Kỷ niệm 91 năm ngày báo chí cách mạng việt nam (21/6/1925- 21/6/2016)

Nghề báo - Nghiệp văn

Thứ Bảy, 18/06/2016, 08:00
Người làm báo viết văn thường là những người sắc sảo trong việc nhìn nhận đánh giá đời sống nên những tác phẩm của họ thường mang nhiều hơi thở của thời đại, chất chứa nhiều dữ liệu sinh động, chân thực mà đời sống của người làm báo đã cung cấp cho họ. Và thế mạnh của nhà văn viết báo, đó chính là ngôn ngữ phong phú, sinh động. Chính vì thế, độc giả mới được tiếp cận với những tiểu thuyết, phim truyền hình ngồn ngộn chất liệu sống của nhà văn Nguyễn Như Phong như "Cổ cồ trắng", "Bí mật của những cuộc đời", "Chạy án", "Đồng tiền quỷ ám"...


Những nhà báo "hai trong một"

Cẩm Khê

Trong cuộc sống hiện đại, nghề báo vẫn là một nghề được xã hội coi trọng bởi những thông tin thiết thực, bổ ích được đưa đến cho công chúng qua các kênh truyền thông đều có đóng góp quan trọng của các nhà báo. Người ta cũng hay dành cho nhà báo nhiều mĩ từ như người đại diện cho "quyền lực thứ 4", "sứ giả của sự thật"...

Không biết những xưng tụng này đúng đến đâu nhưng có một điều chắc chắn và không phải bàn cãi: nghề báo là một nghề hết sức nhọc nhằn. Và nếu một nhà báo còn đồng thời là một người viết văn hoặc ngược lại thì sự nhọc nhằn này có lẽ còn tăng gấp đôi.

Theo cách nói vui của các nhà báo "hai trong một" thì đó quả là một người có số "giời đày", hay nhẹ hơn thì là "một cổ hai tròng" dễ dẫn đến ăn không ngon, ngủ không yên... vì công việc luôn luôn truy đuổi họ.

Tuy đến nay không có thống kê trong hơn 1 vạn nhà báo được cấp thẻ có bao nhiêu người là nhà văn, song có thể thấy hiện nay có nhiều gương mặt nhà báo xuất sắc đồng thời là nhà văn. Thế hệ trước Cách mạng Tháng Tám có những tên tuổi như Tản Đà, Phan Khôi, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Lạp...

Họ là những nhà văn nổi tiếng nhưng đồng thời cũng là những nhà báo có những đóng góp lớn trong lịch sử báo chí còn non trẻ của nước nhà. Nền báo chí đương đại cũng đã ghi nhận nhiều nhà báo "hai trong một" thành danh như các tên tuổi: Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Hữu Ước, Nguyễn Như Phong, Dương Kỳ Anh, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Cảnh Nhạc, Hồng Thanh Quang, Trần Anh Thái, Tạ Duy Anh, Trần Quang Quý, Phạm Ngọc Tiến, Vương Tâm, Phạm Khải, Nguyễn Hồng Thái, Như Bình, Bình Nguyên Trang, Phong Điệp, Lê Thiếu Nhơn...

Họ đều là những người thành danh với văn chương trước khi bước chân sang địa hạt báo chí, và đã có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực báo chí, được độc giả ghi nhận. Đa số họ đều giữ cương vị cầm chịch nội dung, thư ký tòa soạn, hay phụ trách nội dung của một tờ báo hoặc nhiều ấn phẩm báo chí. Một số người "khởi thủy" là những người yêu văn chương đã lựa chọn báo chí để lập thân, lập nghiệp nhưng không từ bỏ giấc mộng văn chương. Nhưng cũng có một số nhà văn đã chọn cách viết báo là công việc hàng ngày như một cách làm việc song hành nuôi dưỡng giấc mộng văn chương của mình như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư...

Những nhà báo viết văn, đa phần đều họ không thoát khỏi sức hút ma mị của văn chương. Công việc làm báo, là phóng viên hay là lãnh đạo một cơ quan báo chí thì đều bị cuốn vào dòng thời sự, với những sự kiện xảy ra nối tiếp nhau, với những số báo cứ đúng giờ đó là phải lên khuôn, ký lệnh in để phát hành... nhiều khi tưởng chừng không còn kẽ hở nào cho văn chương. Nhưng bằng niềm đam mê, cũng có thể là duyên nghiệp đeo đuổi, họ vẫn âm thầm sáng tác. Họ viết như như cầu tự thân, nhu cầu được giải tỏa, chia sẻ với những thôi thúc đến từ chính bản thân mình.

