranh, giữa “những cuộc tàn phá”, “khói súng ngổn ngang những bãi tha ma” không thể tránh khỏi nỗi xót xa trước cái chết của đồng đội và của cả chính mình. Những người lính áo xanh, những người bạn ở tiền tuyến đã nằm lại đó, ở quá khứ đó, nhưng không dứt. Họ là những “giọt-máu-đỏ” trong kí ức những người đi được qua chiến tranh mà hiện vẫn còn được sống và cống hiến. Bóng của quá khứ luôn đổ về hiện thực, để nhớ, thương. Và đôi khi Anh của hôm nay bỗng “giật mình, đột ngột” trước Anh của quá khứ. “Ngửa mặt lên nhìn mặt /có cái gì rưng rưng/ như là đồng là bể/ như là sông là rừng” (Nguyễn Duy).

Dòng chảy riêng tư đối với sự mong manh kiếp người còn xuất hiện ở trong bài thơ “Ngọn nến sắp tắt”. Ngay ở nhan đề bài thơ đã chủ động “lộ” sự ra đi với tình thái từ “sắp” và buộc độc giả rơi vào những hoài nghi. Liệu “sắp tắt”, và “sẽ tắt như thế nào”? Những câu hỏi đặt ra, để kiếm tìm, để ngẫm ngợi, để định hướng người đọc đi tìm kiếm, giải mã bài thơ. 

Mặt khác, ở nhan đề còn gợi trong tâm trí ta chân dung một người đàn ông tóc bạc tuổi thất thập cổ lai hi, đã từng chìm dài và sâu trong cõi cô đơn: “và tôi nữa/ thừa ra không đáng có/ qua nẻo đường hàng cây yên ắng/... hình như mình/ già nua/ hình như mình cũ kĩ” (Bài thơ về năm tháng). Đó là sự tự nhận thức về chính mình. Sự nhận thức ấy càng về sau càng lấp lánh những niềm vui, hân hoan, và ánh sáng: “cuộc đời này chẳng qua là ngọn nến/ tắt rồi vẫn đỏ”. Và cuối cùng cũng mãn nguyện rằng: Còn Tình-Yêu-cứu-rỗi- mọi-điều.

“Bụi quý”, “Giọt máu”, “Ngọn nến sắp tắt” là những bài thơ hồi sinh. Đó là những “hạt bụi không vỡ”, những “gương mặt vừa thức”. Trong bài thơ “Ngọn nến sắp tắt” :

Hãy ôm thật chặt trước khi anh biến mất
như anh ôm em

...

hãy ôm thật chặt
dòng ánh sáng của thiên thần
sẽ lớn trong vòng tay.

Từ “hãy” được nhắc tới 2 lần trong bài, lần nào cũng mãnh liệt hết thảy! Anh quyết liệt hơn bao giờ hết, thậm chí câu thơ còn mang tính chất “yêu cầu”, giục giã, vội vàng em “Hãy ôm thật chặt trước khi anh biến mất”, nếu không sẽ “tắt” hối hận, nuối tiếc. Những thiết tha khát khao không chỉ dừng lại ở “hãy ôm” mà mở rộng hơn “hãy yêu” – hãy yêu anh như anh yêu em! Và nếu như mở đầu có chủ thể “anh” cụ thể rõ ràng thì càng về sau tính siêu thực, ánh sáng màu nhiệm lại mở ra, nâng tâm hồn con người hướng về cái đẹp, thánh thiện của tình yêu.

mặt đất tan thành biển cả
anh sẽ mọc vi bơi như ngôi sao đêm
nếu em tan thành bầu trời anh hóa loài chim.

“Ngọn nến sắp tắt” là bài thơ viết về tình yêu nhưng không từ trái tim mãnh liệt của tuổi trẻ. Ở bài thơ này, tác giả viết trong sự nhức nhối, khát khao của một thân phận đã ở ngưỡng chiều muộn. Hoàng Vũ Thuật không từ chối hiện thực nhưng đã lựa chọn một cuộc sống khác, đổi mới mình, hồi sinh mình với sự chân thành và tận tụy. Ông muốn được sống thêm lần nữa với đời, với tuổi trẻ. Ở đó không phải tuổi trẻ đã đi qua, mà với tuổi trẻ hiện thời đang tồn tại xung quanh anh. Anh thừa nhận phép màu của tình yêu, khiến cho “ngọn nến sắp tắt” được sáng thêm một lần nữa, lung linh, nóng rẫy: “tắt rồi vẫn đỏ”.

