Những giọng ca tài tử đặc sắc

Thứ Ba, 14/11/2017, 08:32
Trải qua thời gian hơn một thế kỷ, nghệ thuật Đờn ca tài tử đã xuất hiện nhiều giọng ca đặc sắc. Trong số đó, người ta thường nhắc tới tên tuổi các nữ nghệ nhân như: NNƯT Thanh Tuyết, NNƯT Kim Thanh và Ngọc Đặng, với giọng ca giàu cảm xúc, đi vào lòng người ái mộ suốt mấy thập niên qua.


Nghệ nhân ưu tú Thanh Tuyết - giọng ca đậm chất Tài tử

Chị sinh năm 1969 trong một gia đình có truyền thống yêu thích nhạc Tài tử Nam Bộ tại đất Vĩnh Long, là vùng quê có di sản Đờn ca tài tử sớm phát sinh và phát triển. Ông nội của NNƯT Thanh Tuyết là một nghệ nhân có tiếng trong giới Nhạc lễ dân gian Nam Bộ, ba của chị là nghệ sĩ Nhật Quang, một nghệ sĩ thuộc hàng lão làng của sân khấu Cải lương miền Nam.

Những làn điệu trong nhạc mục Tài tử đã "ngấm" và "thấm" vào tâm hồn của Phạm Thị Tuyết (tên thật) ngay từ thuở còn ấu thơ. Thập niên 1980, khi NNƯT Thanh Tuyết chỉ mới 14, 15 tuổi, chị được ba ruột và các nghệ nhân bậc thầy như: NSƯT Vũy Chỗ, nhạc sư Hai Ngưu, NNƯT Tấn Nhì.v.v… truyền dạy nhạc Tài tử và bắt đầu dấn thân theo nghiệp.

Chất giọng cao vút, đầy "lửa", từng khẳng định dấu ấn riêng ở 20 bài bản Tổ của nhạc Tài tử Nam Bộ bao gồm các làn điệu: "Xàng xê", "Ngũ đối hạ", "Lưu thủy Trường", "Cổ bản", "Phú Lục", "Giang Nam".v.v…, NNƯT Thanh Tuyết đã đoạt nhiều giải thưởng, huy chương trong nhiều hội thi, liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ cấp khu vực và toàn quốc. NNƯT Thanh Tuyết đã tìm được lối đi riêng trong cách thể hiện các làn điệu, bài bản của nhạc Tài tử miền Nam.

Khi ca, không chỉ tròn đầy, mà chị còn biết rung, ngân, nhấn, vuốt, biết khoan, biết nhặt… Chị ca đúng trường canh, đúng chữ đờn (tức chữ nhạc), đúng giai điệu và luôn thả hồn mình theo từng điệu nhạc, câu ca. Trải qua năm tháng, giọng ca Tài tử của NNƯT Thanh Tuyết ngày càng sâu lắng, mượt mà hơn. Những năm gần đây, tình yêu tha thiết với bộ môn nghệ thuật độc đáo của vùng đất phương Nam, cùng với suy nghĩ làm sao để giữ nghề, truyền nghề cho thế hệ trẻ, NNƯT Thanh Tuyết bắt đầu đi truyền dạy nhạc Tài tử khắp nơi.

NNƯT Thanh Tuyết với học trò.

Là người may mắn được các nghệ nhân bậc thầy trực tiếp truyền thụ, chị đã dồn hết tâm huyết vào từng câu hát, từng điệu nhạc, từng kỹ thuật lấy hơi, buông câu, nhả chữ, nhịp nội, nhịp ngoại… để truyền thụ cho thế hệ kế thừa. Cho dù cuộc sống hiện nay có nhiều thay đổi, nhưng NNƯT Thanh Tuyết vẫn là một người con "trung thành" của nghệ thuật Đờn ca tài tử và âm nhạc cổ truyền Nam Bộ vẫn là tình yêu lớn đối với người nghệ nhân dễ mến này.      

