Đâu cứ giả gái mới vui?

Thứ Hai, 04/01/2016, 08:00
Nếu có thời gian ngồi xem chương trình "Ơn giời cậu đây rồi" vào mỗi tối thứ 7 hằng tuần trên kênh VTV3, khán giả dễ dàng bắt gặp đầy ắp màn giả gái của các nghệ sĩ hài. Thậm chí, có những tối, cả 4 tiểu phẩm trong chương trình đều sử dụng chiêu trò này. 

Trước đó, gameshow ca nhạc "Gương mặt thân quen", "Cặp đôi hoàn hảo" cũng được nhắc đến với tần suất giả gái khá nhiều... Lạm dụng màn giả gái để câu khách không chỉ khiến khán giả thấy nhàm chán, mà nguy hiểm hơn, nó còn có thể gây ra những hệ lụy khôn lường đối với sự phát triển tâm lý của trẻ em.

1.Khi áp lực cuộc sống hiện đại càng căng thẳng thì nhu cầu giải trí của con người ngày một gia tăng. Chính vì thế, việc ngày càng có nhiều gameshow hài hước trên sóng truyền hình cũng là điều dễ hiểu. Những sự khác biệt, trái lẽ thường luôn được những người làm hài tận dụng để mang lại tiếng cười cho khán giả. Và trong số những chiêu trò gây cười thì các màn nghệ sĩ nam cải trang thành nữ luôn mang lại sự sảng khoái đặc biệt.

Trước đây, những nghệ sĩ có khả năng giả gái thành công thường được nhắc tới là Hoài Linh, Thành Lộc ở miền Nam, Công Lý ở miền Bắc. Nhưng giờ đây, cùng với sự bùng nổ của các gameshow hài thì danh sách ấy đã được nối dài bằng những cái tên như Trấn Thành, Chí Tài, Trường Giang, Thanh Duy, Long Nhật...

Những màn giả gái nhan nhản trong “Ơn giời cậu đây rồi''.

Các màn giả gái không chỉ có trên những sân khấu hài kịch như "Ơn giời cậu đây rồi", "Tài tiếu tuyệt", "Bí mật tối chủ nhật", mà lan cả sang những gameshow hát hò như "Cặp đôi hoàn hảo", "Gương mặt thân quen", thậm chí có ở cả những gameshow ca nhạc dành cho trẻ em như "Gương mặt thân quen nhí".

Không ít khán giả cùng có chung nhận định: giờ đây, cứ bật tivi lên là thấy một nam nghệ sĩ đang ưỡn ẹo, chu môi, liếc mắt đánh hông trong những bộ cánh diêm dúa, điệu đà của phái nữ. Gameshow đứng đầu trong danh sách những chương trình có nhiều tiết mục trai giả gái nhất phải kể tới "Ơn giời cậu đây rồi". Tại mỗi chương trình phát sóng với 5 tiểu phẩm thì hầu như có ít nhất 1 tiểu phẩm sử dụng chiêu trò này. Thậm chí, có chương trình 3 - 4 tiểu phẩm đều dính dáng tới trai giả gái. Những nghệ sĩ hài thường xuyên xuất hiện trong chương trình này như Trấn Thành, Chí Tài, Trường Giang, Minh Đức... có lẽ không nhớ nổi mình giả gái bao nhiêu lần?

Những nghệ sĩ được xem là có khả năng giả gái như Trấn Thành, Trường Giang đã đành, những kẻ chân ướt chân ráo mới vào nghề, không cần biết có khả năng giả gái hay không đều bị ép vào chiếc áo ngược giới tính.

Trong trào lưu, người người giả gái, một số nghệ sĩ đã lạm dụng chiêu trò này khiến khán giả không khỏi lắc đầu ngán ngẩm. Một trong những nghệ sĩ trẻ có khả năng giả gái khá duyên dáng là Thanh Duy nhưng những gì anh thể hiện trong chương trình "Gương mặt thân quen" đôi lúc khiến khán giả không hài lòng. Một vài lần giả gái thành công khiến cho Thanh Duy quên mất đâu là điểm giới hạn cần dừng. Chẳng hạn như khi anh bốc trúng màn hóa thân thành ca sĩ Long Nhật hay nghệ sĩ Thành Lộc, thay vì chọn những ca khúc, những vai diễn đúng giới tính gắn bó với nghệ sĩ này thì Thanh Duy lại chọn những màn giả gái của các nghệ sĩ này để thể hiện.

Sự quá đà "giả gái của giả gái" này khiến cho phần hóa thân của anh không còn đặc biệt nữa, nếu không muốn nói phản tác dụng. Và chắc chắn những nhận xét, góp ý của khán giả dành cho Thanh Duy trên các trang mạng xã hội không phải là không xác đáng hay không có cơ sở. Chỉ trong một gameshow mà người ta thống kê anh có tới gần 9 gần sử dụng chiêu giả gái. Dù Thanh Duy giải thích: "Nếu tôi không làm một Thành Lộc đang đóng vai bà già, hay Long Nhật đóng vai một cô gái trẻ thì hình ảnh xuất hiện của tôi khá bình thường, làm sao gây dấu ấn với khán giả?". Nhưng chính sự ham ghi dấu ấn ấy đã khiến những màn giả gái của anh trở nên lố và có phần phản cảm.