Tinh thần đó còn được thể hiện trong bài thơ “Bụi quý” với những câu thơ vượt biên:

ta chào mi dù ta chẳng thấy
mi chẳng cần giới hạn
không ai giam cầm phân định ngôi thứ hay vương quốc xa gần
trong lời của thánh thần trên ngai vàng vua chúa.

Với ông, không có lý do gì để khước từ những khoảnh khắc quý giá của cuộc sống. Bất cứ quãng đời nào, thân phận nào cũng có quyền được hưởng tự do: “mi chẳng cần giới hạn”. Không ai được phép đặt biên giới trong tâm hồn của một kiếp người. Đời sống đã hữu hạn, tại sao không yêu cho nồng nàn?

“Bụi quý”, “Giọt máu”, “Ngọn nến sắp tắt” là ba bài thơ chung một mạch nguồn trong đặc điểm sáng tác của Hoàng Vũ Thuật. Đó là những trang viết giàu tính triết lí chiêm nghiệm, khởi sự từ hiện thực để phát triển thế giới siêu thực. Với những hình ảnh so sánh sâu sắc, ẩn chứa vị đằm của thời gian: “Hãy ôm thật chặt trước khi anh biến mất/ như anh ôm em”, (Ngọn nến sắp tắt), “hạt bụi không vỡ/ chúng lang thang như đóa bồ công anh qua các ngọn đồi” (Bụi quý), chiếc lá như đôi môi trái đất (Giọt máu)…; giọng thơ thâm trầm khiến người đọc dễ tiếp cận được hồn thơ bằng tri, cảm giác.

Tuy vậy, để hiểu tận cùng những bài thơ ông viết chúng ta cần thời gian để lắng mình xuống suy nghĩ và chiêm nghiệm. Hoàng Vũ Thuật luôn gửi một “Cây xanh ngoài lời” trong những trang viết của ông. Đó là lí do vì sao thơ ông không là “đất chết” của dĩ vãng.

Trong cuốn sách “Thơ Việt Nam hiện đại” Thi luận và Chân dung, Hồ Thế Hà đã từng viết rằng: “Cần khẳng định những đóng góp mới của những nhà thơ lớp trước muốn thanh tân thơ mình khi ứng dụng và thể nghiệm những khuynh hướng thơ ca mới từ các lý thuyết văn học nước ngoài cũng trên cái nền văn hóa và ngôn ngữ Việt. Đó là trường hợp Chế Lan Viên, Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Hoàng Vũ Thuật...

Đây là những nhà thơ đóng vai trò chủ (role dominante) trong việc luôn làm mới thi ca cùng các thế hệ trẻ”. Là nhà thơ, đồng thời là nhà phê bình văn học ông luôn ý thức tìm kiếm và định vị mình ở những sự mới mẻ, không chấp nhận những điều quen thuộc cũ kĩ. Soi chiếu vào ba bài thơ “Bụi quý”, “Giọt máu”, “Ngọn nến sắp tắt” có màu sắc mới của chủ nghĩa tiền hiện đại (bởi gắn với thơ lãng mạn kết nối hiện thực). Tuy nhiên, điểm sáng, trội lên vẫn là chủ nghĩa hiện đại (tính tượng trưng siêu thực) rõ nét, đậm đặc.

“Bụi quý”, “Giọt máu”, “Ngọn nến sắp tắt” là sự hồi sinh trong hồn thơ Hoàng Vũ Thuật. Giữa hiệp cuối của cuộc đời, với “hai vai gồ ghề xấu hổ” tôi tin, Anh đã đang từng đêm đặt tay lên tim mình và nhắn nhủ:

“này trái tim đập nhẹ thôi nhưng không được im lặng đâu nhé
ngôn ngữ của người sáng hơn mọi thứ trên đời
ngày của chúng ta đang tới...”

(Ngày của chúng ta)

(Phố Akademika Volgina, Mat-xcơ-va, tháng 6/2020)

Hương Giang
.
.