Về căn bệnh “nhẵn mặt” diễn viên của phim truyền hình Việt Nam:

Nghệ sĩ phải có “dũng khí” từ chối!

Thứ Bảy, 29/07/2017, 08:04
Phim truyền hình Việt đã có nhiều lần gây nhàm chán bởi sự quanh đi quẩn lại những gương mặt quá quen với khán giả truyền hình. Nhưng phải đến khi 2 phim truyền hình Việt Nam là "Sống chung với mẹ chồng" chiếu trên VTV1 và "Người phán xử" chiếu trên VTV3 chỉ khác khung giờ phát sóng và có quá nhiều diễn viên trùng lặp, khán giả Việt mới cảm thấy thực sự... có vấn đề. Phải chăng, phim truyền hình Việt đang khan hiếm diễn viên đến thế hay có một sự "lười nhác"nào đó trong việc casting diễn viên cho các phim mới?


Tần suất dày đặc

Thời gian qua, cả 2 bộ phim truyền hình Việt Nam được nhiều khán giả theo dõi là “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” với lượng rating cao kỷ lục, đã khiến nhiều người tỏ ra vui mừng. Bởi có lẽ từ rất lâu, sau phim truyền hình “Chạy án”, dư luận mới có dịp bàn tán xôn xao, dành nhiệt tình theo dõi, đón đợi giờ phát sóng đến vậy.  Tuy nhiên, đến khi người ta thống kê được có đến 5 diễn viên cùng đóng cả hai phim bao gồm Việt Anh, Bảo Thanh, Thanh Tú, Anh Đức, Thanh Hương đã khiến không ít khán giả có ý kiến không nên chiếu hai phim một lúc. 

Đặc biệt, 2 "ngôi sao" đang nổi được nhiều người chú ý là Bảo Thanh và Việt Anh đều đảm nhiệm các vai chính và vai thứ ở cả 2 phim: trong “Người phán xử”, Việt Anh vào vai nam chính Phan Hải - con trai của ông trùm Phan Quân thì trong “Sống chung với mẹ chồng”, Việt Anh vào vai nam thứ; Bảo Thanh đóng vai nữ chính là Minh Vân thì trong "Người phán xử" vào vai nữ phụ Minh Hạnh trong "Người phán xử".

Dàn diễn viên trong phim "Sống chung với mẹ chồng" đã "nhẵn mặt" trên sóng VTV.

Sự trùng lặp này không có gì đáng nói nếu như 2 bộ phim này được phát sóng chỉ lệch nhau về khung giờ trong suốt một thời gian: vừa nhìn thấy các diễn viên này ở "Sống chung với mẹ chồng" được phát vào khung giờ vàng 20h30 phút trên VTV1 xong, chuyển kênh sang VTV3 lại gặp đúng những gương mặt ấy khiến khán giả dễ tính nhất cũng có cảm giác... “bội thực” Không chỉ tham gia 2 phim này, diễn viên Việt Anh còn đóng vai nam chính trong sêri phim hài "Cư dân thông thái", còn diễn viên Bảo Thanh tham gia series "Sắc màu phái đẹp"... Phải chăng, phim truyền hình Việt đang “khan hiếm” diễn viên đến thế?

Cách đây không lâu, người ta cũng từng thắc mắc khi bộ ba diễn viên Hồng Đăng - Nhã Phương - Mạnh Trường cùng xuất hiện trong phim “Zippo, mù tạt và em” và “Tuổi thanh xuân 2”. Điều này cũng có thể lý giải được bởi vì họ đều là những diễn viên trẻ đẹp, tên tuổi đang nổi cũng là yếu tố quan trọng để các nhà làm phim, các đạo diễn lựa chọn như một sự "đảm bảo" nhất định cho thành công của bộ phim. Tuy nhiên, vì thời gian chiếu cũng khá gần nhau và các vai diễn của họ cũng không quá xuất sắc nên mặc dù tần suất xuất hiện nhiều nhưng lại để lại ấn tượng... nhàm chán đối với khán giả.

