Phim truyền hình Việt 2017: Khởi sắc tìm khán giả

Thứ Năm, 23/03/2017, 10:34
Tiếp nối sự khởi sắc của phim truyền hình trong năm 2016, ngay từ đầu năm 2017, một loạt những bộ phim mới, hấp dẫn đã được các kênh sóng tiếp tục ra mắt khán giả. "Người phán xử", "Lặng yên dưới vực sâu", "Vực thẳm vô hình", "Bước nhảy hoàn vũ"... là những bộ phim hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ. Chất lượng những bộ phim truyền hình Việt đang dần được nâng cao cùng sự nỗ lực của những người làm phim cố giữ chân khán giả và tìm lại hào quang đã mất...


Không thể phủ nhận, sau 20 năm ra đời, dù trải qua nhiều giai đoạn với những thay đổi thăng trầm nhưng phim truyền hình vẫn là món ăn tinh thần, là thói quen giải trí của không ít khán giả màn ảnh nhỏ. Những bộ phim phát sóng vào khung giờ vàng vẫn nhận được sự quan tâm, theo dõi và chờ mong của nhiều đối tượng công chúng.

Dù đã có thời điểm, phim truyền hình Việt rơi vào trình trạng nhàm chán, nhạt nhẽo, nhiều sạn... nhưng khán giả vẫn xem với một thái độ kiên nhẫn, chờ mong sự thay đổi ở những bộ phim kế tiếp. Tuy nhiên, từ giữa năm 2016, sự ra mắt của một số những phim truyền hình Việt như "Tuổi thanh xuân" (phần 2), "Chiều ngang qua phố cũ", "Ngự lâm không kiếm", "Điều bí mật"... đã mang lại những hiệu ứng bất ngờ từ phía khán giả.

Từ đà phát triển ấy, ngay sau khi những bộ phim này kết thúc, một loạt những bộ phim được đầu tư, sản xuất kỹ lưỡng hơn, nâng cao hơn về chất lượng nghệ thuật.

Đầu tiên phải kể tới một bộ phim về đề tài hình sự với tên gọi "Người phán xử". Với độ dài 46 tập, "Người phán xử" là một bức tranh chân thực, khốc liệt về cuộc chiến giành quyền lực trong thế giới ngầm của giới giang hồ hiện đại và hành trình chống tội phạm của cơ quan chức năng. Được Việt hóa từ kịch bản phim Israel với nhiều kịch tính, hấp dẫn, bộ phim còn được thực hiện theo phong cách kể chuyện nhanh, hiện đại...

Phim “Người phán xử” hứa hẹn là phim truyền hình thu hút khán giả trong thời gian tới.

Đây thực sự là một bước tiến cho dòng phim hình sự - vốn được khán giả chờ yêu thích nhưng không phải là thế mạnh của phim truyền hình Việt lâu nay. Thông qua câu chuyện phức tạp của một gia đình, "Người phán xử" khéo léo tái hiện thế giới xã hội đen chứa đựng trong nó nhiều những ân oán không dễ gì được giải quyết.

Ê kíp sản xuất cho biết, thực hiện trong thời gian gần 1 năm, ở nhiều bối cảnh khác nhau, với một kịch bản phim giàu kịch tính, "Người phán xử" còn hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những pha hành động và võ thuật đẹp mắt không thua kém những bộ phim truyện nhựa.

Việc quy tụ một dàn diễn viên với những gương mặt gạo cội như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Thanh Quý, NSƯT Trung Anh và những nghệ sĩ trẻ được khán giả hâm mộ như Việt Anh, Hồng Đăng, Đan Lê... được coi như điểm cộng cho bộ phim này.

Khác với phim hình sự "Người phán xử", "Lặng im dưới vực sâu" lại là bộ phim tâm lý tình cảm về đề tài miền núi. Kịch bản được chuyển thể từ truyện vừa cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Đạo diễn Đào Duy Phúc cùng ê kíp sản xuất đã tái hiện lại một câu chuyện tình yêu lãng mạn, mộc mạc, chân thành của đôi trai gái người Mông qua những thước phim đầy cảm xúc.

Những câu chuyện đời thực ấm áp, chân chất, những nỗi đau giằng xé mà những nhân vật này chịu đựng trên bối cảnh là cánh đồng hoa tam giác mạch. Kịch bản phim được xây dựng từ nền văn hóa Mông đầy bản sắc cùng những nhân vật cá tính, sống quyết liệt với khát vọng giành lấy tình yêu đích thực cho mình. Đoàn làm phim chia sẻ, cùng với câu chuyện phim đầy kịch tính thì vẻ đẹp của vùng cao nguyên đá Hà Giang chính là một trong những điểm hấp dẫn mà phim mang tới cho khán giả.

Tiếp nối mạch phim của "Chiều ngang qua phố cũ" vừa phát sóng trên VTV1 sẽ là một bộ phim mang đề tài hôn nhân - gia đình "Sống chung với mẹ chồng". Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn là một đề tài quan thuộc và thường xuyên xuất hiện trong những bộ phim có đề tài hôn nhân - gia đình.

