Nghệ sĩ nói không với trào lưu giả gái

Thứ Sáu, 16/06/2017, 08:02
Cách đây không lâu, nghệ sĩ Minh Nhí và Gia Bảo khẳng định không giả gái trong gameshow “Sao nối ngôi” và “Tiếu lâm tứ trụ”. Ca sĩ Thanh Duy Idol từ chối hát trong ngoại hình nhi nữ dù mức cát xê cao ngất ngưởng. Diễn viên Duy Khánh thôi nhận vai giả gái. 


Đây không phải là lần đầu tiên giới nghệ sĩ “nói không với vai giả gái”. Người tiên phong phải kể đến danh hài Hoài Linh. Năm 2011, ông tuyên bố dứt tình với hình tượng nữ giới từng làm nên tên tuổi mình trong các vở hài kịch: “Lầm”, “Ru lại câu hò”, “Hoa hậu ba miền”, “Kén vợ cho Lợn”...

Điều đáng nói là các nghệ sĩ trên đều có vai giả gái ấn tượng, duyên dáng từ ngoại hình đến tính cách chứ không nhảm nhí, phản cảm như phần lớn trào lưu giả gái hiện nay. Hóa thân thành NSND Thu Hiền, Minh Tuyết, Lệ Quyên…, Thanh Duy Idol trở thành quán quân “Gương mặt thân quen” 2015. Kể từ đó, hàng loạt lời mời của giới bầu show đều dính dáng đến vai giả gái.

Không muốn đóng khung mình vào ngoại hình trái khoáy nên Thanh Duy Idol từ chối. Diễn viên Duy Khánh cũng gặp tình trạng tương tự. Sau serie hài của nhóm DamTV, anh “chết vai” Cô giáo Khánh và sử dụng nghệ danh này một thời gian dài. Hễ nơi nào cần vai giả gái là lại tìm đến anh. Mệt mỏi, anh chính thức đổi nghệ danh thành Duy Khánh và chỉ nhận vai nam tính.

Màn giả gái của Trấn Thành và Ngô Kiến Huy trong một chương trình truyền hình.

Nổi tiếng làm nghề nghiêm túc, NSƯT Trung Dân là người gác đền “khắc nghiệt” với học trò. Ngồi ghế nóng ở bất cứ chương trình nào, ông cấm tiệt vai giả gái, hài nhảm, hài tục. “Cười xuyên Việt” là một ví dụ. Vì NSƯT Trung Dân nên thí sinh Hoàng Phúc mạo hiểm thay đổi kịch bản vốn có vai giả gái ngay trên sân khấu. Khi bạn diễn lật đật đội tóc giả thì Hoàng Phúc nhanh trí la làng: “Lại giả gái nữa! Thầy Trung Dân chửi nữa!”. Hơi bất ngờ nhưng bạn diễn kịp ứng biến: “Làm tốn bộ tóc giả Ngọc Trinh”.

Minh Nhí cũng là nghệ sĩ vô cùng dị ứng với "hài nhảm", "hài xàm" dù trước đây ông  kinh qua không ít vai nữ. Thấy học trò giả gái vô duyên, kệch cỡm khi tranh tài tại một cuộc thi hài, ông kêu về quát cho một trận nên thân. Tham gia chương trình “Tiếu lâm tứ trụ”, Minh Nhí cùng ban giám khảo, ban tổ chức cố gắng hạn chế tối đa việc giả gái, kiên quyết nói không với hài nhảm.

Giải thích về nguyên nhân vĩnh biệt hình tượng nhi nữ, Hoài Linh thẳng thắn: “Ngày xưa, thiếu diễn viên nữ trên sân khấu hài nên tôi thường xuyên vào vai giả gái. Giờ nhiều nghệ sĩ nữ rồi, cần gì mình phải vào vai giả gái nữa? Mà giờ mình cũng có tuổi, chân chậm, mắt mờ, tay run, không thể ngồi hàng giờ tự hóa trang được. Hơn nữa, bây giờ vai diễn không còn hiệu ứng mới lạ, hay ho như trước nữa. Có quá nhiều nghệ sĩ giả gái và họ diễn hơi thái quá, tạo hiệu ứng phản cảm cho khán giả”.