Trào lưu giả gái tràn lan trên các gameshow truyền hình hiện nay không nằm ngoài nguyên nhân câu khách từ phía các nhà sản xuất gameshows. Nhiều nhà sản xuất thẳng thắn thừa nhận trào lưu giả gái vẫn là một trong những cách thu hút khán giả hiện nay. Giả gái thành công thì tốt rồi, nhưng không thành công cũng khiến khán giả cười bể bụng. Dù là tiểu phẩm mang thông điệp gì nhưng chỉ cần nam nghệ sĩ son phấn lòe loẹt, lả lướt, ưỡn ẹo trên sân khấu cũng đã đủ mua vui.

Sở dĩ, nhiều nghệ sĩ hài cũng chạy theo xu hướng này vì không quá vất vả trong việc tạo hình mà hiệu ứng khán giả lại cao. Thậm chí, các nam nghệ sĩ còn xem việc ngồi hóa trang thành vai nữ với váy áo lụa là, giày cao gót và môi son má phấn như là một thách thức đáng tự hào để vượt qua. Trong cơn lốc cạnh tranh giờ phát sóng, những nghệ sĩ trẻ dễ dãi đã trở thành quân cờ để các nhà sản xuất thu hút khán giả.

Việc bùng nổ các gameshow kéo theo sự khan hiếm kịch bản hài khiến cho việc trai giả gái đã như một cứu tinh cho các tiểu phẩm. Cũng có ý kiến cho rằng, dường như thí sinh chịu khó "giả gái"càng dễ có cơ hội giành chiến thắng như những gì mà Hoài Lâm hay Thanh Duy đã làm trong chương trình "Gương mặt thân quen". Tại chương trình "Cười xuyên Việt" cũng vậy. Những tiết mục được xem là tạo dấu ấn lại thường là những tiết mục có màn này như "Tấm Cám", "Kép Tư Bền", "Thằng Bờm"...

Tuy nhiên, điều đáng nói là trào lưu giả gái lan xuống cả những gameshow dành cho trẻ em. Trong "Gương mặt thân quen nhí", cậu bé Đức Vĩnh cũng thường xuyên có những màn giả gái trong các phần thi của mình. Dù ngưỡng mộ tài năng của cậu bé này nhưng không ít khán giả lo ngại, với những cậu bé còn nhỏ như vậy, việc giả gái thường xuyên có khiến các em có những suy nghĩ lệch lạc về giới tính.

Dù khá duyên dáng khi giả gái nhưng Thanh Duy vẫn bị cho là lạm dụng khi đóng giả Long Nhật trong “Gương mặt thân quen”.

2.Không thể phủ nhận, để một nghệ sĩ nam có thể hóa thân một cách duyên dáng, hài hước vào vai nữ thể hiện tài năng của nghệ sĩ ấy. Và chắc chắn tài năng ấy không phải ai cũng làm được. Trong nghệ thuật có rất ít nghệ sĩ có khả năng này. Nghệ sĩ Hoài Linh đã từng ghi dấu ấn với những màn giả gái xuất sắc khiến khán giả thích thú. Anh chinh phục khán giả chính bằng vẻ hài hước, duyên dáng, độc đáo rất riêng của mình.

Cũng như vậy, Thành Lộc thường chỉ giả gái trong những vở diễn, những vai diễn mà điều đó thật sự cần thiết. Và bao giờ cũng vậy, phía sau mỗi nụ cười mà vai diễn Thành Lộc mang lại luôn ẩn chứa những triết lý cuộc đời sâu sắc. Điều quan trọng mà những nghệ sĩ như Hoài Linh hay Thành Lộc làm được là luôn biết tiết chế, cũng như biết điểm dừng cho những vai giả gái của mình.

Việc giả gái như một trào lưu hiện nay đã khiến khán giả cảm thấy lố bịch và phản cảm. Thậm chí, việc lạm dụng chiêu trò giả gái trong các gameshow truyền hình đã góp phần vào việc tạo ra cái nhìn lệch lạc về những người đồng tính. Thậm chí, không ít người trong cộng đồng giới tính thứ 3 chia sẻ, họ cảm thấy tổn thương khi những khác biệt giới tính của họ bị mang ra để  làm trò cười.

Không chỉ mua vui, trào lưu lạm dụng màn giả gái này đã làm méo mó và khoét sâu vào nỗi đau của những người thuộc giới tính thứ 3. Thay vì cảm thông cho sự khác biệt của một nhóm người mà khi sinh ra họ đã phải chịu đựng, thay vì nhìn thấy những đóng góp của họ cho xã hội thì lại xây dựng họ bằng những hình ảnh phản cảm. Chính vì thế, trong quan niệm của không ít người, người đồng tính là những người ăn mặc lòe loẹt, điệu bộ õng ẹo, lả lướt.

Một điều đáng lo ngại nữa là sự quá đà trong việc giả gái của các nghệ sĩ ảnh hưởng đến nhận thức lệch lạc về giới tính của không ít bạn trẻ hiện nay. Tuy chưa có một con số thống kê chính thức về sự ảnh hưởng của văn hóa phẩm tới sự định hình giới tính ở các bạn trẻ nhưng tình trạng số lượng người đồng tính tăng cao, các bạn trẻ coi việc giả giới tính, phi giới tính như một thứ mốt thì những điều này không thể vô can. Đặc biệt, với trẻ em, việc để các em xem những tiết mục giả gái, tham gia vào việc chuyển đổi giới tính (dù chỉ trong một tiết mục nghệ thuật) cũng là việc cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Bởi khi chưa thật sự có được sự vững vàng trong nhận thức, tâm lý, các em rất dễ bị dẫn dắt bởi các trào lưu.

Khánh Thảo
.
.