Cuộc thi truyền hình thực tế tìm kiếm hoa hậu:

Con thuyền đưa nhan sắc Việt ra biển khơi

Thứ Sáu, 26/09/2014, 08:00
Đã hơn 10 năm nhan sắc Việt "chinh chiến" ở các đấu trường quốc tế nhưng thành công chúng ta gặt hái được vẫn còn mờ nhạt để thăng hạng trên bản đồ sắc đẹp thế giới. Vậy nên việc xuất hiện cuộc thi có cái tên khá kêu: "Miss Word Vietnam - Đường tới vương miện" (Hoa khôi Áo dài Việt Nam) với mục đích tìm ra gương mặt tham gia các cuộc thi sắc đẹp thế giới đã ấp ủ nhiều hy vọng về một tương lai xán lạn cho nhan sắc Việt. Đồng thời, cuộc thi cũng gây nhiều nghi ngại bởi cái mác nó mang: truyền hình thực tế.

"Đãi cát tìm vàng" cho các cuộc thi nhan sắc thế giới

Khởi động vào ngày 20/9 tại Hà Nội và TP HCM, cuộc thi truyền hình thực tế "Miss World Vietnam - Đường tới vương miện" (viết tắt MWVN) được xem là cách tự tạo nguồn thí sinh của công ty Elite Vietnam - đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đào tạo và cử đại diện Việt Nam tham gia các cuộc thi sắc đẹp thế giới. Bởi như bà Thúy Nga, Tổng Giám đốc Elite Vietnam than thở: "Từ trước đến nay chúng tôi luôn phụ thuộc vào kết quả của các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi thường niên để lựa chọn đại diện đi thi. Điều này dẫn chúng tôi đến tình thế bị động vì buộc phải lựa chọn giữa một số ứng viên khi mỗi cuộc thi quốc tế lại có những tiêu chí riêng và không phải ứng viên nào cũng phù hợp".

Bên cạnh việc hạn chế nguồn thí sinh đủ tiêu chuẩn thì các người đẹp lại ra sức từ chối dự thi khi có lời mời dù hoa hậu, hoa khôi bước ra từ các cuộc thi sắc đẹp lớn bé ở nước ta nhiều vô kể. Hầu hết các người đẹp không mặn mà với cuộc "đọ sắc" toàn cầu. Thêm nữa, cuộc thi họ từng đoạt danh hiệu cũng không ràng buộc thí sinh phải nhận trách nhiệm đó. Còn nhớ ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2013, đơn vị đưa thí sinh đi thi phải chạy bở hơi tai để tìm đại diện. Ngỏ lời mời với Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo thì cô từ chối dự thi vì chưa kịp chuẩn bị. Hoa hậu Ngọc Hân cũng thẳng thừng từ chối trong khi Hoa hậu Thùy Dung hết lần này đến lần khác bày tỏ nguyện vọng mang màu cờ sắc áo sang xứ người nhưng lại không được lựa chọn.

Do thiếu thí sinh, các đơn vị buộc phải để người đẹp "đá lộn sòng" khi cuộc thi họ tham gia trong nước có tiêu chí trái ngược hoàn toàn với cuộc thi quốc tế: Lại Hương Thảo chỉ là Hoa khôi Thể thao, một cuộc thi nhỏ, nhưng  được chọn thi Hoa hậu Thế giới 2013; Á hậu Thiên Lý bước ra từ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 cũng được cử đi thi Hoa hậu Thế giới; Hoa hậu Diễm Hương là Hoa hậu Thế giới người Việt (vốn chuộng vẻ đẹp dịu dàng, tinh khiết) lại tham gia Hoa hậu Hoàn vũ (một cuộc thi đòi hỏi vẻ đẹp sexy, kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp)…

Do đó, để giành lấy thế chủ động và chuyên nghiệp trong việc tìm kiếm đại diện Việt Nam dự thi tại ba cuộc thi sắc đẹp hàng đầu thế giới diễn ra trong năm 2015: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia, MWVN đã ra đời với nhiệm vụ tìm kiếm và đào tạo những gương mặt tiềm năng. Có thể xem đây là lần đầu tiên người đẹp đại diện cho Việt Nam đi thi các cuộc thi hoa hậu thế giới được tìm kiếm thông qua một chương trình truyền hình thực tế.

Thành tích cao nhất của Việt Nam vẫn dừng lại ở top 15 với nỗ lực của Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền (bìa trái) tại cuộc thi Hoa hậu thế giới 2004.

Khác với các cuộc thi sắc đẹp thông thường là thi chỉ để làm từ thiện, hoạt động xã hội trong nước, MWVN xem việc đưa người đẹp đi thi quốc tế là mục tiêu hàng đầu mà cuộc thi này hướng tới. Do đó, các người đẹp đoạt giải biết trước trách nhiệm của mình, họ chuẩn bị sẵn tâm thế khăn gói "mang chuông đi đánh xứ người" để tích cực rèn luyện. Mục tiêu mà MWVN đề ra khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng với các cường quốc sắc đẹp trên thế giới như Venezuela, Philippines thì đây là chuyện hiển nhiên mấy thập kỷ qua. Từ đó, đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu trong nước cũng là đơn vị dìu dắt các thí sinh của mình sau cuộc thi để họ vững vàng lên đường. Các "lò" luyện hoa hậu vì vậy cũng mọc lên khắp nơi và các bé gái 12, 13 tuổi đã phải vào "lò" để luyện hình thể, kỹ năng catwalk, tạo dáng, nói trước ống kính, ngoại ngữ, ngôn ngữ cơ thể, kiến thức xã hội, văn hóa giao tiếp … 