Người làm báo viết văn thường là những người sắc sảo trong việc nhìn nhận đánh giá đời sống nên những tác phẩm của họ thường mang nhiều hơi thở của thời đại, chất chứa nhiều dữ liệu sinh động, chân thực mà đời sống của người làm báo đã cung cấp cho họ. Và thế mạnh của nhà văn viết báo, đó chính là ngôn ngữ phong phú, sinh động. Chính vì thế, độc giả mới được tiếp cận với những tiểu thuyết, phim truyền hình ngồn ngộn chất liệu sống của nhà văn Nguyễn Như Phong như "Cổ cồ trắng", "Bí mật của những cuộc đời", "Chạy án", "Đồng tiền quỷ ám"...

Những tài liệu, vốn sống, trải nghiệm suốt hơn 30 năm làm báo và những lần may mắn được tiếp cận với những chuyên án lớn đã trở thành nguồn tư liệu quý giá, sống động, chân thực để nhà văn Nguyễn Như Phong hoàn thành tác phẩm của mình.

Với nhiều nhà báo viết văn, báo là làm nghề, viết văn là hành "nghiệp". Như cách nói của nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc thì "nghề" để kiếm sống, còn "nghiệp" cho ta niềm đắm say. Niềm đắm say trong tình yêu với văn chương của họ cũng là thứ đắm say không lý giải nổi. Nó giống như chính cuộc đời: cần có bánh mì nhưng vẫn luôn cần những đóa hồng ngát hương...

Nhà báo Phùng Nguyên: Viết văn giúp tôi giải tỏa những ẩn ức, trăn trở!

Hà Anh (thực hiện)

- Thưa nhà báo Phùng Nguyên, xin chúc mừng anh một lần nữa đoạt Giải B giải Báo chí Quốc gia năm 2015 - một niềm vinh dự lớn đối với một người cầm bút. Cách đây vài năm, thấy anh chuyển công tác từ vị trí cây bút chuyên viết phóng sự sang Báo Nhân dân hàng tháng và với việc đoạt giải trong cuộc thi viết tiểu thuyết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" với tiểu thuyết "Thành phố không có cầu vồng", nhiều người tưởng rằng anh đã chán báo chí, quay trở lại với văn chương?

+ Tôi chưa báo giờ chán làm báo mà ngược lại vẫn luôn cảm thấy mình bị thôi thúc bởi công việc, những chuyến đi, những đề tài nóng. Song có lẽ bởi trước khi viết báo tôi đã thích văn chương, nên tôi đã chọn thi vào trường báo để có thể lập nghiệp bằng nghề viết lách. Tôi cũng hiểu rằng, nghề báo là nghề có thể viết hàng ngày, còn văn chương không phải lúc nào cũng viết được.

Vả lại, nếu muốn đi đường trường với văn chương đòi hỏi phải có một vốn sống dày dặn và cần một trải nghiệm đủ nhiều. Khi tôi quyết định chuyển công tác từ một tờ báo ngày với nhịp độ bài vở như một cái máy xay sang một tờ báo tháng, cũng là lúc tôi muốn sống chậm lại hơn một nhịp để có thể làm được việc mình thích, ví như lẩn đi đâu đó một thời gian để hoàn thành cuốn tiểu thuyết "Thành phố không có cầu vồng" - điều mà khi còn làm ở một tờ nhật báo như Tiền phong là điều không tưởng.

- Nhiều người chia sẻ rằng, công việc thường nhật của một phóng viên với áp lực phải có bài vở đúng hạn lâu nay được coi như một công cụ hữu ích để... triệt tiêu cảm hứng văn chương. Điều này có đúng với anh không?

+ Với tôi, điều này cũng có ý đúng. Làm báo luôn phải chạy theo các vấn đề thời sự, cuốn theo vòng xoáy của tin tức như những đợt sóng liên tiếp khiến người ta buộc phải tư duy theo dòng thời sự ấy. Dòng chảy của báo chí sẽ làm cho tư duy văn chương bị hạn chế, người ta ít có tâm thế để nghĩ đến văn chương. Vì thế, nhiều người nói rằng người làm báo mà viết văn giống như đi... ngoại tình - tức là buộc phải có một sự "chạy trốn", "vụng trộm" nào đó. Đó là mặt tiêu cực của báo chí đối với văn chương.

