Đôi điều quanh một câu thơ

Thứ Năm, 23/07/2020, 13:01
Viên Mai (1716-1797), quê ở Hàng Châu, Triết Giang, Trung Quốc, đỗ tiến sĩ và làm quan thời nhà Thanh. Sau một thời gian, ông cáo quan về sống ở quê nhà, làm thơ, viết sách lý luận văn học. Ông là nhà thơ tài năng, sáng tác của ông có ảnh hưởng lớn đến thơ ca Trung Quốc thời kỳ lịch sử cận đại …


Bài thơ “Vịnh Hoài” của Viên Mai có hai câu  rất nổi tiếng:

Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương

(Mỗi bữa những mong ghi sử sách
Lập thân hèn mạt ấy văn chương)

Các nhà nho Việt Nam ngày trước rất tâm đắc với hai câu thơ này. Lúc còn đi học, chưa dấn thân vào con đường cách mạng Phan Bội Châu thường đắc ý ngâm nga những câu thơ này.

Tựu trung có hai cách lý giải chủ yếu. Thứ nhất, để lập nên công danh sự nghiệp, thì trong đó hèn mạt nhất là dùng văn chương (viết văn, làm thơ) để có danh tiếng. 

Thứ hai, cách hiểu ít phổ biến hơn nhưng có lẽ đúng ý tác giả: Ở đời có những kẻ có học thức đã dùng ngòi bút của mình ca tụng, bợ đỡ kẻ có quyền để kiếm chức vụ, với mục đích vinh thân phì gia, thì cách dùng văn chương để lập thân đó là cách hèn mạt nhất. Viên Mai đã coi thường, mỉa mai loại người đó nhưng không hề xem thường công việc sáng tác văn học của những nhà văn chân chính. Vì nếu có tâm lý đó, Viên Mai sẽ chẳng bao giờ là một nhà thơ, chẳng để lại thơ văn lưu danh hậu thế.

Các nhà lý luận văn học thời kỳ hiện đại trên thế giới thường chia văn chương làm hai loại: “vị nghệ thuật” và “vị nhân sinh”. 

Vị nghệ thuật là sáng tác văn học nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình chứ không gắn liền gì với cuộc sống. Nhà văn thường ngồi trên “tháp ngà” bàng quan với những diễn biến của đời sống xã hội; sáng tác của họ chỉ là những thứ “ngâm hoa, vịnh nguyệt” trong lúc nhàn rỗi, trà dư tửu hậu. Tuy vậy, một số tác giả tài năng, tác phẩm vẫn có một giá trị nhất định là bồi dưỡng tâm hồn con người thêm phong phú, là một thú chơi tao nhã, sang trọng. Văn chương “vị nghệ thuật” cũng có ích nhưng chỉ là loại “phụ thêm”, không thể đóng vai trò chủ lực trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước.

Vị nhân sinh là những tác phẩm văn học gắn liền với thực tiễn đời sống, nhà văn dùng ngòi bút để phản ánh hiện thực xã hội đương thời. Tác phẩm văn học vị nhân sinh thường phản ánh thực tại, phê phán những mặt trái của xã hội; trăn trở tìm giải pháp giải quyết thực tại và tiên đoán, cảnh báo tương lai xã hội. Những tác phẩm văn học này phải mang một giá trị nghệ thuật cao thì mới tồn tại được lâu dài qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian. Nhà văn phải có tài năng thực sự.

Ở Việt Nam, qua các thời kỳ lịch sử, văn chương đã được dùng cho việc góp phần phục hưng, xây dựng đất nước. Một số danh nhân đã dùng văn chương để kinh bang tế thế như Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Trường Tộ…

Đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đã đặt ách thống trị lên đất nước Việt Nam, phong trào Cần Vương đấu tranh vũ trang đã thất bại trước đó; các trí thức Nho học tiến bộ đã chọn con đường đấu tranh mới là cải cách đất nước theo trào lưu văn minh của thế giới, tiêu biểu là phong trào Duy Tân ở miền Trung và trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội. 

Bên cạnh các hoạt động thực tiễn như tổ chức trường học, thành lập hiệu buôn, hợp tác xã sản xuất… các nhà trí thức Nho học đã tận dụng vai trò của văn chương trong việc tuyên truyền, cổ động người dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ tập tục lạc hậu, khuyến khích tinh thần học tập tri thức hiện đại, bồi dưỡng lòng yêu nước… 

Thơ văn thời kỳ này không chỉ có tác dụng về mặt thực tiễn mà còn có giá trị nghệ thuật đặc sắc do tài năng văn chương của một số trí thức Nho học, nổi danh có  Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Phan Lãng, Nguyễn Quyền...

