Nhiếp ảnh trên mạng: Không chỉ là thú vui

Thứ Bảy, 19/03/2016, 08:00
Internet là môi trường thú vị dành cho các tay máy nghiệp dư thử sức. Không gian ảo tự do, cởi mở, kết nối nhanh nên được giới trẻ tán tụng như phương thức ưu việt để “vùng vẫy”.


Thoát khỏi kiểu “khổ lắm, thấy mãi”

Chỉ cần vào Google gõ cụm từ “học nhiếp ảnh” thì hàng ngàn trang web hướng dẫn từ văn bản, hình ảnh đến video clip thị phạm xuất hiện. Nếu có một chiếc máy ảnh số và một chiếc laptop, ai cũng có thể trở thành nhiếp ảnh gia hạng xoàng.

Không quá ngạc nhiên khi mạng xã hội, các diễn đàn trên Internet nở rộ thì nhiếp ảnh trên mạng cũng bùng nổ. Rất nhiều diễn đàn xuất hiện như: vnphoto, vuanhiepanh, yeunhiepanh... Chưa kể hàng trăm trang Facebook đội, nhóm, câu lạc bộ lẫn Facebook cá nhân về nhiếp ảnh. Không cần phải đến các khóa học tiêu tốn nhiều tiền, ở các trang này, họ sẽ được đàn anh chỉ dẫn từ A đến Z. Có người dạy bằng kinh nghiệm cá nhân, có người soạn hẳn giáo trình hay tìm kiếm giúp giáo trình từ các lớp học uy tín...

Hoạt động diễn ra trên diễn đàn, mạng xã hội rất xôm tụ, thu hút hàng ngàn thành viên. Cũng giống như văn chương hay các clip tự biên tự diễn trên mạng, người chơi ảnh tha hồ đăng tác phẩm của mình mà hiếm khi chịu sự kiểm duyệt gắt gao. Nó tạo điều kiện tối đa cho cá nhân sáng tạo.

Vnphoto là diễn đàn uy tín để các tay máy chuyên và không chuyên trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ tác phẩm.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Chí Hùng bảo rằng ông rất ngạc nhiên khi xem tác phẩm của các bạn trẻ lan truyền trên Facebook, Twister, Instagram... Nhiều tác phẩm có góc ảnh phá vỡ mọi nguyên tắc về bố cục, màu sắc, đường nét... Nó tạo cho người xem những góc ảnh lạ lẫm tràn ngập cảm xúc. Có thể chưa nói về độ độc đáo, hay ho về ý tưởng nhưng riêng cách nhìn mới mẻ đã là một điều rất đáng khuyến khích.

Điều này khiến nhiếp ảnh chuyên nghiệp phải nhìn lại hiện trạng của mình. Lâu nay, trong các cuộc thi ảnh, nếu một tác phẩm đoạt giải cao mùa này thì năm sau y như rằng sẽ có vô số tác phẩm có hình thức, nội dung na ná tác phẩm đó. “Biết rồi, thấy mãi” trở thành hiện trạng nhức nhối của làng nhiếp ảnh. Nó khiến tư duy bị sáo mòn.

Một tay máy nước ngoài từng nhận xét ảnh của nghệ sĩ Việt Nam còn nặng tư duy hình thức. Mà minh chứng cụ thể nhất là tính ưa sắp đặt. Nếu chụp về Tây Nguyên thể nào cũng phải có cảnh người dân áo thổ cẩm tươm tất đang lao động sản xuất trên nương trên rẫy. Người ta nhìn vào đã thấy giả vì không ai làm việc nặng nhọc, tay chân lấm lem lại mặc đồ đẹp đẽ như vậy.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thừa nhận, về tư duy nội dung, tính nhân văn trong tác phẩm nhiếp ảnh của bạn bè quốc tế rất mạnh, hình ảnh con người được khai thác sâu sắc. Đây cũng chính là điểm hạn chế của nhiếp ảnh Việt Nam.

Khác với cách truyền thống, người chơi ảnh trên mạng luôn nhận được phản hồi, bình luận trực tiếp của người khác để dần tiến bộ. Môi trường tự do, thoải mái bởi tất cả đều dùng nickname nên chẳng ai biết mặt nhau và rất bình đẳng. Đây là cách người ta tự dò sức mình hay đơn giản là tự thỏa lòng đam mê.

Nếu các cuộc triển lãm chính thống tại các nhà bảo tàng, nhà triển lãm... không phải của những tên tuổi nổi tiếng thì họa hoằn lắm mới có người xem. Riêng trên diễn đàn, mạng xã hội, người xem luôn thường trực và tốc độ truyền tải các ảnh nhanh chóng. Ưu điểm nổi bật của hoạt động nhiếp ảnh trên mạng là lực lượng chơi ảnh rất đam mê. Có người còn tự trang bị các phương tiện, thiết bị chụp ảnh thuộc loại “khủng”, đắt đỏ.

Từ các diễn đàn bước ra đời thực, họ thành lập những câu lạc bộ nhiếp ảnh. Câu lạc bộ tổ chức các buổi chụp hình dã ngoại, tạo điều kiện cho các thành viên trổ tài. Họ tạo thành những nhóm nhiếp ảnh đi theo phong cách, thể loại riêng như có nhóm chuyên về chim, có nhóm chuyên về rừng, chụp ảnh dưới nước, chân dung, thể thao...

Ông Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh đánh giá nhiếp ảnh trên mạng là một hiện tượng, một xu hướng mới đang nở rộ trong giới cầm máy trẻ ở nước ta trong thập niên gần đây. Tuy nhiên, nó còn gây nhiều tranh cãi. Có người trẻ tung hô hết mình, coi đây như một phương thức mới ưu việt. Có người già cho rằng đó chưa phải là nhiếp ảnh chính thống.

