Nghề người mẫu: Vẫn không nơi quản lý

Thứ Bảy, 10/06/2017, 08:05
Có thể nói, chưa khi nào nghề người mẫu lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Cùng với việc gia tăng các cuộc thi hoa hậu, người mẫu là các chương trình truyền hình thực tế dành riêng cho lĩnh vực này như "Người mẫu Việt Nam", "Gương mặt thương hiệu" cũng thu hút sự tham gia của rất nhiều nam thanh, nữ tú...


Cùng với sự gia tăng của số lượng các cuộc thi nhan sắc, các hoạt động trình diễn thời trang, các chương trình truyền hình thực tế trong lĩnh vực biểu diễn thời trang... thì số lượng người mẫu cũng ngày một nhiều. Tuy nhiên, trái với mức độ nhạy cảm của nghề nghiệp, trái với những tai tiếng mà một số người hoạt động trong lĩnh vực người mẫu gây ra, nghề người mẫu hiện vẫn đang bị thả nổi và chưa có phương thức quản lý hữu hiệu.

Có thể nói, chưa khi nào nghề người mẫu lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Cùng với việc gia tăng các cuộc thi hoa hậu, người mẫu là các chương trình truyền hình thực tế dành riêng cho lĩnh vực này như "Người mẫu Việt Nam", "Gương mặt thương hiệu" cũng thu hút sự tham gia của rất nhiều nam thanh, nữ tú.

Nghề người mẫu thu hút rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ.

Cũng chưa khi nào hoạt động trình diễn thời trang lại dễ dàng và phong phú như hiện nay nên việc ngày càng có nhiều người bước vào nghề người mẫu cũng là điều dễ hiểu. 

Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, cả nước có khoảng gần 2.000 doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, khoảng gần 10.000 nghệ sĩ, người mẫu, trong đó có khoảng 1/3 người mẫu hoạt động tự do. Con số này đã cho thấy một đời sống hoạt động nghệ thuật khá sôi động nhưng chắc chắn cũng không kém phần phức tạp.

Một tình trạng diễn ra trong suốt thời gian dài là số lượng nghệ sĩ hoạt động tự do nhiều dẫn đến việc các cơ quan quản lý không nắm được số lượng, nhân thân của các cá nhân tham gia hoạt động nghê thuật, trình diễn thời trang trên địa bàn được quản lý. Dù không phải là nghệ sĩ, nhưng người mẫu cũng là đối tượng của công chúng. Sự xuất hiện của họ trên các sân khấu nghệ thuật ca nhạc, thời trang chuyên nghiệp đã góp phần làm chương trình biểu diễn thêm sinh động.

Một câu hỏi được khá nhiều người băn khoăn là vì sao nghề người mẫu - một nghề tương đối phát triển ở nước ta trong những năm gần đây - lại chưa nằm trong danh mục quản lý nhà nước? Chính vì không được quản lý cụ thể mà khi xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới nghề người mẫu như người mẫu bán dâm, người mẫu tranh giành chèn ép nhau trong nghề nghiệp... đã không có một cơ quan nào đứng ra giải quyết thấu đáo.

Mặc dù ở Việt Nam, nghề người mẫu bắt đầu xuất hiện từ thập niên 80 của thế kỷ trước và số lượng người mẫu ngày càng nhiều cùng với sự phát triển của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nghề người mẫu Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi bóng dáng của sự tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Lâu nay, người mẫu vốn chỉ được biết đến là những người có sắc vóc, tham gia một vài khóa huấn luyện của các công ty tổ chức biểu diễn hay một vài chương trình truyền hình thực tế. Thậm chí, có những người không cần tham gia bất kỳ khóa học nào, chỉ cần có chiều cao, nhan sắc, tham gia một vài show trình diễn thời trang thế là nghiễm nhiên mang danh xưng người mẫu.

Chính vì danh xưng người mẫu dễ dãi như vậy nên chuyện ở Việt Nam người mẫu nhan nhản cũng là điều dễ hiểu. Từ chuyện người mẫu "đông như quân Nguyên", hoạt động tự phát đã khiến nhiều sự việc tiêu cực xảy ra. Có người đẹp sử dụng danh xưng người mẫu cho oai để làm những việc vi phạm pháp luật như mại dâm và tổ chức mại dâm... Đã có không ít những sự việc xảy ra khiến "con sâu làm rầu nồi canh", thiện cảm của công chúng dành cho người mẫu vốn đã ít lại càng ít hơn.

Hiệp hội Người mẫu Việt Nam đã ra đời năm 2007 với hy vọng nhằm góp phần định hướng kỹ năng nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức cho các người mẫu đang hoạt động, phối hợp với các tổ chức có liên quan xây dựng giáo trình đào tạo nghề người mẫu; xây dựng tiêu chí của lao động người mẫu để đề nghị cơ quan quản lý nhà nước công nhận lao động người mẫu là một nghề. Tuy nhiên, mười năm trôi qua nhưng dường như Hiệp hội cũng chưa thực sự chứng tỏ được vai trò của mình trong việc làm giảm đi những vấn nạn trong nghề người mẫu.

