Nhan sắc làm sao thong dong hội nhập?

Thứ Sáu, 13/04/2018, 08:47
Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đang lấy ý kiến cho dự thảo xây dựng nghị định mới trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Ngoài vấn đề ứng xử với các ca khúc sáng tác trước năm 1975 thì câu chuyện có nên cấp phép cho thí sinh tham dự những cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng được nhiều người quan tâm. 


Hai phương án đang được cân nhắc. Thứ nhất, thí sinh chỉ cần giấy mời của ban tổ chức là có thể xuất cảnh ứng thí mà không cần thủ tục cấp giấy phép. Thứ hai, tiếp tục cấp phép nhưng nới rộng đối tượng là top 10 thí sinh xuất sắc nhất ở các cuộc thi trong nước.

Nhiều người kiến nghị lựa chọn giải pháp 2 để hạn chế tình trạng loạn danh hiệu sắc đẹp. Điều này không đáng lo ngại, bởi các cuộc thi Hoa hậu và Hoa khôi ở nước ta mỗi năm đã ban tặng không biết bao nhiêu danh hiệu mà công chúng cũng không nhớ hết. Ông Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng không cần kiểm soát những cuộc thi sắc đẹp mang tính chất giải trí nếu không vi phạm pháp luật.

Ngược lại, bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Tổng giám đốc Công ty Elite Vietnam lại bày tỏ băn khoăn: "Khi ban tổ chức gửi giấy mời cho thí sinh tức là thí sinh đó đã hội đủ tiêu chuẩn mà ban tổ chức của cuộc thi yêu cầu.

Nhưng có một thực tế là ở nhiều cuộc thi nhỏ, không có uy tín, việc khai giấy tờ rất sơ sài, họ không thể biết rõ thí sinh đó ở trong nước như thế nào, liệu có làm điều gì phạm pháp, có đang vướng vào một scandal đình đám nào không. Cho nên việc cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tránh được những trường hợp thí sinh trong nước có nhiều tai tiếng, scandal nhưng vẫn là đại diện Việt Nam ở những cuộc thi nước ngoài!".

Người đẹp Khánh Ngân đăng quang Hoa hậu Hoàn Cầu 2017.

Thực tế, nhiều năm qua, có một nghịch lý là thí sinh được cấp phép ứng thí thì rất ít được công chúng ủng hộ, mà thí sinh tự do đi thi lại bỗng dưng nổi tiếng khi bị nộp phạt hành chính. Ngay cả vương miện Miss Globe - Hoa hậu Hoàn cầu 2017 mà người đẹp Khánh Ngân có được ở cuộc thi diễn ra tại thủ đô Tirana - Albania cũng rất ít dư âm trong giới mộ điệu.

Hiện nay, trên thế giới mỗi năm có hàng trăm cuộc thi nhan sắc khác nhau. Có cuộc thi mang tính giải trí, có cuộc thi nhằm kích cầu du lịch mà cũng có cuộc thi chỉ giống như một thương vụ làm ăn. Và hai chữ "đại diện" để ứng thí cũng không phải cơ sở để đánh giá vị trí của quốc gia ấy trên bản đồ nhan sắc nhân loại. Thậm chí, cuộc thi nào cũng có tên gọi rất hoành tráng nhưng chất lượng và tiền thưởng lại tầm cỡ "ao làng".

Bằng những kinh nghiệp tích lũy xa xưa, ông bà ta đúc kết "hồng nhan bạc mệnh". Câu nói ấy không hề có tính hăm dọa hay xa lánh, mà trực tiếp thừa nhận nhan sắc cũng là một thứ tài sản vô cùng quý báu, chắc chắn được ngưỡng mộ đấy mà cũng dễ dàng bị ganh tỵ đấy. Và xã hội ngày càng văn minh, thì nhan sắc càng được nâng niu hơn, càng được tạo điều kiện để tỏa sáng hơn.

Quy chế tổ chức thi Hoa hậu ra đời cũng không nằm ngoài mục đích thiện chí là tạo hành lang pháp lý để các cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ có dịp thực hiện, để ở những ngành nghề khác nhau và những đô thị khác nhau, tất cả mọi vẻ đẹp đều được phát hiện và được tôn vinh.

Năm nào nước ta có hơn chục cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ từ phạm vi toàn quốc đến phạm vi khu vực. Thậm chí trong khuôn khổ hội chợ hay festival, cũng kèm thêm màn thi thố vẻ đẹp nào đó cho xôm tụ, cho náo nức. Có thể còn vài chệch choạc, có thể còn vài thiếu sót, nhưng không có gì đáng chê trách, bởi lẽ càng có nhiều cô gái khoác lên mình danh hiệu nhan sắc thì ít nhiều càng chứng minh vẻ đẹp tiềm ẩn của một dân tộc đang dần dần được đánh thức, được khai mở!

Bằng tất cả sự cởi mở của người Việt thời hội nhập, chúng ta đã có "Hoa hậu Việt Nam", "Hoa hậu Tây Đô", "Hoa hậu các vùng kinh đô Việt Nam", "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam", "Hoa hậu Thể thao", "Hoa hậu Trang sức", "Hoa hậu Áo dài", "Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh"…và long trọng hơn là "Hoa hậu Thế giới người Việt". Mỗi cuộc thi một vẻ, hoa cát tường có dáng hoa cát tường mà hoa cẩm chướng có duyên hoa cẩm chướng, không ai khỏa lấp ai được.