Nhưng mặt khác, tôi thấy rằng khi làm báo lâu năm tôi lại bị thôi thúc phải viết văn bởi vì công việc làm báo cung cấp cho tôi một chất liệu sống dồi dào, nguồn tư liệu ngồn ngộn, tươi mới và một vốn sống dày dặn - điều mà văn chương rất cần và chính điều này đã "kích hoạt" cảm hứng trở lại với văn chương của tôi. Thêm nữa, có những câu chuyện, những trăn trở trong quá trình làm báo chỉ giải quyết bằng báo chí không thôi là không đủ mà phải văn chương mới giải quyết, "thanh toán" được.

- Anh là người viết văn trước khi viết báo, lựa chọn lập nghiệp bằng nghề báo với nhiều lần được vinh danh tại Giải báo chí quốc gia. Lý do nào khiến anh không bỏ được văn chương?

+ Tôi đến với văn chương cũng tình cờ thôi. Hồi còn học phổ thông, tôi có viết một truyện ngắn tên là "Về đâu sông ơi" được đăng ở báo Hoa học trò và được giải Nhất cuộc thi năm đó. Điều này giống như một nguồn động viên to lớn với tôi. Nhưng tôi vẫn biết rằng, "cơm áo không đùa với khách thơ" bởi "văn chương hạ giới rẻ như bèo", bởi thế tôi chọn làm báo, là nghề giúp mình có thể kiếm sống, lập thân. Nhưng trong quá trình viết báo, tôi luôn có ý thức về việc tích lũy vốn sống, kinh nghiệm, chất liệu... cho một ngày nào đó có cơ hội mình sẽ trở lại với văn chương, dù không biết bao giờ mình sẽ viết và có viết được nữa không.

Trước khi làm báo, tôi nghĩ rằng sáng tác văn chương dựa nhiều vào trí tưởng tượng của nhà văn. Trưởng thành hơn tôi hiểu ra rằng, chỉ có trí tưởng tượng thôi là không bao giờ đủ. Để trở thành nhà văn đòi hỏi nhiều hơn thế! Vì thế tôi đã cảm thấy mình đúng khi lựa chọn đi theo con đường báo chí và sẽ không từ bỏ văn chương.

- Những năm qua, bên cạnh những tập phóng sự được chú ý như "Tử tù - những nỗi đau số phận", "Thung lũng mỹ nhân", "Từ xóm liều đến thảo nguyên xanh tươi" anh đã cho ra đời tập truyện ngắn "Mùa phấn vàng đi qua" và tiểu thuyết "Thành phố không có cầu vồng". Theo anh, nghề báo đã "hỗ trợ" anh như thế nào trong quá trình sáng tác văn chương?

+Tôi cho rằng,  không có nghề nghiệp nào cho ta vốn sống nhiều và quý giá như nghề báo. Với sở trường là đi viết phóng sự, nghề báo đã cho tôi nhiều cơ hội để tiếp xúc với mọi kiểu người trong xã hội, chứng kiến nhiều bi kịch cuộc đời, nhiều nỗi đau quá lớn... đã cho tôi có được vốn sống khổng lồ mà không nghề gì cho được. Những trăn trở, thôi thúc cũng từ đó mà ra.

Ngay như tiểu thuyết "Thành phố không có cầu vồng" đã ra đời trong quá trình tôi đi viết phóng sự về cái chết của một cậu bé đánh giày ở thành phố Vinh. Cái chết đau đớn ấy cứ ám ảnh tôi mãi, khiến tôi không ngừng nghĩ về nó cho đến ngày cuốn tiểu thuyết "Thành phố không có cầu vồng" ra đời. Việc viết văn thực sự khiến những ẩn ức, trăn trở của tôi được giải tỏa.

- Xin cảm ơn nhà báo Phùng Nguyên!

Nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc - Tổng Biên tập Báo Gia đình & Xã hội: "Nghề" để kiếm sống, "nghiệp" cho ta niềm đắm say

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Là Tổng biên tập báo Gia đình & xã hội nhưng ông lại là người viết văn trước khi viết báo, vậy mà bây giờ người ta thường gọi ông là nhà thơ Lê Cảnh Nhạc. Thực lòng, ông thấy mình phù hợp nhất với danh xưng nhà thơ, nhà văn, nhà báo hay Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc?

+ Danh xưng nhiều khi chỉ mang tính ước lệ để nhận biết một ai đó đang làm nghề gì, hoạt động ở lĩnh vực nào. Có người lạm dụng nhiều danh xưng để đánh bóng mình mà rồi cũng không ai nhớ nổi cái tên của mình cả, thậm chí là cái nghề của mình.