Chính là xác định rõ nghề người mẫu thuộc nhóm nghề "nhạy cảm" nên chuyện chiếc thẻ hành nghề đã được đặt ra ngay từ thời gian này. Suốt từ đó đến nay, chuyện có hay không chiếc thẻ thu hút sự quan tâm rất lớn của báo chí và dư luận.

Một luồng ý kiến cho rằng, cần phải có thẻ hành nghề cho những người mẫu đủ tiêu chuẩn để họ tự tin cống hiến cho nghề. Hơn nữa, cũng căn cứ vào đó để xử phạt những hành vi tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực người mẫu. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, nghề người mẫu là một nghề tương đối phức tạp, chúng ta cũng chưa có cơ sở trường lớp chuyên nghiệp đào tạo nghề người mẫu vậy căn cứ vào đâu để xác định người này được cấp, người kia không được cấp... Việc cấp thẻ liệu có hiệu quả như mong đợi hay lại làm rối thêm lĩnh vực biểu diễn vốn đã rất phức tạp này?

Hoạt động người mẫu rầm rộ nhưng chưa có được cách thức quản lý hiệu quả.

Sau nhiều lần tổ chức lấy ý kiến từ giới chuyên môn và công chúng góp ý cho Dự thảo thông tư quy định chi tiết về việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho các nghệ sĩ, người mẫu ở Việt Nam thì mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức xác nhận hủy bỏ dự thảo này.

Sau một thời gian dài chờ đợi thì hy vọng về chiếc thẻ hành nghề (những tưởng sẽ bắt đầu được thực hiện từ giữa năm 2016) đã chính thức khép lại. Lý do khiến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định bãi bỏ việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu là vì trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu: lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu không đề cập nội dung cấp thẻ hành nghề biểu diễn cho các đối tượng điều chỉnh.

Dù vậy, nhiều người cũng hiểu rằng, việc tổ chức cấp thẻ hành nghề cho người mẫu sẽ khiến cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn vì không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào cho đúng.

Tuy nhiên, việc bỏ cấp thẻ hành nghề trong lĩnh vực người mẫu khiến những người đang hoạt động trong lĩnh vực này rất lo ngại. Họ cho rằng, ở lĩnh vực này, việc cấp thẻ hành nghề thực sự quan trọng vì thẻ hành nghề sẽ phần nào xóa bỏ những lùm xùm, nhiễu nhương đang tồn tại trong công việc khá nhạy cảm này. Trước tiên, sẽ xóa bỏ được tình trạng người mẫu tự xưng nhan nhan khắp nơi.

Hơn nữa, khi có tấm thẻ trong tay, với những quy định về xử lý nghiêm minh những sai phạm trong hoạt động trình diễn thời trang sẽ khiến các người mẫu ý thức hơn trong công việc của mình. Chính vì vậy, họ cho rằng: thị trường người mẫu khó có thể chuyên nghiệp và trong sạch nếu thiếu đi chiếc thẻ hành nghề.

Tình trạng hoạt động tự phát, thiếu cơ quan quản lý nên giới người mẫu vẫn nổi tiếng là nhiều chuyện lùm xùm. Gần đây, nhiều người mẫu đồng loạt lên tiếng họ bị chèn ép show diễn trong và ngoài nước, còn phía đơn vị quản lý chê các chân dài hoạt động thiếu nguyên tắc.

Có người mẫu từng tiết lộ với báo chí về một "danh sách đen" những người mẫu sẽ không được diễn chỉ vì làm mếch lòng nhà tổ chức. Người mẫu Việt cũng thường xuyên than thở họ không được trả cát xê phù hợp với công sức bỏ ra. Không có đơn vị nào đứng ra giải quyết nếu người mẫu bị ăn quỵt hay ăn chặn cát xê, khiến số tiền họ nhận không đúng với hợp đồng...

Thu nhập thấp, lại bị chèn ép khiến nhiều người mẫu tự ý đi diễn chui hoặc hủy hợp dồng khiến tình trạng lại càng thêm bát nháo. Phía các công ty quản lý người mẫu thì phản pháo cho rằng, không ít người mẫu thiếu tác phong làm việc chuyên nghiệp và thái độ sống đúng đắn, chính vì thế chuyện sàng lọc hay đưa người mẫu vào danh sách đen cũng là chuyện bình thường để nâng cao ý thức cho người mẫu.

Rõ ràng, có một bất cập vẫn tồn tại lâu này là hoạt động của người mẫu là mang tính văn hóa nhưng lại chưa được đặt trong sự quản lý của ngành văn hóa. Việc nhanh chóng có được một cơ quan quản lý, cách thức quản ký nghiêm túc, hiệu quả là việc cần thiết với nghề người mẫu hiện nay. Tất nhiên, người mẫu hoạt động nghề nghiệp chân chính hay không vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của các người mẫu chứ không đơn giản chỉ là chuyện có hay không chiếc thẻ hành nghề.

Khánh Thảo
.
.