Tuy nhiên, với bộ phim này, khán giả sẽ có dịp được chứng kiến những câu chuyện bi hài của đôi vợ chồng trẻ khi sống cùng người mẹ trái tính, luôn quan tâm một cách thái quá với cuộc sống của con. Điều thú vị ở phim này là hai NSND Lan Hương đều cùng đảm nhiệm vai hai bà thông gia. Trong đó vai mẹ chồng của NSND Lan Hương (Hương "bông") được coi là một trải nghiệm mới của chị vì lâu nay, chị thường gắn với hình ảnh người mẹ hiền dịu tần tảo, chịu thương chịu khó.

Ngoài ra, phim đề tài showbiz như "Bước nhảy hoàn vũ" hay phim hành động - tâm lý "Vực thẳm vô hình" cũng sẽ tiếp tục lên sóng vào những khung giờ đẹp nhất. Với độ dài 46 tập, "Vực thẳm vô hình" lại xoay xung quanh cuộc đời éo le của hai chị em song sinh Đan Như và Tuyết Anh. Hai chị em bị chia cắt từ nhỏ và khi gặp lại sau bao năm xa cách thì họ lại đang đối đầu nhau ở hai chiến tuyến. Một người là cảnh sát, một người thuộc thế giới tội phạm.

Với thể loại phim hành động - tâm lý, vốn được khán giả ưa chuộng, ê kíp sản xuất phim còn mang đến nhiều màu sắc mới mẻ, từ việc lựa chọn dàn diễn viên tới xử lý các tình huống kịch tính trong phim.

Phim “Sống chung với mẹ chồng” có nhiều tình huống hài hước, thú vị.

Có thể thấy, những bộ phim chuẩn bị lên sóng đều là những bộ phim có sự đầu tư kỹ lưỡng cả về kịch bản và hình ảnh, được thực hiện bởi các đạo diễn tên tuổi, nhiều kinh nghiệm và sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng.

Điều đáng nói nhất là những bộ phim truyền thời gian vừa qua đã phần nào hạn chế được điểm yếu kéo dài của phim Việt lâu nay là xa lạ, nhạt nhẽo với đời sống của con người. Đặc biệt, những bộ phim về đề tài hôn nhân, gia đình gần đây, tạo được những hiệu ứng tốt trong lòng công chúng vì đã đề cập một cách chân thực những vấn đề đang tồn tại trong mỗi gia đình hiện đại.

Qua câu chuyện phim, khán giả thấy được chân dung cuộc sống, những tâm tư tình cảm, khúc mắc của chính mình và những người xung quanh. Đây thực sự là điều đáng quý vì những bộ phim đó đã phần nào chứa đựng hồn Việt, văn hóa Việt trong bối cảnh những giá trị truyền thống đang bị cuộc sống hiện đại làm cho phôi phai.

Một trong những nguyên nhân khiến phim truyền hình Việt một thời gian bị khán giả quay lưng là vì thiếu những kịch bản hay, đề tài ấn tượng. Nhưng những bộ phim gần đây đã cho thấy sự kỹ lưỡng của các nhà làm phim. Có phim chuyển thể từ tác phẩm văn học ăn khách, có phim được mua bản quyền từ nước ngoài... đã thực sự giúp chất lượng kịch bản nâng cao hơn hẳn những kịch bản viết vội trước đó.

Có thể thấy rằng, những người làm phim truyền hình Việt đã đang nỗ lực bằng mọi cách kéo khán giả quay lại mình. Đã từng có thời điểm, sự phát triển như vũ bão của các kênh sóng, nhu cầu phát phim cao kéo theo không ít những bộ phim làm nhanh, làm ẩu để kịp phát sóng.

Kết quả của kiểu phim truyền hình "mì ăn liền" ấy là khủng hoảng thừa những bộ phim nhạt nhẽo, vô vị. Giới trong nghề cho rằng, phim truyền hình đã phát triển quá nóng, thiếu cân bằng, tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng lại sụt giảm do nội dung, đề tài, diễn xuất đều đi vào lối mòn. Đội ngũ làm phim từ biên kịch, đạo diễn tới diễn viên đều rơi vào tình trạng quá tải.

Một số đạo diễn có phim đang nằm chờ phát sóng than thở chính tình trạng ồ ạt đi làm phim khiến cho phim phải xếp hàng dài dài. Và khi phim thừa thãi cũng đồng nghĩa với việc có những bộ phim sẽ rơi vào nguy cơ không được lên sóng nếu chất lượng tồi. Điều này đã thúc đẩy những nhà làm phim không thể ẩu tả với đứa con tinh thần của mình. Vì phim không được phát sóng, có nghĩa công sức, tiền bạc của cả đoàn làm phim xuống sông xuống biển.

Không chỉ nâng cao chất lượng phim - vấn đề then chốt để tăng lượng người xem - thì sự sắp xếp xen kẽ các dòng phim cũng đã khiến khán giả đỡ cảm giác nhàm chán cũng như phù hợp với nhu cầu và sự lựa chọn của nhiều đối tượng. Tăng cường sự giao lưu giữa đoàn làm phim với khán giả, lắng nghe xu hướng khán giả trong xây dựng cốt truyện... cũng đang là những biện pháp mà các nhà sản xuất phim truyền hình thực hiện để kéo níu chân khán giả.

Khánh Thảo
.
.