Nghề báo trên phim

Thứ Sáu, 26/06/2015, 08:04
Nghề báo cùng với những đặc thù riêng luôn tạo được một sự chú ý, hấp dẫn nhất định với xã hội. Quá trình tác nghiệp của nhà báo cùng với những góc khuất của nghề nghiệp đã trở thành mảnh đất màu mỡ để các đạo diễn khai thác trong các tác phẩm điện ảnh cũng như phim truyền hình. 

Không khó để kể ra những bộ phim đã lấy nghề báo làm bối cảnh chính của phim như "Nghề báo", "Phóng viên thử việc", "Đèn vàng", "Tin vào điều không thể", "Đàn trời", "Mặt nạ da người", "Phóng viên vui nhộn"… Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa thật sự có được những bộ phim phản ánh một cách chân thực, khách quan những vất vả, vinh quang của nghề báo cũng như xây dựng được những nhân vật nhà báo có sức hấp dẫn với khán giả.

Cùng với dạng phim "ngành nghề" trở nên khá phổ biến thì nghề báo và nhà báo cũng trở thành một trong những đề tài hấp dẫn của điện ảnh, truyền hình. Không thể phủ nhận những thao tác đặc trưng nghề nghiệp như săn tin, viết vài… bản thân nó đã chứa đựng sức hấp dẫn với khán giả để đạo diễn tập trung khai thác. Chưa kể tới những góc khuất sau mỗi bài báo, chương trình truyền hình hay chuyện bếp núc hậu trường… Mỗi bộ phim khai thác một hướng khác nhau nhưng đều cố gắng để khắc họa lên chân dung của những người cầm bút trong quá trình tác nghiệp. Ở đó có sự gian khổ, hi sinh và có cả hiểm nguy.

Một cảnh trong phim "Đèn vàng".

Cho đến nay "Nghề báo" của đạo diễn Phi Tiến Sơn vẫn là một trong số những bộ phim đề cập khá toàn vẹn và trực diện về nghề báo với sự góp mặt của một dàn diễn viên hùng hậu: NSƯT Tạ Minh Tâm, Hồng Ánh, Hoàng Phúc… Kịch bản hấp dẫn, nhân vật đa dạng về tính cách, "Nghề báo" trực tiếp đề cập đến những vấn đề nóng bỏng, thời sự như nạn tham nhũng, hối lộ, đạo đức nghề nghiệp…

"Phóng viên thử việc" cũng là một bộ phim có xuất phát điểm khá thuận lợi khi đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi tìm kiếm ý tưởng phim truyền hình do Tạp chí Truyền hình tổ chức. Sau khi ra mắt, bộ phim đã được bình chọn là một trong những phim truyền hình được yêu thích nhất năm 2007. Khác với "Nghề báo", "Phóng viên thử việc" lại khắc họa hình ảnh những người bước vào nghề với nhiều khó khăn, cạm bẫy trước mặt.

"Đèn vàng" của đạo diễn Mai Hồng Phong cũng là một trong những bộ phim ấn tượng về nghề báo. Không đi sâu vào hoạt động tác nghiệp, phim khắc họa những mâu thuẫn, giằng xé trong nội tâm của các nhà báo khi đứng trước trách nhiệm "cảnh tỉnh xã hội" của mình và những mong muốn của cá nhân…

Một điểm chung là hầu hết những tác giả kịch bản, đạo diễn của các bộ phim đều là những người từng có thời gian hoạt động trong lĩnh vực báo chí hoặc thân quen với giới truyền thông nên phản ánh được những nguyên tắc cơ bản của báo chí. Thế nhưng, phim về nghề báo chưa thuyết phục được khán giả và những người làm báo vì còn có nhiều chi tiết vô lý. Dù trên lý thuyết việc nhà báo tác nghiệp là phải có đầy đủ phương tiện từ sổ ghi chép, ghi âm đến máy ảnh, thế nhưng khi nhà báo Sương trong phim "Gái nhảy" lỉnh kỉnh đem tất cả những thiết bị ấy vào vũ trường để phỏng vấn thì lại khiến người xem phì cười. Bởi ai cũng hiểu rằng "luật" của vũ trường là không được quay phim, chụp ảnh.

Nhà báo Thúy Bình trong "Nghề báo" được xây dựng là nhà báo giỏi, có nhiều kinh nghiệm, vậy mà lại ngây thơ, ngờ nghệch đến khó tin khi điều tra một vụ án quan trọng nhưng cô lại xin tư liệu của đồng nghiệp và không kiểm tra xem có chính xác hay không. Cũng trong phim này, cảnh nhà báo trẻ đang nằm trên giường bệnh được truyền hình trực tiếp biểu dương người tốt việc tốt nhưng chỉ sử dụng một chiếc máy quay xách tay và chiếc micro cũng trở nên rất phi thực tế.

"Phóng viên thử việc" cũng gặp phải nhiều ý kiến không đồng tình khi có nhiều tình tiết không chân thực. Một cô phóng viên thử việc nhưng tác nghiệp như một cảnh sát hình sự; một ông Tổng biên tập dày dạn kinh nghiệm nhưng ngờ nghệch và dễ tin người…

Những bộ phim xây dựng chân dung nhà báo một cách hời hợt khiến khán giả khó có được cái nhìn chân thực về nghề báo. Nhân vật nhợt nhạt, thiếu sức sống. Hầu hết những bộ phim khi quay những cuộc  phỏng vấn của nhà báo thường theo mô típ nhà báo như bề trên với một thái độ trịch thượng khó chịu. Ở bất kỳ giai đoạn nào, báo chí luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc phản ánh thực tế cuộc sống, là cầu nối giữa nguồn tin và độc giả. Thực tế có nhiều nhà báo lăn lộn vất vả, lao tâm khổ tứ với nghề nhưng các nhà làm phim chưa khai thác được. Rõ ràng, chúng ta không thiếu tư liệu mà có lẽ là thiếu sự đầu tư, thiếu sự thấu hiểu nghề báo một cách kỹ lưỡng của các nhà làm phim.

