Hình như, chúng ta có gì đó không phải với giáo dục

Thứ Sáu, 02/10/2020, 16:40
Sau kỉ nguyên con người khám phá các vùng đất mới và các phát minh đột phá, trong thế kỉ của công nghệ, khi hiểu nghĩa của rất nhiều thuật ngữ, chúng ta không khỏi giật mình như: Network interface (giao tiếp mạng); Internet Protocol (giao thức mạng); Visited (ghé thăm)… Rồi một ngày nhìn lại cuộc sống chính mình, bỗng thấy những “lỗi” trong “hệ thống”, “hệ điều hành” mà cứ ngỡ đó là sai sót của ai đó.


Những năm gần đây, thi thoảng các phương tiện thông tin, mạng xã hội lại rộ lên một vụ việc đáng tiếc trong nhà trường. Đó là khi nhà giáo đánh mất hình ảnh tốt đẹp vốn có, nhà trường không còn là nơi bất khả xâm phạm của các tệ nạn xã hội. Tiếp theo đó, các vụ án tiêu cực trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình khiến lòng tin của nhiều người vào lĩnh vực quan trọng này bị sụt giảm chưa từng thấy. Nói như thế có khắt  khe quá hay không?

Học sinh Trường THPT Ngã Năm trong giờ học tiếng Anh với sự hỗ trợ của smartphone. Ảnh T. Nguyễn- Nguồn Báo Giáo dục thời đại.

Mỗi một ngành nghề đều có nội tình riêng bởi những khó khăn, hạn chế mang tính lịch sử và áp lực xã hội. Khi ngành y xuất hiện nhiều vấn đề nổi cộm, người ta bắt đầu “soi” từ giường bệnh, thái độ giao  tiếp của y, bác sĩ, các dịch vụ của bệnh viện, đời tư của cán bộ nhân viên bằng những chuẩn mực của y đức. Nhưng thật ra, phải là người khoác lên mình chiếc áo blouse, trải qua những căng thẳng của nghề, nắm giữ tính mạng người khác như đi trên dây mới thấu hiểu cái khó. 

Giáo dục cũng không khác cho mấy, nó tựa như cánh cổng duy nhất mà bất kì cá nhân nào trong xã hội cũng phải bước qua, là mặt trận bị dư luận cày xới. Để làm một người thầy, có khi phải hoàn thiện bằng cấp sau đại học, hoàn thành rất nhiều chứng chỉ đạt chuẩn, chưa kể đến những đợt tập huấn, bồi dưỡng thường niên… Nhưng, để làm “thầy” của giáo dục thì từ quán trà đá, quán bia với tất tật các loại học vấn đều có thể mổ xẻ và rất “trúng”.

Vì đâu nên nỗi cơ sự đáng buồn của một nghề cao quý ấy? Bởi, chỉ cần nhìn vào những thông số cơ bản, hình như ngành Giáo dục đã phạm phải những sai lầm cơ bản. Việc cho con đến trường của mỗi chúng ta giờ đây đã thành một “nghề chơi cũng lắm công phu”. 

Qua một trạm BOT, người ta có thể phản bác về giá cả, khi giá thịt lợn, giá sữa… bị đẩy lên cao, lập tức bị báo chí vào cuộc. Nhưng dường như, các cuộc họp phụ huynh, các khoản phí của giáo dục vẫn như một bức tường thành vững chắc dẫu bị công kích nhiều lần. 

Các thầy cô có cái lý riêng, cái bất hợp lý đó lại âm thầm có lợi cho từng vị phụ huynh. Âm thầm đây đó, ngầm trong ý hiểu là một cuộc “đàm phán song phương” như thế. Chương trình học nặng, bậc làm cha, làm mẹ nào cũng muốn con mình nhích hơn con người ta một chút, muốn con mình có chiêu “độc” hơn để vượt trội khi cạnh tranh vào trường chuyên, lớp chọn, vào đại học…

Giáo dục từ bao giờ đã vô hình chung trở thành một cứu cánh cho những phiền phức trong cuộc sống ngày nay. Chúng ta vẫn hay nói đến sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Từ khi trẻ em vào độ tuổi đến trường cho đến lúc tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, các phụ huynh được thở phào nhẹ nhõm bởi giáo dục đã kiêm luôn cả chức năng giữ trẻ trước những cạm bẫy của xã hội. Học để làm người còn là xa vời, nhưng trước hết học để không chơi game, không nghiện ngập, học để cha mẹ còn rảnh rang với bao thứ bòng bong ngoài xã hội. Hiển nhiên, đồng hành với gánh nặng là thứ quyền lợi vô hình. 

Giáo dục phải gánh vác quá nhiều thứ công việc của gia đình, của các tổ chức khác nên việc phải đứng trước thử thách bị tẩy chay, bị cạnh tranh, phải đổi mới là quá khó. Bởi thế, những hệ lụy sinh ra trong giáo dục như một thứ dây leo đã bám víu bấy lâu, và như thế là đáng trách hay đáng buồn?

