Nhân tài Việt đang ở đâu?

Thứ Năm, 09/08/2018, 08:14
Người giỏi đã không trở về nước với nhiều lý do, nhiều người cho rằng nếu về nước thì là một sự lãng phí khi môi trường làm việc, điều kiện nâng cao trình độ, cơ chế cứng nhắc, chính sách về lương bổng ở Việt Nam chưa thỏa đáng để cho họ phát triển...


Chỉ trong tháng 7 vừa qua, chúng ta liên tục được đón nhận những tin vui khi đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 59 đã đạt được thành tích xuất sắc khi cả 6 em học sinh đều đoạt giải với 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng; tiếp đến 4 học sinh đều giành Huy chương Olympic Hóa học quốc tế 2018 với thành tích 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

Tại Olympic Vật lý quốc tế, Đoàn học sinh Việt Nam đã giành 2 giải Vàng, 2 giải Bạc và 1 giải Đồng; còn Đoàn Olympic Sinh học Việt Nam trở về Hà Nội với thành tích số 1 thế giới khi cả 4 thí sinh tham dự đều có huy chương, trong đó 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc. Các em đã mang về niềm tự hào, làm rạng danh cho Tổ quốc. Chúng ta có quyền tự tin khi một đất nước có nhiều học sinh giỏi như thế, có nhiều nhân tài thì sợ gì đất nước không phát triển?

Nhưng thật buồn lòng vì ánh sáng lấp lánh của những tấm huy chương đó chỉ vụt sáng trong một khoảng thời gian ngắn rồi bị chìm vào quên lãng. Chúng ta gần như không bao giờ thấy báo chí, truyền thông nhắc tới các em nữa và không ai biết các nhân tài đất Việt đang ở phương trời nào.

Hơn 40 năm qua, rất nhiều học sinh Việt Nam đã đoạt hàng trăm huy chương các loại trong các kỳ thi Olympic quốc tế về toán học và các môn khoa học. Phần lớn các em đoạt giải cao ở các kỳ thi quốc tế đều chọn con đường du học bởi nó mở ra cho các em một chân trời mới với nhiều cơ hội tốt đẹp, hứa hẹn một tương lai tươi sáng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (ngoài cùng bên phải) chúc mừng các học sinh đoạt giải cuộc thi toán Olympic 2018.

Gia đình, Tổ quốc đều mong ngóng, hy vọng những nhân tài sẽ trở thành cán bộ đầu ngành trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ của đất nước và sẽ cống hiến hết mình, góp phần tạo nên sức mạnh Việt Nam. Thế nhưng, thực tế ai cũng nhìn thấy là những tài năng trẻ của chúng ta lần lượt ra đi mà không trở về. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết họ đã ở lại nước ngoài, "đầu quân" cho các công ty lớn, các trường đại học lớn trên thế giới.

Người giỏi đã không trở về nước với nhiều lý do, nhiều người cho rằng nếu về nước thì là một sự lãng phí khi môi trường làm việc, điều kiện nâng cao trình độ, cơ chế cứng nhắc, chính sách về lương bổng ở Việt Nam chưa thỏa đáng để cho họ phát triển. Còn khi sinh sống ở nước ngoài, những người học giỏi dù trẻ tuổi, mới ra trường nhưng rất dễ tìm kiếm việc làm với mức lương rất cao.

Thực tế trong nước lại đang tồn tại hàng loạt hiện tượng tiêu cực trong công tác bổ nhiệm, tuyển chọn nhân lực. Điều này thực sự đang trở thành rào cản với những trí thức trẻ đã khiến không ít người băn khoăn, lo lắng, liệu mình có thể chiến thắng trong cuộc đua "không công bằng" này không? Nhưng cũng có một số bạn nói rằng, nếu ở nước nhà điều kiện làm việc tốt hơn thì sẽ sẵn sàng trở về.

Bên cạnh đó, nhìn lại bạn bè học trong nước cũng không khỏi ưu tư khi mà những kỹ sư, cử nhân phải dành quá nhiều thời gian để lo miếng cơm, manh áo và còn phải tốn quá nhiều sức lực cũng như tiền bạc để xây dựng tiền đồ, từ việc nỗ lực để có được một cái ghế Phó phòng, rồi lên Trưởng phòng, tiếp tục phấn đấu để trở thành Phó Viện trưởng, rồi Viện trưởng...

Đây thực sự là vấn đề cần được xem xét vì đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người giỏi không muốn quay trở về nước.

Vậy, không ai về thì đất nước sẽ tự tốt hơn hay sao? Điều này đòi hỏi các du học sinh, các tài năng trẻ phải về sống, hiểu đất nước để biết mình phải làm gì, đừng đứng ngoài cuộc mà so sánh thiệt, hơn và nếu muốn cơ chế thay đổi thì chính họ phải về để thay đổi chứ đừng mong chờ đất nước có chính sách ưu đãi, đón tiếp nồng hậu, các bạn mới trở về. Vấn đề đặt ra ở đây chính là sự lựa chọn giữa lợi ích bản thân và lợi ích của đất nước, giữa được và mất của mỗi người.

Nhưng để nhiều người giỏi ra nước ngoài học tập và làm việc đúng là sự lãng phí chất xám, chảy máu chất xám. Khi chúng ta không ngăn được dòng chảy này thì lấy đâu nguồn chất xám chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ của đất nước.

Chính phủ, các cơ quan chức năng phải có chiến lược dài hạn, cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút, sử dụng, đãi ngộ xứng đáng, tạo môi trường làm việc sáng tạo, đúng sở trường thì việc nhân tài "ra đi là để trở về" cống hiến tài năng, trí tuệ cho quê hương, đất nước chứ không phải đắn đo, trăn trở như hiện tại.

"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các cháu". Mong mỏi của Bác Hồ kính yêu cũng chính là mong mỏi của dân tộc Việt Nam vào thế hệ trẻ ngày hôm nay.

Xin đừng để "cầm được vàng rồi… lại để vàng rơi". Đây thực sự là vấn đề mà tất cả người Việt Nam chúng ta cần suy ngẫm.

Cù Tất Dũng
.
.