Nghệ nhân ưu tú Kim Thanh - Giọng hát ngọt ngào

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Long An từng được mệnh danh là "chiếc nôi" của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Nguyễn Thị Thanh (tên thật của NNƯT Kim Thanh) đã thể hiện niềm đam mê cổ nhạc từ thuở thiếu thời. 14 tuổi, đang "thời ô mai", chị đã mê đắm cung oán cung thương của những bài bản thuộc hơi điệu Oán da diết não nùng của nhạc Tài tử Nam Bộ.

Thương cô học trò nhỏ sớm đa mang nghiệp cầm ca, các nghệ nhân bậc thầy ở Long An và danh cầm - NSƯT Ba Tu (TP. Hồ Chí Minh) đã dốc lòng truyền dạy. Nhờ công sức của các thầy, NNƯT Kim Thanh đã đạt đỉnh vinh quang trong các cuộc tranh tài về nhạc Tài tử ở quê hương Long An và những địa phương khác từ thập niên 90 của thế kỷ trước.

Đặc biệt là chiếc Huy chương bạc giải Bông lúa Vàng do Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 1995, cùng nhiều Huy chương vàng trong các cuộc Liên hoan Đờn ca Tài tử Nam Bộ ở địa phương, khu vực và quốc gia.

Thành công của cô gái sinh năm 1974, quê ở Lộc Giang - Đức Hòa - Long An,  ngoài giọng ca thiên phú, còn phải kể đến sự dày công tập luyện. NNƯT Kim Thanh luôn tâm niệm: muốn ca tốt, phải tập luyện nghiêm túc.

Một trong những nét tạo cho NNƯT Kim Thanh có chỗ đứng vững chắc trong lòng người ái mộ nhạc Tài tử - Cải lương chính là sự thể hiện chất giọng một cách tự nhiên, thả hồn vào từng câu ca, nốt nhạc, lột tả được hết những cung bậc tình cảm, tâm trạng nhân vật trong từng bài ca một cách trọn vẹn nhất. Nhờ vậy mà hiện nay, NNƯT Kim Thanh được nhạc giới Tài tử và người ái mộ công nhận là một trong những giọng ca "chủ lực" của nhạc Tài tử miền Nam.

Đã nổi danh, nhưng NNƯT Kim Thanh vẫn tự rèn luyện để xứng danh là một nghệ nhân nhạc Tài tử chính hiệu. Chị ca đúng theo phong cách Tài tử và là "thợ sắp nhịp". Tài sắp nhịp của chị thuộc hàng đẳng cấp vì khi ca, không chỉ giữ nhịp trường canh để về đúng song loan chánh, mà chị còn là bậc thầy của việc xử lý nhịp ngay trong lòng câu của các bản nhạc Tài tử. Khi NNƯT Kim Thanh cất giọng, người nghe có cảm giác yên tâm không sợ chị rớt nhịp. Ngày đội nắng, đêm dầm mưa, chị đến dự sinh hoạt đờn ca với các nghệ nhân - tài tử ở khắp nơi. Giọng ca truyền cảm, chất chứa nhiều tâm sự của NNƯT Kim Thanh đã và đang lan tỏa trên cánh đồng thơm ngát lúa Nàng Hương của quê hương Vàm Cỏ.

Nghệ nhân Ngọc Đặng - Chim Sơn ca của Tiền Giang

Nguyễn Thị Ngọc Đặng sinh trưởng trong gia đình có truyền thống đam mê cổ nhạc. Ông ngoại là nhạc sĩ Hoàng Bảy, cậu ruột là nhạc sĩ Hoàng Minh Thành đều là những tay đờn có tiếng trong giới chơi nhạc Tài tử - Cải lương ở địa phương (cả 2 đã mất); mẹ ruột là nghệ sĩ Ngọc Mai và chị gái là nghệ sĩ Ngọc Thảo từng là đào hát của nghệ thuật Cải lương.