1. Chúng ta không quên hình ảnh của những buổi lễ tri ân niên khóa xuất hiện hằng năm. Và, cũng chỉ mấy tháng sau lại có một ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để dành không biết bao lời tốt đẹp ca ngợi tình thầy trò, chúc tụng các nhà giáo… Vậy mà, chỉ ít phút sau một em học sinh bị tát, một cánh cổng trường đổ làm các em học sinh tử vong, chính chúng ta quay lại phán xét. Liệu mấy ai có nghĩ đến nơi mình đã được rèn luyện, nơi con, cháu mình sắp bước vào cần được tái đầu tư cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Chúng ta thử nhìn lại, rất nhiều người thành đạt trong các lĩnh vực nhưng có mấy ai nhớ thuở mới vào nghề. Một ông thầy dạy lái xe khó tính đã cho bạn những phút giây lái xe an toàn trên những cung đường du lịch cùng gia đình, trên những chuyến giao dịch làm ăn xa. Một thầy dạy ngoại ngữ giúp bạn đi xa hơn trong sự nghiệp. 

Nhưng, đã bao giờ bạn nghĩ đến việc bù đắp, việc tạo điều kiện tốt hơn để người thầy đó được phát huy khả năng của mình. Những thứ nhãn tiền còn như thế, huống hồ những người dạy chúng ta từ thuở bé, những “kĩ sư tâm hồn” âm thầm đã uốn nắn suy nghĩ, sửa sai cho ta.


Chương trình giáo dục đổi mới ở Hệ thống Giáo dục SKY-LINE, Đà Nẵng- nguồn Báo Dân trí.

2. Có cái gì đó không phải với giáo dục khi mô hình trường lớp, cơ chế quản lý còn mang nặng tính chất giáo điều chứ chưa có một cơ chế linh hoạt. Chúng ta muốn giáo dục được phát triển nhưng lại khó chấp nhận những thay đổi. Khi y tế đã chuyển sang cơ chế tự chủ, các ngành khác đã có cơ chế linh hoạt hơn, giáo dục vẫn phải giữ gìn những quy định lỗi thời. 

Trẻ em có cần phải thuộc quá nhiều thứ trong khi cha, mẹ, chú bác, các anh chị đang ngày ngày cập nhật thông tin, khi trí tuệ thông minh đã giúp sức con người. Thực tế và giáo dục hình như đang có nhiều điểm lệch pha. Ngôi đền thiêng của vở sạch, chữ đẹp, ê a đọc những câu thơ về một xã hội thời bao cấp, thời làng quê chưa lên phố có thể làm phụ huynh an tâm. Thực ra, điều đó chỉ an lòng với người lớn, còn chính những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường cần phương pháp học mới, cần những hình tượng của thế hệ mình, bài học về tình yêu gia đình, yêu thương con người từ chính những gì vừa diễn ra. 

Họ cần lắm những câu hỏi như: “Vì sao Malala được cho là người “truyền cảm hứng” cho cả thế giới? Từ câu chuyện của Malala - cô gái 17 tuổi đoạt giải Nobel hòa bình, anh/chị suy nghĩ gì về cách mọi người tìm cảm hứng sống cho chính mình và truyền nó cho cuộc đời?” (Đề nghị luận xã hội thi học sinh giỏi của Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh năm học 2014-2015); “Phải chăng lắng nghe người khác là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân?” (thi vào lớp 10 chuyên Ngữ văn Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn - Hà Nội)… 

Sau rất nhiều lần cải cách nội dung chương trình, sách giáo khoa của thời đại dường như vẫn là câu hỏi nhức nhối với chúng ta… Khi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường THCS được ban hành, mở ra hướng đi cho học sinh các cấp được sử dụng internet trong trường học, vẫn còn rất nhiều người băn khoăn về xu hướng tất yếu ấy. Thiết nghĩ, khó quản không có nghĩa là mãi cấm và chẳng lẽ giáo dục Việt Nam biệt lập với kho tri thức, thông tin toàn cầu? Khi smartphone đã thành một phần tất yếu của đời sống, chúng ta nên thừa nhận và định hướng cho trẻ đến những tác dụng của nó thay vì cấm cản duy ý chí.

3. Chúng ta có điều gì không phải với giáo dục khi không dám từ bỏ những lợi ích của chính mình. Nhìn vào giá thành của bộ sách giáo khoa, các chi phí để một em học sinh được đến trường, nhìn vào những loại sổ sách mà một giáo viên phải đảm nhiệm, dư luận không khỏi bức xúc, lo lắng. 

Trong cái bất cập, trì trệ, cần phải thay đổi ấy lại chứa đựng những quyền lợi của cả chính không ít thầy cô giáo. Trong đó, phải kể đến việc chương trình nặng mới có học thêm, dạy thêm; các loại văn bằng, chứng chỉ, tập huấn tạo thêm công việc cho không ít người. Tất cả đòi hỏi sự dũng cảm đối diện và dám thay đổi với chính những người trong ngành Giáo dục với mỗi phụ huynh học sinh và mỗi người chúng ta trong xã hội.

Bùi Việt Phương
.
.