Đúng như Hoài Linh đánh giá, những năm gần đây, giả gái tràn lan khắp mọi nơi, từ chương trình hài như “Cười xuyên Việt”, “Bí mật đêm Chủ nhật”, “Hội ngộ danh hài”, “Hội quán tiếu lâm”, “Ơn giời! Cậu đây rồi” cho đến các chương trình ca hát, thi tài năng như “Cặp đôi hoàn hảo”, “Gương mặt thân quen”, “Cùng nhau tỏa sáng”… Hết sân khấu, gameshow rồi đến phim ảnh đều khai thác rầm rộ kiểu hoán đổi giới tính. Không chỉ nghệ sĩ hài mà đến các ca sĩ, gương mặt trẻ mới tập tễnh vào nghề cũng tích cực thử sức.

Khổ nỗi, người hợp vai quá ít ỏi so với kẻ bị cho “làm xấu hình ảnh phụ nữ” với kiểu diễn lố và tạo hình nam không ra nam, nữ không ra nữ. Áo váy lòe loẹt, điệu bộ cố tỏ ra ẻo lả, chu môi, đánh mông, nói tục… để chọc cười. Một nam diễn viên giả nữ thì việc uốn éo, làm đủ động tác nhạy cảm như sờ ngực, nắn mông là chuyện dễ dàng hơn là nữ đảm nhận.

Người ta từng chứng kiến một Jun Phạm giả làm ca sĩ Bích Phương một cách thô kệch, cất giọng ái ái hát bài “Bao giờ lấy chồng” trong chương trình “Gương mặt thân quen”. Hay Trấn Thành khiến mọi người hết hồn khi hóa thân thành cô gái xấu tệ với biểu cảm cơ mặt và kiểu đi đứng không giống ai khi đánh ghen Ngô Kiến Huy (cũng đóng vai giả gái).

Trấn Thành cũng từng gây bão khi vào vai Tô Ánh Nguyệt một cách sống sượng, ăn nói bỗ bã và vén quần vén áo một cách dung tục. Tạo hình mẹ con nhà Cám “xấu xúc phạm người nhìn” của Trường Giang, Chí Tài trong một tiểu phẩm khiến khán giả không thể chấp nhận.

Trong cuộc thi song ca mới đây, ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim lại giả nam trang và cố hát giọng đàn ông còn anh đồng nghiệp lại giả gái, cố hát giọng nữ mà vẫn ồm ồm “vịt đực”. Sự hoán đổi có chủ ý này khiến tiết mục trở nên sống sượng.

Điều này không hề lạ bởi giả gái bây giờ được coi như chiêu trò gây tò mò và dễ nổi của những tên tuổi không mấy nổi bật. Đơn cử như Thanh Duy Idol dù giành ngôi Á quân của “Vietnam Idol 2008” nhưng sự nghiệp của anh mãi lẹt đẹt cho đến khi anh ghi dấu ấn với hàng loạt màn hóa thân thành phụ nữ trong “Gương mặt thân quen” 2015.

Hoài Linh và Duy Khánh nói không với vai giả gái.