Mô-tip nhân vật lặp đi lặp lại

Theo dõi phim truyền hình Việt Nam trong hơn 20 năm qua, có thể dễ dàng nhận ra việc các diễn viên Việt Nam hay đóng phim theo mô-típ nhân vật quen thuộc. Ví dụ thế hệ các diễn viên gạo cội như NSƯT Kim Thoa, cố NSƯT Thu An "chuyên trị" vào vai mẹ chồng; các diễn viên như NSƯT Trần Hạnh, cố nghệ sĩ Văn Hiệp chuyên vào vai những người nông dân nghèo; các nghệ sĩ như NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Tiến Đạt, NSND Minh Hiếu, NSƯT Quốc Tuấn... hay được mời vào vai “người tốt việc tốt” là các anh bộ đội giải ngũ về làng; các nữ nghệ sĩ như NSƯT Mai Châu, NSƯT Hương Dung hay được mời vào vai các bà vợ quan chức quyền thế mưu lược; các nghệ sĩ như NSƯT Trần Đức, NSƯT Nguyễn Hải hay được mời vào các vai phản diện...

Vì thế, có vẻ như khi cầm đến các kịch bản có các mô típ nhân vật như thế này, nhiều đạo diễn nghĩ ngay tới những gương mặt ấy và đưa ra lời mời với nghệ sĩ để đỡ mất thời gian tìm kiếm gương mặt mới. Nhất là trong quá trình diễn xuất, bởi vì đã có “thâm niên” ở các dạng vai cụ thể, nên các đạo diễn cũng đỡ vất vả khi chỉ đạo diễn xuất hoặc quay đi quay lại nhiều “đúp” mới thành công.

Tuy nhiên, có thể thấy ngay rằng, những mô típ nhân vật lặp đi lặp lại như vậy cũng dễ khiến khán giả chán, còn diễn viên thì không có nhiều đất diễn, không có sự tìm tòi, bứt phá dẫn đến cùn mòn và lặp lại chính mình.

Không quá khó để nhận ra rằng, chính sự bứt phá của diễn viên, sự “quay ngoắt 180 độ” với những mô-típ quen thuộc mới là điều làm nên sự đặc biệt, thú vị, hấp cho một bộ phim. Điều này giống như việc người nội trợ phải thường xuyên thay đổi thực đơn, “đổi món”, thêm gia vị, gia giảm cho bữa tối của gia đình mình chứ không thể lặp lại mãi một món ăn.

Nếu cứ thế, một món ăn dù ngon, dù được chế biến bởi một bàn tay đầu bếp phù thủy thì cũng sẽ khiến người thưởng thức cảm thấy nhàm chán, mất hứng. Khán giả từng rất ngạc nhiên khi NSND Bùi Bài Bình vào vai nhân vật phản diện Tòng trong bộ phim truyền hình từng rất ăn khách có tên "Ma làng" sau đó là vai Khuyếnh trong "Gió làng Kình".

Khán giả cũng vừa ngạc nhiên vừa thích thú khi nghệ sĩ Quốc Tuấn từng gắn liền với hình ảnh anh trưởng thôn đầy nhiệt huyết, hiền hòa, tốt bụng trong "Người vác tù và hàng tổng" chuyển sang đóng một vai phản diện là vai người bố tên Đại trong phim "Luật đời". Tương tự, NSND Trung Hiếu cũng từng nhận được nhiều lời khen về diễn xuất khi vào vai anh Gù trong phim "Ngõ lỗ thủng".

NSND Bùi Bài Bình gây ấn tượng khi đổi sang dạng vai phản diện trong phim "Ma làng".

Hay việc NSND Lan Hương (Hương Bông) khá thành công khi vào vai mẹ chồng khó tính và “bị ghét” nhiều nhất trong phim "Sống chung với mẹ chồng", còn nghệ sĩ Trần Đức sau một hồi vào những vai phản diện, xã hội đen bặm trợn thì trong phim đóng chung với NSND Lan Hương lại vào vai một ông chồng ôn hòa đến... nhu nhược, cũng là một sự thay đổi cần thiết.

