Nghề người mẫu méo mó trên truyền hình thực tế

Thứ Sáu, 04/08/2017, 08:00
Kỳ vọng nhiều nhưng thất vọng cũng không ít. Cuộc sống, sinh hoạt của những thí sinh trong ngôi nhà chung đã trở thành chủ đề bàn tán trên khắp các diễn đàn mạng. Hình ảnh các thí sinh cãi vã, nói xấu nhau diễn ra thường xuyên. Thậm chí, các thí sinh còn mắng nhiếc, ném đồ, xô đẩy nhau.


Hai chương trình truyền hình thực tế về nghề người mẫu là “The Face Việt Nam– Gương mặt thương hiệu” và “Viet Nams next top model – Người mẫu Việt Nam” đang lên sóng VTV3 đã vấp phải làn sóng chỉ trích của khán giả xem truyền hình. Những màn cãi vã, thậm chí dùng bạo lực với nhau ở hậu trường sân khấu của cả thí sinh lẫn huấn luyện viên khiến khán giả lắc đầu ngao ngán. Trong phút chốc, hình ảnh những người mẫu Việt, vốn đã không được thiện cảm lại càng trở nên “méo mó” trong mắt công chúng.

Niềm tin về nghề người mẫu bị lung lay

Phải thừa nhận một điều rằng, truyền hình thực tế, đặc biệt là “Viet Nams next top model” đã có “công” rất lớn trong việc đưa nghề người mẫu đến gần hơn với công chúng. Bền bỉ với 8 mùa giải, chương trình đã tìm kiếm, phát hiện, đào tạo được nhiều người mẫu tài năng. Nối dài ước mơ cho những quán quân, á quân sải bước trên thị trường thời trang hàng đầu trong khu vực và quốc tế. Những thí sinh trưởng thành từ cuộc thi như Trang Khiếu, Hoàng Thùy, Kha Mỹ Vân… đã tự tin vươn ra biển lớn. Họ chính là thế hệ người mẫu thế hệ mới, là cầu nối đưa người mẫu, thời trang Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Trong chương trình, những thử thách mà các thí sinh phải vượt qua để được ở lại ngôi nhà chung đã mang đến cho khán giả cái nhìn thực tế về nghề người mẫu. Để có được một chỗ đứng trong nghề, những người mẫu không chỉ cần có một hình thể đẹp với đôi chân dài mà cần phải có sự nỗ lực, khổ luyện, phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt trên sàn tập.

Các thí sinh đội huấn luyện viên Lan Khuê trong chương trình “The Face Vietnam” 2017.

Niềm tin và tình yêu của khán giả cho nghề người mẫu bị lung lay khi “Viet Nam next top model” mùa thứ 8 – 2017 và “The Face Vietnam” mùa thứ hai liên tiếp mang đến câu chuyện “không thể chấp nhận” được từ những người mẫu. “Viet Nam next top model” 2017 là mùa của “All star”, nghĩa là có sự tham gia của thí sinh ở tất cả các mùa giải trước đó. Rất nhiều khán giả kỳ vọng, chương trình năm nay hấp dẫn và kịch tính bởi dàn thí sinh cá tính và đều có kinh nghiệm “chinh chiến” qua các cuộc thi.

Kỳ vọng nhiều nhưng thất vọng cũng không ít. Cuộc sống, sinh hoạt của những thí sinh trong ngôi nhà chung đã trở thành chủ đề bàn tán trên khắp các diễn đàn mạng. Hình ảnh các thí sinh cãi vã, nói xấu nhau diễn ra thường xuyên. Thậm chí, các thí sinh còn mắng nhiếc, ném đồ, xô đẩy nhau.

Trong tập 4 của chương trình lên sóng cách đây chưa lâu, do mâu thuẫn với nhau, Kiki Lê đã tạt nước vào người Nguyễn Hợp gây náo loạn cả nhà chung. Nhiều khán giả bình luận rằng, thí sinh đã “bôi đen nghề người mẫu”, “lộn xộn”, hành vi ứng xử “thiếu văn hóa”, ứng xử như “hàng tôm, hàng cá” ngoài chợ… Những hình ảnh mâu thuẫn giữa các thí sinh được phát sóng trên truyền hình quốc gia không khác gì video clip gây sốc xuất hiện tràn lan trên mạng internet mỗi ngày.

Không chỉ có thí sinh; giám khảo của “Viet Nam next top model” mùa thứ 8 cũng không ít lần khiến giả “sốc” về cách ứng xử. Giám khảo Nam Trung và Võ Hoàng Yến liên tục mâu thuẫn, tranh cãi trong cách nhận xét, đánh giá các thí sinh. Có lần, Võ Hoàng Yến tức giận rời bỏ vị trí giám khảo đi ra ngoài. Host Trương Ngọc Ánh đã phải thốt lên “Tôi hết chịu nổi hai bạn rồi”.

Nhìn sang “The Mart” (nhiều khán giả gọi “The Face” thành “The Mart” - ý muốn ám chỉ chương trình có nhiều màn tranh cãi như ở chợ) cũng xuất hiện nhiều tình huống kịch tính không kém. Tuy nhiên, điều khác biệt là những câu chuyện gây tranh cãi của “The Face Vietnam” lại nằm ở chỗ bộ ba huấn luyện viên: Lan Khuê, Minh Tú, Hoàng Thùy.