Ngoài việc gây cười, đánh bóng tên tuổi, che lấp yếu kém về nội dung kịch bản thì giả gái còn được đông đảo nghệ sĩ nam ưu ái bởi nó dễ dấy lên nghi án về giới tính. Nhưng vô tình hay hữu ý, giả gái lố tràn lan khiến công chúng có cái nhìn không mấy thiện chí, gây tổn thương đến những người thuộc thế giới thứ ba. Đã vậy, giả gái ảnh hưởng nhiều đến quan niệm thẩm mỹ của người xem truyền hình, nhất là trẻ nhỏ.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cảnh báo: “Dù người nghệ sĩ diễn đạt hay là không đạt vai giả gái thì bọn trẻ cũng sẽ thắc mắc và rối rắm trong chuyện xác định giới tính của nhân vật. Ngoài ra, tâm lý trẻ rất hay bắt chước, chúng thấy cái gì lạ, thú vị, thì chúng sẽ bắt chước làm theo, ảnh hưởng đến thị hiếu thẩm mỹ”.

Lắm nam nghệ sĩ chỉ khoác vội lên người bộ cánh phụ nữ, bôi son trét phấn, bắt chước vài ba cử chỉ điệu đà rồi làm lố lên, tưởng vậy đã là nữ. Phải thừa nhận rằng giả gái nghiêm túc vô cũng khó. Ca sĩ Jun Phạm cho hay khó nhất là khâu giả giọng, vì nếu không khéo sẽ phô và phản cảm. Trang điểm có giống nữ đến đâu nhưng hồn cốt của nhân vật giả gái không chỉ thể hiện qua vẻ ngoài mà còn là thần thái, cốt cách và nét duyên trên sân khấu.

Hoài Linh từng mạnh miệng tuyên bố từ giã vai giả gái nhưng thỉnh thoảng ông vẫn phá lệ. Đó là vai bà mẹ của ông Tỏi trong phim “Gà gân, mỹ nhân và găng tơ”, vai mụ dì ghẻ độc ác trong vở hài kịch “Tình chị duyên em” với NSND Ngọc Giàu. Tuy nhiên, sự phá lệ này vẫn được khán giả châm chước. Phần vì chuyện đáp đền tình nghệ sĩ với nhau, phần vì sự nhập vai của Hoài Linh quá xuất sắc.

Ngoài Hoài Linh, rất nhiều nghệ sĩ khác có những vai giả gái để đời như Xuân Hinh, Thành Lộc, Hữu Châu, Công Lý, Minh Nhí… Vai giả gái của họ không chỉ hài hòa giữa "hình" và "tiếng" mà còn có nét duyên làm lên tính cách, tinh thần của nhân vật trong đường dây kịch bản chỉn chu. Các vai diễn đều rất tự nhiên, mới lạ, không quá cương, thể hiện tài năng của nghệ sĩ.

Từng đóng nhiều vai nữ và mới đây nhất là vai Lệ Liễu trong phim “Lô tô”, NSƯT Hữu Châu nói thẳng: “Nếu nghệ sĩ nào quá xấu, cơ bắp cuồn cuộn thì làm ơn đừng giả gái vì rất phô. Diễn vai nữ dù là vai hiền hay ác, lanh chanh hay thục nữ… thì phải diễn sạch, đừng làm dơ hình ảnh phụ nữ”.

Từ trước đến nay, NSƯT Hữu Châu chỉ đóng vai giả gái theo yêu cầu kịch bản, mang đến thông điệp ý nghĩa. Nhận bất cứ vai nào ông cũng tìm hiểu khá kỹ để xây dựng nhân vật từ vẻ ngoài đến cử chỉ, điệu bộ, nội tâm thật tự nhiên, diễn đúng vai diễn cần chứ không lên gân. Ông hóa trang nhân vật nữ rất kỹ như dùng phấn nâu hóa trang để trông mặt thon gọn, xõa tóc che trán thô, mặc áo dài tay che cơ bắp… Lúc diễn phải chú ý dáng đứng, tướng đi rồi luyện giọng sao cho mềm mại. Ông không cho phép mình hời hợt với dạng vai này, thậm chí phải cố gắng khổ luyện gấp hai, gấp ba lần so với các vai nam tính. Đó cũng là cách ông tôn trọng nhân vật, tôn trọng khán giả và tôn trọng chính nghề nghiệp của mình.

Phan Thi Uyên
.
.