Nhan sắc Việt “khóc cười” với tiếng Anh

Thứ Hai, 12/11/2018, 07:49
Hễ một người đẹp trong nước được cử đi thi quốc tế thì dư luận lại nhao nhao "đưa kính lúp" soi khả năng tiếng Anh. Có cảm tưởng như lúc này, nhan sắc, kỹ năng hay bất cứ lợi thế nào của thí sinh cũng bị dẹp sang một bên để nhường chỗ cho khả năng ngoại ngữ, kiểu như không giỏi tiếng Anh chẳng khác nào nhan sắc giẫm trúng vỏ chuối.


Tối 3-11, lần đầu tiên danh hiệu cao nhất của cuộc thi Hoa hậu Trái đất  2018 đã gọi tên Việt Nam. Ngoài nhan sắc, người đẹp Phương Khánh chinh phục Ban giám khảo còn bởi phong thái tự tin, ứng xử thông minh với vốn tiếng Anh lưu loát. Nếu so với những lần chinh chiến thất bại trước, lần này tiếng Anh được coi là điểm cộng rất lớn giúp đại diện Việt Nam lần đầu chạm tay vào vương miện ở một trong những sân chơi sắc đẹp lớn nhất thế giới.

Cuối năm là thời điểm nhan sắc Việt rầm rộ "mang chuông đi đánh xứ người". Trong số đó, những người đẹp được người hâm mộ nước nhà tin tưởng về khả năng ngoại ngữ có Thùy Tiên (tham dự Hoa hậu Quốc tế), H'Hen Niê (Hoa hậu Hoàn vũ), Minh Tú (Hoa hậu Siêu quốc gia), Bùi Phương Nga (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế)... Riêng Hoa hậu Tiểu Vy - đại diện Việt Nam dự sân chơi nhan sắc có tuổi thọ lâu đời và uy tín nhất hành tinh là Hoa hậu Thế giới, lại khiến công chúng đứng ngồi không yên.

Hai mùa tổ chức gần đây (năm 2016 và 2018), cuộc thi Hoa hậu Việt Nam xác định, top 3 sẽ là đại diện Việt Nam dự thi các sân chơi sắc đẹp danh giá nhất thế giới diễn ra trong năm. Cụ thể, hoa hậu sẽ tham dự Hoa hậu Thế giới, hai á hậu lần lượt thi thố ở Hoa hậu Hòa bình Quốc tế và Hoa hậu Quốc tế.

Ngoài sắc đẹp, phong thái tự tin, Phương Khánh còn chinh phục Ban giám khảo Hoa hậu Trái đất 2018 nhờ lối ứng xử thông minh với vốn tiếng Anh lưu loát.

Trước đây, sau Mai Phương Thúy dự Hoa hậu Thế giới 2007, 10 năm trời Hoa hậu Việt Nam không có bất cứ đại diện nào đi thi quốc tế. Có muôn vàn lý do để các cô từ chối nhưng người ta vẫn cho rằng vốn ngoại ngữ yếu kém là một trong những nguyên nhân chính.

Trong 10 năm đó, gameshow truyền hình thực tế Hoa khôi Áo dài đảm nhiệm vai trò tìm kiếm ứng viên đi thi quốc tế. Hiểu rõ vai trò của ngoại ngữ, họ chọn lọc thí sinh khá kỹ, yêu cầu thí sinh phải có vốn tiếng Anh kha khá. Ban tổ chức còn mời giám khảo, huấn luyện viên là người nước ngoài để thí sinh cọ xát.

Những thay đổi đó đã giúp các quán quân bước ra từ sân chơi này gặt hái thành công khi chinh chiến biển lớn. Hoa khôi Lan Khuê lọt top 11 và có trang phục dạ hội đẹp nhất tại Hoa hậu Thế giới 2015. Á khôi Thúy Vân giành giải Á hậu 3 - thành tích cao nhất của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015.