Trong mắt công chúng cũng vậy, không người nào căn cứ vào qui mô cuộc thi có truyền hình trực tiếp trên tivi hay không, hoặc số tiền thưởng bao nhiêu để đánh giá đẳng cấp hoa hậu. Điều công chúng quan tâm là hoa hậu mang cái nhan sắc được bảo chứng bằng vương miện, đã bước ra cuộc đời như thế nào? Thực tế, sự có mặt của hoa hậu giúp một góc đường lộng lẫy hơn, giúp một ngõ phố tươi tắn hơn, giúp người nhìn gần thấy vui vẻ, giúp người nghĩ xa biết ước mơ.

Thế nhưng, chúng ta đã chứng kiến hoa hậu lên tiếng bênh vực quyền lợi cho nữ giới chưa, chúng ta đã chứng kiến hoa hậu an ủi người thiệt thòi chưa, chúng ta đã chứng kiến hoa hậu xoa dịu nỗi bất hạnh chưa? Hiếm hoi lắm, ít ỏi lắm. Nổi bật chỉ có những hoạt động từ thiện của Hoa hậu Mai Phương Thúy. Còn các hoa hậu khác, nếu không dính líu đến các mối tình với "đại gia" nào đó thì cũng khư khư vun vén hạnh phúc riêng tư.

So với các hoa hậu thế giới thì hoa hậu Việt Nam có sức ảnh hưởng khiêm tốn lắm. Có thể các hoa hậu có quá nhiều mưu cầu cá nhân, mà cũng có thể các tổ chức xã hội chưa có hành động cụ thể ủng hộ hoa hậu tham gia vào đời sống cộng đồng. Ở đây, rõ ràng khó có thể trách ai được. Lý do đơn giản nhất là tất cả chúng ta mới dừng ở khái niệm hoa hậu của sàn diễn, hoa hậu của tiệc tùng, hoa hậu của hoan hô, hoa hậu của chào đón.

Từ hai phía, với trách nhiệm và lương tri ở một đất nước khao khát tiến bộ, thì hoa hậu nhận một phần lỗi về hoa hậu, và các tổ chức xã hội nhận một phần lỗi về các tổ chức xã hội, vì chúng ta chưa kịp hình thành khái niệm ứng xử của hoa hậu. Nghĩa là, song song với một hoa hậu được vinh danh phải có một hoa hậu được cống hiến!

Người đẹp H'Hen Niê đại diện Việt Nam tranh tài tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2018.

Người Việt Nam không thể ủ dột mãi trong cảnh bồn chồn mỗi khi xem ti vi thấy Hoa hậu nước Mỹ vận động quyên góp giúp đỡ bệnh nhân nhiễm HIV hay Hoa hậu nước Pháp nói chuyện với sinh viên về công tác bảo vệ môi trường, rồi bất giác thở dài tự hỏi không biết giờ này Hoa hậu nước ta đang son phấn rực rỡ dạo gót chân ngà ngọc phiêu lãng nơi nào?

Những nhan sắc của nước ta từng xuất hiện ở các cuộc thi quốc tế như Nguyễn Thị Huyền, Minh Thu, Hương Giang, Phạm Hương…không hề còn chút ngại ngùng nào khi đứng cạnh những hoa hậu các nước bè bạn.

Trước đây, nhiều người e dè về chiều cao của hoa hậu nước ta khi thi thố cùng bạn bè. Còn đến thời điểm này, khi nhìn đôi chân dài của các cô gái tuổi đôi mươi đang háo hức với danh hiệu nhan sắc, thì vấn đề thước tấc không mang tính trở ngại nữa.

Tuy nhiên, ngoài chiếc áo dài nền nã để mỗi bước đi toát ra cốt cách người Việt, các hoa hậu chúng ta có gì để tỏa sáng với thế giới? Nếu Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu quốc tế biết rằng, có người đẹp của chúng ta khi được chọn ứng thí mới vội vàng tập môn… đá cầu để đối phó với phần thi năng khiếu thì không khác gì chuyện tiếu lâm liên lục địa.

Nếu muốn Hoa hậu Việt Nam có vị trí cao hơn nữa thì trang bị ngoại ngữ vẫn chưa đủ. Tương lai Hoa hậu Việt Nam phải có bản lĩnh của một người thanh lịch, biết chơi một loại nhạc cụ nào đó, biết múa một vũ điệu truyền thống của dân tộc, biết kể một câu chuyện duyên dáng… Những điều đó ở đâu ra?

Xin thưa, ở trong chính môi trường giáo dục. Thay vì bắt các em học sinh phải "tụng" những bài văn mẫu thì hãy cho các em những giờ ngoại khóa bổ ích. Chính vì quan điểm giáo dục khô cứng của chúng ta, mà người Việt thời hội nhập với hình ảnh tiêu biểu là Hoa hậu Việt Nam phơi bày ngay sự vụng về, sự lúng túng khi muốn phô diện vẻ đẹp với năm châu.

Thời hội nhập, nhan sắc Việt phải được thong dong sánh vai với bè bạn năm châu. Việc cấp giấy phép chỉ cần áp dụng cho ba cuộc thi có quy mô lớn là Miss World - Hoa hậu Thế giới, Miss Universe- Hoa hậu Hoàn Vũ và Miss Earth - Hoa hậu Trái Đất. Còn các cuộc thi khác, cứ để thí sinh thoải mái tìm kiếm cơ hội phô diễn vẻ đẹp cá nhân!

Tuy Hòa
.
.