Ngọc Đặng đã làm quen với những thang âm ngũ cung của nhạc cổ truyền miền Nam từ thuở 5, 6 tuổi. Năm 1995, cô bé Ngọc Đặng xin thọ giáo thầy đờn Phan Tuấn Huệ (tức NNƯT Đức Huệ) ở ấp Gò Me, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Sau đó, Ngọc Đặng may mắn được một số nghệ nhân, nghệ sĩ có tiếng trong nhạc giới Tài tử như: TS.Mai Mỹ Duyên, Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ, NSƯT Công Thành, NSƯT Tấn Đạt, NSƯT Ba Tu… hết lòng truyền dạy. Nhờ vậy mà khả năng tri thức chuyên môn bao gồm: kỹ thuật ca - ngâm, trường canh, cao độ, trình độ am hiểu thấu đáo về nguồn gốc, tính chất các bài bản, làn điệu trong nhạc mục Tài tử của cô gái xứ sở được mệnh danh là quê hương của nghệ thuật ca cầm ngày càng vững chắc. Kể từ đó, Ngọc Đặng bắt đầu tham gia thực hành nghệ thuật dân tộc cho đến ngày hôm nay.

Nguyễn Thị Ngọc Đặng thi diễn tại Festival DCTT quốc gia lần 2 - Bình Dương 2017.

Vóc dáng sáng sân khấu, giọng ca truyền cảm, phong cách diễn có chiều sâu, sở trường của Ngọc Đặng là chuyên thể hiện những bài ca có nội dung chất chứa nhiều tâm sự. Khi Ngọc Đặng ca, người nghe sẽ cảm nhận được cái thần mà tác giả đã gửi gắm vào đứa con tinh thần của mình.

Đặc biệt, Ngọc Đặng xử lý bài ca khá điêu luyện. Chị ca để diễn tả nội tâm của nhân vật trong bài hát chứ không phải khoe hơi, khoe giọng. Nhờ ưu điểm này mà hiện nay, Ngọc Đặng được đánh giá là một giọng ca đặc sắc thuộc thế hệ trẻ theo nghệ thuật truyền thống của vùng đất phương Nam.

Tuy nhỏ tuổi hơn rất nhiều so với hai đàn chị Thanh Tuyết và Kim Thanh, nhưng Ngọc Đặng đã gặt hái những thành tích đáng nể trong nghệ thuật ca cầm, với nhiều Huy chương vàng cấp khu vực và toàn quốc. Đặc biệt, Ngọc Đặng có một lượng công chúng hâm hộ đông đảo. Đi đến đâu, cô gái có gương mặt khả ái này đều nhận được những tình cảm trìu mến thân thương từ phía người ái mộ.

Đây là niềm khích lệ, là sự động viên, đã tiếp thêm nghị lực để nghệ nhân Ngọc Đặng gắn bó hơn nữa với âm nhạc cổ truyền của quê hương Nam Bộ. Với sự quyết tâm và niềm say mê nhạc Tài tử Nam Bộ, Ngọc Đặng đã không ngừng vươn lên để hát hay hơn và hằng năm người con gái xứ Gò Công (Tiền Giang) này đều giới thiệu đến công chúng nhiều bài bản, làn điệu của âm nhạc Tài tử, với chất giọng ngọt ngào, đậm đà phong cách "thính phòng" của di sản nghệ thuật vùng đất phương Nam.

Với tính chất mộc mạc, giản dị, chuyển tải cảm xúc của mọi người theo từng điệu nhạc, câu ca, từ lâu, nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã ăn sâu vào tâm thức của con dân nước Việt nói chung và vùng sông nước phương Nam nói riêng. Dẫu cho cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng cho đến hôm nay, nhạc Tài tử miền Nam vẫn được lưu truyền, phổ biến rộng rãi trong lòng bạn tri âm. Đó là nhờ công lao đóng góp của nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, trong đó có công lao cống hiến của NNƯT Thanh Tuyết, NNƯT Kim Thanh và Ngọc Đặng.

Phạm Thái Bình
.
.