Giành lại quyền đưa đại diện Việt Nam chinh phục sân chơi quốc tế, Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam bắt đầu chú trọng vốn ngoại ngữ của thí sinh. Do vậy, khi hoa hậu và hai á hậu lộ diện trong đêm chung kết, dân tình nhanh chóng soi tài tiếng Anh của cả ba.

Nếu cuộc thi không có vòng kiểm tra khả năng ngoại ngữ của thí sinh thì dư luận không đến mức thất vọng tràn trề với Hoa hậu và Á hậu 2 như thế.  Chỉ mỗi Á hậu 1 Phương Nga giao tiếp tiếng Anh trôi chảy. Á hậu 2 Thúy An có cách phát âm bị khán giả so sánh như tiếng… Lào. Còn Hoa hậu Tiểu Vy bị chê là ấp úng, phát âm sai. Điều này khiến dư luận dậy sóng, cho rằng Tiểu Vy không xứng đáng đi chinh chiến ở Hoa hậu Thế giới 2018. Dù sau cuộc thi, Hoa hậu được tặng học bổng để rèn giũa khả năng ngoại ngữ nhưng nhiều người lo lắng thời gian vỏn vẹn một, hai tháng sẽ không kịp để cô trang bị.

 Vậy tiếng Anh có thật sự quan trọng đến mức xuất hiện phát ngôn "nếu không có ngoại ngữ thì đừng đi thi" hay không? Nói cho công bằng, thành công của Lan Khuê ở Hoa hậu Thế giới 2015 chưa hẳn đã nhờ tiếng Anh. Bởi khi trình chiếu đoạn clip giới thiệu về trang phục dạ hội, cô phát âm rất khó nghe buộc ban tổ chức phải có phụ đề phía dưới. Điều làm nên thành công của Lan Khuê là tổng hợp cả quá trình cô rèn luyện hình thể, kỹ năng, phong thái, kiến thức... từ hồi tham gia gameshow Hoa khôi Áo dài. Và riêng Hà Thu, dù vốn tiếng Anh khá tốt và gặt hái nhiều giải thưởng phụ nhưng cô cũng không thể tiến sâu ở Hoa hậu Trái đất 2017.

Á hậu Dương Trương Thiên Lý cho rằng tiếng Anh tốt là lợi thế nhưng không phải tiêu chí hàng đầu quyết định thành bại. "Tôi từng nhìn thấy các hoa hậu thế giới chinh phục lòng người mà không cần đến ngôn từ. Ở các cuộc thi sắc đẹp, điều quan trọng nhất vẫn là thần thái của bạn, nét đẹp được truyền tải qua ánh mắt, nụ cười, dáng đi... Nếu giỏi ngoại ngữ mà các yếu tố khác kém cỏi thì thí sinh cũng không làm nên chuyện".

Để dẫn chứng, Dương Trương Thiên Lý đưa ra một loạt những gương mặt từng chạm tay đến vương miện dù tiếng Anh hạn chế như: Hoa hậu Trung Quốc Vu Văn Hà lên ngôi Hoa hậu Thế giới 2012, Trương Tử Lâm trở thành Hoa hậu Thế giới 2007...

Thông thạo tiếng Anh và Pháp, Thùy Tiên nhanh chóng thân thiết với các thí sinh tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2018.

Hoa hậu Hoàn vũ 2015 Phạm Hương lại nghĩ rằng thí sinh không cần quá giỏi tiếng Anh nhưng phải trang bị đủ vốn để giao lưu với thí sinh nước bạn, hiểu yêu cầu cũng như nội quy cuộc thi, trả lời các cuộc phỏng vấn. Bước ra môi trường quốc tế, rõ ràng bạn không thể suốt ngày huơ tay múa chân để người khác hiểu mình. Người thông dịch chỉ hỗ trợ ở những sự kiện quan trọng chứ không thể lúc nào cũng kè kè bên thí sinh, nhất là những hoạt động bên lề. Theo Phạm Hương, quan trọng nhất, có trình độ ngoại ngữ sẽ khiến bạn trở nên tự tin hơn trước mọi tình huống.