Diễn viên, đạo diễn Tuấn Quang:

Tôi cho rằng, nghề báo là một nghề nghiệp đặc thù, rất vất vả. Những người làm báo thường xuyên chịu áp lực về tin, bài, hình ảnh... phải mang tính thời sự, cập nhật, hấp dẫn nên gần như lao động của họ không thể tính theo giờ hành chính thông thường. Không chỉ đảm bảo tin bài ra đúng kỳ, trước đó, các nhà báo đã phải mất khá nhiều công sức để xác minh, điều tra chính xác sự việc trước khi đưa lên các phương tiện truyền thông. Ở một khía cạnh nào đó, công việc còn chứa đựng những nguy hiểm nên rất cần những phẩm chất như thẳng thắn, dũng cảm.

Sự vất vả và nguy hiểm của nghề báo lại là đề tài hấp dẫn để các nhà biên kịch, các đạo diễn khai thác sâu vào khía cạnh hoạt động tác nghiệp, điều tra, xác minh thông tin. Ở một số tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình, hình ảnh nhà báo được xây dựng với nhiệm vụ không khác gì các chiến sĩ Công an. Họ phải thâm nhập thực tế, điều tra, lấy thông tin thực tế, để viết nên những bài báo mang tính thời sự và có tác động mạnh tới xã hội. Tôi đã từng vào vai nhà báo trong bộ phim "Thế giới không có đàn bà". Đam mê công việc, nhân vật của tôi luôn lao vào những sự việc "nóng", bất chấp nguy hiểm. Cuộc sống của anh ta luôn bị những kẻ thù đe dọa, thậm chí những người thân xung quanh anh cũng bị ảnh hưởng.

Khi bắt tay vào thực hiện bộ phim sitcom "Phóng viên vui nhộn", tôi muốn khai thác khía cạnh cuộc sống và sinh hoạt của những người phóng viên trẻ. Bộ phim không chú trọng đi sâu vào chuyên môn người làm báo mà với mong muốn mang tiếng cười và sự thoải mái đến cho người xem sau những giờ làm việc mệt mỏi.

Từ thực tế công việc, tôi cho rằng để làm phim hay về nghề báo không hề đơn giản. Nếu không nắm vững nghiệp vụ báo chí thì phim rất dễ xa rời thực tế. Tiếp xúc với nhiều nhà báo, tôi cho rằng phần lớn vẫn giữ được trách nhiệm và nhiệt huyết của mình với công việc. Tôi hy vọng, các nhà báo hãy cố gắng mang đến những thông tin chính xác và bổ ích, có định hướng cho giới trẻ, tránh những giật gân câu khách rẻ tiền như nhiều báo mạng hiện nay.

Diễn viên Kiều Thanh:

Một trong những nữ diễn viên được đánh giá có duyên với vai nhà báo nhất là Kiều Thanh. Vai phóng viên đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của Kiều Thanh phải kể tới vai Sương trong phim "Gái nhảy" của đạo diễn Lê Hoàng. Dù nhà báo Sương chuyên viết mảng tệ nạn xã hội trong phim bị khán giả "chê" là ngô nghê, ngây thơ nhưng đã mở đầu cho một loạt vai diễn nhà báo của Kiều Thanh sau này.

Gương mặt cá tính, sắc sảo chính là yếu tố đầu tiên khiến các đạo diễn chọn Kiều Thanh vào vai nhà báo. Tuy nhiên lối diễn xuất tự nhiên, chân thực biến hóa với nhiều cá tính nhân vật khác nhau đã giúp Kiều Thanh tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Kiều Thanh cũng là diễn viên đóng vai nhà báo ở cả phim truyện nhựa, phim truyền hình và phim sitcom.

Trong bộ phim "Khi đàn chim trở về" về đề tài chống lâm tặc (đạo diễn Đỗ Chí Hướng - Nguyễn Danh Dũng), Kiều Thanh đã vào vai nhà báo Hà Châu - một nhà báo trẻ nhiệt huyết và luôn mang một cái nhìn trong trẻo với cuộc sống. Không dừng lại ở đó, vai nhà báo của diễn viên Kiều Thanh còn được nối dài bằng nhà báo Quý trong "Nhật ký chiến trường", vai nữ nhà báo trong phim nhựa "Tình biển" và vai Tổng biên tập báo Xì tin trong sêri phim sitcom "Phóng viên vui nhộn"…

Kiều Thanh chia sẻ, cô rất hào hứng với những vai diễn là nhà báo vì các nhân vật này thường rất cá tính với nội tâm sâu sắc, nhiều đất diễn. Những vai nhà báo cũng giúp cô được trải nghiệm với một công việc mới. Trước đó, Kiều Thanh từng suy nghĩ rằng công việc của nhà báo cũng nhẹ nhàng - nhưng sau một số vai diễn mới thấy công việc của nhà báo rất vất vả đòi hỏi sự dũng cảm, xả thân ghê gớm. 

Khánh Thảo
.
.