Trung tá, nhà văn Dương Bình Nguyên:

“Mỹ nhân hành động” đã chọn được dàn nghệ sĩ mà khán giả yêu mến

Thứ Bảy, 17/08/2019, 08:27
Mới đầu chặng đua, “Mỹ nhân hành động” đã thu hút khán giả bởi sự khốc liệt, kịch tính và phản ứng khó đoán của các nữ nghệ sĩ khi trải nghiệm thử thách trong môi trường Công an. “Cha đẻ” của show truyền hình thực tế hấp dẫn này là Trung tá, nhà văn Dương Bình Nguyên, Phó Trưởng Cơ quan đại diện Cục Truyền thông CAND tại TP Hồ Chí Minh.


- Được biết anh ấp ủ kịch bản chương trình “Mỹ nhân hành động” trong suốt một năm. Điều gì thôi thúc anh xây dựng nên chương trình này?

+ Do đặc thù công việc ở Truyền hình CAND (ANTV), tôi buộc phải xem rất nhiều chương trình truyền hình nước ngoài để tham khảo. Tôi nhận thấy dường như mọi ngõ ngách về cuộc sống này đều có các chương trình truyền hình đề cập tới. Ở Việt Nam cũng vậy, tuy nhiên khán giả Việt Nam có vẻ ưa chuộng các chương trình ca hát, tìm kiếm người mẫu, nấu ăn, hẹn hò... hơn.

Tôi nghĩ, nếu mình đến sau thì mình phải tìm một đường khác. Tôi hướng tới một show thực tế có tính kế thừa những yếu tố hấp dẫn của các format truyền hình thực tế đang có, đó là tính thi đấu, loại trừ, kết hợp với những thử thách ngoài thực tế. Lực lượng Quân đội đã có các chương trình trải nghiệm, gameshow như “Sao nhập ngũ”, “Chúng tôi là chiến sĩ”... trong khi lực lượng Công an thì chưa.

Về mặt lực lượng, ngành Công an hoàn toàn có thể xây dựng được những chương trình tốt và tạo hình ảnh tươi trẻ về người chiến sĩ. “Mỹ nhân hành động” được bắt đầu như vậy, với chủ đích là cho các nữ nghệ sĩ nổi tiếng trải nghiệm trong môi trường sống và huấn luyện của các chiến sĩ Công an mới, với sự đồng hành của các chiến sĩ thực thụ.
Nhà văn Dương Bình Nguyên.

- Như anh nói, “Mỹ nhân hành động” là show truyền hình thực tế đầu tiên về Công an. Phải chăng trước đây, việc xây dựng các chương trình vừa mang tính trải nghiệm thực tế vừa mang tính giải trí trong môi trường Công an quá khó?

Với đặc thù của lực lượng vũ trang, tính kỷ luật, tính chính xác luôn đòi hỏi rất cao. Do vậy, việc cho những người ngoài ngành bước vào môi trường đó sống và ghi hình là một thách thức rất lớn. Thú thật là ở mùa đầu tiên này, nếu không phải là ANTV tiên phong làm thì tôi nghĩ sẽ rất khó có đơn vị nào làm nổi.

Trong ngành Công an, lãnh đạo các đơn vị luôn yêu cầu một kịch bản chính xác, ngày này làm cái gì, gặp ai và nói cái gì phải rất rõ ràng. Còn với đặc trưng của show thực tế, ngay cả người chơi và ekip cũng chỉ biết kịch bản trước một thời gian rất ngắn, để đảm bảo sự bất ngờ.

Ở show thực tế giải trí, mọi cảm xúc thường được thể hiện chân thực và khán giả thường thấy các nghệ sỹ buồn vui cao hơn bình thường, giận dữ cũng mạnh hơn bình thường, bởi họ luôn bị bất ngờ, và đó là đặc trưng của thể loại này, nhằm tạo ra màu sắc riêng.

Tuy nhiên, trong lực lượng Công an thì sự điềm tĩnh, nghiêm trang, chuẩn mực lại luôn được đề cao. Do đó, khi tôi viết format, phải dung hoà cả hai yếu tố này. Vì lần đầu tiên thực hiện nên mình phải mất nhiều thời gian hơn, để thuyết phục lãnh đạo các đơn vị đồng ý cho ghi hình.