Để bảo vệ các thí sinh của mình, các huấn luyện viên liên tiếp có những màn tranh cãi nảy lửa, nói chuyện với thái độ thách thức, đá xéo nhau. Sau mỗi tập phát sóng, hình ảnh, câu nói của bộ ba huấn luyện viên lại trở thành tâm điểm để các “anh hùng bàn phím” nhào nặn thành chuyện gây cười trên mạng xã hội.

Cần truyền hình “thực tế” hay “tử tế”?

Vấn đề gây tranh cãi ở đây là, ứng xử thiếu văn hóa là câu chuyện đã tồn tại từ lâu trong làng mẫu hay bị “thổi phồng” qua lăng kính của truyền hình thực tế? Trả lời trên các phương tiện truyền thông, người mẫu Xuân Lan – host của “Viet Nams next top model” nhiều mùa giải cho rằng, cô cảm thấy rất đau lòng khi nỗ lực xây dựng hình ảnh người mẫu Việt trong lòng công chúng bị “đổ sông, đổ biển”. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, các thí sinh tham gia chương trình từng xuất hiện trong “Viet Nams next top model” những mùa giải trước nhưng hình ảnh và cách ứng xử của họ hoàn toàn khác.

Điều này làm không ít khán giả cho rằng, kịch tính trong hậu trường chỉ là một phần trong kịch bản của nhà sản xuất để “cứu” chương trình, tăng hiệu suất người xem (chỉ số rating). Nhận định này không phải không có lý. Truyền hình thực tế “sống” được phụ thuộc rất lớn vào số lượng người xem. Trong bối cảnh truyền hình thực tế bão hòa, để cạnh tranh và tạo ưu thế, các nhà sản xuất buộc phải dùng “chiêu”. Càng gây tranh cãi, chương trình càng gây sự chú ý và điều đó đồng nghĩa với chỉ số rating có thể sẽ tăng cao.

Bộ ba giám khảo của “Viet Nams next top model” (từ trái qua): Nam Trung, Trương Ngọc Ánh, Võ Hoàng Yến.

Trước những chỉ trích của người hâm mộ, nhà sản xuất các chương trình cho rằng, họ chỉ làm đúng tiêu chí của truyền hình thực tế, tức là phản ánh chân thực những gì đang diễn ra. Các nhà sản xuất không cổ súy cho hành vi ứng xử thiếu văn hóa, không làm xấu hình ảnh người mẫu nhưng cũng không che giấu sự thật.

Thừa nhận rằng, truyền hình thực tế cần phải có yếu tố hấp dẫn để thu hút khán giả. Sử dụng chuyện hậu trường để làm tăng “gia vị” cho chương trình là quyền của nhà sản xuất nhưng việc khai thác hậu trường thế nào để làm tăng sự hấp dẫn cho chương trình mà không gây phản cảm là câu chuyện đáng phải suy ngẫm. “Gia vị” từ chuyện hậu trường đang được khai thác trở thành “món ăn chính” của truyền hình thực tế.

Suy cho cùng, truyền hình thực tế cũng phải thực hiện chức năng thẩm mỹ, định hướng, giáo dục cho công chúng. Liệu lý do nhà sản xuất đưa ra là phải tôn trọng sự thật của truyền hình thực tế để phơi bày tất cả hành vi xấu, đẹp lên truyền hình có thể chấp nhận được? Truyền hình phải mang đến cái đẹp, thông qua đó, giáo dục, hướng người xem đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Thử hỏi, người xem nhận được gì sau những màn cãi vã, nói xấu, chỉ trích, thậm chí là ẩu đả của những người mẫu trên truyền hình?

Để có thể lên sóng truyền hình, các chương trình phải trải qua nhiều khâu kiểm duyệt. Tuy nhiên, không ít sạn trong các chương trình truyền hình thực tế bị khán giả phát hiện khi phát sóng chứ không phải ở khâu kiểm duyệt. Những nhà kiểm duyệt không phát hiện ra “lỗi” hay biết mà cố tình cho “lọt” để gây sự chú ý cho chương trình? Nếu gây sự chú ý của khán giả như cách làm của “Viet Nams next top model” hay “The Face Vietnam” là một sai lầm bởi chương trình gây ồn ào nhưng khán giả sẽ dần mất niềm tin.

Khi khán giả quay lưng với chương trình, người bị “thiệt hại” đầu tiên là nhà sản xuất và nhà đài. Rating giảm, thu hút quảng cáo giảm thì “hầu bao” của nhà sản xuất, đài truyền hình sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Chính vì vậy, xây dựng chương trình hấp dẫn, thu hút khán giả bằng chính chất lượng của chương trình mới là giải pháp chiến lược để đi đường dài và tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh nở rộ truyền hình thực tế hiện nay.

Sau những số “Viet Nams next top model” hay “The Face Vietnam” lên sóng thì nghề người mẫu đang trở nên “méo mó” trong mắt công chúng. Nỗ lực của những người mẫu có “tâm” trong việc mang đến cái nhìn mới thiện cảm về nghề người mẫu đang bị ảnh hưởng. Xây dựng niềm tin trong lòng công chúng đã khó, khi đã đánh mất niềm tin thì việc xây dựng lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Phạm Thiên Giang
.
.