Trong khi ở nước ta, ngày thi chỉ còn cách hai, ba tháng, các người đẹp mới cấp tốc đi học ngoại ngữ, học qua loa các lớp ca hát, múa, khiêu vũ, học vội vàng một môn thể thao, chuẩn bị sơ sơ vài kiến thức địa lý, lịch sử nước nhà… Tâm lý chưa sẵn sàng cộng với bản lĩnh thực tế, kỹ năng chăm sóc bản thân, ứng xử, giao tiếp… của người đẹp xứ ta chưa vững dẫn đến tình trạng khi đi "trống giong cờ mở", khi về thì "em đi với tinh thần học hỏi, giao lưu là chính".

Nói vậy không có nghĩa là các lần "chinh chiến" của người đẹp Việt hoàn toàn "trắng tay". Nhưng đến thời điểm này, thành tích cao nhất của nhan sắc Việt vẫn chỉ dừng chân ở top 15 (Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền tại Hoa hậu Thế giới 2004). Những năm gần đây, nhan sắc Việt liên tục đi thụt lùi khi đại diện Việt Nam chỉ là "clapper" - người vỗ tay cổ vũ làm nền cho nhan sắc nước bạn tỏa sáng.

Cho nên, sự thử thách, đào luyện thí sinh từ cuộc thi MWVN đang được khán giả kỳ vọng để các người đẹp đủ tự tin, bản lĩnh và trình độ tham gia các cuộc thi mang tầm vóc quốc tế. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó tổng giám đốc công ty BHD, đơn vị tổ chức, cho biết: "Các thí sinh được tuyển lựa từ vòng sơ tuyển sẽ cùng sinh sống và học tập tại Tòa lâu đài sắc đẹp dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như làm đẹp, giữ gìn vóc dáng, lựa chọn trang phục, trang điểm, nghi thức ngoại giao, trả lời ứng xử, văn hóa giao tiếp hay những bí quyết để nổi bật trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Bên trong tòa lâu đài này sẽ có hệ thống máy quay được lắp đặt khắp nhà và ghi hình 24/24 toàn bộ các hoạt động của thí sinh nhằm mang tính tương tác cao với khán giả".

Món mới cho truyền hình thực tế hay "vơ bèo vạt tép"?

Đứng về góc độ giải trí, công bằng mà nói, MWVN đang tạo ra một luồng gió mới mẻ trong thời buổi truyền hình thực tế đang có dấu hiệu thoái trào. Khán giả đã quá nhàm chán với hàng loạt chương trình truyền hình thực tế quanh quẩn chuyện ca hát, nhảy múa. Dù đã cố gắng "trẻ em hóa" bằng phiên bản "nhí", nhưng chỉ một thời gian, lượng ratting của các chương trình truyền hình thực tế lại tụt thậm tệ.

Bên cạnh đó, các cuộc thi nhan sắc cũng đang bị công chúng la ó vì bội thực và quá tẻ nhạt. Quanh đi quẩn lại là các vòng trang phục truyền thống, trang phục dạ hội, trang phục áo tắm, thi tài năng, ứng xử được thể hiện chỉnh chu, điêu luyện trên sân khấu, còn các chuyện hậu trường chỉ gói gọn trong những hình ảnh, mẩu tin ngắn ngủi.

Do đó, một cuộc thi kết hợp giữa chương trình truyền hình thực tế và tìm kiếm nhan sắc sẽ trở nên "lạ miệng". Khi chuyện hậu trường, quá trình hoàn thiện của các người đẹp qua mỗi buổi tập luyện và biểu diễn theo chủ đề từng tuần được coi là điểm chính yếu thì chắc chắn sẽ khiến không ít người tò mò.

Thế nhưng, thời gian qua, hầu hết chương trình mang tiếng là thực tế đều dính chuyện thị phi: từ sắp xếp kết quả đến mua giải, từ giả dạng người khác đi thi đến chuyện thí sinh tố ban tổ chức xử "ép", chưa kể là những trò lố của thí sinh và kiểu cảm xúc giả tạo của ban giám khảo… Những điều đó, người ta gọi là chiêu trò - "vốn lận lưng" của truyền hình thực tế để gây chú ý. Đến bây giờ, nhiều người nhận thấy truyền hình thực tế không "thực tế" như họ tưởng mà đó chỉ là một trò giải trí, mua vui. Ai thắng ai thua không quan trọng bằng chuyện chương trình gay cấn, đủ chiêu trò để hút khán giả, hút bộn tiền từ nhà quảng cáo.

Ai dám chắc MWVN không giở chiêu trò và minh bạch chuyện thắng thua? Điều đó nếu xảy ra thì công chúng đừng hy vọng quán quân của chương trình sẽ thực sự đủ tài sắc, bản lĩnh để thi thố cùng bạn bè năm châu. Và nếu thế thật, cuộc thi này cũng chỉ là một kiểu "vơ bèo vạt tép" để vớt vát lại chút hào quang ngày tàn của truyền hình thực tế mà thôi

N.T.
.
.