Sự đa dạng về vai diễn sẽ làm cho khán giả được đổi món, dù có thể gương mặt nghệ sĩ bị lặp lại, nhưng nếu mô-típ quen thuộc không lặp lại thì cũng không đến nỗi khiến khán giả ngán ngẩm như hiện tượng xảy ra trong những phim gần đây.

Trước đây, trong hành trình đi tìm kiếm gương mặt mới cho phim của mình, đạo diễn Quốc Trọng đã từng rất thành công khi mời ca sĩ NSƯT Mai Hoa vào vai nữ chính trong phim "Hương đất". Cũng nhờ vai diễn này, ca sĩ Mai Hoa nhận được nhiều thiện cảm của khán giả ở khắp mọi miền đất nước. Diễn viên Mai Thu Huyền vốn không phải là người theo đuổi con đường nghệ thuật từ đầu, nhưng khi được mời vào một số phim truyền hình, chị cũng gặt hái được khá nhiều thành công.

Thành công với một vị trí cao trong một công ty danh tiếng, Mai Thu Huyền không có nhiều thời gian dành cho phim ảnh. Chính vì thế, sự xuất hiện "vừa đủ" của chị trên sóng truyền hình đã khiến khán giả cảm thấy "nhớ nhung" cho đến khi chị tái xuất với "Những ngọn nến trong đêm 2". Hay việc chọn cô sinh viên Phan Hòa - chưa hề có tên tuổi trong làng giải trí vào vai hoa hậu Minh Phương trong phim “Chạy án” đã khiến khán giả vừa ngạc nhiên vừa thích thú.

Diễn viên cũng cần có dũng khí để từ chối!

Bởi vậy có thể thấy, nhiều khi sự xuất hiện với tuần suất dày đặc trên sóng truyền hình lại chính là "con dao hai lưỡi" khiến diễn viên khó lòng nổi bật hay để lại dấu ấn đối với khán giả. Bởi lẽ, khi nhận lời đóng quá nhiều phim, không chỉ gây nhàm chán bởi sự quen mặt mà còn khiến diễn viên không có thời gian để đầu tư cho vai diễn, nhân vật mà họ nhập vai theo đó cũng sẽ bị nhạt nhòa, thiếu sức sống.

Điều này đã khiến một số nghệ sĩ ở ta nhận ra rằng, nghệ sĩ cũng phải cân nhắc, lựa chọn vai diễn cho mình, mà đặc biệt là cũng phải biết... từ chối vai diễn, dù điều này nghe có vẻ là “sáo”, không mấy thuận tai. Với diễn viên Việt Nam chủ yếu là người thuộc các nhà hát, đoàn kịch vốn ít khán giả, việc được mời tham gia vào các vai diễn chính - thứ trong các phim truyền hình dài tập là cơ hội không chỉ đem lại thu nhập mà còn có thể giúp họ dễ “có danh” hơn.

Chính vì thế, khi có lời mời của đạo diễn, thông thường họ sẽ thu xếp để tham gia, dù có thể cát - xê cho phim không cao. Chỉ trừ các diễn viên, người mẫu, MC thường có lịch diễn bận rộn và hay phải đi công tác xa mới từ chối lời mời của đạo diễn chứ không phải nghệ sĩ nào cũng có dũng khí để từ chối cơ hội dành cho mình.

Nhưng thời gian qua, sự trùng lặp liên tục của các nghệ sĩ trong phim đã cho thấy, nhiều khi nghệ sĩ cũng phải có dũng cảm để... từ chối nếu họ thực sự muốn "đi đường trường", bảo tồn danh tiếng hay xây dựng hình ảnh cho bản thân trước công chúng đang ngày càng khó tính và có nhiều lựa chọn trước phim truyền hình “nhập ngoại” đang tràn lan như hiện nay.

Nguyệt Hà
.
.