Nhưng phải thừa nhận rằng, chính sân chơi trên Internet đã góp phần tạo điều kiện cho các ống kính trẻ có chỗ thể hiện mình thay vì phải chờ đợi cơ hội tổ chức triển lãm, trưng bày ảnh theo cách truyền thống vốn phức tạp và tốn kém. Tiêu biểu như những tên tuổi gây sốt cộng đồng mạng như Tâm Bùi, Maika, Đỗ Xuân Bút... với các bộ ảnh lạ lẫm khai thác các vấn đề đầy hơi thở đương đại gồm tình yêu đồng tính, cuộc sống của người phụ nữ sau hôn nhân đổ vỡ... 

“Trên những diễn đàn ảnh này, nhiều bạn trẻ tuy chưa gia nhập hội đoàn nhiếp ảnh hoặc chưa trải qua nhiều các cuộc thi vẫn tìm được một chỗ đứng với sự tín nhiệm của bạn bè trên mạng nhờ luôn giới thiệu được nhiều tác phẩm tốt, có tay nghề cao. Tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả mạng dần trở thành ước mơ của một số nhà nhiếp ảnh trẻ trên các diễn đàn. Đa dạng về nội dung, đơn giản trong việc tìm kiếm thông tin, tư liệu và đặc biệt là phổ cập miễn phí phục vụ cộng đồng, những trang web này đang góp phần nâng cao trình độ thưởng thức ảnh của người xem” – ông Thăng phân tích. 

Cần sự định hướng

Môi trường tự do cũng bộc lộ nhiều bất cập. Chẳng hạn như nạn xâm phạm, ăn cắp ý tưởng của nhau. Nhiều người cho đây là thú vui, không phải là một công việc sáng tạo nghiêm túc nên chỉ cốt làm sao bấm được tấm nào gần giống ảnh của các nhiếp ảnh gia danh tiếng là đem ra khoe chiến tích, ảo tưởng về tài năng.

Bộ ảnh “Gà mái” của Tâm Bùi gây sốt khi vừa ra mắt cộng đồng mạng.

Ông Lê Xuân Thăng lo ngại: “Một số các trang web tiếng Việt có số lượng truy cập đông về nhiếp ảnh hiện nay do các tổ chức tư nhân hay cá nhân xây dựng, đặt máy chủ tại nước ngoài, do đó cũng rất khó đảm bảo về chất lượng chuyên môn, bảo đảm sự trung thực về mặt thông tin. Ngoài ra, nhiều trang nhiếp ảnh trên mạng cổ vũ xu hướng ảnh khỏa thân trần trụi cũng lôi kéo không ít bạn trẻ tham gia. Đa số những người giữ vị trí quản lý, quản trị mạng các trang đó đều còn trẻ, chưa đủ vốn sống, kinh nghiệm... nên nhiều lúc sử dụng văn phong, ngôn từ chưa phù hợp”.

Do không có chế độ thẩm định, kiểm duyệt chặt chẽ nên thời gian qua, nhiều bộ ảnh dung tục tha hồ gây bão trên mạng như: “Khỏa thân bảo vệ môi trường”, bộ ảnh áo dài “Xuân thì”, “Khỏa thân vì thiền”, “Khỏa thân bên ngựa”... của các cô người mẫu, hoa hậu, diễn viên. Ngoài những bức ảnh đồi trụy, có người còn lập ra hội nhóm săn ảnh xác chết, tai nạn... dưới cái lốt của nhiếp ảnh nghệ thuật thu hút nhiều tay máy bệnh hoạn.

Theo các nhà chuyên môn, đa phần lực lượng nhiếp ảnh gia xuất thân từ thú vui phong trào không được tiếp cận với nhiếp ảnh một cách chính thống, đàng hoàng nên họ có quan niệm thẩm mỹ sai lầm, thậm chí méo mó. Nhiếp ảnh không đơn thuần là cầm máy canh ánh sáng, bố cục rồi bấm mà còn đòi hỏi vốn tri thức, khả năng cảm thụ mỹ học sâu sắc, biết thổi vào đó thông điệp tư tưởng rõ ràng...

Chụp ảnh khỏa thân trong thiên nhiên là phương pháp không hề mới. Vấn đề cốt lõi xác định được ranh giới giữa tôn vinh vẻ đẹp hài hòa của con người và thiên nhiên với kiểu khoe thân thiếu vải kệch cỡm. “Khỏa thân để thiền” là bộ ảnh bôi nhọ cửa Phật. Một cô gái khỏa thân đu mình bên các vách đá trên đầu nhà sư hay quanh quẩn bên cạnh ông để ve vãn, quyến rũ. Ảnh thiền không còn tính dung dị, thoát tục, thâm trầm từ khách quan vốn có mà nhuốm đậm ý đồ nổi loạn đến mức dung tục của tác giả.

Các vụ việc trên chỉ được xử lý khi dân mạng bức xúc lên tiếng. Đến nay, quản lý thông tin, hình ảnh trên mạng vẫn là bài toán khó với cơ quan chức năng, nhất là các trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài. Sai phạm bị xử lý chỉ như bắt cóc bỏ dĩa. Thay vì thắt chặt kiểm soát, trước mắt, Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh cần chú trọng đến việc quan tâm chia sẻ thông tin, tập hợp được các tay máy giỏi trên mạng, hướng các bạn trẻ yêu thích nhiếp ảnh tự nguyện đi vào hoạt động có tính định hướng rõ ràng, tích cực. Đồng thời, tạo điều kiện cho họ góp mặt vào các cuộc thi chuyên nghiệp như “Festival nhiếp ảnh trẻ 2015” để tìm kiếm hạt giống mới cho làng nhiếp ảnh nước nhà.

Phan Thi Uyên
.
.