Nền giáo dục rất cần sự đồng thuận xã hội

Thứ Năm, 08/10/2020, 09:02
Hàng chục năm trở lại đây, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thi, rồi mùa tựu trường của học sinh, sinh viên là báo chí và dư luận xã hội lại ca thán về những bất cập trong giáo dục. Tâm lý xã hội đối với năm học mới 2020 là lo lắng, bất an và mất phương hướng.


Nhiều vấn đề “nóng” xung quanh giáo dục từ cấp tiểu học cho đến đại học đã được đặt ra, như việc:

- Phụ huynh mệt mỏi, bế tắc khi dạy con học tiếng Việt lớp 1, chương trình nặng hay không?

- Những khoản thu “có tên và không tên” đầu năm học?

- Cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học, lợi bất cập hại?

- Quy trình lọc ảo như thế nào để ra điểm chuẩn đại học 2020?

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ được tổ chức ra sao?...

Trẻ em - nguồn tài nguyên tương lai của đất nước.

Tại buổi họp báo định kỳ quý III/2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, trước những ý kiến phản ánh của phụ huynh, giáo viên về chương trình lớp 1 nặng, Tiến sĩ Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Trong quá trình triển khai, Bộ sẽ lắng nghe những ý kiến phái sinh trong thực tế. Khi đã đủ thời gian, đủ ý kiến của các nhà khoa học, chúng ta sẽ tổ chức đánh giá lại chương trình…”.

Các chương trình cải cách, cải tiến giáo dục chắc chắn rồi sẽ đến lúc phải đánh giá lại, nhưng những mầm xanh, những chủ nhân tương lai của đất nước có cơ hội để học lại hay không? Trong khi chưa biết chất lượng giáo dục có tốt hơn không, nhưng thấy ngay những chi phí cho việc học tập liên tục tăng, trở thành gánh nặng phi lý không chỉ cho ngân sách Nhà nước, mà còn cho mọi gia đình.

Cũng trong buổi họp báo, ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sắp tới Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Bên cạnh đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với các đơn vị liên quan về công nghệ thông tin để có giải pháp cho việc này, tránh những phát sinh tiêu cực khi cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

Tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập tập đoàn Microsoft và là một trong những người giàu có nhất hành tinh cấm các con dùng điện thoại trước 14 tuổi. Có lẽ ông là người hiểu rõ nhất tính hai mặt của điện thoại di động cũng như mạng xã hội. Vì chỉ có một bố, một con mà còn khó kiểm soát thì sao thầy, cô giáo ở trường có thể kiểm soát được một lúc mấy chục học sinh. Rồi giờ ra chơi thay vì nói chuyện, chơi đùa với nhau thì các em lại mở phim ảnh ra xem, không chừng còn xem luôn trong giờ học và nguy hiểm hơn là tìm cách đăng nhập vào các trang văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy. Mạng ảo, hậu quả thật đang hiện hữu trong đời sống của chúng ta, trong khi đó, đầu óc non nớt của các em chưa đủ khả năng để chống lại cám dỗ từ không gian mạng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng điện thoại dễ làm cho giới trẻ rơi vào tình trạng lệ thuộc, trở thành những “nô lệ” mới cho thế giới ảo, cho game, cho các trào lưu ăn chơi, cho các thành kiến, định kiến của người lớn, cho dư luận trái chiều… vv, nếu giáo dục không làm gì để phòng ngừa, để giải phóng, giành lại “tự do” cho các em, mà lại tăng thêm “gông cùm” nặng nề, thì các em sẽ không đủ trưởng thành, tự tin và có khả năng tự lập khi bước vào đời.

Dân trí thấp là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục yếu kém. Nó tác động tiêu cực đến văn hóa, kinh tế, chính trị, môi trường, sức khỏe cộng đồng và hàng loạt vấn đề xã hội khác. Thực tế, đất nước nghìn năm văn hiến hiện đang phải trả giá nặng nề cho sự xuống cấp trầm trọng của giáo dục kéo dài suốt mấy chục năm qua. Giáo dục đã dần dần mất phương hướng, không còn rõ giáo dục cho ai, vì ai, để làm gì. Điều gì đã khiến nền giáo dục của một đất nước vốn có truyền thống hiếu học lâu đời rơi vào suy thoái đúng thời điểm mà lẽ ra nó phải là bệ phóng cho đất nước cất cánh?

Trong quá trình toàn cầu hóa, chúng ta càng phải hiểu ra rằng, cải cách giáo dục về thực chất là cải cách xã hội, là để tạo ra những con người có năng lực và đạo đức để làm chủ tương lai của đất nước, của dân tộc. Chính vì thế, cải cách giáo dục khó hơn các cuộc cải cách khác bởi nó phải có kinh nghiệm để tiên lượng các đòi hỏi của đời sống tương lai chứ không chỉ thỏa mãn yêu cầu hiện tại.

Hơn nữa, giáo dục là một đối tượng được quan tâm đặc biệt, nên rất cần có sự đồng thuận xã hội. Trước tiên nó phải đúng, cái đúng cũng kêu gọi sự đồng thuận. Thứ hai, nó phải đẹp, cái đẹp cũng kêu gọi sự đồng thuận. Thứ ba, nó phải thiện, cái thiện cũng kêu gọi sự đồng thuận. Đồng thời, nó cũng phải thỏa mãn ba điều kiện là: Tôn trọng con người, nâng cao năng lực con người và bảo vệ sự trọn vẹn của tự do của con người để con người có thể phát triển được. Tóm lại, phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để tạo ra sự đồng thuận, trong đó vừa có ý nghĩa dự báo, vừa có ý nghĩa quy hoạch, vừa có ý nghĩa kế hoạch.

Nếu những người có trách nhiệm trong giáo dục không đổi mới tư duy một cách “căn bản và toàn diện” thì làm sao nền giáo dục có thể thay đổi một cách căn bản và toàn diện được. Nguyên nhân bất cập của giáo dục phải thẳng thắn nhìn nhận là do quản lý, lãnh đạo dưới tầm, nhưng tiếc thay khi đưa ra những giải pháp thì không thấy đề ra được hướng khắc phục. Điều này lý giải tại sao chúng ta đã làm nhiều cuộc cải cách giáo dục trong mấy chục năm qua nhưng vẫn giậm chân tại chỗ, chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cù Tất Dũng
.
.