Ở thập niên 30 của thế kỷ trước, những trí thức văn nghệ sĩ trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn ở Hà Nội đã chủ trương thực hiện một cuộc cách mạng văn hóa  - xã hội, đấu tranh xóa bỏ hủ tục phong kiến, đề cao quyền tự do cá nhân; cải cách như xóa nạn mù chữ, xây dựng nhà ở hợp vệ sinh… 

Văn chương là một công cụ hữu hiệu. Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống xã hội như “Đoạn Tuyệt” (Nhất Linh), “Nửa Chừng Xuân” (Khái Hưng), “Mười Điều Tâm Niệm”, “Con Đường Sáng”, “Bùn Lầy Nước Đọng” (Hoàng Đạo)… 

Bên cạnh có một bộ phận tác giả thuộc trào lưu văn học hiện thực, dùng văn chương phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, phản ánh sự khốn khổ của dân nghèo, lên án sự bất công của chế độ thực dân phong kiến như “Số Đỏ” (Vũ Trọng Phụng), “Bước Đường Cùng” (Nguyễn Công Hoan), “Tắt Đèn” (Ngô Tất Tố), “Bỉ Vỏ” (Nguyên Hồng)…

Trong trào lưu Ánh sáng ở Pháp ở thế kỷ XVIII, những nhà học giả, tư tưởng lớn thời bấy giờ đã dùng bút pháp văn chương điêu luyện của mình để chuyển tải tư tưởng, cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị. 

Đặc biệt là hai tác phẩm “Khế ước xã hội” của Jean-Jacques Rousseau và “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu, đóng vai trò mở đường, xây dựng nền tảng cho xã hội tư bản hiện đại về sau. 

Thế kỷ XIX, nhiều nhà văn hiện thực đã phê phán mạnh mẽ những tiêu cực của xã hội tư bản buổi đầu còn tồn tại nhiều khiếm khuyết, như các tác phẩm của Balzắc, Guy de Maupassant, Émile Zola …

Ở Mỹ, sau khi giành được độc lập và thành lập nhà nước tư sản non trẻ vào cuối thế kỷ XVIII, trong quá trình tiến đến dân chủ hóa với đầy rẫy bất cập, cản trở của những thế lực bảo thủ. 

Ở thế kỷ XIX, văn chương mà tiêu biểu nhất là tiểu thuyết văn học đã đóng vai trò quan trọng, phản ánh những khiếm khuyết của nền dân chủ non trẻ, những bức xúc của các tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội còn đầy rẫy bất công: sự bóc lột thái quá của tư sản đối với người làm thuê, nạn phân biệt chủng tộc gay gắt…. Những tác phẩm tiểu biểu thuộc về Mark Twain, Theodore, Upton Sinclair, Frank Norris, Harriet Beecher Stowe… 

Những cuốn tiểu thuyết phê phán xã hội của họ được gọi là “văn chương phơi bày”,  đã có sự tác động quan trọng trong việc kích thích tinh thần đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của người dân lao động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình hoạch định chính sách của các chính khách lãnh đạo quốc gia.

Từ năm 1911 Trung Quốc mới chuyển qua thể chế dân chủ tư sản nhưng vẫn mang đầy khuyết tật dân tộc, hệ quả của hàng nghìn năm dưới chính thể quân chủ chuyên chế. 

Những nhà văn tiến bộ đã dùng văn chương để chữa trị căn bệnh mà họ gọi là “dân tộc tính”, tiêu biểu nhất là đại văn hào Lỗ Tấn với hàng loạt tác phẩm văn học như “A.Q chính truyện”, “Nhật ký người điên”, “Cố hương”, “Khổng Ất Kỷ”… 

Với giọng văn sắc sảo, chua cay, Lỗ Tấn đã mổ xẻ, phê phán những nhược điểm, thói hư tật xấu của xã hội Trung Quốc đương thời. Ở Trung Quốc, nếu Tôn Trung Sơn là nhà cách mạng chính trị dân chủ thì Lỗ Tấn có thể được xem là nhà cách mạng văn hóa.

Sự thật văn chương giá trị có tác dụng rất lớn đến đời sống xã hội. Mỗi tác phẩm văn học lớn khi ra đời đã phản ánh được cả một thời đại lịch sử. Có thể nói, lịch sử là nền tảng giúp cho sáng tác văn học hình thành, và ngược lại văn học bổ sung cho lịch sử thêm phong phú.

Câu thơ “lập thân tối hạ thị văn chương” của Viên Mai không phải là xem thường vai trò của sáng tác văn học. Nhà thơ muốn nói rằng loại văn chương bỡ đợ kẻ cầm quyền với mục đích trục lợi của những kẻ kém nhân cách khoác áo trí thức, học giả là loại văn chương hạ cấp, rẻ mạt, chẳng có giá trị gì đối với nhân sinh hoặc nghệ thuật và nhanh chóng bị người đời lãng quên.

Cao Văn Thức
.
.