Quá trình này là… rất gian nan và cả những nghi ngại, vì đúng là mới quá, thậm chí ngay trong kênh ANTV cũng không phải ai cũng biết về format chương trình. Có format rồi, cả đội ngũ biên tập ngồi viết kịch bản chi tiết cho từng tập và những thử thách cũng cụ thể hơn. Khi các đơn vị Công an hiểu chương trình có mục đích là gì, nội dung ra sao, đặc trưng của chương trình truyền hình thực tế là gì... thì họ sẵn sàng tạo điều kiện.

- Giữa một rừng các chương trình truyền hình thực tế đang bão hòa, có phải chính yếu tố mới mẻ về Công an giúp “Mỹ nhân hành động” hấp dẫn khán giả?

Dù gì “Mỹ nhân hành động” cũng là chương trình giải trí nên mình phải chọn nghệ sĩ được khán giả yêu mến, đó là một phần tạo nên sự hấp dẫn. Tuy nhiên, nó mang yếu tố lạ hơn nhờ có lực lượng Công an và thử thách mang tính kỹ năng nhiều hơn các show truyền hình giải trí khác. Đến giờ này chương trình cũng đạt được hiệu ứng nhất định về mặt cảm xúc, tạo được sự chú ý. Khán giả đánh giá chương trình có sức hấp dẫn riêng, không bị lẫn với show khác.

Càng về sau, các thử thách ngoài thực địa càng khốc liệt hơn, chắc chắn sẽ khiến khán giả phấn khích. Mục đích cốt lõi mà ekip làm chương trình hướng đến chính là: thứ nhất, các đội chơi cho mọi người thấy kỹ năng sống sót, sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt. Thứ hai, cho mọi người thấy một góc khác, gần gũi đời thường và vui tươi của người chiến sĩ Công an hiện đại. Khán giả sẽ có cái nhìn cận cảnh về chiến sĩ Công an bởi những tình huống, góc quay chân thực chứ không bị tô vẽ.

- Vừa là người viết kịch bản, vừa là giám đốc sản xuất một chương trình có format thuần Việt mới toanh như “Mỹ nhân hành động”, anh gặp thuận lợi cũng như khó khăn thế nào?

Cái gì đầu tiên cũng rất quan trọng. Nó là điểm ghi dấu, tạo ấn tượng. Chính cái đầu tiên ấy khiến khán giả tò mò và cũng gây ra phản ứng trái chiều. Lúc viết kịch bản và thực hiện, tôi và cả nhóm biên tập rất áp lực. Đến khi tập đầu lên sóng thì mình mới có thể tạm thời thở phào. Xem những tập đầu, công chúng khen chê đủ cả. Điều đó chứng tỏ họ rất quan tâm đến chương trình.

Tựu trung lại, tôi thấy mọi người hào hứng với nó và để lại những bình luận tích cực. Rõ ràng truyền hình thực tế đã đi rất xa rồi và dần bão hòa. Nhưng “Mỹ nhân hành động” sinh sau đẻ muộn mà vẫn thu hút, nhận được sự yêu thích của mọi người là điều rất mừng.

- Các mỹ nhân như Phương Anh Đào, Phương Oanh, Oxy... đều cho biết họ bị chấn thương, bầm dập như cơm bữa vì những thử thách khắc nghiệt. Tiêu chí để chương trình mời các nữ nghệ sĩ ra sao? Hẳn không dễ để thuyết phục họ nhận lời và chịu lăn xả như thế?

Ban đầu chúng tôi muốn chọn những người đẹp vốn đóng đinh với hình tượng yếu đuối, mảnh mai, tiểu thư để xem phản ứng của họ với những tình huống cần sự mạnh mẽ, cứng rắn, dẻo dai như thế nào. Ngay cả đạo diễn Võ Thanh Hòa khi gặp các cô ấy cũng bảo chắc sẽ thay đổi kịch bản vì sợ các cô không theo được.