Kém ngoại ngữ nên Á hậu Lệ Hằng mất điểm trầm trọng khi dự Hoa hậu Hoàn vũ 2016. Cô  lộ vẻ lúng túng trước ống kính truyền thông và từ chối trả lời bằng tiếng Anh  dù câu hỏi vô cùng đơn giản. Ngồi ghế giám khảo cuộc thi Mister International 2015 , Hoa hậu Đông Nam Á Thu Vũ chỉ muốn độn thổ khi cô đọc đi đọc lại câu hỏi nhiều lần mà thí sinh và cả hội trường đều ngớ người không hiểu cô nói gì.

Nói thế để thấy rằng, đã "mang chuông đi đánh xứ người" thì người đẹp phải không cần quá giỏi tiếng Anh nhưng họ phải đủ vốn lận lưng để giao tiếp. Phần ứng xử có thể nhờ phiên dịch. Thậm chí, để thể hiện và truyền tải câu trả lời tốt nhất, nhiều thí sinh vốn có khả năng ngoại ngữ tốt vẫn chọn tiếng mẹ đẻ.

Thời gian phiên dịch cũng là chiêu "câu giờ" để các người đẹp chuẩn bị cho câu trả lời được chỉn chu, sâu sắc nhất. Nhưng nếu nhờ phiên dịch, ít nhất họ cũng tự hiểu câu hỏi tiếng Anh, kiểm tra thử phiên dịch viên có chuyển đúng ý câu hỏi và nhất là câu trả lời của mình hay không.

Chúng ta từng có hai tiền lệ đau đớn khi gặp phải phiên dịch tồi. Đó là trường hợp của Nam Em và Tiến Đạt. Lọt top 8 tại Hoa hậu Trái Đất 2016, Hoa khôi Nam Em nhận được câu hỏi: "Empowered to make a change" (tạm dịch là "Được trao quyền để tạo ra một sự thay đổi"). Nhưng người phiên dịch do ban tổ chức sắp xếp lại biến nó thành một câu hỏi khác.

Tệ hại hơn, câu trả lời súc tích của Nam Em trở nên tầm thường khi được chuyển sang tiếng Anh. Nếu phần ứng xử không gặp phải tai nạn phiên dịch oái oăm này thì Nam Em chắc chắn sẽ có những bước tiến xa hơn.

Tiến Đạt cũng gặp tai nạn tương tự khi dự thi "Nam vương Quốc tế 2017". Câu hỏi dành cho Tiến Đạt là "What do you think is the next big thing in your country in next decade?" (Tạm dịch: Theo bạn, đâu là vấn đề lớn nhất của đất nước bạn trong thập kỷ tiếp theo?) bị người phiên dịch biến thành câu hỏi tối nghĩa và sai lệch: "Bạn nghĩ là cái ý kiến gì mà điều mà bạn suy nghĩ lớn nhất đối với năm tiếp theo đối với đất nước của bạn?". Và đương nhiên, câu trả lời của Tiến Đạt hoàn toàn lạc ý.

Dù biết đó chỉ là sự cố hy hữu nhưng nó cũng mang lại bài học xương máu cho nhan sắc Việt. Rút kinh nghiệm từ vố đau của đàn anh đàn chị, dự thi Hoa hậu Trái đất 2017, người đẹp Hà Thu có vốn tiếng Anh ấn tượng đủ để đối đáp với Ban tổ chức. Thậm chí, trong một buổi phỏng vấn quan trọng được sắp xếp thông dịch viên, cô còn "sửa lưng" thông dịch viên bằng tiếng Anh khi anh này dịch sai ý của mình. Dù không gặt hái nhiều thành tích nhưng buổi phỏng vấn đó đã khiến Ban tổ chức vô cùng ấn tượng về cô gái Việt Nam thông minh, bản lĩnh.

Phan Thi Uyên
.
.