Một người có thể làm nhiều nghề, đam mê nhiều công việc khác nhau, có dấu ấn trên nhiều lĩnh vực. Cũng có người chẳng làm nghề gì cả, chỉ đam mê sáng tác văn học mà tên tuổi cứ lừng lững qua các thế hệ. Tôi quan niệm làm thơ, viết văn không phải là một nghề. Đó là nghiệp đời, là duyên phận, là lộc trời cho ai đó. "Nghề" để kiếm sống, còn "nghiệp" cho ta niềm đắm say.

Với tôi, được xếp vào đội ngũ các nhà thơ là hạnh phúc của niềm đắm say đó. Tuy nhiên, danh xưng xuất hiện trong hoàn cảnh không phù hợp cũng rất trớ trêu. Ví dụ như khi ngồi hội đồng chấm luận án hay phản biện khoa học lại gọi mình "nhà thơ", khi được giới thiệu lên đọc thơ lại gọi mình bằng cái chức danh quản lý chẳng "thơ" tý nào, hay khi dự họp báo lại không được xuất hiện với tư cách là nhà báo v.v và v.v…   

- Có một số nhà văn, nhà thơ sau khi thành danh với nghề báo, đặc biệt là khi trở thành người đứng đầu một cơ quan báo chí nào đó, có lẽ do áp lực công việc mà cảm hứng văn chương thường bị "đẩy lùi" ra phía sau, thậm chí là còn bị... triệt tiêu. Nhưng xem ra với trường hợp của ông lại khác - văn chương và báo chí vẫn luôn song hành. Xin ông cho biết, ông đã "phân thân"thế nào để làm được điều này?

+ Tôi không nghĩ áp lực công việc lại "đẩy lùi" được cảm hứng sáng tác. Nếu có duyên nợ với thơ thì áp lực cũng có thể là một nguồn cảm hứng. Khó khăn, thuận lợi, mất mát, thành công, yêu, ghét, vui, buồn, niềm tin, hy vọng… đều có thể là những cung bậc cảm xúc cho sáng tạo thăng hoa. Đúng là tư duy báo chí rất dễ lấn át tư duy sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca.

Báo chí đòi hỏi những thông tin xác thực; biện luận trực cảm, phản ánh, soi chiếu đời sống xã hội chân thật, khách quan, dự báo, định hướng dư luận theo xu thế và quy luật vận động của nó. Văn học nghệ thuật thì đòi hỏi tính sáng tạo, khái quát, điển hình. Nó không phải là những bức ảnh mô tả cuộc sống trần trụi mà là kết quả của tư duy sáng tạo, với trí tưởng tượng, bằng nghệ thuật ngôn từ, hư cấu, phóng dụ, cường điệu… để làm nên tác phẩm.

Đời sống báo chí luôn cung cấp cho văn học nghệ thuật nguồn đề tài và chất liệu cuộc sống phong phú, đa dạng. Và ngược lại, tư duy nghệ thuật giúp soi chiếu thực tiễn nhân văn hơn, đa chiều, logic hơn trong xử lý các vấn đề của thông tin báo chí. Còn về điều kiện để sáng tác, nhất là đối với thơ tôi không nghĩ là cần phải dành thời gian kiểu như lập trình kế hoạch hàng ngày mà "nàng thơ" có thể đến bất cứ lúc nào. Điều quan trọng là phải chớp lấy những cơ hội hiếm hoi đó.       

- Đâu là lý do khiến một người bận rộn như ông vẫn "đeo đẳng" với văn chương, dù người viết văn, làm thơ ở xứ ta chẳng thấy có mấy người có thể giàu lên được?

+Người ta có thể kiếm tiền bằng thương mại văn chương chứ chưa ai làm giàu bằng tác phẩm của mình. Nhiều văn nghệ sĩ vĩ đại của nhân loại đã phải sống trong nghèo khổ cho đến khi qua đời. Nhưng đổi lại, văn học nghệ thuật làm ta giàu có về tâm hồn, cảm xúc, niềm hứng khởi, lạc quan trong cuộc sống. Tôi không bao giờ nghĩ đến việc kiếm tiền bằng nhuận bút hay lợi nhuận từ in ấn, xuất bản. Nó là niềm đam mê, là nghiệp đời như tôi đã nói. Tôi không "đeo đẳng" nó mà là nó cứ tơ vương với tôi đấy chứ!

- Được biết, ông vốn xuất thân từ nghề giáo. Cơ duyên nào đã đưa ông đến với văn chương, báo chí?