Cái thú vị của truyền hình thực tế là tưởng vậy mà không phải vậy. Càng đi sâu vào các thử thách thì sự lì đòn và quyết tâm của các cô ấy càng thể hiện nhiều hơn. Trong số các nữ nghệ sĩ mà chúng tôi mời, Phương Oanh là người nhanh chóng nhận lời tham gia vì chương trình đáp ứng những trông đợi của cô ấy. Phương Oanh chưa từng tham gia chương trình truyền hình thực tế nào như thế này. Quan trọng hơn nữa là cô ấy rất thích những môi trường đặc biệt như môi trường Công an.

Ngọc Thanh Tâm lại là hình ảnh đối ngược. Tâm học trường quốc tế từ nhỏ, môi trường hướng đến sự thoải mái, tự tin và độc lập. Ở nhà, Tâm được gia đình yêu chiều, muốn làm gì cũng được, miễn cô ấy vui. Do vậy, Tâm từ chối tham gia chương trình tới 3 lần. Cô ấy sợ bị cách ly với cuộc sống bình thường, sẽ phải chịu áp lực, kỷ luật. Khi chúng tôi chuẩn bị có những phương án người chơi cuối cùng thì Ngọc Thanh Tâm đã nhận lời, với suy nghĩ xem mình có thể “sống sót” tới đâu (cười). Dù đồng ý tham gia nhưng Tâm không hình dung được các thử thách, hoạt động trong chương trình khắc nghiệt thế nào nên đến tập 2 thì cô ấy nằng nặc đòi bỏ về.

DJ Oxy thực hiện một thử thách.

- Vậy mà tôi cứ ngỡ Ngọc Thanh Tâm là người dễ mời nhất vì cô ấy từng đóng phim hành động và mong muốn xây dựng hình ảnh “đả nữ” trong tương lai.

Ngọc Thanh Tâm có sự mâu thuẫn giữa khát vọng bản thân và trải nghiệm thực tế. Tâm thích làm diễn viên và trở thành những nhân vật mạnh mẽ, nhưng ngoài đời thì cô ấy chưa từng phải xông pha vào những gian khổ. Cú sốc và những phản ứng của Tâm đều không nằm ngoài dự đoán của tôi. Nếu cô ấy không chịu được trong vài ngày đầu tiên thì cô ấy sẽ bỏ cuộc, còn không thì cô ấy sẽ mạnh mẽ chiến đấu. Và cô ấy đã đủ mạnh mẽ để… chiến đấu rất kiên cường (cười).

- Điều gì khiến anh chưa hài lòng ở mùa giải đầu tiên? Và chương trình sẽ có những bước cải thiện, đổi mới nào ở mùa hai để níu chân khán giả?

Thời gian để sản xuất mùa 1 quá gấp. Thông thường, một chương trình truyền hình thực tế cần khoảng thời gian dài, có khi cả năm để chuẩn bị các phương án sản xuất, casting, chào tài trợ.... Nhưng với chương trình này, từ lúc lên kế hoạch sản xuất đến khi quay xong chỉ vỏn vẹn 2 tháng. Gấp quá nên mọi thứ gây áp lực rất lớn cho ekip. Riêng format, kịch bản, tôi vẫn chưa thực sự hài lòng.

Ở mùa 2, chắc chắn chúng tôi sẽ làm tốt hơn vì đã có kinh nghiệm. Mùa 2 đương nhiên không thể làm giống mùa 1 vì khán giả đã biết hết. Nó sẽ là những câu chuyện khác, thử thách khác mới mẻ hơn vì đời sống người Công an có nhiều khía cạnh để mình khai thác.

Nhằm đổi mới, rất có thể các mỹ nhân mùa 2 sẽ là chiến sĩ Công an thực thụ, còn người chơi là nam nghệ sĩ. Chúng tôi sẽ tăng lên 10 đội chơi. Khóa huấn luyện sẽ không tính vào phần loại trừ mà ban tổ chức sẽ huấn luyện đội chơi trước rồi mới cho họ bước vào thử thách thực địa và loại trừ. Chúng tôi cũng cố gắng gia cố các thử thách để tăng sức hấp dẫn, gay cấn. Yếu tố hài hước cũng phải đẩy lên cao để làm cho không khí chương trình tươi vui.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Mai Quỳnh Nga
.
.