 + Hai mươi hai tuổi (năm 1979), tôi bước vào nghề nhà giáo. Vừa hết tập sự thì được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên, Nam Đàn quê Bác. Đi dạy học đến cuối năm 1982, tôi sang Liên Xô học tâm lý học. Lẽ ra suốt đời sẽ gắn bó với nghề giáo, không ngờ sau khi du học về, năm 1989, tôi lại rẽ ngang sang nghề báo cho đến tận bây giờ. Vậy là đã 27 năm làm báo, trong đó có 18 năm làm Tổng Biên tập và 2 năm làm Phó Tổng Biên tập.

Về nước, tôi đang làm thủ tục xin về công tác tại Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh thì gặp nhà thơ Định Hải. Biết tôi hay in thơ trên cuốn tạp chí của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô và đã đoạt giải thưởng trong cuộc thi sáng tác thơ do Đại sứ quán tổ chức, ông khuyên tôi về làm biên tập cho tờ Tạp chí Văn nghệ thiếu nhi, nơi ông đang làm Phó Tổng biên tập và nhà văn Lê Vân (Lê Cận) là Tổng Biên tập.

Tạp chí đóng tại trụ sở Trung ương Đoàn (60 Bà Triệu, Hà Nội). Ban ngày là tòa soạn báo, ban đêm là nơi tôi tá túc. Hồi đó, cùng hoàn cảnh "nằm bàn" như tôi có anh Thọ Tường, họa sĩ của Tạp chí; anh Tô Phán ở Truyền hình Thanh Niên (nay là Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) và nhiều anh em khác. Làm việc ở Tạp chí Văn nghệ thiếu nhi có nhiều điều kiện giao tiếp với các văn nghệ sĩ nên không khí sáng tác văn học tác động rất lớn đối với tôi. Ngày viết báo, đêm viết văn. Những tập truyện, ký đầu tiên của tôi ra đời trong hoàn cảnh "nằm bàn" ngày ấy.

Tháng 1-1996 tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Và từ đó đến nay, nghề báo, nghiệp văn cứ vương vấn với tôi. Sau này tôi được phân công kiêm nhiệm các công việc khác như Chánh Văn phòng Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế, và hiện nay là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, kiêm Tổng Biên tập Báo Gia đình & xã hội; tuy nhiên báo chí và văn chương thì mãi gắn bó với tôi không thể nào dứt được như là duyên nợ cuộc đời.

- Và bởi văn chương - báo chí đều là nghề "phu chữ" cực nhọc, hơn nữa để có được thành quả, để ghi được dấu ấn của mình đều đòi hỏi sự dấn thân và hi sinh đáng kể. Có khi nào ông cảm thấy hối tiếc về sự chuyển hướng của mình không?

+ Không những không hối tiếc mà tôi còn cảm thấy thật may mắn vì được đồng hành cùng văn chương và báo chí. Thực ra thì cho đến nay tôi vẫn còn rất nhiều duyên nợ với nghề giáo. Hàng năm vẫn tham gia hướng dẫn các đề tài cao học và ngồi các Hội đồng chấm luận án. Có lẽ không chỉ có văn chương - báo chí mà ngay cả nghề giáo cũng là "nghề phu chữ" không đơn giản tý nào.

- Ông có thể chia sẻ vài kỷ niệm về những dấn thân trong nghề báo đã giúp ích như thế nào cho những trang văn hay ghi dấu ấn trong các bài thơ của ông?

+Với tôi, tập ký "Mầm ác và hướng thiện" (NXB Văn học, 1994) và chùm thơ viết về Trường Sa trong chuyến ra đảo tháng 4-2016 vừa rồi là những kết quả rõ nét nhất của dấn thân trong nghề báo. Mười ngày ra Trường Sa, thay vì viết báo, tôi viết được chùm thơ mười bài khá tâm đắc. Quả là không tiếp cận thực tiễn thì thơ khó mà có được hơi thở sinh động của cuộc sống.  

- Ông có lời khuyên nào cho một số nhà báo trẻ vẫn đang ôm giấc mộng văn chương hay những nhà văn trẻ đang phải vất vả mưu sinh để nuôi giấc mộng văn chương của mình không?

+ Tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế này: Đừng viết báo như viết văn, làm thơ và cũng đừng viết văn, làm thơ như viết báo. Cứ yêu hết mình, dấn thân hết mình, đam mê và say đắm hết mình thì cái gì đến nó sẽ đến.

- Xin cảm ơn nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc! 

PV
.
.